Thạc Sĩ Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/7/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
    Trong sự phát triển của mình, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào cũng đều kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước để lại để vươn tới trình độ mới cao hơn, đó chính là biện chứng của sự phát triển. Từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, ông cha ta đã rút ra nhiều bài học quý báu, cả trong đối nội và đối ngoại. Ví như, trong quan hệ cộng đồng, mặc dù đất nước có nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng tinh thần chung là: “Bầu ơi thương nấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; thái độ đối với những người mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn hối cải thì: “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”; còn đối với kẻ thù xâm lược khi đã đầu hàng: “Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng / Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức” Nhờ thực hiện những tinh thần ấy, toàn dân tộc đã đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng chống thiên tai, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, do chú ý phát huy truyền thống khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội nên sự nghiệp cách mạng nước ta đã đạt những thành tựu to lớn: chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, các vấn đề văn hóa – xã hội bức xúc từng bước được giải quyết, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được mở rộng, củng cố vững chắc, đi vào chiều sâu. Đúng như nhận định của Văn kiện Đại hội XI: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” [27, tr.158].
    Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa nước ta đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, một trong những động lực quan trọng để đạt mục tiêu trên được Đảng ta xác định là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn vậy, phải tìm ra điểm tương đồng, “mẫu số chung” để quy tụ tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi thành phần xã hội, người Việt Nam ở trong và ngoài nước thành một khối thống nhất - hay nói cách khác, phải xây dựng đồng thuận xã hội. Cùng với đó, quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, khi cả nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức, nguồn lực con người được coi là tài nguyên quý giá nhất, một dân tộc có cường thịnh, hùng mạnh hay không trước hết phụ thuộc vào sự quy tụ sức người – tức xây dựng và phát huy cho được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này cho thấy, đồng thuận xã hội càng là yêu cầu cấp thiết của nước ta.
    Tuy nhiên, phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra những vấn đề như:
    Một là, một bộ phận cán bộ, nhân dân đang có cách hiểu phiến diện về khoan dung, coi đó là sự “tha thứ”, “ban ơn” của người thắng với kẻ thua, của người đúng với kẻ sai, người trên với kẻ dưới. Chính nhận thức này đã làm cho những mâu thuẫn, bất đồng đã có ngày càng trở nên trầm trọng.
    Hai là, sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội, dân trí tương đối cao làm nảy sinh hoặc sâu sắc thêm những mâu thuẫn, khác biệt đã có từ trước, như: các quan điểm khác nhau về con đường phát triển đất nước, một số vấn đề do lịch sử để lại, tính phức tạp trong quan hệ dân tộc, tôn giáo
    Ba là, những hạn chế trong quản lý xã hội dẫn tới trường hợp một bộ phận quan chức tham nhũng, các cá nhân làm ăn phi pháp giàu lên nhanh chóng trong khi đời sống của bộ phận lớn những người lao động còn vô cùng khó khăn; sự phân hóa thu nhập, trình độ phát triển giữa các giai cấp, dân tộc, vùng miền ngày càng doãng ra làm cho những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội ngày càng gia tăng.
    Bốn là, khi nguồn “năng lượng” đã từng phát huy vai trò tích cực của nó trong công cuộc đổi mới những năm qua dần cạn kiệt, thì dân chủ hóa đời sống xã hội phải được xem như một động lực cần được khai thác nhiều hơn cho sự phát triển đất nước. Muốn vậy, phải tôn trọng, chấp nhận những quan điểm, ý kiến khác nhau - hay nói cách khác, phải thực hành khoan dung; song, làm thế nào để các ý kiến khác nhau được tôn trọng nhưng vẫn giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa ?
    Năm là, những diễn biến phức tạp trên biển Đông gần đây đòi hỏi cả dân tộc phải đoàn kết, thống nhất để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhưng, một bộ phận nhỏ quần chúng nhân nhân, vì bất bình trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã có những hành động tự phát, thiếu kiềm chế với một số doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân người nước ngoài. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, sức mạnh chính nghĩa của dân tộc trong con mắt bạn bè quốc tế.
    Những yếu tố trên đang tác động bất lợi đến quy tụ sức mạnh toàn dân tộc để thúc đẩy quá trình đổi mới tiến lên. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội càng trở thành vấn đề có tính chất quyết định. Có thể nói rằng: chưa bao giờ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc gắt gao như hiện nay. Cũng chưa bao giờ sức mạnh dân tộc đòi hỏi nhất thiết phải được xác lập trên cơ sở phát huy sự giác ngộ và khả năng cống hiến của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc như hiện nay. Điều này có nghĩa: dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cho được truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội phải được xem là yếu tố chiến lược, quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và cả tương lai.
    Với những lý do đó, chúng tôi chọn vấn đề: “Phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài cho luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học của mình.
    2. Mục tiêu, nhiệm vụ
    2.1. Mục tiêu: trên cơ sở nghiên cứu truyền thống và thực trạng thực hiện khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội của dân tộc, luận án đề xuất một số quan điểm, giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát huy truyền thống này ở Việt Nam hiện nay.
    2.2. Nhiệm vụ: để đạt mục tiêu trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau:
    - Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội;
    - Phân tích, đánh giá thực trạng phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội trong thời kỳ đổi mới, những vấn đề đang đặt ra hiện nay;
    - Đề xuất một số quan điểm, giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu: Truyền thống khoan dung và tác động của nó tới xây dựng đồng thuận xã hội trong lịch sử và hiện nay ở Việt Nam.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu: tác động của khoan dung nhằm tạo đồng thuận xã hội trong lịch sử và hiện nay từ giác độ chính trị - xã hội.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Luận án sử dụng các phương pháp chung trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn theo quan điểm mácxít như: kết hợp chặt chẽ logic và lịch sử; lý luận và thực tiễn; phân tích và tổng hợp; nghiên cứu văn bản
    5. Cái mới của luận án
    Một là, luận án nghiên cứu khoan dung, đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội từ phương diện chính trị - xã hội;
    Hai là, luận án xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay;
    Ba là, luận án làm sáng tỏ những thành tựu, hạn chế phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực chủ yếu; chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra cần được nghiên cứu giải quyết;
    Bốn là, luận án đã đề xuất sáu quan điểm, bốn nhóm giải pháp phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
    6.1. Ý nghĩa lý luận: luận án góp phần phát triển thêm một bước nhận thức về khoan dung, đồng thuận xã hội; vai trò của khoan dung đối với xây dựng đồng thuận xã hội; từ đó, tổng kết thực tiễn lịch sử dân tộc trong việc phát huy tinh thần khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
    6.2. Ý nghĩa thực tiễn: luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy các nội dung có liên quan mà luận án đã trình bày; cung cấp cơ sở lý luận cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách về khoan dung, đồng thuận xã hội; phát huy truyền thống khoan dung nhằm tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    7. Kết cấu của luận án
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố có liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...