Luận Văn Phân tích chương trình Toán lớp 3

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Phần 1. Mở đầu
    1. Lý do chọn đề tài
    Nhân loại đang sống trong những năm đầu thế kỷ XXI thế kỷ của tri thức khoa học với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ thông tin, khoa học ứng dụng. Nhiệm vụ của nhà trường Phổ thông nói chung, bậc tiểu học nói riêng là giáo dục con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Các môn học ở tiểu học cùng với môn Tiếng Việt, môn Toán chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Các kiến thức, kỹ năng của môn Toán ở tiểu học có nhiều ứng dụng trong đời sống, rất cần thiết cho người lao động và là cơ sở để học tập các môn học khác và để học tiếp môn Toán ở các bậc học tiếp theo.
    Để dạy học Toán thực sự đạt được hiệu quả, người GV phải được đào tạo một cách cơ bản hàng loạt kỹ năng hoạt động. Trong đó phân tích chương trình là một kỹ năng cơ bản, cốt lõi có ý nghĩa “mở đường” cho các kỹ năng dạy học khác. Phân tích chương trình giúp GV nhận biết được sự thể hiện của mục tiêu trong từng nội dung theo tiến trình giờ dạy học, còn thấy được mục tiêu của từng nội dung kiến thức, thấy được mối quan hệ của một đơn vị kiến thức với toàn bộ chương trình của một tiết học, của một cụm bài, một chương, thậm chí của một kỳ học , một năm học hoặc cả bậc học. Khi phân tích chương trình GV còn phát hiện được yêu cầu đồng thời về kiến thức, về kỹ năng, về tư duy trên một đơn vị kiến thức trong một giờ dạy học. Trên cơ sở đó GV mới xác định được nội dung phù hợp cho mỗi tiết dạy học, sắp xếp các nội dung tạo nên cấu trúc lôgíc hợp lý nhất của bài giảng. Từ đó lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
    Những kiến thức toán lớp 3 kế thừa kiến thức toán lớp 1, lớp 2 và là nền tảng để học kiến thức toán lớp 4, lớp 5. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc phân tích chương trình và vị trí của môn Toán lớp 3 trong toàn bộ chương trình Toán Tiểu học em đã chọn đề tài “Phân tích chương trình Toán lớp 3” làm đề tài khoá luận cho mình với mong muốn bước đầu biết phân tích chương trình môn Toán Tiểu học, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Mục đích nghiên cứu của đề tài “Phân tích chương trình Toán lớp 3” nhằm phát hiện được ý đồ sư phạm của tác giả chương trình và SGK Toán lớp 3. Từ đó giúp GV chủ động lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học.
    3. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
    - Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
    - Tìm hiểu nội dung chương trình SGK Toán 3
    - Xây dựng yêu cầu cơ bản về dạy học Toán 3
    - Tìm hiểu đặc điểm chung của chương trình SGK Toán 3
    4. Các phương pháp nghiên cứu
    - Nghiên cứu cơ sở lý luận: Nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề tài.
    - Tổng kết kinh nghiệm
    5. Cấu trúc đề tài
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo khoá luận gồm hai chương
    Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn
    Chương 2: Phân tích chương trình Toán lớp 3














