Tài liệu Pháp luật về hối phiếu

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHÁP LUẬT VỀ HỐI PHIẾU

    TUẦN 1 (4 tiết)

    I. KHÁI NIỆM, ĐẶC TRƯNG, PHÂN LOẠI HỐI PHIẾU (2 tiết)

    1. Khái niệm và bản chất của Hối phiếu (1 tiết)

    Thương mại phát triển kéo theo sự gia tăng nhu cầu về vốn; các thương nhân có thể vay vốn ngân hàng hoặc vay các thương nhân khác thông qua hình thức mua bán chịu hàng hoá trên cơ sở lòng tin giữa các thương nhân, các thương nhân cũng phải sáng tạo ra phương thức thanh toán mới mà không sử dụng cách trả tiền ngay như thông thường.

    Thương phiếu được biết đến như những văn bản ghi nhận nợ khi các thương gia mua bán chịu hàng hóa thực chất đây là quá trình “chứng chỉ hóa các hợp đồng mua bán chịu giữa các thương nhân”

    Vào cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII Hối phiếu được sử dụng phổ biến với tư cách công cụ thanh toán có thể chuyển nhượng. Đến khoảng thế kỷ XIV, XV các thương nhân đã sử dụng hối phiếu đòi nợ và hối phiếu dùng thanh toán bù trù giữa các khoản vay và cho vay với nhau trên cơ sở thương phiếu. Khi đó, hối phiếu được sử dụng như một công cụ thanh toán trong quan hệ mua bán trả chậm, vừa là công cụ tín dụng. Ở Việt Nam, hối phiếu xuất hiện khá muộn, vào thời gian Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Thời kỳ này, hối phiếu được sử dụng chủ yếu trong quan hệ đối ngoại, thường là được sử dụng để trả nợ nước ngoài.

    Sau này, ngay cả khi đã giành được độc lập thì hối phiếu không được nhắc đến. Bởi vì trong cơ chế cũ, Nhà nước không thừa nhận tín dụng thương mại hay “quan hệ mua bán chịu hàng hóa”, vì nền kinh tế kế hoạch hóa là nền kinh tế có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, tất cả thực hiện theo kế hoạch. Thậm chí có người cho rằng tín dụng thương mại là loại quan hệ chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế trong quan hệ thương mại và dân sự vẫn có những quan hệ mua bán chịu nhưng nó thường được ghi nhận bằng các giấy ghi nợ và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

    * Khái niệm Hối phiếu

    Cho đến hiện nay vẫn còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về nội hàm của khái niệm hối phiếu.

    Theo cách hiểu thông thường : Hối phiếu là giấy nợ được lập ra trong một quan hệ thương mại giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa các thương nhân với những người không phải thương nhân.

    Bộ Luật Thương mại Mỹ năm 1972, hối phiếu là công cụ có thể chuyển nhượng được người lập hoặc người ký phát- phát hành chứa đựng cam kết hoặc lệnh thanh toán không điều kiện trả một khoản tiền xác định cho người cầm hoặc trả theo lệnh của người này vào thời điểm theo yêu cầu hoặc được xác định tương ứng.

    Theo Điều 3 Luật Hối phiếu Anh năm 1882, hối phiếu là một lệnh thanh toán bằng văn bản được một người phát hành ký và gửi cho người khác, yêu cầu người này trả khi có yêu cầu hoặc sau một thời gian có thể xác định trong tương lai một khoản tiền nhất định cho một người xác định hoặc theo lệnh của người này hoặc cho người cầm hối phiếu.

    - Theo từ điển Tài chính – Ngân hàng của Peter Collin Publishing năm 1994 (Anh): “Hối phiếu là một tài liệu được một người ký phát, yêu cầu người khác trả tiền không điều kiện một khoản tiền cho một người nhất định vào một ngày xác định”.

    - Theo từ điển Luật của Steven H.Gifis năm 1991 (Mỹ): “Hối phiếu là lệnh trả tiền bằng văn bản của người lập ra lệnh cho một người khác trả một số tiền nhất định cho người có tên” hoặc “Hối phiếu là một loại công cụ có thể chuyển nhượng, trong đó người lập cam kết trả một số tiền xác định tại một thời điểm nhất định”.

    - Theo từ điển Luật Black năm 1991 (Mỹ ): “Hối phiếu là lệnh bằng văn bản của một bên ra lệnh cho bên khác trả một khoản tiền cho bên thứ ba” hay “Hối phiếu là lệnh thanh toán không điều kiện của một người lập hay người ký phát yêu cầu người khác trả một khoản tiền nhất định theo yêu cầu hoặc vào một thời điểm ấn định hay tại thời điểm có thể xác định trong tương lai”

    - Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ năm 1995, “Hối phiếu là phiếu qua đó một người (chủ nợ) yêu cầu một người khác (con nợ) trả một món tiền theo kỳ hạn nhất định cho một người thứ ba”

    - Theo Bộ Luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, “Thương phiếu (gồm hối phiếu, lệnh phiếu, chi phiếu ) là một thứ phiếu có thể chuyển dịch được, dùng để xác nhận cho người cầm phiếu một trái quyền ngắn hạn”.

    - Theo Luật Thương mại Việt Nam 1997, thương phiếu (gồm hối phiếu và lệnh phiếu) được hiểu là chứng từ ghi nhận sự thanh toán vô điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định.

    - Theo Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999: “Thương phiếu là chứng chỉ có giá ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định. Thương phiếu bao gồm hối phiếu và lệnh phiếu”

    Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì hối phiếu bao gồm hai loại là hối phiếu đòi nợ và hối phiếu nhận nợ, trong đó:

    + Hối phiếu đòi nợ: là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

    + Hối phiếu nhận nợ: là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

    Nhìn một cách khái quát ta có thể thấy nội hàm chung của các khái niệm trên có những nét tương đồng sau:

    Một là, hối phiếu là một chứng chỉ có giá, phương tiện thanh toán;

    Hai là, hối phiếu ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định;

    Ba là, thời hạn thanh toán của hối phiếu là khi có yêu cầu hoặc sau một thời hạn có thể xác định trong tương lai.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...