Tiểu Luận Phân tích vai trò Nguyễn Ái Quốc trong sự kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam

Thảo luận trong 'Lịch Sử Đảng' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam, nó chứng tỏ rằng “giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng” (Hồ Chí Minh).

    Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam gắn liền với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Người trực tiếp chuẩn bị về mặt tổ chức, tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam đồng thời chủ trì hội nghị thành lập Đảng.
    Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì Nguyễn Ái Quốc đã tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.
    Dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin và ảnh hưởng của cuộc đấu tranh thành lập Đảng cộng sản Pháp Chủ nghĩa Mác-Lenin, chân lý cánh mạng của thời đại đã sớm được khẳng định trong nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Người xác định con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam là giải phóng giai cấp vô sản mới thực sự giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới.
    Từ khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến mạnh mẽ việc truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lenin vào phong trào giải phóng dân tộc và phong trào vô sản ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Người cũng đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.
    Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị:
    Người viết sách, báo: Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp, Người tập trung lên án chủ nghĩa thực dân và thực dân Pháp, vạch trần bản chất xâm lược, phản động, bóc lột, đàn áp tàn bạo của chúng, thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí phản kháng của các dân tộc thuộc địa.
    Trong những năm ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Người vừa hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, vừa nghiên cứu lý luận học hỏi kinh nghiệm cách mạng các nước, kinh nghiệm của cuộc cách mạng tháng Mười Nga và dần hình thành tư tưởng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Lý luận Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ trở thành nền tảng, tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và là cơ sở hoạch định đường lối của Đảng về sau.
    Người đã phác thảo đường lối cứu nước, thể hiện tập trung trong tác phẩm Đường cách mệnh. Đầu năm 1927, cuốn Đường cách mệnh gồm những bài giảng của Người trong những lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, được Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản. Trong tác phẩm quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc nêu ra những tư tưởng cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
    Tác phẩm phân tích những hạn chế của cách mạng tư sản Mỹ (1776), của Pháp (1789) và khẳng định chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để.
    “Đường cách mệnh” chỉ rõ bản chất phản động của chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, là kẻ thù trực tiếp và nguy hại nhất của nhân dân các nước thuộc địa,
    Con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, hướng lên chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau.
    Mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa: Cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa có mối quan hệ khăng khít với nhau. Phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng ở thuộc địa và chính quốc. Đặc biệt Người chỉ rõ cách mạng thuộc địa có tính chủ động, độc lập, có thể giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc, góp phần đẩy mạnh cách mạng ở chính quốc.
    Về lực lượng cách mạng: công nông là chủ, là gốc của cách mạng; còn người học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. Cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải là việc của một hai người.
    Mục tiêu cách mạng: Quyền lực thuộc về nhân dân.
    Về đoàn kết quốc tế: Đặt cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; phải thực hiện sự liên minh, đoàn kết với các lực lượng cách mạng thế giới.
    Về Đảng, tác phẩm nhấn mạnh: cách mạng muốn thắng lợi trước hết phải có Đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng đó phải lấy chủ nghĩa Mác- Lenin làm hệ tư tưởng và vận dụng học thuyết đó vào Việt Nam.
    Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, hướng cho các phong trào giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.
    Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về mặt tổ chức:
    Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp( Angieri, Tuynidi, Marốc, ) lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa thực dân.
    Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu- Trung Quốc. Người đã cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, Indonexia, thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.
    Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trong đó có tổ chức trung kiên là Cộng sản đoàn làm hạt nhân để huấn luyện cán bộ, trực tiếp truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lenin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng.
    Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và tác phẩm Đường cách mệnh đã trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập chính Đảng vô sản ở Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Viêt Nam: Đông Dương cộng sản Đảng ( tháng 6-1929), An Nam cộng sản Đảng ( tháng 7-1929), Đông Dương cộng sản liên đoàn ( tháng 1-1930). Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.
    Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam.
    Các tổ chức cộng sản đã nhanh chóng xây dựng cơ sở trong nhiều địa phương và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân. Phong trào của công nhân kết hợp chặt chẽ với phong trào của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống cướp ruộng đất, phong trào bãi khóa của học sinh, bãi thị của tiểu thương, tạo thành một làn song mạnh đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước.
    Nhưng trong cùng một nước có ba tổ chức hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng của nhau, thậm chí công kích lẫn nhau làm cho phong trào cách mạng trong cả nước có nguy cơ bị chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết là phải có một Đảng cộng sản thống nhất trong cả nước.
    Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đến Trung Quốc. Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Cửu Long ( Hương Cảng- Trung Quốc). Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản (ngày 18-2-1930), Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi họp vào ngày 6-1 các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2.”
    Tham gia Hội nghị hợp nhất gồm 5 đại biểu, hai đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh), hai đại biểu của An Nam cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí với Năm điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam.
    Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
    Hội nghị quyết định phương châm, kế hoạch thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước, quyết định ra báo, tạp chí của Đảng cộng sản Việt Nam.
    Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương cộng sản liên đoàn, Ban chấp hành Trung ương lâm thời họp và ra Nghị quyết chấp nhận Đông Dương cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam.
    Như vậy, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong thời đại mới; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử. Đặc biệt là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

    _the end_" class="mceSmilieSprite mceSmilie1" alt=":)" title="Smile :)">
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...