    Nội dung
    Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
    1.1. Một số vấn đề về định hướng quá trình dạy học môn Toán ở Tiểu học
    1.1.1. Vị trí của môn Toán ở Tiểu học
    Mỗi môn học ở Tiểu học đều góp phần vào việc hình thành và phát triển những cơ sở ban đầu, rất quan trọng của nhân cách con người Việt Nam. Trong các môn học ở Tiểu học, cùng với môn Tiếng việt, môn Toán có vị trí quan trọng vì:
    - Các kiến thức, kỹ năng của môn Toán ở Tiểu học có rất nhiều ứng dụng trong đời sống, chúng rất cần thiết cho người lao động, rất cần thiết để học các môn học khác ở Tiểu học và học tập tiếp môn Toán ở các bậc học tiếp theo.
    - Môn Toán giúp HS nhận biết những mối quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới hiện thực. Nhờ đó mà HS có phương pháp nhận thức một số mặt của thế giới xung quanh và biết cách hoạt động có hiệu quả trong đời sống
    - Môn Toán góp phần rất quan trọng trong việc rèn luyện suy nghĩ, phương pháp lý luận, phương pháp giải quyết vấn đề, nó góp phần vào phát triển trí thông minh, cách suy nghĩ độc lập, linh hoạt, sáng tạo, nó góp phần vào sự hình thành các phẩm chất cần thiết và quan trọng của người lao động như cần cù, cẩn thận, có ý trí vượt khó khăn, làm việc có kế hoạch, có nề nếp và tác phong khoa học.
    1.1.2. Mục tiêu và nhiệm vụ của môn Toán ở Tiểu học
    1.1.2.1. Mục tiêu
    - Giáo dục môn Toán ở Tiểu học nhằm giúp HS có những kiến thức cơ sở ban đầu về số học các số tự nhiên, các số thập phân, các đại lượng cơ bản và một số yếu tố hình học đơn giản.
    - Hình thành và rèn luyện kỹ năng thực hành phân tích , đo lường giải bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống.
    - Bước đầu hình thành và phát triển năng lực trừu tượng hoá, khái quát hoá, kích thích trí tưởng tượng, gây hứng thú trong học tập môn Toán, phát triển hợp lý khả năng suy luận và biết diễn đạt đúng (bằng lời, bằng viết) các suy nghĩ đơn giản, góp phần rèn luyện phương pháp học tập, làm việc khoa học, linh hoạt sáng tạo.
    - Ngoài các mục tiêu trên, cũng như các môn khác ở Tiểu học, môn Toán góp phần hình thành và rèn luyện các tố chất, các đức tính cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại.
    1.1.2.2. Nhiệm vụ
    Môn Toán ở Tiểu học có nhiệm vụ giúp HS:
    - Hình thành hệ thống các kiến thức cơ bản, đơn giản có nhiều ứng dụng trong đời sống về số học các số tự nhiên, các số thập phân bao gồm: cách đọc, viết, so sánh các số tự nhiên, phân số, số thập phân, một số đặc điểm của tập số tự nhiên, số thập phân.
    - Có những hiểu biết ban đầu, thiết thực nhất về các đại lượng cơ bản như: độ dài, khối lượng, thời gian, diện tích, dung tích, tiền Việt Nam và một số đơn vị đo thông dụng nhất của chúng. Biết sử dụng các dụng cụ để thực hành đo lường, biết ước lượng các số đo đơn giản.
    - Rèn luyện để nắm chắc các kỹ năng thực hành tính nhẩm, tính viết về bốn phép tính với các số tự nhiên, số thập phân, số đo đại lượng.
    - Biết nhận dạng và bước đầu biết phân biệt một số các hình học thường gặp. Biết tính chu vi, diện tích, thể tích, biết sử dụng các dụng cụ đơn giản để đo và vẽ hình.
    - Có những hiểu biết ban đầu, sơ giản về dùng chữ thay số, về biểu thức toán học, về phương trình và bất phương trình đơn giản nhất bằng phương pháp phù hợp với tiểu học.
    - Biết cách giải và cách trình bày bài giải với những bài toán có lời văn. Nắm chắc, thực hiện đúng quy trình bài toán. Bước đầu biết giải một số bài toán bằng những cách khác nhau.
    - Thông qua những hoạt động học tập toán để phát triển đúng mức một số khả năng trí tuệ và thao tác tư duy quan trọng như: so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, khái quát hoá, cụ thể hoá, lập luận có căn cứ, bước đầu làm quen với những chứng minh đơn giản.
    - Hình thành tác phong học tập và làm việc có suy nghĩ, có kế hoạch, có kiểm tra, có tinh thần hợp tác, độc lập và sáng tạo, có ý trí vượt khó khăn, cẩn thận, kiên trì, tự tin.
    1.1.3. Thực hiện nguyên lý giáo dục trong dạy học Toán ở Tiểu học
    1.1.3.2. Sự cần thiết và tầm quan trọng của thực hiện nguyên lý giáo dục trong dạy học Toán ở Tiểu học
    - Trong dạy học Toán, quán triệt nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” là thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục toán học ở Tiểu học.
    - Thực hiện nguyên lý giáo dục còn góp phần đổi mới nội dung và phương pháp dạy học Toán theo tinh thần cập nhật hoá nội dung dạy học, làm cho nội dung dạy học Toán gắn bó với thực tiễn của địa phương, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp của môn Toán để giải quyết những vấn đề thường gặp trong cuộc sống.
    1.1.3.2. Một số biện pháp chủ yếu để thực hiện nguyên lý giáo dục trong dạy học Toán ở Tiểu học
    1.1.3.2.1. Giới thiệu mối liên hệ giữa toán học và thực tiễn bằng cách:
    - Làm rõ nguồn gốc thực tiễn của toán học: giới thiệu số tự nhiên ra đời do nhu cầu đếm, hình học ra đời do nhu cầu đo đạc ruộng đất .
    - Thông qua ví dụ cụ thể giúp HS nhận biết số và hình, phản ánh các mối quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới hiện thực.
    - Tổ chức các hoạt động thực hành tính, đo lường, giải toán có nội dung thực tế để giúp HS nhận biết toán học và có nhiều ứng dụng trong thực tiễn.
    1.1.3.2.2. Tổ chức, hướng dẫn HS vận dụng những kiến thức, kỹ năng, phương pháp toán học để giải quyết những vấn đề thực tiễn
    - Trước hết, nên tổ chức hướng dẫn HS vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp toán học trong học tập các môn khoa học ở trường Tiểu học
    VD:
    + Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đo lường, tính nhẩm, tính tỷ lệ phần trăm, sử dụng tỷ lệ xích khi học các nội dung lịch sử, điạ lý, khoa học
    + Sử dụng các kiến thức, kỹ năng đo đạc, vẽ hình và tính toán đơn giản khi học và thực hành các bài về vẽ kỹ thuật.
    + Vận dụng các phương pháp tư duy thường sử dụng trong dạy học toán (như quy nạp, suy diễn, khái quát hoá.) để tiến hành các hoạt động học tập các môn học khác.
    - Cập nhật hóa nội dụng thực tế của các bài toán có lời văn. Mỗi bài toán có lời văn thường là một tình huống có vấn đề của thực tiễn. Vì vậy, GV nên cập nhật hoá nội dung thực tế của các bài toán có lời văn bằng cách:
    + Thường xuyên đổi mới nội dung thực tế của bài toán có lời văn (trong sách giáo khoa) cho phù hợp với những vấn đề đang diễn ra trong cộng đồng.
    + Lựa chọn những nội dung thực tế, thích hợp để lập một số bài toán có lời văn và phù hợp với nội dung và yêu cầu của bài học.
    + Hướng dẫn học sinh thu thập tư liệu trong thực tế rồi lập và giải một số bài toán có nội dung thực tế gắn với những vấn đề cấp bách đang cần giải quyết ở địa phương.
    - Tăng cường rèn luyện và tổ chức thực hành, vận dụng các kỹ năng tính, đặt tính, đặc biệt là tính nhẩm (ở tất cả các lớp) và tính bằng máy (ở lớp cuối cấp) đo và ước lượng, lập bảng số liệu thống kê, vẽ biểu đồ, lập và giải bài toán.
    Ngoài công tác thực hành trong các tiết học toán, nên tổ chức các tiết học hoặc buổi học ở hiện trường, tham quan một cơ sở sản xuất của tư nhân hay tập thể, làm việc ở cơ quan lưu trữ số liệu ở địa phương, đo đạc ngoài lớp học.
    Trong các tiết học, buổi học ở trường nên tổ chức hướng dẫn HS thu thập và xử lý các số liệu để tập rượt viết báo cáo khoa học (của cá nhân hoặc từng nhóm) dưới dạng các bảng số liệu thống kê, biểu đồ, bài toán và những vấn đề được xử lý (bảng tính, vẽ, đo, giải bài toán ).
