Luận Văn Những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng

    MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài
    Nho giáo hình thành ở Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam cách đây hàng ngàn năm. Từ khi hình thành chế độ phong kiến Việt Nam, đặc biệt từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đều sử dụng Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng và là công cụ để trị nước và quản lý xã hội. Với tư cách là một trong những hình thái ý thức xã hội, Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhiều mặt nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và con người Việt Nam, là một trong những yếu tố góp phần hình thành và tác động sâu sắc đến văn hóa truyền thống Việt Nam.
    Ngày nay, nhân loại đang bước vào nền văn minh công nghiệp với những biến đổi sâu sắc, xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, Nước ta đang tiến hành xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước. Ở nước ta hiện nay, tuy cơ sở kinh tế - xã hội của Nho giáo về cơ bản không còn tồn tại, nhưng Nho giáo không phải đã mất đi, mà nó còn tồn tại dai dẳng, lâu dài và tác động tích cực và cả tiêu cực đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và con người Việt Nam. Vì vậy, vấn đề có ý nghĩa lí luận và thực tiễn cấp thiết là, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta trở thành một nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì không thể không giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa xã hội truyền thống và xã hội hiện đại, giữa con người truyền thống và con người hiện đại Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy thì trước hết cần phải có một cái nhìn khách quan, toàn diện và đúng đắn về Nho giáo để từ đó mà hiểu đúng về Nho giáo.
    Trong học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo, quan niệm về xã hội lý tưởng không chỉ là một trong những nội dung cơ bản nhất mà còn là sự biểu hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất trong học thuyết này. Từ trước đến nay, trong nghiên cứu về Nho giáo nói chung và quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng nói riêng vẫn chưa đi đến thống nhất, mà còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Ngoài ra do, quan niệm về xã hội lý tưởng của các nhà Nho được trình bày đan xen với nhiều nội dung khác, cho nên trong những nghiên cứu này, nội dung của quan niệm ấy chưa được nghiên cứu và trình bày một cách có hệ thống. Vì vậy theo chúng tôi, nghiên cứu những nội dung cơ bản của Nho giáo về xã hội lý tưởng trong điều kiện hiện nay không chỉ đơn thuần là để hiểu biết thêm về Nho giáo mà điều quan trọng là có cái nhìn đúng về Nho giáo; không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những hạn chế của nó mà còn vạch ra để tiếp thu, phát triển và vận dụng những giá trị tích cực của Nho giáo trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục đích của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, dưới góc độ tiếp cận triết học, sự cần thiết phải nghiên cứu và trình bày quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng một cách có hệ thống và trên cơ sở đó mà chỉ ra và phân tích những đặc trưng cơ bản của xã hội lý tưởng theo quan niệm của Nho giáo.
    Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu những nội dung cơ bản cùng những giá trị và hạn chế trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng trong luận văn này. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn vấn đề: “Những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng” làm đề tài nghiên cứu của luận văn với hy vọng làm sáng tỏ thêm những tiền đề, điều kiện dẫn đến sự hình thành quan điểm của Nho giáo về xã hội lý tưởng và nội dung cơ bản của Nho giáo về xã hội lý tưởng, qua đó có thể rút ra một số ý nghĩa của nó trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
    2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài.
    Nho giáo đã du nhập và phát triển ở Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, nó đã trở thành hệ tư tưởng của giai cấp thống trị Việt Nam, là công cụ quan trọng trong việc cai trị, quản lý xã hội của nhiểu triều đại phong kiến Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu Nho giáo và những ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam là một vấn đề thu hút nhiều người quan tâm. Từ trước cho đến nay, việc nghiên cứu Nho giáo nói chung và quan niệm của Nho giáo về xã hội lí tưởng nói riêng có thể khái quát thành hai xu hướng chính:
    - Hướng nghiên cứu thứ nhất: Nghiên cứu Nho giáo là để hiểu đúng về Nho giáo, thấy được những giá trị tích cực và những hạn chế tiêu cực của Nho giáo và nhất là vai trò, ảnh hưởng của nó đối với xã hội và con người Việt Nam. Hướng nghiên cứu này thu hút được nhiều người quan tâm và được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là các công trình nghiên cứu của Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đăng Thục, Đào Duy Anh, Quang Đạm, Vũ Khiêu, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Nguyễn Tài Thư, Lê Sỹ Thắng Trần Đình Hượu, Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Trần Ngọc Vương, Vũ Minh Tâm, Lê Văn Quán, Trần Nguyên Việt, v.v.
    Trong các công trình nghiên cứu này, trước hết phải kể đến các công trình nghiên cứu của Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, v.v. Các ông nghiên cứu Nho giáo qua lăng kính của nhà nho và với sự tôn sùng Nho giáo, cho nên họ đều nhìn thấy Nho giáo không chỉ là một học thuyết chính trị - xã hội mà còn là học thuyết đạo đức học, học thuyết triết học. Các ông đặc biệt đề cao vai trò của Nho giáo trong xây dựng và đạo đức của con người và xã hội; coi việc tu thân là cái gốc của tề gia trị quốc, bình thiên hạ v.v.
