PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU VỀ BỘ LUẬT HAMMURABI (Bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Luật - Đại Học Quốc Gia - Hà Nội) Nền kinh tế của Lưỡng Hà phát triển chủ yếu là kinh tế nông nghiệp. Tuy vậy, kinh tế hàng hoá phát triển, dẫn đến nhu cầu cần phải có qui định để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ dân sự. Người Lưỡng Hà phát hiện chữ viết (văn tự) từ rất sớm (giữa thiên niên kỷ thứ 4 trước CN). Tiền lệ pháp, tập quán pháp đã được sử dụng rất rộng rãi trước khi Bộ luật này ra đời. Về mặt nguồn gốc, Bộ luật Hammurabi được xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá nhiều văn bản trước đó và trên cơ sở kế thừa luật lệ của người Xu-me, người Amôrít. Bộ luật Hammurabi được phát hiện năm 1901 của đoàn khảo cổ người Pháp, khắc trên đá bazan cao 2,25 m và dựng tại quảng trường thành phố cho nhân dân đọc mà thi hành. Bộ luật Hammurabi là Bộ luật tương đối hoàn chỉnh thời kỳ cổ đại, gồm 282 điều (hiện chỉ đọc được 247 điều) bao gồm ba phần: Phần mở đầu, phần nội dung và kết luận[1]. Đây là một bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình, bao gồm các qui phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài, chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến lợi ích của giai cấp thống trị. Phần mở đầu Vua Hammurabi tuyên bố rằng các vị thần đã trao đất nước cho nhà vua thống trị để làm cho đất nước giàu có, nhân dân no đủ. Ở phần kết luận Hammurabi tuyên bố sẽ trừng trị tất cả những ai xem thường và định huỷ bỏ đạo luật. Tác giả bộ luật đã ý thức sâu sắc kết hợp thần quyền, vương quyền, và pháp quyền, khiến bộ luật trở nên được “thiêng hoá” nhằm đạt được mục đích cai trị dân chúng.