    1.1.4. Cấu trúc nội dung môn Toán ở trường Tiểu học
    Nội dung môn Toán ở Tiểu học bao gồm các chủ đề kiến thức sau:
    1.1.4.1. Số học
    - Khái niệm ban đầu về số tự nhiên: số tự nhiên liên trước, liên sau, ở giữa hai số tự nhiên: các chữ số từ 0 đến 9.
    - Cách đọc và ghi số tự nhiên: hệ ghi số thập phân.
    - Các quan hệ bé hơn, lớn hơn, bằng nhau(=) giữa các số tự nhiên, so sánh các số tự nhiên, xếp thứ tự các số tự nhiên thành dãy số tự nhiên. Một số đặc điểm của dãy số tự nhiên (rời rạc, xếp thứ tự tuyến tính, có phần tử đầu, không có phần tử cuối, )
    - Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên: ý nghĩa, bảng tính, một số tính chất cơ bản của phép tính, tính nhẩm và tính viết (theo thuật toán), thứ tự thực hiên các phép tính trong một biểu thức có nhiều phép tính, mối quan hệ giữa các phép tính (đặc biệt giữa cộng và trừ, nhân và chia, cộng và nhân).
    - Giới thiệu bước đầu về phân số: khái niệm ban đầu, cách đọc, cách viết, so sánh, thực hành cộng, trừ, nhân, chia trong các trường hợp đơn giản.
    - Khái niệm ban đầu về số thập phân: cách đọc, cách viết (trên cơ sở mở rộng hệ ghi số thập phân); so sánh và xếp thứ tự: cộng, trừ, nhân, chia các số thập phân (ý nghĩa, một số tính chất cơ bản của phép tính, tính nhẩm và tính viết theo thuật toán, ) một số đặc điểm tập hợp các số thập phân (xếp thứ tự tuyến tính, giữa hai số thập phân bất kỳ có nhiều số thập phân).
    - Làm quen với việc dùng chữ thay số.
    - Biểu thức số và biểu thức chữ, giá trị của biểu thức, bước đầu làm quen với biến số, với mối quan hệ phụ thuộc giữa hai đại lượng.
    - Giải phương trình và bất phương trình đơn giản bằng phương pháp phù hợp với Tiểu học (sử dụng quan hệ giữa thành phần và kết quả tính, thử chọn).
    1.1.4.2. Đo đại lượng thông dụng
    - Khái niệm ban đầu về các đại lượng thông dụng như: độ dài, khối lượng, dung tích, thời gian, diên tích, thể tích, tiền Việt Nam.
    - Khái niệm ban đầu về đo đại lượng: một số đơn vị đo thông dụng nhất, ký hiệu và quan hệ và một số đơn vị đo thông dụng nhất, ký hiệu và quan hệ giữa một số đơn vị đo và việc chuyển đổi đơn vị đo (của cùng một đại lượng).
    - Thực hành đo đại lượng: giới thiệu một số dụng cụ đo và thực hành đo đại lượng
    - Cộng, trừ, nhân, chia các số đo đại lượng cùng loại.
    1.1.4.3. Một số yếu tố hình học
    - Các biểu tượng về hình học đơn giản (điểm, đoạn thẳng, đường thẳng, đường gấp khúc, góc, tam giác, tứ giác, hình chữ nhật, hình thang, hình vuông, hình tròn, hình hộp chữ nhật, hình lập phương).
    - Khái niệm ban đầu về chu vi, diện tích của các hình, cách tính chu vi, diện tích của một số hình.
    - Các tính thể tích hình hộp chữ nhật và hình lập phương.
    1.1.4.4. Giải bài toán có lời văn
    - Giải các bài toán đơn (bằng một phép tính cộng, trừ, nhân hoặc chia).
    - Giải các bài toán hợp (toán hợp là sự kết hợp của một số bài toán đơn). Trong số các bài toán hợp có một dạng bài toán có cấu trúc toán học giống nhau và có thể sử dụng phương pháp giải giống nhau, chúng thường được gọi bằng tên riêng như: các bài toán tìm trung bình cộng, tìm hai số khi biết tổng và hiệu của chúng, (có khi người ta gọi các bài toán này là các bài toán điển hình).
    Điều quan trọng của dạy học giải toán có lời văn là giúp HS biết cách giải quyết các vấn đề thường gặp trong đời sống, các vấn đề này được nêu dưới dạng các bài toán có lời văn. Đây là sự vận dụng có tính chất tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, phương pháp học được ở môn Toán ở Tiểu học.
    1.1.5. Yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của môn Toán ở trường Tiểu học
    - Biết đọc, viết, so sánh các số tự nhiên, các số thập phân, các phân số, các số đo đại lượng với đơn vị đo thông dụng.
    - Thuộc các bảng tính đã học. Biết thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia các số thự nhiên, số thập phân, phân số đơn giản, số đo đại lượng.
    - Biết tên gọi, ký hiệu và mối quan hệ giữa một đơn vị đo thông dụng của các đại lượng, độ dài, khối lượng, diện tích, thể tích, thời gian, dung tích, tiền Việt Nam.
    - Biết dùng dụng cụ đo độ dài, khối lượng thời gian, biết ước lượng độ dài, khối lượng trong một số trường hợp đơn giản
    - Biết nhận dạng và gọi đúng tên các hình đã học. Biết tính chu vi, diện tích hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, hình thang, hình tròn, biết tính diện tích và thể tích hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình vuông, hình tròn.
    - Biết giải và trình bày bài giải toán có lời văn với mối quan hệ trực tiếp giữa các đại lượng thường gặp.
    1.2. Phân tích chương trình
    1.2.1. Phân tích chương trình
    Phân tích chương trình có thể bao gồm các hoạt động sau:
    - Xác định rõ nội dung (các mạch biểu thức) cụ thể của chương trình.
    - Phát hiện ra cách phân bố các nội dung (cấu trúc và đặc điểm của cấu trúc).
    - Chỉ ra được mối quan hệ giữa các nội dung trong chương trình.
    - Xác định được vị trí, ý nghĩa mối quan hệ của từng nội dung trong toàn bộ chương trình.
    - Từ mục tiêu chung của chương trình phát hiện được sự thể hiện của mục tiêu riêng qua các nội dung cụ thể đó.
    Dựa vào phân tích chương trình GV sẽ lựa chon được nội dung dạy học thích hợp cho một tiết học cụ thể, lựa chọn và sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học trong một giờ học, xác định được nội dung và phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS.
    1.2.2. Vai trò của phân tích chương trình
    Phân tích chương trình giúp GV:
    - Phát hiện được mục tiêu riêng của từng nội dung về kiến thức, về kỹ năng, về tư duy trên mỗi đơn vị kiến thức trong một giờ dạy học.
    - Thấy được mối quan hệ của một đơn vị kiến thức với toàn bộ chương trình của một tiết dạy học, của một cụm bài, một chương thậm chí của một kỳ học, một năm học hoặc cả một bậc học.
    - Xác định được nội dung phù hợp cho mỗi tiết dạy học, sắp xếp các nội dung tạo nên cấu trúc lôgíc hợp lý nhất của bài giảng, các mức độ yêu cầu cần đạt được của giờ dạy cũng như sắp xếp phát triển dần. Trên cơ sở đó GV sẽ có căn cứ để lựa chọn các phương pháp dạy học thích hợp
    - Ngoài ra, phân tích chương trình còn có thể giúp GV phát hiện được ý đồ sư phạm của tác giả chương trình và SGK. Đó là căn cứ quan trọng giúp GV chủ động lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với mỗi đối tượng HS trong lớp. Đó cũng là một điều kiện thúc đẩy và phát huy khả năng sáng tạo của GV trong các yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
    1.3. Thực trạng của việc phân tích chương trình môn Toán ở Tiểu học
    Theo đánh giá của Vũ Quốc Chung -trường Đại học Sư phạm Hà Nội (tạp chí giáo dục số 45/2002):
    Nhìn vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng GV Tiểu học hiện nay có những hạn chế tất yếu về năng lực phân tích chương trình của GV Tiểu học. Phải nói rằng, thời gian đầu tư cho hoạt động rèn luyện kỹ năng phân tích chương trình trong các trường Sư phạm rất hạn hẹp. Sau này, khi ra công tác mỗi GV càng ít có cơ hội để thực hiện và phát triển kỹ năng phân tích chương trình dạy học toán học. Điều đó cũng lý giải tại sao nhiều GV còn lúng túng trong khi soạn bài và trình bày bài giảng, thậm chí GV đưa ra những sáng tạo kiểu kinh nghiệm nhưng không lý giải được lý luận.










