Tiến Sĩ Pháp luật chống định giá lạm dụng của EU, Hoa Kỳ, Việt Nam – So sánh và kinh nghiệm áp dụng cho Việt

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 9/3/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    DOCTORAL DISSERTATION OF LAW ( LUẬN ÁN TIẾN SỸ LUẬT HỌC)
    REGULATIONS AGAINST ABUSIVE PRICING – A COMPARISON OF EU, US, AND VIETNAMESE LAWS AND AN APPLICATION OF ITS RESULTS TO VIETNAM (Pháp luật chống định giá lạm dụng của EU, Hoa Kỳ, Việt Nam – So sánh và kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam)
    Chương 1
    GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI
    1.1. Bối cảnh chọn đề tài

    Cạnh tranh và độc quyền là những vấn đề nội tại của nền kinh tế thị trường. Trong khi nhiều quốc gia khác đã trải qua thời gian dài tích lũy kinh nghiệm giải quyết những vấn đề này, Việt Nam mới tiến hành quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn hai thập kỷ. Vì vậy, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cả về lý thuyết lẫn thực tế trong việc bảo vệ cạnh tranh hiệu quả. Xuất phát từ đặc thù hoàn cảnh riêng, lạm dụng vị trí thống lĩnh là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở thị trường Việt Nam. Do đó nghiên cứu vấn đề này có tầm quan trọng đáng kể cho cải cách nền kinh tế Việt Nam.
    Ở nền kinh tế thị trường, giá cả là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện thực trạng cạnh tranh. Giá cả được xác lập và vận hành theo các qui luật kinh tế, và là kết quả của cạnh tranh. Hầu hết các khái niệm kinh tế cơ bản đều liên quan đến giá cả. Câu hỏi người bán là người đi theo giá cả hay là người tạo ra giá cả dùng để nhận dạng thị trường là cạnh tranh, độc quyền hay độc quyền nhóm.
    Giá cả cũng là công cụ quan trọng mà các đối thủ cạnh tranh sử dụng để chiến đấu nhằm tồn tại và giành được một vị trí trong thị trường liên quan. Định giá là công việc hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp ở nền kinh tế thị trường. Nó là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh. Trong hoạt động cạnh tranh, định giá được sử dụng đầu tiên. Những chiến lược áp dụng đối với các yếu tố khác của sản phẩm như chất lượng, tính năng sử dụng hay bảo hành, hậu mãi, v.v., suy cho cùng, đều liên quan gián tiếp đến giá của sản phẩm. Định giá có thể sử dụng với mục đích cạnh tranh hoặc phản cạnh tranh. Trong thị trường độc quyền, quyền lực chi phối, quyết định giá nằm trong tay của nhà độc quyền. Họ thường có khuynh hướng khai thác quyền lực đó để tận thu lợi ích và duy trì vị trí độc quyền của mình. Cơ chế tự điều chỉnh của thị trường có khả năng làm cho thế lực độc quyền suy yếu dần và cuối cùng bị tiêu diệt theo thời gian. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tự thị trường không thể kiểm soát và ngăn chặn các hành vi của doanh nghiệp độc quyền để cố thủ với vị thế đó, triệt tiêu khả năng cạnh tranh của bất kỳ đối thủ nào ngay khi vừa nhen nhóm hình thành. Vì vậy Nhà nước luôn phải giữ một vai trò nhất định trong việc can thiệp vào thị trường đúng lúc, đúng chỗ, đúng biện pháp để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh tồn tại phát triển, ngăn chặn, xử lý những hành vi hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị thế độc quyền.
    Thời điểm ra đời của pháp luật kiểm soát độc quyền trên thế giới được thừa nhận rộng rãi là năm 1890 khi Luật Sherman của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thông qua. Sau đó Hoa Kỳ lần lượt ban hành nhiều đạo luật khác. Trong các đạo luật này, Điều 2 Luật Sherman, Điều 2 và 3 Luật Clayton, và Luật Robinson – Patman tạo thành khuôn khổ của chế định chống lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Ở Liên Minh Châu Âu, pháp luật về kiểm soát độc quyền ra đời cùng với và là một phần của sự hình thành Cộng Đồng Chung. Các qui định về nguyên tắc cạnh tranh đã xuất hiện ở Điều 3(g), 85 và 86 của Công Ước thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu ký tại Rome ngày 25 tháng 3 năm 1957. Về cơ bản nội dung cả hai điều 85 và 86 Công ước Rome thuộc pháp luật kiểm soát độc quyền vì điều 85 cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh và điều 86 cấm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Sau đó, cùng với sự phát triển của Cộng Đồng Châu Âu, Hai điều 85 và 86 của Công Ước Rome được ghi nhận lại tại điều 81 và điều 82 của Công Ước về Cộng đồng Châu Âu, và hiện nay được sửa đổi trở thành Điều 101 và 102 của Công ước về Chức năng của Liên Minh Châu Âu (TFEU). Luật chống độc quyền của Hoa Kỳ và Luật cạnh tranh EU trở thành hai mô hình cơ bản của pháp luật cạnh tranh trên thế giới.
