Thạc Sĩ Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÓM TẮT LUẬN ÁN

    I. LÝ DO NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

    Việc mở cửa của mỗi quốc gia kéo theo xung đột trong việc thu hút đầu tư, do mức độ đầu tư càng lớn thì khả năng mang lại nguồn lợi cho quốc gia đó càng cao. Điều đó làm xuất hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước sở tại dành cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những ưu đãi về thuế. Đây là căn nguyên cho những kẽ hở để từ đó có thể hình thành các thủ thuật nhằm chuyển hóa quyền sở hữu lợi ích từ chủ thể này sang chủ thể khác. Chuyển giá (transfer pricing), là một thủ thuật như vậy, đang ngày càng được sử dụng phổ biến trong nhiều giao dịch giữa các chủ thể liên kết. Pháp luật điều chỉnh về giao dịch có dấu hiệu chuyển giá ở Việt Nam được thai nghén và ra đời vào năm 1997. Với sáu lần sửa đổi, pháp luật kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở chỗ đưa ra những quy định mang tính định hình. Quan hệ phối hợp trong việc thực hiện vấn đề này chưa được đặt ra. Mặt khác các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa được trang bị các công cụ thích ứng và hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện kiểm soát. Việc đưa cơ chế này vào vận hành trong thực tiễn một cách thích hợp vẫn còn là một khoảng cách xa.
    Xuất phát từ sự thực tiễn pháp lý đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam” với mong muốn xây dựng một nền tảng lý luận cho việc điều chỉnh pháp luật đối với hành vi chuyển giá ở Việt Nam, cũng như tìm ra một cơ chế pháp lý phù hợp để đưa những quy định này vào đời sống.
    II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
    Nhiều nghiên cứu về vấn đề này từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD- Organization on Economic Cooperation and Development), Diễn đàn thương mại và phát triển- UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development).Vấn đề này còn được nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới đề cập và thảo luận trên các website chuyên về chuyển giá www.mondaq.com, www.ustransferpricing.com/ , www.transferpricing.com . Các nghiên cứu về chuyển giá ở Việt Nam cho đến nay cũng đã được thực hiện bởi một số tác giả, ở góc độ phân tích kỹ thuật, phương pháp tính toán, mô tả chuyển giá và dẫn giải các hướng dẫn của OECD, cũng như đặt những bước nghiên cứu khởi đầu cho một nghiệp vụ phức tạp là chuyển giá. Do đó cần có những nghiên cứu nối tiếp để thiết lập cơ sở lý luận, hình thành khung pháp lý với những cấu thành cơ bản và biện pháp pháp lý hữu hiệu nhằm điều chỉnh vấn đề này ở Việt Nam.
    III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
    Mục đích nghiên cứu của luận án “Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt nam” là xây dựng luận cứ khoa học và hình thành mô hình lý thuyết cho việc điều chỉnh pháp luật về chuyển giá ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, nhiệm vụ chính của luận án là xem xét chuyển giá dưới góc độ là một hiện tượng pháp lý trên nền tảng các quan hệ kinh tế đã được định hình.
    IV. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
    Đối tượng nghiên cứu của Luận án là hành vi chuyển giá. Hành vi này được xem xét dưới góc độ pháp lý trong quan hệ phân phối lợi ích. Việc nhận diện hành vi này có ý nghĩa xác lập quan hệ pháp luật liên quan. Chuyển giá có đặc thù là chỉ xảy ra khi thực hiện giao dịch liên kết. Vì thế phạm vi nghiên cứu hành vi pháp lý này sẽ được giới hạn trong các giao dịch liên kết, diễn ra trong thị trường nội địa và xuyên biên giới.
    V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    Phương pháp luận được sử dụng trong quá trình nghiên cứu là phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử dựa trên cơ sở các hiện tượng khách quan và các quy luật kinh tế xã hội. Trong quá trình nghiên cứu, luận án còn dựa trên các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng và phát triển nền kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu hội nhập Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, bình giải, thống kê, loại suy là phương pháp mang tính kỹ thuật, chủ yếu được sử dụng khi nghiên cứu luận án này. Ngoài ra, phương pháp chuyên gia và phương pháp khảo sát-điều tra cũng được sử dụng trong quá trình tiếp cận thực tiễn.
    VI. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI
    Luận án mang đến những đóng góp mới cho khoa học pháp lý khi đã nghiên cứu và đi đến những kết luận sau:
    Thứ nhất, khẳng định chuyển giá là một hành vi mang tính tất yếu, khách quan khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định và có xu hướng gia tăng khi các nước tiến hành mở cửa, hội nhập và thu hút đầu tư cùng với sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích.
    Thứ hai, nhận diện các tác động tiêu cực của chuyển giá là làm giảm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, làm thay đổi cấu trúc của các giao dịch thương mại, làm sai lệch giá vốn dẫn đến sai lệch trong phân phối lợi ích, tạo ra khả năng chiếm lĩnh, giành thị phần cũng như thôn tính đối tác với mức chi phí thấp nhất.
    Thứ ba, luận giải đặc tính của pháp luật về kiểm soát chuyển giá là pháp luật công xuất phát từ yêu cầu lập lại trật tự trong quản lý nhà nước về Thuế. Phương pháp mệnh lệnh quyền uy là phương pháp chủ yếu được sử dụng để điều chỉnh chuyển giá và đối tượng điều chỉnh chính là các giao dịch hình thành giá cả.
    Thứ tư, phác họa bức tranh về thực trạng pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam thông qua sự phân tích, đánh giá và luận giải những nội dung đã được quy định nhưng còn khá xa lạ ở Việt Nam hơn 10 năm qua.
    Thứ năm, làm rõ các mối quan hệ liên quan đến chuyển giá và nội hàm cần thiết cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kiểm soát chuyển giá.
    Thứ sáu, phân tích, lý giải mối quan hệ về mặt bản chất giữa luật nội địa và luật quốc tế trong quá trình điều chỉnh chuyển giá. Theo đó, pháp luật về kiểm soát chuyển giá là luật nội địa điều chỉnh đối với hành vi chuyển giá gây tác động tiêu cực đối với thị trường nội địa và được thực hiện bởi các chủ thể là đối tượng nộp thuế thu nhập của nước điều chỉnh.
    Thứ bảy, xây dựng mối quan hệ pháp lý giữa các phạm trù như “nơi ẩn náu thuế”, “thoả thuận trước giá giao dịch”, “trị giá hải quan”, “quan hệ liên kết” v.v. với chuyển giá nhằm xác định vị trí của những phạm trù này trong tương quan điều tiết chuyển giá cũng như hình thành cơ chế phối hợp và giải quyết hài hoà các vấn đề lợi.
    Thứ tám, đưa ra những luận giải để xây dựng một mô hình lý thuyết cho việc điều chỉnh về chuyển giá với tên gọi, bộ thuật ngữ và các cấu thành cơ bản. Pháp luật về kiểm soát chuyển giá theo đó vừa là luật nội dung cũng vừa là luật hình thức.
    Thứ chín, xác lập cơ chế pháp lý phối hợp, hỗ trợ để có thể triển khai các quy phạm chuyển giá vào đời sống thực tiễn ở Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...