    Chương 2. Phân tích chương trình toán lớp 3
    2.1. Nội dung chương trình SGK Toán 3
    Toán 3
    5 tiết/ tuần x 35 tuần = 175 tiết
    2.1.1. Số học
    2.1.1.1. Phép nhân và phép chia trong phạm vi 1000 (tiếp)
    - Củng cố các bảng nhân với 2, 3, 4, 5 (tích không quá 50) và các bảng chia cho 2, 3, 4, 5 (số bị chia không quá 50). Bổ sung cộng, trừ các số có ba chữ số nhớ không quá một lần.
    - Lập các bảng nhân với 6, 7, 8, 9, 10 (tích không quá 100) và các bảng chia cho 6, 7, 8, 9, 10 (số bị chia không quá 100).
    - Hoàn thiện các bảng nhân và các bảng chia.
    - Nhân chia ngoài bảng trong phạm vi 1000: nhân số có hai, ba chữ số với một số có một chữ số có nhớ không quá một lần, chia số có hai, ba chữ số cho số có một chữ số. Chia hết và chia có dư.
    - Thực hành tính: tính nhẩm trong phạm vi các bảng tính, nhân nhẩm số có hai chữ số với số có một chữ số không nhớ, chia nhẩm số có hai chữ số với số có một chữ số không có dư ở từng bước chia. Củng cố về cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 1000 theo các mức độ đã xác định.
    - Làm quen với biểu thức số và giá trị biểu thức.
    - Giới thiệu các thứ tự thực hiện các phép tính trong biểu thức số có đến 2 dấu phép tính, có hoặc không có ngoặc.
    - Giải các bài tập dạng:
    “Tìm x biết: a : x = b (với a, b là số trong phạm vi đã học)”
    2.1.1.2. Giới thiệu các số trong phạm vi 100.000 - giới thiệu hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn
    - Phép cộng và phép trừ có nhớ không liên tiếp và không quá hai lần, trong phạm vị 100.000. Phép nhân số có đến bốn chữ số với số có một chữ số có nhớ không liên tiếp và không quá hai lần, tích không quá 100000. Phép chia số có đến năm chữ số cho số có một chữ số (chia hết và chia có dư).
    - Tính giá trị các biểu thức số có đến ba dấu phép tính, có hoặc không có dấu ngoặc.
    - Giới thiệu các phần bằng nhau của đơn vị (dạng 1/n, với n là các số tự nhiên từ 2 đến 10 và n = 100; n = 1000). Thực hành so sánh các phần bằng nhau của đơn vị trên hình vẽ trong trường hợp đơn giản.
    - Giới thiệu bước đầu về chữ số La Mã.
    2.1.2. Đại lượng và đo đại lượng
    - Bổ sung và lập bảng các đơn vị độ dài từ mi-li-mét đến ki-lô-mét. Nêu mối quan hệ giữa hai đơn vị tiếp liền nhau, giữa mét và ki-lô-mét, giữa mét và xăng-ti-mét, mi-li-mét. Thực hành đo và ước lượng độ dài.
    - Giới thiệu đơn vị đo diện tích xăng-ti-mét vuông.
    - Giới thiệu gam. Đọc, viết, làm tính với các số đo theo đơn vị gam. Giới thiệu 1kg = 1000g.
    - Ngày, tháng, năm. Thực hành xem lịch.
    - Phút, giờ. Thực hành xem đồng hồ, chính xác đến phút. Tập ước lượng khoảng thời gian trong phạm vi một số phút
    - Giới thiệu tiếp về tiền Việt Nam. Tập đổi tiền với các trường hợp đơn giản.
    2.1.3. Yếu tố hình học
    - Giới thiệu góc vuông, góc không vuông. Giới thiệu êke vẽ góc bằng thước thẳng và êke.
    - Giới thiệu đỉnh, góc, cạnh của các hình đã học.
    - Tính chu vi hình chữ nhật, hình vuông.
    - Giới thiệu compa. Giới thiệu tâm, bán kính và đường kính của hình tròn. Vẽ đường tròn bằng compa.
    - Thực hành vẽ, trang trí hình tròn.
    - Giới thiệu diện tích của một hình, tính diện tích hình chữ nhật và diện tích của một hình vuông.
    2.1.4. Yếu tố thống kê
    - Giới thiệu bảng số liệu đơn giản.
    - Tập sắp xếp lại số liệu của bảng theo mục đích, yêu cầu cho trước.
    2.1.5. Giải bài toán có lời văn
    - Giải bài toán có đến hai bước tính với các mối quan hệ trực tiếp và đơn giản
    - Giải bài toán quy về đơn vị và các bài toán có nội dung hình học
    Kết luận:
    - Nội dung SGK Toán 3 gồm 169 tiết học (trừ 6 tiết kiểm tra). Trong đó:
    + 74 tiết dạy bài mới
    + 94 tiết luyện tập, thực hành, luyện tập chung, ôn tập.
    - Với tiết học bài mới: Gồm phần bài mới đặt trong khung có nền xanh, phần các bài tập thực hành từ 3 đến 4 bài tập.
    - Tiết luyện tập, thực hành, luyện tập chung, ôn tập: gồm từ 3 đến 5 bài tập(bao gồm cả các bài tập trặc nghiệm)
    2.2. Yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng môn toán lớp 3
    - Biết đọc, viết so sánh các số từ 0 đến 1000.
    - Học thuộc bảng nhân, bảng chia biết thực hiện phép cộng, phép trừ trong phạm vi 1000, biết tính nhẩm trong những phép tính đơn giản.
    - Biết tính giá trị các biểu thức có đến hai dấu phép tính theo quy tắc thứ tự thực hiện các phép tính trong biểu thức. Biết gọi tên thành phần và kết quả của phép tính, biết tìm một thành phần chưa biết của phép tính trong các bài toán dạng:
    x + a = b; x - a = b; a - x = b; a x x = b; x : a = b; a : x = b
    Với a, b là các số trong phạm vi 100.
    - Biết gọi tên, ký hiệu và mối quan hệ của một đơn vị đo thông dụng và cùng loại: km và m, m và mm; kg và g; ngày và giờ; giờ và phút; phút và giây; năm và tháng. Biết đo độ dài các đoạn thẳng theo các đơn vị đo m, dm, cm. Biết xem đồng hồ và lịch.
    - Nhận biết và gọi đúng tên: góc (góc vuông hoặc không vuông, đỉnh, cạnh, góc của hình tam giác, hình tứ giác, hình chữ nhật, hình vuông)
    - Biết giải bài toán bằng hai phép tính (dạng đơn giản); trong có các bài toán liên quan đến rút về đơn vị quan hệ gấp (giảm) một số lần, tìm một thành phần chưa biết của phép tính, một số bài toán có nội dung hình học và một số bài toán dạng trắc nghiệm phổ biến.
    2.3. Đặc điểm chung của chương trình và SGK Toán 3
    2.3.1. Cấu trúc nội dung môn Toán lớp 3
    Các mạch kiến thức trong SGK Toán lớp 3 bao gồm:
    - Số học.
    - Đại lượng và đo đại lượng.
    - Yếu tố hình học.
    - Giải bài toán có lời văn.
    Các mạch kiến thức được sắp xếp xen kẽ, bổ sung cho nhau thành môn Toán thống nhất, tương đối hoàn chỉnh.
    2.3.2. Đặc điểm chung của nội dung dạy học môn Toán lớp 3
    a, Môn toán ở lớp 3 là môn học thống nhất, tích hợp các nội dung giáo dục khác, với số học là nội dung trọng tâm và là hạt nhân của môn Toán lớp 3.
    - Toán 3 có bốn mặt nội dung: Số học; đại lượng và đo đại lượng; yếu tố hình học và giải bài toán có lời văn. Bốn mạch nội dung này được tích hợp với nhau, tạo thành môn học thống nhất về cơ sở khoa học và cấu trúc nội dung. Các nội dung giáo dục khác (về tự nhiên và xã hội, về dân số và môi trường, về an toàn giao thông, ) được tích hợp với các nội dung toán học trong quá trình dạy học và thực hành, đặc biệt là thực hành giải các bài toán có lời văn.
    Mức độ học rộng và sâu dần về các kiến thức và kỹ năng cơ bản cũng như sự phát triển của trình độ tư duy và các năng lực khác được tăng dần trong từng mạch nội dung xuyên suốt Toán 1 đến Toán 3. Đồng thời, nhờ tích hợp mà có sự hỗ trợ lẫn nhau trong từng mạch nội dung, giữa các mạch nội dung, giữa Toán 3 và các môn học khác
    - Số học là trọng tâm của Toán 3 vì:
    + Số học góp phần chủ yếu vào việc hình thành và phát triển kỹ năng tính toán, một trong số các kỹ năng cơ bản của người lao động trong thế kỷ XXI.
    + Thời lượng dạy học của số học chiếm 70% tổng thời lượng dạy học ở Toán lớp 3 (xem bảng ước lượng thời lượng dạy học từng mạch nội dung so với tổng thời lượng dạy học toán 3 nêu dưới đây).
    Mạch nội dung
    Số học
    Đại lượng và đo đại lượng
    Yếu tố hình học
    Giải bài toán

