Tài liệu Phân tích vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp ch

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    Nội dung Trang
    A.ĐẶT VẤN ĐỀ: 1
    B.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
    I.Khái niệm:
    1. Khái niệm khiếu nại và giải quyết khiếu nại: .1
    2.Khái niệm tố cáo và giải quyết tố cáo: 1
    3.Sự khác nhau cơ bản giữa khiếu nại và tố cáo: .2
    II. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước
    1.Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong quản lí hành chính nhà nước (QLHCNN): 2
    2.Vai trò của khiếu nại,tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước 3
    a.Đối với chủ thể khiếu nại, tố cáo
    b.Đối với đối tượng bị khiếu nại, tố cáo:
    c.Đối với cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo:
    d.Đối với Đảng và Nhà nước:
    3.Vai trò giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc đảm bảo pháp chế trong hoạt động QLHCNN: . . 6
    III. Những bất cập và những giải pháp tăng cường công tác khiếu nại, tố cáo và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa
    1.Những biểu hiện bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 7
    2. Nguyên nhân làm phát sinh bất cập trong khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo: .8
    3. Giải pháp tăng cường công tác khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa : . . 8
    C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ: .10
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO . .11


    A.ĐẶT VẤN ĐỀ:
    Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta luôn coi khiếu nại,tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Khiếu nại, tố cáo là một quyền cơ bản của công dân, là quyền dân chủ của công dân. Quan điểm của người đã thể hiện cách nhìn nhận sâu sắc về bản chất và ý nghĩa của công tác này.Tại sao khiếu nại,tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo lại được quan tâm như vậy, lí do chính là vai trò của hoạt động này trong đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.
    Để làm rõ vấn đề này bài viết của em xoay quanh đề tài: “Phân tích vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.”
    B.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
    I.Khái niệm:
    1. Khái niệm khiếu nại và giải quyết khiếu nại:
    Theo luật khiếu nại năm 2011 quy định tại điều 2:
    · khoản 1.Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
    · khoản 11. Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.
    2.Khái niệm Tố cáo và giải quyết tố cáo:
    Theo Luật tố cáo 2011,điều 2 quy định:
    · khoản 1.Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
    · khoản 7. Giải quyết tố cáo là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo.
    3.Sự khác nhau cơ bản giữa khiếu nại và tố cáo:
    Nếu như mục đích khiếu nại là thể hiện sự phản ứng của chủ thể trước lợi ích của mình bị xâm hại thì tố cáo thể hiện sự phản ứng của công dân trước lợi ích chung của xã hội bị xâm phạm. Việc khiếu nại thể hiện mức độ quan tâm của cá nhân đối với quyền và lợi ích của chính họ thì việc tố cáo thể hiện mức độ quan tâm của cá nhân với cộng đồng, đối với xã hội. Đối tượng của khiếu nại đó là quyết định bằng văn bản hoặc hành vi trái pháp luật xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại còn đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật gây hại hoặc đe dọa gây hại lợi ích của bất kì ai. Do vậy, tố cáo còn bao hàm cả trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với xã hội.
    II. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước
    1.Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong quản lí hành chính nhà nước (QLHCNN):
    Pháp chế là một trong các bộ phận cấu thành của trật tự xã hội hình thành nhờ thực hiện các loại chuẩn mực xã hội khác nhau, những chuẩn mực điều tiết các lĩnh vực đời sống xã hội đa dạng và khác nhau về tính chất và phương thức tác động lên lối ứng xử của con người.
    Pháp chế là yêu cầu về sự hiện diện của một hệ thống pháp luật cần và đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại một trật tự pháp luật và kỷ luật, là sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị tổ chức và đối với công dân và nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong đó có các cơ quan hành chính nhà nước.
    Như vậy pháp chế XHCN là yêu cầu đòi hỏi khách quan của tổ chức quyền lực nhà nước. Điều 22 Hiến pháp 1992 quy định : “Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ”
    Bảo đảm pháp chế trong QLHCNN là tổng thể các biện pháp, phương tiện có tính tổ chức – pháp lí được các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân áp dụng nhằm bảo đảm sự triệt để tôn trọng pháp luật trong QLHCNN.
    Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền và nghĩa vụ chính trị- pháp lí của công dân, nó không tồn tại độc lập mà liên quan chặt chẽ đến các quyền tự do khác của công dân trong mối quan hệ tổng hòa của sự thống nhất các quyền và nghĩa vụ của công dân.
