Luận Văn Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Xu thế chung của thế giới hiện nay là chuyển nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế tri thức. Vì vậy, vấn đề nguồn nhân lực ngày càng giữ vị trí trung tâm đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Con người đang được coi là động lực đồng thời là mục tiêu cuối cùng trong quá trình phát triển của các quốc gia.
    Phụ nữ là người đảm nhiệm vai trò “kép”: vừa là lực lượng lao động cơ bản của xã hội, vừa có trách nhiệm trực tiếp tái sản xuất ra con người. Quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ nói chung, khai thác và bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ nói riêng không chỉ là vấn đề nhân đạo của một quốc gia, một xã hội mà còn là đòi hỏi thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
    Trong chiến lược chung về phát triển nguồn nhân lực, xuất phát từ những nhu cầu khách quan và quan điểm mácxít về vai trò của phụ nữ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi phụ nữ là động lực quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp và chính sách sử dụng nguồn nhân lực nữ và đã huy động được sức mạnh to lớn của phụ nữ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Định hướng chiến lược của Việt Nam hiện nay là đổi mới và phát triển. Những cơ hội và thử thách đặt ra đã và đang đòi hỏi hơn bao giờ hết mọi tiềm năng quốc gia phải được khai thác hợp lý, trong đó có nguồn nhân lực nữ.
    So với cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với mức tăng GDP bình quân trên 10%/năm. Đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô không thể không kể đến vai trò quan trọng của phụ nữ - chiếm trên 49% dân số và lực lượng lao động toàn Thành phố. Chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo cơ hội cho sự phát triển của phụ nữ, song, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho phụ nữ trong việc tiếp cận với các cơ hội về việc làm, giáo dục - đào tạo, trong hưởng thụ các thành quả của sự phát triển. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Thủ đô đang yêu cầu ngày càng cao đối với nguồn nhân lực nữ về trình độ chuyên môn, thể lực, kỹ năng lao động .
    Vấn đề đặt ra là phải biết khai thác, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của nguồn nhân lực nữ tạo động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, việc nghiên cứu làm rõ thực trạng nguồn nhân lực nữ, tìm giải pháp để bồi dưỡng và phát huy nguồn lực này là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết. Vì thế, tôi chọn vấn đề “Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay” làm đề tài luận văn thạc sĩ khoa học Triết học.
    2.Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
    Do vị trí, vai trò và ý nghĩa chiến lược quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nên đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Tiêu biểu như:“ Con người và nguồn lực con người trong phát triển” của Viện Thông tin Khoa học xã hội (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995) Công trình KHCN cấp nhà nước KX - 07 “ Con người Việt Nam - Mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội” năm 1995, “ Phát triển nguồn nhân lực. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn nước ta” của PTS Trần Văn Tùng và Lê Ái Lâm ( Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996),
    “Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào CNH - HĐH” của Phạm Minh Hạc (Nxb Chính trị Quốc gia, 2001), “ Lao động, việc làm và nguồn nhân lực ở Việt Nam 15 năm đổi mới” của Nolwen Henaff và Jean - Yves Martin
    Luận án tiến sĩ: “ Phát triển nguồn nhân lực và vai trò của giáo dục - đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH” của Nguyễn Thanh, 2001; Luận án phó tiến sĩ: “Sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình CNH - HĐH ở nước ta ” của Trần Kim Hải, 1999
    Nguồn nhân lực nữ là bộ phận quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, vì thế đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu về phụ nữ. Tiêu biểu như: GS triết học Lê Thi với Vấn đề tạo việc làm tăng thu nhập nâng cao địa vị người phụ nữ hiện nay, Vài suy nghĩ về phương pháp luận tiếp cận việc nghiên cứu người phụ nữ và vai trò của giáo dục gia đình trong sự phát triển nguồn nhân lực năm 1993, Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh và Lê Ngọc Hùng với “Phụ nữ, giới và phát triển” năm 2000
    Trước những yêu cầu cấp thiết của việc nghiên cứu vấn đề nguồn nhân lực nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, từ phía các cơ quan hoạch định chính sách cũng đã có một số hội thảo tập trung bàn về vấn đề này như: “ Vai trò giới tính và nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” do Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức năm 1995, hội thảo “Đưa vấn đề giới vào phát triển - Thông qua sự bình đẳng giới về quyền hạn, nguồn lực và tiếng nói” do Ngân hàng Tái thiết và phát triển Quốc tế/ Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội năm 2000.
    Một số công trình nghiên cứu của tập thể và cá nhân liên quan đến nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội như: “ Sự chuyển biến vai trò của phụ nữ nội thành Hà Nội dưới tác động của công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường” của Đặng Kim Nhung thuộc một công trình nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan năm 1996 - 1997; Khảo sát thực trạng giới tại Hà Nội của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà nội năm 2000, “Phát huy nguồn lao động nữ ở ngoại thành Hà Nội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay” của Ban nữ công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2002; Luận văn tiến sĩ “Tạo việc làm cho lao động nữ Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của Trần Thị Thu năm 2002 .
    Ngoài ra, còn có một số bài viết đăng tải trên các báo, tạp chí đề cập đến vấn đề nguồn lực phụ nữ như “Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” của PGS Bùi Thị Kim Quỳ (Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 2, 1996) “Cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định nghề đào tạo dự phòng cho phụ nữ “ của Tiến sĩ Nguyễn Tín Nhiệm và Tiến sĩ Phan Thị Thanh (Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 4,2002), “Việc làm của phụ nữ Hà Nội” của Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh (Tạp chí Khoa học về phụ nữ, 2/2003)
    Các công trình nghiên cứu, các bài viết đã đề cập những khía cạnh khác nhau về nguồn nhân lực nữ. Tuy nhiên, cho đến nay các nghiên cứu về nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội còn rất phân tán, thiếu những chuyên khảo về thực trạng nguồn nhân lực nữ một cách toàn diện, hệ thống để từ đó đề xuất các giải pháp phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm một cách công bằng giữa hai giới. Vì vậy, tác giả mong muốn làm sáng tỏ hơn vấn đề này trong luận văn.
    3. Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Mục đích: Trên cơ sở phân tích thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay, luận văn đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay.
    Để đạt mục đích đó, luận văn phải thực hiện nhiệm vụ sau:
    - Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực nữ, những nhân tố tác động đến việc phát huy nguồn nhân lực nữ .
    - Xác định tầm quan trọng của việc phát huy nguồn nhân lực nữ và những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực nữ trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay.
    - Làm rõ thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay.
    - Đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay.
    Phạm vi nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước, trong đó tập trung nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực nữ và những khía cạnh chủ yếu trong việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
    Đề tài dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về con người, nguồn lực con người, quan điểm về vai trò của phụ nữ và giải phóng phụ nữ.
    Phương pháp thực hiện đề tài là các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong phân tích những vấn đề thực tiễn xã hội, chủ yếu sử dụng phương pháp kết hợp lịch sử và lôgíc, phân tích - tổng hợp, trừu tượng - cụ thể. Ngoài ra luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, thu thập xử lý thông tin và áp dụng cách tiếp cận nghiên cứu bình đẳng giới.
    5. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
    - Làm rõ thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay.
    - Đề xuất những giải pháp đặc thù nhằm phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay.
    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
    Góp phần vào việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về nguồn lực phụ nữ, bổ sung thêm những cơ sở khoa học có thể tham khảo trong hoạch định chiến lược tổng thể và chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội.
    Dùng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập về nguồn nhân lực nữ trong các trường, các cơ quan chức năng ở Thành phố Hà Nội.