    Thời lượng (so với tổng thời lượng của Toán 3)
    70%
    11%
    10%
    9%

    - Số học còn là hạt nhân của nội dung Toán 3 vì:
    + Việc dạy học các mạch nội dung khác (đại lượng và đo đại lượng, yếu tố hình học, giải bài toán có lời văn) về cơ bản phải dựa vào kết quả của số học. Đặc biệt, ngay trong mạch số học, Toán 3 đã tích hợp các nội dung về “yếu tố đại số” và “yếu tố thống kê” vừa giảm nhẹ khối lượng nội dung vừa tăng tính ứng dụng của hạt nhân số học.
    - Kiến thức của các mạch nội dung khác được sắp xếp gắn bó với các kiến thức thích hợp của số học, tạo ra sự hỗ trợ nhau trong từng bài học, trong từng chương, mục của SGK Toán 3 tạo nên một môn học thống nhất với hạt nhân là số học.
    b, Toán 3 củng cố và phát triển các nội dung của Toán 1, đặc biệt của Toán 2; bước đầu hệ thống hoá, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cơ bản của môn Toán trong giai đoạn lớp 1, lớp 2, lớp 3; chuẩn bị cho HS chuyển sang giai đoạn học tập phát triển tiếp theo ở lớp 4 và lớp 5.
    - Toán 3 tiếp tục những đổi mới về nội dụng của Toán 1 và Toán 2, cụ thể là:
    + Đã lựa chọn được các nội dung và xác định được mức độ của các nội dung thuộc “vùng phát triển gần nhất” của trẻ em ở độ tuổi lớp 3, để mọi trẻ em phát triển bình thường và với sự cố gắng học tập đúng mức đều thành công trong học tập Toán 3.
    + Các nội dung trong từng mạch đều được sắp xếp theo kiểu “đồng tâm” để kiến thức học sau là sự ứng dụng mở rộng và sự ôn tập củng cố kiến thức đã học trước.
    + Giảm một cách đáng kể việc “diễn giải tường minh” nhiều nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành vận dụng, thực hiện học gắn đi đôi với hành, dành hơn 70% thời lượng dạy học toán để tổ chức các hoạt động thực hành, thông qua thực hành giúp HS từng bước nhận biết được các cơ sở lý luận ẩn tàng trong nội dung Toán 3.
    - Toán 3 bước đầu thực hiện hệ thống hoá và hoàn thiện một số kiến thức và kỹ năng cơ bản của Toán 1, Toán 2, Toán 3 chuẩn bị cho HS chuyển sang giai đoạn học tập ở lớp 4, lớp 5 với mức phát triển cao hơn.
    + Một trong những đặc điểm của dạy học toán ở Tiểu học là việc hình thành mỗi kiến thức và kỹ năng cơ bản đều phải trải qua một quá trình, các mức độ từ đơn giản, cụ thể đến phức tạp và khái quát dần. Với các tư liệu và các phương pháp tự học đã được chuẩn bị từ lớp 1 đến lớp 3 đã có điều kiện giúp HS tự hệ thống hoá và hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng cơ bản đó, với sự hướng dẫn của GV.
    Chẳng hạn, việc dạy học các đơn vị đo độ dài được dải từ lớp 1 đến lớp 3. Sau khi đã học đủ các đơn vị đo từ milimét (mm) đến kilômét (km) và qua thực hành nắm được mối quan hệ giữa hai đơn vị đo độ dài liền kề nhau. Toán 3 đã tạo điều kiện tổ chức cho HS hệ thống hoá thành “bảng đơn vị đo độ dài”. Vừa giới thiệu một mô hình thực tế của “hệ đếm thập phân”, chuẩn bị cho hệ thống hóa về số tự nhiên ở Toán 4.
    + Toán 3 tập dượt cho HS khái quát hoá một số nội dung cơ bản đã được chuẩn bị trong quá trình dạy học toán ở lớp 1, lớp 2, lớp 3. Số lượng các bài học đòi hỏi HS phải nêu nhận xét hoặc tự rút ra kết luận bằng “câu có nội dung khái quát” ở lớp 3 nhiều hẳn hơn so với lớp 2. Đây là sự chuẩn bị để HS có thể chuyển sang học tập có kết quả một số kiến thức ở mức độ trừu tượng và khái quát hơn trong Toán lớp 4.
    c, Toán lớp 3 quán triệt quan điểm phổ cập giáo dục và dạy học phát triển, đem lại sự bình đẳng về chất lượng giáo dục toán học và khuyến khích phát triển năng lực của các đối tượng HS.
    - Toán 3 chỉ gồm những nội dung liên quan trực tiếp đến hình thành và phát triển các kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, cần thiết nhất, phù hợp với khả năng học tập của các đối tượng HS, từng bước tiếp cận với trình độ dạy học toán của các nước phát triển trong khu vực và tiếp cận thế giới. Vì vậy, dạy học Toán 3 sẽ đem lại chất lượng mới và sự bình đẳng trong giáo dục toán học cho mọi HS.
    - Trên cơ sở các nội dung dạy học rất cơ bản và thiết thực, Toán 3 đã chọn các giải pháp thích hợp để ngay trong các nội dung cơ bản và tối thiểu của SGK cũng có thể “khai thác” phục vụ cho dạy học phân hoá theo đối tượng HS.