    Dựa vào lý thuyết và đặc điểm hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, chống lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường có ý nghĩa vừa hết sức thời sự vừa mang tầm chiến lược của pháp luật kiểm soát độc quyền. Nhiệm vụ của chế định này là buộc tất cả những quyền lực khống chế thị trường phải tôn trọng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và chấm dứt mọi hành vi hạn chế cạnh tranh.
    Tuy nhiên, sau sáu năm từ khi có hiệu lực, Luật Cạnh Tranh Việt Nam chưa thể hiện nhiều hiệu quả thực tế. Đến nay chỉ có ba vụ việc liên quan hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền đã hoặc đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết theo qui định của Luật Cạnh Tranh: (1) Vụ việc công ty Tân Hiệp Phát khiếu nại công ty liên doanh nhà máy bia Việt Nam (Hội đồng Cạnh tranh đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc vì doanh nghiệp bị khiếu nại không nắm giữ vị trí thống lĩnh ở thị trường liên quan); (2) Vụ Vinapco (Hội đồng Xử lý Vụ việc Cạnh tranh đã ra quyết định xử phạt Vinapco về hành vi lạm dụng vị trí độc quyền); và (3) Vụ Megastar (Cục Quản lý Cạnh tranh đã quyết định điều tra chính thức). Đồng thời hiện nay có nhiều hành vi khác đã hoặc đang thu hút tranh luận của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu và luật gia về việc liệu đó có phải là những hành vi lạm dụng hay không, ví dụ hành vi tăng giá dược phẩm, tăng giá sữa, giá thép, “cuộc chiến về giá” giữa các nhà cung ứng dịch vụ viễn thông di động, tranh chấp về giá thuê cột điện giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiếu nại về việc tăng giá liên quan đến độc quyền phát sóng các trận đấu ngày Chủ nhật của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) của dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ ở Việt Nam. Những trường hợp thực tiễn này cho thấy hai vấn đề. Một là, mặc dù Luật Cạnh Tranh và hàng loạt các luật khác, các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành, trong xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng kinh doanh vẫn chưa có sự hiểu biết thống nhất về các khái niệm liên quan. Hai là, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức mà Luật Cạnh Tranh chưa xử lý được. Hiện tượng này gợi ra câu hỏi về giá trị thực tiễn của các qui định trong Luật Cạnh Tranh, và câu hỏi về việc Nhà nước Việt Nam nên làm gì tiếp theo để xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện, rõ ràng và nhất quán.
    Nguồn tài liệu liên quan về chế định này trong pháp luật EU và Hoa Kỳ rất dồi dào. Sử dụng Luật So Sánh để làm sáng tỏ các qui định hiện hành về lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền của hai hệ thống này, trong khi nghiên cứu hiện trạng của pháp luật Việt Nam để tìm ra các giải pháp thực tế cho những vấn đề, những khoảng trống còn tồn tại, sẽ là một việc làm hữu ích mang đến đầy đủ thông tin lý luận và thực tiễn. Đồng thời thực tế cho thấy nhiều hành vi lạm dụng bị nhận dạng và xử lý liên quan đến chính sách định giá của các doanh nghiệp thống lĩnh. Vì thế tác giả quyết định nghiên cứu và viết luận án tiến sĩ với đề tài: “Pháp luật chống Định giá Lạm dụng của EU, Hoa Kỳ, Việt Nam – So sánh và kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam.”
    Kết quả từ công trình nghiên cứu này sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu về một chế định pháp luật quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống pháp luật khác bằng phương pháp so sánh có thể giúp tác giả có những đề xuất đóng góp phù hợp cho việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh. Hơn nữa, tác giả tin rằng kết quả nghiên cứu sẽ hữu ích cho công tác giảng dạy của mình và trở thành tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến chủ đề này.
    1.2. Mục đích nghiên cứu
    Công trình nghiên cứu này có hai mục đích. Mục đích thứ nhất là áp dụng các phương pháp luật so sánh để tìm hiểu cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn pháp luật cạnh tranh về chống các hành vi định giá lạm dụng của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường ở EU, Hoa Kỳ và Việt Nam. Tác giả nghiên cứu để tìm ra ý nghĩa phổ biến của các khái niệm liên quan, những điểm chung trong các biện pháp được áp dụng để phòng tránh và xử lý hành vi vi phạm. Luận án đồng thời tìm kiếm những khác biệt trong pháp luật của các nước và xác định nguyên nhân, điều kiện, hệ quả của những khác biệt đó.
    Mục đích thứ hai là rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam. Mục đích này không thể đạt được nếu tác giả không có những hiểu biết rõ ràng và toàn diện về thực trạng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tác giả hướng đến xác định những nội dung và tác động thực tế của pháp luật hiện hành điều chỉnh hành vi định giá lạm dụng. Đồng thời, và quan trọng hơn, tác giả mong muốn tìm ra những “lỗ hổng” hay điểm yếu của pháp luật cạnh tranh Việt Nam trong lĩnh vực này và đề xuất giải pháp khắc phục.
     
Đang tải...