1.1.1. Sự cần thiết của đề tài Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) vào năm 2007, nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động và là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, giáo dục, và các vấn đề kinh tế khác. Năm 2008 vừa qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã trãi qua nhiều biến động về lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam đạt 6,23% tương đối ổn định qua các năm. Tình hình lạm phát năm 2008 đã có lúc tăng tới mức kỷ lục kể từ năm 1992 đến nay với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên tới hai con số, với mức 22,97%1 . Điều này đã tạo ra thách thức rất lớn cho các nhà quản lý kinh tế của nước ta. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tín dụng của các ngân hàng của Mỹ bắt đầu từ tháng 8 năm 2007 mà đỉnh cao là trong tháng 9/2008 qua với sự phá sản của hàng loạt các ngân hàng hàng đầu tại Mỹ. Hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đã ảnh hưởng sâu rộng sang các nước như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, và trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nó ảnh hưởng đến Việt Nam về nhiều mặt từ kinh tế đến đời sống của người dân, từ các hộ gia đình đến các doanh nghịêp vừa và nhỏ, làm cho các doanh nghiệp bị ách tắc trong đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Sự khó khăn trên đã ảnh hưởng sâu xắc đến các ngân hàng Việt Nam trong việc thu nợ các khoản tín dụng đã cấp, trong đó có ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - Chi nhánh An Giang.