    Chẳng hạn, đối với số đông HS, chỉ yêu cầu thực hiện đúng các “lệnh” của các bài thực hành cơ bản trong SGK. Nhưng đối với một số bộ phận HS có nhu cầu và năng lực học tập toán phát triển hơn thì có thể hướng dẫn để HS tự tập giải thích cách làm bài, tập khai thác các nội dung ẩn chứa trong một số bài thực hành và giải quyết hết các nhiệm vụ học tập ngay trong từng tiết học theo phương pháp thích hợp với từng cá nhân HS.
    2.3.3. Đặc điểm nội dung của từng mạch kiến thức và SGK Toán 3
    2.3.3.1. Số học
    2.3.3.1.1. Nội dung
    Có thể chia nội dung của mạch kiến thức số học trong Toán 3 thành hai phần:
    a, Đọc, viết, so sánh các số và phép tính
    * Nội dung dạy học đọc, viết, so sánh các số ở lớp 3 gồm:
    - Ôn tập về đọc, viết, so sánh các số có ba chữ số (tr.3 – Toán 3)
    - Các số đến 10.000.
    + Giới thiệu các hàng (đơn vị, chục, trăm, nghìn) viết rồi đọc số có bốn chữ số trong trường hợp:
    . Các chữ số ở từng hàng đều khác 0.
    . Chữ số ở một, hai hoặc cả ba hàng đơn vị, chục, trăm là chữ số 0 (chẳng hạn 2402; 2750; 2700; 2005;2000).
    + Viết số có bốn chữ số thành tổng các đơn vị ở từng hàng và ngược lại.
    Chẳng hạn: 5247 = 5000 + 200 + 40 + 7
    Hoặc: 4000 + 500 + 60 + 7 = 4567
    + Số 10.000.
    + So sánh các số trong phạm vi 10.000.
    - Các số đếm 100.000.
    + Giới thiệu các hàng từ đơn vị đến hàng chục nghìn, viết số rồi đọc số có năm chữ số trong các trường hợp:
    . Các chữ số ở từng hàng đều khác 0
    . Các chữ số ở hàng 1, 2, 3, hoặc cả 4 hàng từ hàng đơn vị đến hàng nghìn đều là chữ số 0 (chẳng hạn: 32505; 32560; 32500; 32050; 30050; 30005; 30000; ).
    + So sánh các số trong phạm vi 100.000.
    - Làm quen với chữ số La Mã đủ để HS nhận biết các số ghi trên mặt đồng hồ (bằng chữ số La Mã) thứ tự của các đề mục trong một văn bằng (chẳng hạn I; II; III; ) hoặc khi viết “thế kỷ XX; XXI”.
    * Nội dung dạy học các phép tính ở lớp 3 gồm:
    - Phép cộng và phép trừ các số có ba chữ số nhớ không quá một lần.
    - Phép công hoặc phép trừ các số có bốn hoặc năm chữ số (không nhớ và có nhớ, chủ yếu là có nhớ đến hai lần và không liên tiếp).
    - Bảng nhân, bảng chia 6, 7, 8, 9.
    - Phép nhân số có hai, ba, bốn hoặc năm chữ số với một số có một chữ số (không nhớ và có nhớ, chủ yếu là có nhớ đến hai lần và không liên tiếp).
    - Phép chia số có hai, ba, bốn hoặc năm chữ số cho các số có một chữ số (chia hết và chia có dư).
    - Tính nhẩm trong phạm vi các bảng tính, cộng, trừ nhẩm các số trong nghìn, tròn chục nghìn với số có một chữ số (không nhớ); chia nhẩm số tròn trăm, tròn nghìn, tròn chục nghìn cho số có một chữ số (chia hết).
    b, Một số yếu tố đại số và yếu tố thống kê đơn giản
    * Yếu tố đại số:
    - Tìm số chia chưa biết dạng a : x = b; chủ yếu với a là số có hai hoặc ba chữ số, b là số có một chữ số.
    - Tính giá trị các biểu thức số có đến hai dấu phép tính, có hoặc không có dấu ngoặc.
    * Yếu tố thống kê:
    - Làm quen với dãy số liệu.
    Ví dụ: GV cho HS ghi lại số đo chiều cao của bốn bạn HS, chẳng hạn: 122cm, 130cm, 127cm, 118cm rồi giới thiệu “ta có một dãy số liệu”.
    - Thực hành phân tích một dãy số liệu.
    Ví dụ: (Bài 4 trang 35 - Toán 3) cho dãy số liệu:
    5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45
    Nhìn vào dãy trên rồi trả lời các câu hỏi sau:
    + Dãy trên có tất cả bao nhiêu số? Số 25 là số thứ mấy trong dãy?
    + Số thứ ba trong dãy là số nào? Số đó lớn hơn số thứ nhất trong dãy bao nhiêu đơn vị?
    - Giới thiệu bảng số liệu đơn giản.
    Ví dụ: Giới thiệu bảng thống kê số đo chiều cao của một nhóm HS và yêu cầu HS đọc bảng
    Tên
    Chiều cao

    Hương
    Nam
    Hằng
    Minh

    1m 32cm
    1m 15cm
    1m 20cm
    1m 25cm
    1m 20cm

    - Thành lập bảng số liệu đơn giản
    Ví dụ: (Bài 1 trang 138 - Toán 3) số thóc gia đình chị út thu hoạch trong ba năm như sau:
    Năm 2001: 4200 kg
    Năm 2002: 3500 kg
    Năm 2003: 5400 kg
    Hãy điền số liệu thích hợp vào ô trống trong bảng sau:
    Năm
    2001
    2002
    2003