    Sau khi chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam, sự tiếp cận Nho giáo được nghiên cứu dưới lăng kính mới, với một thái độ khách quan, khoa học và biện chứng. Các công trình nghiên cứu của các tác giả này đã phân tích một cách khá toàn diện và sâu sắc tư tưởng Nho giáo. Chẳng hạn trong Nho giáo xưa và nay, tác giả Quang Đạm cho rằng, Nho giáo có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Việc vạch ra mặt hạn chế, phá hoại của Nho giáo, theo tác giả là cần thiết nhưng không phải là để “truy tố, bắt đền” nó mà để “Nhìn rõ và loại trừ tận gốc một cách khách quan và khoa học những hậu quả cụ thể của nó trong hệ tư tưởng và trong cuộc sống xã hội chúng ta ngày nay”, cũng không phải để “ truy tặng, khen thưởng” nó, mà là để “giữ gìn và phát huy nhằm thúc đẩy sự nghiệp chúng ta tiến lên”. Tập thể tác giả mà Vũ Khiêu là chủ biên của công trình Nho giáo xưa và nay đã tập trung nghiên cứu hàng loạt vấn đề như: Sự ra đời và phát triển của Nho giáo; Mối quan hệ giữa Nho giáo với kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa; Hồ Chí Minh và Nho giáo; Tình hình Nho giáo ở một số nước châu Á; Những hạn chế cũng như những giá trị mà Nho giáo mang lại cho các nước châu Á. Tác giả Phan Ngọc, trong Bản sắc văn hóa Việt Nam, từ việc đề cập đến các vấn đề cơ bản của Nho giáo, Nho học và Đạo giáo đã đi đến khẳng định, Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa truyền thống Việt Nam cũng như đời sống hiện thực của con người Việt Nam hiện nay. Không dừng lại ở đó một số công trình nghiên cứu của các tác giả như: Nguyễn Tài Thư, Trần Đình Hượu, Trần Văn Giàu, Vũ Minh Tâm, Trần Nguyên Việt, Đỗ Thị Hòa Hới, Nguyễn Thanh Bình, v.v đều khẳng định ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội con người Việt Nam trong lịch sự và hiện nay là hết sức sâu sắc.
    Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì một trong những vấn đề được quan tâm sâu sắc chính là tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa những căn nguyên, cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng: ví dụ như với bài viết Bước đầu tìn hiểu Bác Hồ với học thuyết của Nho gia, tác giả Lê Văn Quán đã đưa ra những dẫn chứng để chứng minh học thuyết Nho gia đã ảnh hưởng đến Bác Hồ như thế nào ? Bác đã khẳng định cần phải kế thừa và phát huy những điểm tích cực của Nho gia, Bác nhẫn mạnh giáo dục cần phải kết hợp giữa học với hành; người cách mạng phải hội đủ 5 điều: trí – tín – nhân – dũng – liêm. Và tác giả cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, Bác đã kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố Nho giáo với truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc: nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, trung, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cũng tác giả Lê Văn Quán với bài viết Bác Hồ với học thuyết Nho giáo, đã khẳng định, Hồ Chí Minh là người rất am hiểu Nho giáo và vận dụng một cách tài tình những tinh hoa của Nho giáo vào điều kiện cách mạng nước ta. Người vận dụng Nho giáo trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng, trong việc phê phán tư tưởng trọng nam khinh nữ đồng thời phản đối chế độ đẳng cấp Nho giáo. Hay như tác giả Nguyễn Văn Hồng với bài viết Ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo Trung Hoa qua sự tiếp nhận chọn lọc, sáng tạo trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, qua phân tích đã đi đến khẳng định, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, Người đã chọn lọc những tinh hoa từ những chuẩn mực đạo đức Nho giáo và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam .vv. Ngoài ra, nghiên cứu vấn đề này, còn có nhiều tác giả khác như tác giả Phan Văn Hoàng với bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh với những yếu tố tích cực của Nho giáo; tác giả Minh Anh với bài viết Hồ Chí Minh với Nho giáo; tác giả Kiều Thu Hoạch với bài viết Hồ Chí Minh với di sản Nho giáo; tác giả Lê Ngọc Tân với bài Hồ Chí Minh và tư tưởng Khổng giáo; v.v.