    Điều 74 Hiến pháp 1992 ( sửa đổi, bổ sung 2001) quy định:
    “ Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào ”
    Không chỉ được quy định trong Hiến pháp quyền khiếu nại, tố cáo còn được quy định cụ thể trong luật khiếu nại năm 2011 và luật tố cáo 2011.
    2.Vai trò của khiếu nại,tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước
    Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo có vai trò to lớn trong việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của công dân góp phần to lớn trong bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích hợp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân
    a.Đối với chủ thể khiếu nại, tố cáo
    · Người khiếu nại, tố cáo thực hiện quyền pháp luật của mình đồng thời cũng là thực hiện nghĩa vụ của công dân mà pháp luật quy định. Như vậy thực hiện nghĩa vụ của mình cũng là biểu hiện thực hiện pháp luật góp phần bảo đảm pháp chế XHCN.
    · Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo trước hết là nhằm bảo vệ quyền lợi của của người khiếu nại, tố cáo, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
    · Vạch rõ sai trái của cơ quan, tổ chức, cán bộ và công chức.Từ đó công dân đòi hỏi nhà nước phải áp dụng biện pháp giáo dục kịp thời nghiêm khắc góp nhần loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm hại tới lợi ích của cá nhân, tổ chức và của xã hội
    · khiếu nại có vai trò quan trọng trong bảo vệ và khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm bởi quyết định hành chính của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Việc này người khiếu nại không thể tự làm vì họ không được sử dụng quyền lực nhà nước cho nên họ phải đề nghị cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo thủ tục quy định trong luật khiếu nại năm 2011
    · Thể hiện tính tích cực công dân của người khiếu nại, tố cáo góp phần tăng cường sự kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, tham ô, tham nhũng,
    · Khiếu nại, tố cáo là công cụ hữu hiệu cho công dân thực hiện quyền làm chủ của mình biểu hiện của quyền kiểm tra giám sát của công dân với nhà nước trong việc thực hiện pháp luật cụ thể là kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong QLHCNN. Điều này vừa thúc đẩy việc tuân theo pháp luật khi các cơ quan tiến hành giải quyết vụ việc tố cáo vừa là sử dụng pháp luật nhằm trừng trị nghiêm minh những hành vi xâm phạm lợi ích của các chủ thể lợi ích nhà nước và xã hội trả lại trật tự pháp chế sự nghiêm minh của pháp luật
    b.Đối với đối tượng bị khiếu nại, tố cáo:
    · Làm cho những cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại sẽ phải tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.
    · Vai trò điều chỉnh: nói đúng hơn là tiêu chuẩn làm công tác chỉ đạo QLHCNN biết được điểm yếu kém của mình để từ đo những người này tự sửa chữa, tuân theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người tham gia trực tiếp vào QLHCNN
    c.Đối với cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo:
    · Thông qua việc khiếu nại, tố cáo của chủ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được cung cấp những thông tin về quyết định và việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức đó.Phê phán những cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi tác động xấu đến sự hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước
    · Khiếu nại, tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có cơ sở và điều kiện trong việc thu thập tư liệu, căn cứ, bằng chứng để nhanh chóng tìm ra thủ phạm từ đó có biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhằm bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Nâng cao trách nhiệm của công dân trước những nội dung tố cáo của mình đó cũng là yêu cầu của pháp luật đòi hỏi sự công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đảm bảo cho việc tố cáo đúng sự thật và có căn cứ.
    · Nội dung của luật khiếu nại,luật tố cáo còn có vai trò trong việc xác định đúng thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đó là yêu cầu khi bất kì cơ quan nào nhận được khiếu nại, tố cáo nếu không thuộc phạm vi thẩm quyền của mình đều phải có trách nhiệm gửi đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lí kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
    · Pháp luật đã quy định về sự phân công công việc và các thẩm quyền cho các cơ quan việc tuân theo những quy định này là trách nhiệm của các cơ quan nhà chức trách có thẩm quyền nhằm bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng
    d.Đối với Đảng và Nhà nước:
    · Hoạt động khiếu nại,tố cáo không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ thể mà còn góp phần bảo vệ lợi ích của tập thể, của nhà nước
    · Thông qua quyền khiếu nại tố cáo của công dân mà nhiều hành vi tham nhũng, lãng phí vi phạm dân chủ được làm sáng tỏ củng cố lòng tin của nhân dân lao động đối với Đảng và Nhà nước ta.

