Tài liệu Những vấn đề chung của tâm lý học

Thảo luận trong 'Tâm Lý Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    KHÁI NIỆM CHUNG VỀ TÂM LÝ HỌC

    I. TÂM LÝ HỌC LÀ MỘT KHOA HỌC

    1. Khái quát về tâm lý (Psyche)

    a. Tâm lý là gì?

    Đời sống tâm lý của con người được bao gồm nhiều hiện tượng phong phú, đa dạng, phức tạp như cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tưởng, tình cảm, ý chí, khí chất, năng lực, lý tưởng, niềm tin v.v

    Trong tiếng Việt, thuật ngữ “tâm lý”, “tâm hồn” đã có từ lâu. Từ điển tiếng Việt (1988) định nghĩa một cách tổng quát rằng: “tâm lý” là ý nghĩ, tình cảm làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người.

    Theo nghĩa đời thường thì từ “tâm” được dùng với các cụm từ “nhân tâm”, “tâm đắc”, “tâm địa”, “tâm can” có nghĩa như chữ “lòng”, thiên về tình cảm, còn chữ “hồn” lại dùng diễn đạt tư tưởng, tinh thần, ý thức, ý chí của con người. “Tâm hồn”, luôn được gắn với thể xác.

    Nói một cách tổng quát nhất, khái niệm tâm lý bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần đang xảy ra trong đầu óc con người. Các hiện tượng này luôn tồn tại gắn liền và điều hành mọi hoạt động cũng như quan hệ của con người. Các hiện tượng tâm lý luôn có vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống của con người cũng như trong quan hệ giữa con người với con người và cả xã hội. Tâm lý là một loại hiện tượng tinh thần được nảy sinh trong não của chủ thể, do sự tác động của thế giới khách quan vào não mà sinh ra, có tác dụng định hướng, chuẩn bị, điều khiển toàn bộ hoạt động cũng như giao tiếp của họ. Tính chất của tâm lý mang tính chủ quan trong nội dung và hình thức biểu hiện. Nó luôn sống động trong đời sống tinh thần của mọi chủ thể.

    b. Chức năng của tâm lý

    Tâm lý có chức năng phản ánh thực tại để đem lại cho chủ thể những hiểu biết, thái độ về nó. Nhờ có các chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh nói trên mà tâm lý sẽ giúp cho con người không chỉ biết cách thích ứng với hoàn cảnh khách quan mà còn nhận thức, cải tạo và sáng tạo ra thế giới. Chính trong quá trình đó, con người sẽ lại nhận thức và cải tạo được chính bản thân mình. Nhờ chức năng điều hành nói trên mà nhân tố tâm lý sẽ giữ một vai trò cơ bản, có tính quyết định trong tiến trình thực hiện hệ thống nhiệm vụ của hoạt động và giao tiếp của con người.

    c. Phân loại hiện tượng tâm lý

    Có nhiều cách phân loại hiện tượng tâm lý được tiến hành theo những luận điểm khác nhau.

    Dựa trên cơ sở có sự tham gia chỉ đạo của ý thức đối với tâm lý, có thể phân nó thành loại hiện tượng tâm lý có ý thức và không có ý thức như tiềm thức, siêu thức, vô thức.

    Dựa trên cơ sở có sự biểu hiện của hoạt động tâm lý ra bên ngoài hành vi, quan hệ mà người ta có thể chia nó ra làm loại tâm lý sống động và tâm lý tiềm tàng.

    Hiện tượng tâm lý sống động sẽ luôn được bộc lộ ra một cách sống động trong hành vi, hoạt động và quan hệ giao tiếp của chủ thể.

    Mọi hiện tượng tâm lý con người sẽ luôn được tồn đọng dưới dạng tinh thần nằm trong sản phẩm hoạt động và giao tiếp. Có hiện tượng tâm lý được tồn tại dưới dạng thế năng, tiềm ẩn trong đời sống tinh thần của con người như tâm thế, tiềm thức.

    Theo tính chủ thể của tâm lý, người ta chia nó ra thành tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội. Theo nội dung cũng như hình thức biểu hiện của tâm lý ở từng chủ thể ra bên ngoài mà người ta gọi chúng là tâm lý cá nhân. Hiện tượng tâm lý cá nhân được coi là những biểu hiện tâm lý diễn ra trong hoạt động tinh thần ở mỗi cá nhân, mang tính đặc thù cho từng chủ thể.

    Những hiện tượng tâm lý được tồn đọng trong sống tâm lý chung của nhóm xã hội, mang những nét đặc thù cho đời sống tinh thần của từng nhóm lớn - nhỏ như phong tục, tập quán, tâm trạng, dư luận xã hội và bầu không khí tâm lý nhóm được gọi là tâm lý xã hội.

    Trong tâm lý học đại cương, nhìn chung, các học giả đã chia các loại hiện tượng tâm lý con người thành ra ba phạm trù lớn là quá trình, trạng thái và thuộc tính tâm lý

    Quá trình tâm lý được coi là những hiện tượng tâm lý được diễn biến ngắn. Chúng có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng và có đối tượng riêng biệt. Có các quá trình nhận thức, xúc cảm và ý chí. Nhận thức, ý chí, xúc cảm - tình cảm luôn được biểu hiện ra trong hành động và giao tiếp của chủ thể.

    Trạng thái tâm lý được coi là các hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, với cường độ xác định. Chúng không có sự mở đầu và kết thúc rõ rệt. Chúng không có đối tượng riêng mà thường đi kèm theo các quá trình và các thuộc tính tâm lý khác như các trạng thái chú ý, tâm trạng, xúc động, say mê, căng thẳng, lo âu, tâm thế.

    Các thuộc tính tâm lý cá nhân được coi là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, mang tính bền vững tương đối, khó hình thành và cũng khó mất đi để tạo thành những nét riêng cho cá tính của từng nhân cách như xu hướng, tính cách, năng lực, khí chất.

    2. Khái quát về tâm lý học (Psychology)

    a. Tâm lý học là gì?

    Mỗi một khoa học sẽ nghiên cứu một dạng vận động cụ thể của thế giới. Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về bản chất và quy luật tính của các hiện tượng tâm lý. Nó nghiên cứu quy luật tinh thần của sự chuyển tiếp từ dạng vận động sinh vật sang xã hội, từ những biến đổi về sinh lý - thần kinh đến sự hình thành các phẩm chất tâm lý với tư cách là một hình thức phản ánh đặc biệt.

    Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về bản chất và tính quy luật của tâm lý, ý thức, nhân cách. Nó nghiên cứu quy luật của sự hình thành, nảy sinh, phát triển, diễn biến, biểu hiện của hiện tượng tâm lý.

    Tâm lý học ra đời cùng với sự phát triển của triết học và khoa học. Nó tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Tâm lý học ra đời với tư cách là một khoa học độc lập vào đầu thế kỷ thứ XX.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...