GIỚI THIỆU 1.1. ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Trong xu hướng quốc tế hoá mạnh mẽ nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang dần từng bước hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một sự kiện quan trọng mở ra các cơ hội cũng như các thách thức cho nền kinh tế Việt Nam để ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động thương mại, đầu tư nói riêng của nước ta với các nước trên thế giới đã và đang ngày càng mở rộng và phát triển hết sức phong phú, khẳng định ngày càng đầy đủ hơn vị trí và vai trò của Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Những thách thức mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt ngày càng nhiều, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải hoàn thiện và nâng cao tính cạnh tranh, tính hiệu quả trong kinh doanh, nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn tài chính có sẵn thì họ không thể thực hiện được tốt vai trò của mình. Chính vì thế cần phải mở rộng quan hệ hợp tác với ngân hàng thông qua mối quan hệ tín dụng tài trợ. Trong kinh doanh, dù là nhà nhập khẩu hay xuất khẩu, dịch vụ Tài trợ xuất nhập khẩu của ngân hàng luôn luôn là một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ cho dòng tiền của các doanh nghiệp và giúp họ phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Việc mở ra các quan hệ ngoại thương và đầu tư quốc tế ngày càng rộng rãi đòi hỏi phải phát triển không ngừng các quan hệ thanh toán, tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng thương mại đóng vai trò như là cầu nối cho các quan hệ kinh tế nói trên. Bên cạnh đó, từ ngày 01/04/2007, thực hiện lộ trình theo cam kết gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Điều này đã đặt các NHTM Việt Nam nói chung đặc biệt là các NHTM nhà nước nói riêng trước nguy cơ, thách thức lớn về cạnh tranh, được mất ngay tại Việt Nam. Áp lực cạnh tranh đối với khối NHTM quốc doanh không chỉ từ các Ngân hàng nước ngoài mà cả từ các NHTM cổ phần. Vì vậy, tuy thị phần của khối ngân hàng quốc doanh vẫn chiếm áp đảo trên thị trường nhưng sự sụt giảm thị phần của khối ngân hàng này có thể coi là một sự chuyển dịch tất yếu. Trước áp lực này, để có thể tồn tại và đứng vững trong cạnh tranh, thực hiện tốt vai trò là cầu nối của nền kinh tế, Ngân hàng Công thương Việt Nam, một trong những NHTM lớn thuộc sở hữu nhà nước đã coi việc phát triển hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới. Nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Cần Thơ đang có những biến đổi không ngừng về mọi mặt, tạo nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từ tình hình thực tế ở địa phương, ngân hàng Công Thương chi nhánh Cần Thơ ngày càng khẳng định vai trò của mình đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tiến hành nhiều biện pháp cải tiến và đa dạng hóa các hình thức tài trợ nhằm giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển và tăng tính hiệu quả trong kinh doanh Với những lý do trên, trong quá trình công tác và nghiên cứu tại ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, em đã chọn đề tài “Phân tích hiệu quả hoạt động tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu tại ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ -VIETINBANK Cần Thơ’’ làm đề tài nghiên cứu của luận văn.