Tài liệu phân tích các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Khi tiến hành hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ những nguyên tắc xử phạt đã được quy định trong pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính. Vậy những nguyên tắc đó là gì? Sau đây em xin lựa chon đề số 22: “phân tích các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính” để làm rõ vấn đề này.
    1. Lí luận chung
    Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lí nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính.
    Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác (khoản 1 Điều 1 pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002).
    Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính (khoản 2 Điều 1 pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002).
    Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo khoa học pháp lí, là những tư tưởng chỉ đạo việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính được kiên quyết triệt để, xử lí đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật, góp phần giữ vững anh ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước.
    2. Phân tích các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
    Theo tinh thần của Điều 3 pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính, hoạt động xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
    - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là chỉ có những chức danh được pháp luật quy định mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ngoài các chức danh này, không một người nào khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Các nghị định của Chính phủ khi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cũng không được quy định thêm những chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Các văn bản của HĐND và UBND các cấp ban hành để tổ chức thực hiện Pháp lệnh và Nghị Định của Chính phủ, tuyệt đối không được quy định các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 (sủa đổi bổ xung năm 2008) cũng quy định rõ trình tự thủ tục tiến hành xử phạt, cũng như thẩm quyền cụ thể của mỗi chức danh có thẩm quyền xử phạt.
    Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. (Điều 15 nghị định 128/2008/NĐ-CP)
    - Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật pháp luật quy định. Nguyê tắc này dựa trên tư tưởng “không có luật định – không có tội; không có luật định – không có hình phạt”. Nguyên tắc này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 128/2008/NĐ-CP, theo đó, cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nghị định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền không được quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt.
    - Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lí phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực và chủ động trong thanh tra, kiểm tra và thực thi công vụ để phát hiện kịp thời vi phạm hành chính. Và một khi đã phát hiện vi phạm hành chính thì phải tiến hành xử lí một các nhanh chóng, công minh và triệt để, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phả được khắc phục vì lợ ích của cộng đồng, của toàn xã hội, đẩm bảo lập lại trật tự pháp luật đã bị xâm phạm, góp phần thiết lập kỉ cương, phép nước.
    - Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt từng hành vi. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
    Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần có nghĩa là một hành vi vi phạm đã được người có thẩm quyền lập biên bản để xử phạt hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt làn thứ hai đối với chính hành vi vi phạm đó nữa; một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì không đồng thời áp dụng biện pháp xử lí hành chính khác đối với người thực hiện hành vi này. Ví dụ, một người có hành vi bán số đề bị xử phạt hành chính về đánh bạc thì không đồng thời lập hồ sơ để đưa người này vào cơ sở giáo dục.
    Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt từng hành vi. Người có thẩm quyền xử phạt xác định hình thức và mức hình phạt đối với từng hành vi sau đó cộng lại thành mức phạt chung.
    Nhiều người cùng thực hiện một hành vi thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Ví dụ 5 người cùng thực hiện hành vi đua xe trái phép thì cả năm người đều bị xử phạt về hành vi đua xe trái phép của mình.
    - Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình thức, biện pháp xử lí thích hợp. Ví dụ: 4 người cùng thực hiện hành vi đánh bạc thì khi quyết định xử phạt cần phải xác định mức phạt đối với hành vi này và quyết định đối với từng người vi phạm. Sau đó căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng người để xem xét giảm nhẹ hay tăng mức phạt đối với mỗi người.
    - Không xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
    Tình thế cấp thiết là tình thế một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà không còn cánh nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
    Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết, người đang có hành vi xâm phạm nói trên. Chẳng hạn, anh H đã làm anh C bị thương ở tay trong lúc anh C đang cố tình giết anh H.
    Hành vi của một người gây thiệt hại cho xã hội nhưng do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải là vi phạm hành chính. Ví dụ: Anh A có đầy đủ năng lực hành vi, có bằng lái xe, đang lái xe ô tô trong tình trạng bình thường thì bất ngờ có một người chạy ngang qua đường. Anh A bóp phanh lại nhưng vẫn đâm vào người này và làm người này bị thương nhẹ. Trong tình huống này, do anh A không thể biết trước được là đến đoạn đường đấy xẽ có người lao qua, nên trường hợp này thuộc tình thế bất ngờ. Do đó anh A không bị xử phạt vi phạm hành chính.
    Vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cũng không xử lí hành chính. Ví dụ anh D bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, ngày 11/2/20011, anh bị người khác xui vào nhà ông B ăn trộm xe đạp, và anh D đã thực hiện. Trong trường hợp này anh D cũng không phải chịu trách nhiệm về hành vi mà mình đã thực hiện (vì D không có năng lực hành vi)
    Như vậy, khi tiến hành hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tuân thủ nhũng nguyên tắc nhất định. Để đảm bảo cho việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính được kiên quyết, triệt để, xử lí đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật, góp phần xây dựng đất nước ổn định và vững mạnh.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình luật hành chính Việt nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
    2. Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005.
    3. Viện nghiên cứu khoa học pháp lí, Bình luận khoa học pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002, Nxb.Tư Pháp.
    4. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ xung năm 2008).
    5. Nghị định 128/2008/NĐ-CP.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...