    Số thóc




    - Tập nhận xét bảng số liệu.
    Ví dụ: Nhìn vào bảng thống kê chiều cao của các bạn HS hãy trả lời
    + Nêu chiều cao của mỗi bạn?
    + Bạn nào cao nhất, bạn nào thấp nhất, ?
    2.3.3.1.2. Mục tiêu
    Mục tiêu dạy học số học ở lớp 3 là:
    Giúp HS:
    - Biết đếm (từ một số nào đó, đếm thêm một đơn vị) trong phạm vi 100.000.
    - Biết đọc, viết các số có đến bốn hoặc hoặc chữ số.
    - Biết so sánh và sắp xếp các số theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại.
    - Biết thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân hay chia trong phạm vi 100.000, bao gồm:
    + Thuộc các bảng tính và biết tính nhẩm trong phạm vi các bảng hoặc trong một số trường hợp đơn giản, thường gặp về cộng, trừ, nhân, chia.
    + Biết thực hiện phép cộng và phép trừ với các số có đến năm chữ số.
    + Biết thực hiện phép nhân số có ba chữ số hoặc bốn chữ số với một số có một chữ số.
    + Biết thực hiện phép chia số có đến năm chữ số cho một số có một chữ số (chia hết hoặc chia có dư).
    + Biết tính giá trị của các biểu thức số có đến hai dấu phép tính (có hoặc không có dấu ngoặc).
    - Biết tìm một thành phần chưa biết của phép tính.
    - Biết tìm một trong các thành phần bằng nhau của một số (trong phạm vi các phép chia đơn giản đã học).
    - Biết đọc và sắp xếp các số liệu thông kê.
    - Bước đầu nhận xét các số liệu thống kê.
    - Làm quen với chữ số La Mã.
    2.3.3.1.3. Đặc điểm nội dung dạy số học lớp 3
    Nhận xét chung: Trong Toán 3, nội dung số học chiếm tới 70% tổng thời lượng dạy học toán (122 tiết). Cấu trúc nội dung môn toán nói riêng, toán tiểu học nói chung đều lấy số học là hạt nhân của toàn bộ chương trình. Các mạch nội dung đại lượng và đo đại lượng, yếu tố hình học, giải bài toán, đều được sắp xếp gắn bó với nội dung thích hợp của số học, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nội dung đó, thể hiện tính thống nhất và tích hợp của môn Toán ở Tiểu học. Có thể nói, việc dạy học các nội dung đại lượng, đo đại lượng, yếu tố hình học, giải bài toán, về cơ bản phải dựa vào kết quả học tập số học của HS.
    a. Đặc điểm của dạy học đọc, viết, so sánh các số và phép tính ở lớp 3
    * Đặc điểm của dạy học đọc, viết, so sánh các số ở lớp 3 là:
    - Nội dung dạy đọc, viết các số ở lớp 3 có tính trừu tượng, khái quát cao hơn lớp 2.
    + ở lớp 2 khi dạy học đọc, viết mỗi số đều dựa vào hình ảnh trực quan, cụ thể. HS có thể đểm được đầy đủ số lượng các ô vuông biểu thị cho dạng số học
    + Đến lớp 3 vẫn dựa vào hình ảnh trực quan nhưng ở mức độ trừu tượng khái quát hơn lớp 2. Đó là HS làm quen với các thẻ số

    : Biểu thị cho 1 đơn vị.

    : Biểu thị cho 1 chục đơn vị.

    : Biểu thị cho 1 trăm đơn vị.