    · Thông qua hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhà nước kiểm tra giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và hoàn thiện hoạt động quản lí của mình
    3.Vai trò giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc đảm bảo pháp chế trong hoạt động QLHCNN:
    · Giải quyết khiếu nại tố cáo thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và công dân đây cũng là một đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN việt Nam. Do đó để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì tất yếu các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tốt công tác khiếu nại tố cáo.
    · Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan hành chính nhà nước và những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tự giác nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật khác có liên quan là góp phần đảm bảo thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa
    · Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước là sự tồn tại hệ thống quy phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo hoàn thiện, đồng bộ, phản ánh yêu cầu của dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được quy định trong Hiến pháp
    · Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu phải có cơ chế hữu hiệu để kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước là thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa .
    · Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước biểu hiện của pháp chế xã hội chủ nghĩa yêu cầu phải đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo
    · Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản lí hành chính của bộ máy nhà nước nhằm phát huy dân chủ tăng cường pháp chế XHCN bảo vệ lợi ích của nhà nước củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước
    · Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những đảm bảo quyền khiếu nại tố cáo của công dân phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia QLHCNN mà còn đảm bảo kỉ cương kỉ luật tăng cường pháp chế XHCN trong QLHCNN
    · Giải quyết khiếu nại tố cáo thể hiện sự tôn trọng pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức xã hội và công dân
    · Công tác kiểm tra thanh tra giải quyết khiếu ại tố cáo của Thủ tướng các cơ quan hành chinh nhà nước và những cá nhân có thẩm quyền trên các mặt công tác: tiếp dân, tiếp nhận đơn thi khiếu nại, tố cáo giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo. Qua công tác thanh tra kiểm tra cơ quan nhà nước cấp trên và người co thẩm quyền biết được cụ thể chính xác thực trạng khiếu nại, tố cáo của cấp dưới từ đo chấn chỉnh xử lí kịp thời những yếu kém,vi phạm.
    III. Những bất cập và những giải pháp tăng cường công tác khiếu nại, tố cáo và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa
    1. Những biểu hiện bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
    Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư KNTC, trong đó đơn thư KNTC liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.
    Kết quả giải quyết KNTC đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%.

    Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng và KNTC có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
    Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở. Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức . Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
    2. Nguyên nhân làm phát sinh bất cập trong khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
    · Có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật nhất là về lĩnh vực đất đai
    · Những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai
    · Sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.
    · Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ cơ sở, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
    · Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất.
    · Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
    · Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, bọn phản động và phần tử cơ hội lợi dụng, kích động những người đi khiếu nại, tố cáo; tổ chức, lôi kéo khiếu kiện đông người, biến các vụ việc khiếu nại thuần túy trở thành vấn đề chính trị - xã hội, dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có những diễn biến phức tạp.
    3. Giải pháp tăng cường công tác khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa :
    · Thứ nhất, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trước hết là nhờ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền. Các cấp ủy có nghị quyết lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp chính quyền có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân công trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo
    · Thứ hai, các cơ quan nhà nước phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân
    · Thứ ba, các cơ quan thanh tra Nhà nước tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
    · Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
    · Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân
    · Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
    C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

    Bảo đảm pháp chế được củng cố, tăng cường và hoàn thiện là yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân và cũng là yêu cầu khách quan trong quá trình hoàn thiện con người và các quyền của họ trong xã hội đặc biệt là trong QLHCNN. Do vốn hiểu biết có hạn và dung lượng bài viết không cho phép nên bài viết không tránh khỏi thiếu sót mong nhận được ý kiến đóng góp, khắc phục từ thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn!


















    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Tr­ường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính, Nxb. Công an nhân dân;

    2. Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia;
    3. Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính, Nxb. Giáo dục.

    4. Luật khiếu nại năm 2011;
    5. Luật tố cáo năm 2011 ;
    6.
    http://svtm.vn/threads/193897-luan- .a-khieu-nai-to-cao-va-giai-quyet-khieu-nai-to
    http://luanvan.co/luan-van/phan-tic .iec-dam-bao-phap-che-trong-quan-li-hanh-9604/
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...