1.1. ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU. 1.1.1. Sự cần thiết của đề tài. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, đổi mới và phát triển, nền kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế ngày một nâng cao. Với những thành tựu trên, thì trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng. Ngân hàng với vai trò là “người đi vay” và “người cho vay” đã có những chính sách đổi mới tích cực phù hợp với tình hình thực tiễn, huy động tối đa các nguồn tiền nhàn rỗi đưa vào lưu thông để phát triển sản xuất. Việc tạo lập nguồn vốn không những giúp cho Ngân hàng tổ chức được mọi hoạt động kinh doanh mà còn góp phần quan trọng trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp nói riêng cũng như sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhu cầu về vốn của nền kinh tế là rất lớn, do đó vai trò của Ngân hàng ngày càng quan trọng thể hiện qua hai nghiệp vụ chính là: huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong các tổ chức kinh tế và trong dân cư, sau đó phân phối lại nguồn vốn này cho tất cả các thành phần kinh tế có nhu cầu sản xuất kinh doanh một cách hợp lý để sử dụng vốn có hiệu quả, ngày càng đưa nền kinh tế đất nước phát triển bền vững và ổn định. Trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thì huy động vốn và cho vay vốn là hai quá trình song song có mối quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau. Ngân hàng cần huy động vốn để cho vay mà muốn huy động được nhiều vốn để mở rộng hoạt động tín dụng của mình thì các khoản cho vay của Ngân hàng phải đạt hiệu quả cao để có thể đảm bảo được việc chi trả lãi cho nguồn vốn mà mình huy động, đồng thời để củng cố lòng tin ở khách hàng làm cho họ an tâm khi gửi tiền vào Ngân hàng. Mặt khác, hoạt động huy động vốn không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho Ngân hàng nhưng nó là hoạt động rất quan trọng. Như chúng ta đã biết, một Ngân hàng thương mại khi được cấp phép thành lập phải có vốn điều lệ theo quy định. Tuy nhiên vốn điều lệ chỉ đủ tài trợ cho tài sản cố định như trụ sở, văn phòng, máy móc thiết bị cần thiết cho hoạt động chứ chưa đủ vốn để Ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh như cấp tín dụng và các dịch vụ Ngân hàng khác. Để có vốn phục vụ cho các hoạt động này Ngân hàng phải huy động vốn từ khách hàng. Hoạt động huy động vốn, do vậy có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngân hàng cũng như đối với khách hàng. Ngoài ra, còn một hoạt động khác không kém phần quan trọng, đó là hoạt động cho vay vốn. Nếu Ngân hàng huy động vốn nhiều mà cho vay ít dẫn đến tình trạng thừa vốn thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng hoặc Ngân hàng huy động vốn ít mà nhu cầu cho vay nhiều dẫn đến tình trạng thiếu vốn cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng hay nói chung là ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình thì việc huy động vốn và cho vay vốn của các Ngân hàng trong nước nói chung và Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau nói riêng cần được quản trị một cách tốt nhất, để đảm bảo sẽ huy động được nguồn vốn đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và cho vay vốn có hiệu quả. Do đó, việc phân tích, quản trị nguồn vốn huy động và cho vay vốn của Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau là việc làm hết sức cần thiết, để góp phần đánh giá sự phù hợp về nguồn vốn, cũng như tình hình cho vay vốn của Ngân hàng trong thời kỳ mới. Cho nên em chọn đề tài “Phân tích tình hình huy động vốn và cho vay vốn tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau” để làm đề tài luận văn tốt nghiệp.