    : Biểu thị cho 1 nghìn đơn vị.
    Tức là SGK Toán 3 giúp HS dựa vào kinh nghiệm đã tích luỹ được trong khi học Toán 2 để học đọc, viết số với các “hình ảnh trực quan” có mức độ trừu trượng và khái quát nhất định. Đến lớp 3, khi thấy HS phải tự hình dung ra có một nghìn ô vuông (hoặc một nghìn chấm tròn, que tính, ).
    Tiếp đó, chỉ cần viết, chẳng hạn 8 ở cột “hàng nghìn” HS phải tự hiểu rằng 8 ở đây biểu thị cho 8 tấm bìa tức là tám nghìn . Đây là sự tiếp tục củng cố về cách viết số “giá trị theo vị trí của chữ số ” đã chuẩn bị từng bước ở lớp 1 và lớp 2.
    - Nội dung dạy học đọc, viết các số có bốn chữ số có năm chữ số đều có cùng cấu trúc (tức là sắp xếp các nội dung cụ thể tương tự nhau ), chẳng hạn đều sắp xếp như sau:
    + Dạy học đọc, viết các số có các chữ số đều khác 0.
    + Dạy học đọc, viết các số có các chữ số hàng cao nhất (ở tận cùng bên trái) khác 0 và các chữ số còn lại hoặc đều là 0 hoặc ít nhất một chữ số là 0.
    + Dạy học đọc, viết số 10.000 và 100.000 đều tách thành bài riêng.
    + Trong quá trình dạy học đọc, viết các số đều có các bài luyện tập về đọc, viết một nhóm các số liên tiếp nhau để làm rõ dần đặc điểm của dãy số tự nhiên (cứ thêm 1 đơn vị vào một số thì được số liền sau nó) và củng cố về đọc, viết các số đó.
    - Nội dung dạy học so sánh các số ở lớp 3 là sự hệ thống hoá và khái quát hoá nội dung dạy học so sánh các số ở lớp 1 và lớp 2 cụ thể là:
    + Bằng cách nêu một số ví dụ cụ thể (đã gặp trong các bài có trước). GV giúp HS tự nêu nhận xét thành “quy tắc” so sánh hai số trong từng trường hợp:
    . Hai số có số chữ số khác nhau.
    . Hai số có cùng chữ số.
    “Quy tắc này tuy chưa thực sự khái quát nhưng cũng đủ để HS dựa vào đó mà so sánh hai số bất kỳ trong phạm vi các số đang học”.
    + Quá trình học và vận dụng quy tắc so sánh hai số ở lớp 3 còn giúp HS hệ thống hoá một số kiến thức quan trọng như:
    . Khi so sánh các số có thể xảy ra quan hệ: lớn hơn, bé hơn, bằng nhau.
    VD: 10000 > 9999; 6579 < 6580; 6579 = 6579
    . Nếu số thứ nhất lớn hơn số thứ hai thì số thứ hai bé hơn số thứ nhất.
    VD: 10000 > 9999 thì 9999 < 10000
    . Quan hệ lớn hơn, bé hơn, bằng nhau có “tính chất bắc cầu”.
    VD: 6579 < 6580 và 6580 < 6581
    thì có 6579 < 6581
    Các kiến thức trên tuy chưa nêu ở dạng khái quát nhưng HS vẫn có thể vận dụng với các số đem ra so sánh. Nếu đối chiếu với dạy học so sánh các số ở lớp 2 thì dạy học so sánh các số ở lớp 3 là bước chuyển tiếp từ giai đoạn dạy học chủ yếu dựa vào hình ảnh trực quan sang giai đoạn dạy học đòi hỏi HS có trình độ khái quát hoá cao hơn trước.
    * Đặc điểm dạy học các phép tính ở lớp 3 là:
    - Cũng như ở lớp 1, lớp 2, nội dung dạy học các phép tính ở lớp 3 được xây dựng theo quan điểm hiện đại, nghĩa là những nội dung truyền thống được trình bày dưới ánh sáng của các tư tưởng của toán học hiên đại chưa sử dụng ngôn ngữ và ký hiệu của toán học hiện đại
    Ví dụ:
    + Các phép tính được giới thiệu trong mối quan hệ với nhau (giữa cộng và trừ, cộng và nhân, nhân và chia)
    + Một số tính chất của phép cộng, phép nhân đã được làm nổi rõ dần từ toán lớp 1 đến toán lớp 3, chẳng hạn: đặc điểm của số 0 trong phép cộng, của 1 trong phép nhân đã được giới thiệu ở lớp 1, lớp 2 và tiếp tục củng cố khi dạy các bẳng nhân 6, 7, 8, 9 và khi thực hành tính ở lớp 3; SGK Toán 1, Toán 2, Toán 3 đã từng bước cho học sinh làm quen với tính chất giao hoán của phép cộng và phép nhân (thông qua ví dụ cụ thể)
    - Nội dung dạy học phép cộng, trừ ở lớp 3 thực chất là kế thừa, ứng dụng, mở rộng của dạy học phép cộng, phép trừ ở lớp 2; chẳng hạn: ở lớp 2 HS đã có kĩ năng đặt tính và tính với phép cộng (phép trừ) có 3 chữ số khôngnhớ và đối với phép cộng, trừ các số có 2 chữ số có nhớ một lần. Đến lớp 3, HS tập trung vào cộng trừ các số có ba, bốn, năm chữ số chủ yếu có nhớ đến hai lần không liên tiếp:
    Ví dụ: 18257 + 64439 ; 63780 -18546
    - Trong quá trình dạy học các bảng nhân (chia) 6, 7, 8, 9 trong SGK đã thực hiện dạy học đan xen với nhân chia ngoài bảng: nhân số có hai, ba, bốn chữ số với số có một chữ số (không nhớ, có nhớ không quá một lần) chia hai, ba, bốn chữ số cho số có một chữ số (chia hết và chia có số dư).
    b. Đặc điểm dạy học yếu tố đại số và yếu tố thống kê.
    * Đặc điểm dạy học yếu tố đại số:
    - Nội dung dạy học “tính giá trị của biểu thức” ở lớp 3 chính là sự hoàn thiện, khái quát hoá những kiến thức, kĩ năng về vấn đề này mà đã được chuẩn bị từ lớp 1, lớp 2.
    + Ngay từ lớp 1, lớp 2, HS đã được làm quen với việc tính giá trị biểu thức có đến hai dấu phép tính, dưới dạng các bài tập như:
    Tính: 3 + 6 - 4 =
    5 7 - 15 =
    ở lớp 1, lớp 2 HS mới chỉ biết thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái sang phải.
    + Đến lớp 3, HS mới được học quy tắc khái quát về thứ tự thực hiện các phép tính khi tính giá trị của biểu thức trong các trường hợp:
    . Trong biểu thức chỉ có các phép tính cộng, trừ hoặc chỉ có các phép tính nhân, chia.
    . Trong biểu thức có các phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
    . Trong biểu thức có dấu ngoặc.
    + Cũng như ở lớp 1, lớp 2, cùng với việc dạy học kĩ thuật tính (tính viết) trong SGK Toán 3 đã chú ý rèn luyện cho HS kĩ năng tính nhẩm.
    + ở lớp 3 HS bước đầu làm quen với một số tính chất phép cộng và phép nhân các số tự nhiên thông qua ví dụ cụ thể:
    VD: so sánh 4 5 . 5 4
    Nhằm chuẩn bị cho việc học chính thức, tường minh với một số tính chất của phép cộng và phép nhân số tự nhiên.
    * Đặc điểm dạy học yếu tố thống kê:
    - Nội dung dạy học các yếu tố thống kê được thực hiện trong mối liên hệ với nội dung đo lường gắn bó với thực tiễn sinh hoạt đời sống phù hợp với trìng độ nhận thức của HS.
    Dữ liệu thực tế được sử dụng để xây dựng các bài tập mang ý nghĩa và ứng dụng của kiến thức thống kê, gồm ba dạng:
    . Dữ liệu liên quan đến gia đình, nhà trường, xã hội,
    . Dữ liệu liên quan đến các yếu tố thể chất của HS
    . Dữ liệu liên quan đến sở thích cá nhân của HS.
    - Kiến thức thống kê được tích hợp với các kiến thức khác, chẳng hạn: các kiến thức về dân số (ví dụ: số con trong một gia đình) về môi trường (ví dụ: trồng cây gây rừng) để góp phần hướng dẫn HS thực hiện các yêu cầu giáo dục chung cũng như yêu cầu giáo dục của từng địa phương.
    - Lên lớp 3 HS bắt đầu có biểu tượng “trực quan về thống kê” chủ yếu là làm quen với “dãy số liệu” và “bảng thống kê số liệu” để làm cơ sở phân tích “bảng thống kê số liệu” và lập bảng số liệu thống kê ở lớp 4, lớp 5.
    2.3.1. Một số lưu ý khi dạy học nội dung số học
    Nắm được nội dung và xác định được mục tiêu dạy học số học trong Toán 3, GV sẽ lập kế hoạch dạy học phù hợp với từng loại nội dung góp phần nâng cao hiệu quả dạy học các nội dung quan trọng của Toán 3.
    a. Dạy học đọc, viết, so sánh các số và phép tính
    * Dạy học đọc, viết, so sánh các số
    - Khi dạy học về đọc, viết các số nên căn cứ vào nội dung bài học trong SGK Toán 3 và tham khảo những hướng dẫn trong Toán 3 (SGV) để xác định:
    + Đồ dùng trực quan của bài học cụ thể đó gồm những gì? Đối với các đối tượng HS ở lớp đang dạy, GV nên sử dụng các đồ dùng trực quan đó đến mức nào, như thế nào?
    + Để đạt được mục tiêu dạy học nên có những hoạt động nào? GV nên tổ chức, hướng dẫn HS tham gia các hoạt động đó như thế nào để tự HS nêu được cách viết, cách đọc các số? Chẳng hạn: khi đọc bài: Số 100.000 -luyện tập (tr 146) khi giới thiệu số 100.000 không dùng đến 100.000 ô vuông nữa mà sử dụng các thẻ số như sau:








    8.0000 100000
    100000 đọc là một trăm nghìn
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...