    - Hướng nghiên cứu thứ hai: Nghiên cứu Nho giáo chỉ chủ yếu là nhằm vạch ra những hạn chế tiêu cực của Nho giáo, để từ đó và chủ yếu là nhằm bài xích Nho giáo, coi Nho giáo là vô dụng, là có hại, không phù hợp với thời đại khoa học và dân chủ. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là các công trình nghiên cứu của Vi Chính Thông, Trần Độc Tú, Trần Khuê, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Mai Trung Hậu, v.v. Các tác giả này đã từ những yếu tố, tính chất tiêu cực và hạn chế của Nho giáo để bảo vệ quan điểm của mình rằng, Nho giáo là có hại, nó không có giá trị đối với văn hóa truyền thống và hiện nay ở Trung Quốc và Việt Nam. Chẳng hạn, theo như tác giả Mai Trung Hậu thì, “Nho giáo về cơ bản mâu thuẫn với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”; hay như một ý kiến khác của tác giả Hà Thúc Minh cho rằng, ngay khi hình thành, “Nho giáo cũng không phải là động lực phát triển kinh tế, thì ngày nay đối với nền kinh tế thị trường càng khó có thể coi Nho giáo là một động lực phát triển kinh tế” vì theo tác giả, “Nội dung giảng dạy chủ yếu của Nho giáo là lễ giáo, đạo đức chứ không phải là sản xuất, khoa học, kinh tế”. Rõ ràng, những quan điểm trên chủ yếu là phủ nhận vai trò và ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam trước kia, đặc biệt là trong thời đại hiện nay. Do vậyTuy mà, những ý kiến này là siêu hình, không có sức thuyết phục và không có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu Nho giáo.
    Sự trình bày trên đây càng cho thấy, nghiên cứu, đánh giá về Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội và con người Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi cần phải nghiên cứu và làm rõ thêm.
    Cũng trong hướng nghiên cứu thứ nhất, nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề này, phải kể đến các tác giả Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Văn Khoái, Nguyễn Thanh Bình, v.v. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng chỉ dừng lại ở các bài báo đăng trên các tạp chí, hay được nghiên cứu trong tổng thể học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo, trong tổng thể tư tưởng của một số nhà Nho tiêu biểu ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên trong những công trình này, các tác giả cũng mới chỉ ra những nét khái quát nhất mô hình xã hội lý tưởng của Nho giáo và những đặc trưng cơ bản của xã hội lý tưởng trong quan niệm của Nho giáo mà thôi. Tiếp tục hướng nghiên cứu về xã hội lý tưởng của Nho giáo, từ góc độ nghiên cứu triết học, chúng tôi nhận thấy rằng, cần phải nghiên cứu, làm rõ thêm về nội dung, dù chỉ là những nội dung cơ bản trong quan niệm này của Nho giáo một cách có hệ thống để từ đó có cơ sở chỉ ra những giá trị và hạn chế cũng như ý nghĩa của nó ở Việt Nam hiện nay.
    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài.
    Mục đích của luận văn là: Xuất phát từ Lý do chọn đề tài và Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, thông qua nghiên cứu những tiền đề, điều kiện và những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng chỉ để chỉ ra những giá trị, hạn chế chủ yếu của nó và từ đó rút ra ý nghĩa của nó trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
    Nhiệm vụ của luận văn là, để đạt được mục đích trên, Luận văn tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu sau:
    - Những điều kiện, tiền đề chủ yếu cho sự hình thành và phát triển quan điểm của Nho giáo về xã hội lý tưởng;
    - Trình bày một cách có hệ thống những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng;
    - Chỉ ra một số giá trị và hạn chế chủ yếu trong quan niệm trên của Nho giáo.
    4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu.
    Cơ sở lý luận của Luận văn được dựa trên cơ sở lý luận của triết học Mác - Lênin trong nghiên cứu về xã hội và con người.
    Phương pháp nghiên cứu của Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp biện chứng duy vật của Triết học Mác – Lênin kết hợp với một số phương pháp nghiên cứu khoa học khác như phương pháp lôgic và lịch sử; phương pháp phân tích - tổng hợp; phương pháp đối chiếu – so sánh.
    5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận văn.
    Đối tượng nghiên cứu: Quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng
    Phạm vi nghiên cứu:
    - Một số tác phẩm của Nho giáo, chủ yếu là Tứ thư, Ngũ Kinh;
    - Các tác phẩm và các công trình nghiên cứu về Nho giáo và Nho giáo Việt Nam.
    6. Đóng góp của Luận văn.
    Luận văn trình bày có hệ thống những nội dung chủ yếu trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng.
    7. Ý nghĩa của Luận văn.
    Từ góc độ triết học, Luận văn bước đầu làm sáng tỏ và trình bày có hệ thống những tiền đề, điều kiện ra đời và những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng.
    Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong việc gảng dạy, nghiên cứu và học tập về Nho giáo nói chung và quan điểm của Nho giáo về xã hội lý tưởng nói riêng.
    8. Kết cấu của Luận văn: Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Nội dung của Luận văn gồm 2 chương với 5 tiết.
    Chương 1. Những điều kiện và tiền đề chủ yếu cho sự hình thành quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng,với 2 tiết.
    Chương 2. Quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng, với 3 tiết.
     
Đang tải...