    MỤC LỤC


    Trang
    MỞ ĐẦU 1
    Chương 1: NGUỒN NHÂN LỰC NỮ VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 6
    1.1 Nguồn nhân lực nữ và những nhân tố tác động đến việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Việt Nam hiện nay 6
    1.2 Tầm quan trọng của việc phát huy nguồn nhân lực nữ và yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực nữ trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay 23
    Chương 2: NGUỒN NHÂN LỰC NỮ VÀ VIỆC PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC NỮ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HÀ NỘI HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 36
    2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của Hà Nội ảnh hưởng đến việc phát huy nguồn nhân lực nữ 36
    2.2 Thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay 39
    2.3. Những vấn đề đặt ra đối với việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay 64
    Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC NỮ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HÀ NỘI HIỆN NAY 69
    3.1. Phương hướng phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay 69
    3.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay 74
    KẾT LUẬN 94
    DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 96
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 97
    PHỤ LỤC










    DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN




    CNH : Công nghiệp hoá
    CNKT : Công nhân kỹ thuật
    CSXH : Chính sách xã hội
    GDI : Chỉ số phát triển giới
    GDP : Tổng sản phẩm nội địa
    HDI : Chỉ số phát triển con người
    HĐH : Hiện đại hoá
    THCN : Trung học chuyên nghiệp
    UNDP : Chương trình phát triển của Liên hợp quốc
    XHCN : Xã hội chủ nghĩa
     
Đang tải...