Phân tích một số hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục của một số nước trên thế giới

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2011-02 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Văn Giang

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Chính phủ các nước đã bắt đầu nhận thấy nguồn lực ngân sách không thế đáp ứng được nhu cầu cơ bản của việc cung cấp giáo dục có chất lượng cho mọi người. Thực tế là họ đã nghiên cứu các mô hình nhằm kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung ứng dịch vụ công cộng, và đã có những thành công được chứng minh.

    Việt Nam, đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nghành giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều này dẫn tới sự cần thiết phải nghiên cứu mô hình đang thịnh hành hiện nay trên thế giới nhằm thu hút nguồn lực, tính sáng tạo, công nghệ tân tiến của khu vực tư nhân.

    Ở Việt Nam hiện nay đang có sự hiểu khác nhau giữa ‘xã hội hóa giáo dục’, ‘tư nhân hóa giáo giục’ và tới đây là ‘hợp tác nhà nước – tư nhân trong giáo dục’. Cần làm rõ những khái niệm này để có luận điểm khoa học trong việc đề xuất mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân phù hợp.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    - Nhằm giới thiệu một vài mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục và các hình thức hỗ trợ của phía Nhà nước cho tư nhân trong mô hình hợp tác trong bối cảnh Việt Nam.

    - Tìm ra được một số hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân tiêu biểu trong giáo dục vủa một số nước trên thế giới;

    - Phân tích một số hình thức hỗ trợ của nhà nước cho tư nhân trong mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân;

    - Phân tích được một số ưu điểm, nhược điểm của mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân.

    - Rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho hệ thống giáo dục của Việt Nam.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Khái quát chung về hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục.

    - Một số mô hình tiêu biểu về hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) trong giáo dục các nước.

    - Rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất việc ứng dụng mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân cho giáo dục Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu


    Đề tài tập trung nghiên cứu một số hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục ở Vương quốc Anh, Chi-Lê, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Canada và Liên minh Châu Âu.

    6. Phương pháp nghiên cứu


    - Hồi cứu tài liệu: nghiên cứu tư liệu về hợp tác nhà nước - tư nhân của một số quốc gia trên thế giới.

    - Phương pháp phi thực nghiệm (phương pháp hội nghị, động não, phương pháp chuyên gia).

    7. Kết cấu của đề tài

    Kết cấu đề tài: gồm 5 phần

    Chương 1. Mở đầu

    Chương 2. Luận cứ lý thuyết về hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục
    2.1. Đặt vấn đề
    2.2. Khung khái niệm về hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP)
    2.3. Xã hội hóa, tư nhân hóa và hợp tác nhà nước - tư nhân giáo dục trong bối cảnh Việt Nam

    Chương 3. Luận cứ thực tế về hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục
    3.1. Một số hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân phổ biến trong giáo dục trên thế giới
    3.2. Một số hình thức góp vốn phổ biến của Chính phủ cho dự án hợp tác nhà nước - tư nhân (VFG)

    Chương 4. Đánh giá chung về mô hính hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục
    4.1. Một số ưu, nhược điểm của hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục
    4.2. Tính khả thi của hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục

    Chương 5. Một số bài học vận dụng vào Việt Nam
    5.1. Cơ sở pháp lý để cấp vốn hỗ trợ cho các chương trình/dự án hợp tác nhà nước - tư nhân về giáo dục
    5.2. Những tổ chức vững mạnh hỗ trợ quy trình ra quyết định nhanh chóng và khách quan
    5.3. Hệ thống văn bản hướng dẫn hoàn chỉnh và chuẩn hóa cho những quy trình minh bạch
    5.4. Xác định kinh phí hỗ trợ dựa trên nhu cầu trong khuôn khổ hạn mức trần ngân sách tổng thể
    5.5. Những khía cạnh chính về thể chế cần được xem xét cho Việt Nam
    5.6. Năng lực thể chế yếu kém có thể là một rào cản đến hiệu quả thực hiên
    5.7. Sự cần thiết phải có các quy trình đơn giản
    5.8. Sử dụng sáng tạo chuyên môn tư nhân và hệ thống ngân hàng, tới mức có thể
    5.9. Duy trì chi phí hành chính ở mức tấp với một cơ cấu tổ chức đơn giản
    5.10. Chuẩn bị các điều kiện tiên quyết ở Việt Nam khi áp dụng hợp tác nhà nước - tư nhân

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã nghiên cứu và phân tích một số mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục của một số quốc gia trên thế giới.

    Phần luận cứ lý thuyết về hợp tác nhà nước - tư nhân đã giúp (i)hình thành khung khái niệm về PPP trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục; và (ii) phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm quan trọng: xã hội hóa giáo dục, tư nhân hóa giáo dục và hợp tác nhà nước - tư nhân trong bối cảnh Việt Nam. Ngoài ra, một khái niệm rất quan trọng cũng đã được đề cập, đó là hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho dự án hợp tác nhà nước - tư nhân (VGF), làm cơ sở thảo luận các phương án.

