I. Một số vấn đề lí luận Theo quy định của Luật biển quốc tế, tất cả các quốc gia ven biển đều được quyền hoạch định các vùng biển của mình như nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế . Trong trường hợp vùng biển của quốc gia độc lập, không có liên quan đến lợi ích của các quốc gia khác thì ranh giới của các vùng biển do các quốc gia ven biển xác định phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp vùng biển của quốc gia ven biển lại nằm tiếp liền, đối diện hoặc chồng lấn với vùng biển của các quốc gia khác thì việc hoạch định ranh giới biển cần phải có sự thoả thuận của các quốc gia liên quan. Một cách tổng quát, phân định biển được hiểu là quá trình hoạch định đường ranh giới phân chia các vùng biển giữa hai hay nhiều quốc gia hữu quan. Pháp luật quốc tế và thực tiễn giữa các quốc gia cho thấy rằng việc phân định biển thường được tiến hành bằng con đường thoả thuận. Sự thành công và khoảng thời gian yêu cầu cho quá trình phân định biển dài hay ngắn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: địa hình biển, lập trường, thái độ và sự thiện chí của các quốc gia liên quan, vị trí và giá trị của vùng biển phân định .