    Phần luận cứ thực tế đã tập trung phân tích các tài liệu về hợp tác nhà nước - tư nhân được thu thập từ Vương quốc Anh, Chi-Lê, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Canada và Liên minh Châu Âu làm chất liệu nghiên cứu. Phần này đã đạt được một số kết quả sau:

    - Khuyến nghị mô hình PPP trong giáo dục phù hợp với Việt Nam là mô hình Xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ GD và các dịch vụ khác, một mô hình mà Chilê hiện đang áp dụng.

    - Đưa ra được khuyến nghị nhất quán về cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho dự án/công trình PPP trong GD, đó là hình thức Thanh toán theo dịch vụ.

    - Thảo luận các ưu, nhược điểm của mô hình PPP trong GD, từ đó phân tích tính khả thi khi áp dụng vào Việt Nam.

    - Tập hợp các bài học được rút ra cho Việt Nam liên quan đến điều kiện cần thiết phải đảm bảo để Việt Nam có thể áp dụng hiệu quả và thành công mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân trong giáo dục.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận


    Đề tài đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm hợp tác nhà nước - tư nhân của Vương quốc Anh, Chi-Lê, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Canada và Liên minh Châu Âu. Bản chất của PPP là mối quan hệ hợp đồng giữa nhà nước và tư nhân trong bất kỳ ngành nào trong nền kinh tế mà hai bên cùng có lợi. Mục đích chính của việc hình thành mối quan hệ này là nhằm huy động nguồn lực và tính sáng tạo, công nghệ tân tiến và kinh nghiệm quốc tế về giáo dục của khu vực tư nhân.

    Đề tài đã rút ra nhiều bài học cho Việt Nam, từ mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân, hình thức hỗ trợ của Chính phủ cho dự án hợp tác nhà nước - tư nhân, các điều kiện về môi trường thể chế như sự cam kết chính trị; tính khả thi về mặt tài chính và thương mại của dự án hợp tác nhà nước - tư nhân; thay đổi về sự ‘xói mòn’ giá trị giáo dục gắn với tư nhân hóa giáo dục từ trước đến nay. Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng hơn cả là việc ban hành và áp dụng khung kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

    Nghiên cứu đề tài đã giải quyết những vấn đề cơ bản từ khung khái niệm, các mô hình đề xuất cho bối cảnh Việt Nam dựa trên hoàn cảnh thực tế. Để áp dụng bài bản và hiệu quả, cần phải nghiên cứu nhiều khía cạnh liên quan khác như quy trình xác định dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy trình phê duyệt của các cơ quan liên quan

    Khuyến nghị

    a) Nhóm khuyến nghị liên quan tới mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân và hình thức hỗ trợ của Chính Phủ cho dự án hợp tác nhà nước - tư nhân (VGF):

    - Đối với mô hình PPP, trước mắt nên áp dụng mô hình Xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ GD và các dịch vụ khác, nghĩa là thanh toán cho tư nhân dựa trên tính sẵn có của dịch vụ GD.

    - Đối với cơ chế VGF, trong ngắn hạn, ‘cơ chế thanh toán dịch vụ’ nên được áp dụng trong GD.

    - Một bộ tiêu chí nhằm xác định tính hợp lệ dự án PPP trong GD cần được xác lập. Điều này là vì không phải dự án hay chương trình nào cũng khả thi với mô hình PPP.

    - Cơ chế chia sẻ rủi ro trong hợp đồng dự án PPP cần được xây dựng và thống nhất làm khung tham chiếu. Điều này sẽ phần nào giúp các bên trong thỏa thuận PPP nhận thức và phòng tránh các loại rủi ro có thể phát sinh.

    b) Nhóm khuyến nghị liên quan đến môi trường thể chế và thực nghiệm hỗ trợ hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân:

    - Cần ban hành và tích cực triển khai khung kiểm định và đảm bảo chất lượng GD, áp dụng cho tất cả các cấp bậc học và trình độ đào tạo.

    - Cần xây dựng và ban hành một khung pháp lý PPP cho các ngành khác nhau, bao gồm ngành GD.

    - Nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, quản lý, và toàn thể cộng đồng GD trong nước và quốc tế về sự khác nhau giữa các khái niệm XHH GD, TNH GD và PPP trong GD.

    - Cần có một bộ phận chuyên trách trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GD&ĐT) để xúc tiến các dự án, công tình liên quan đến PPP.

    - Nghiên cứu kỹ tập hợp các bài học (10) được rút ra từ các quốc gia điển cứu và áp dụng trong bối cảnh Việt Nam.

    Từ khóa: 1/ Hợp tác nhà nước tư nhân; 2/ Xã hội hóa giáo dục; 3/ Tư nhân hóa giáo dục.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...