Tiến Sĩ Những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 17/7/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỤC LỤC
    Trang
    MỞ ĐẦU 1
    TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ PHAN KHÔI 9
    1. Tình hình nghiên cứu về Phan Khôi ở trong nước 9
    2. Tình hình nghiên cứu Phan Khôi ở ngoài nước 27
    3. Những vấn đề đặt ra 31
    Chương 1: THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP BÁO CHÍ CỦA PHAN KHÔI NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX 33
    1.1. Bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 33
    1.2. Sự phát triển báo chí đầu thế kỷ XX 41
    1.3. Thân thế và quá trình hoạt động báo chí của Phan Khôi 63
    Chương 2: QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRONG CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ CỦA PHAN KHÔI 78
    2.1. Quan điểm chính trị 79
    2.2. Quan điểm xã hội 99
    Chương 3: NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHAN KHÔI ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT TRONG BÁO CHÍ 121
    3.1. Những đóng góp của Phan Khôi với Việt ngữ học 123
    3.2. Phát triển cách diễn đạt hiện đại vào ngôn ngữ báo chí 132
    3.3. Phổ biến và phát triển tiếng Việt 141
    Chương 4: NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHAN KHÔI TRONG PHÁT TRIỂN THỂ LOẠI TÁC PHẨM BÁO BÁO CHÍ VÀ KỸ NĂNG LÀM BÁO 149
    4.1. Quan điểm của Phan Khôi về nghề báo và những kỹ năng hoạt động nghề nghiệp 150
    4.2. Những đóng góp của Phan Khôi trong phát triển thể loại tiểu phẩm báo chí 162
    4.3. Những đóng góp của Phan Khôi trong phát triển thể loại bình luận, chuyên luận 176
    KẾT LUẬN 183
    DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ 189
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 190


    MỞ ĐẦU
    1. Lý do lựa chọn đề tài
    Nửa đầu thế kỷ XX, Phan Khôi là nhà báo nổi bật. Ông là cây bút nổi tiếng về sự sắc sảo và thẳng thắn, thường đề cập đến các vấn đề thời sự, nhạy cảm trong xã hội. Ông cũng là người khởi xướng và tham gia những cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí thời bấy giờ.
    Vốn là người thông minh, nhạy cảm trước cái mới và giàu tinh thần nhập thế, ông sớm bỏ lối học khoa cử, để chuyển sang học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông là một trong những người đầu tiên cắt tóc ngắn, hưởng ứng vận động duy tân. Chính phong trào cách mạng sôi động những năm đầu thế kỷ XX đã cuốn Phan Khôi vào hoạt động báo chí. Nhờ tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ từ Cách mạng Tân Hợi 1911, phong trào Ngũ Tứ 1919 ở Trung Hoa cùng với làn sóng tân thư mà Phan Khôi đã bàn luận một cách thẳng thắn trên báo chí về những vấn đề rất mới bấy giờ như: Vai trò người phụ nữ trong thời đại mới; về vai trò người trí thức trong vận hội mới của dân tộc Riêng về vấn đề nữ quyền, Phan Khôi cho rằng phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới, người phụ nữ không phải là những người chỉ biết quẩn quanh nơi góc nhà, xó bếp mà họ có quyền tham gia các hoạt động xã hội, có quyền được học hành và nuôi chí tiến thủ. Có thể nói, với tư tưởng cấp tiến đó, Phan Khôi xứng danh là một trong những người khởi xướng phong trào “nữ quyền” ở nước ta ngay từ những năm đầu thế kỷ XX.
    Thời kỳ làm báo sung sức nhất của Phan Khôi là những năm 1928-1939, đặc biệt là quãng thời gian ông làm chủ bút tờ Phụ nữ Tân văn (từ 02/5/1929 đến 21/4/1935). Đây là tờ báo lớn, được phát hành trong cả nước. Trong hàng loạt bài báo đầy màu sắc luận chiến, Phan Khôi luôn đề cập đến những vấn đề nóng bỏng và bức thiết được xã hội bấy giờ quan tâm, trong đó có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ và văn tự. Cụ thể là, ông quan tâm đến việc viết chữ quốc ngữ phải viết cho đúng, đính chính những chữ mà người sử dụng hay dùng sai nghĩa; việc dùng điển tích trong thơ văn và chú thích; cách đặt quán từ, danh từ, động từ Những bài viết này có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là thời kỳ chữ quốc ngữ đang trong quá trình hoàn thiện ở nước ta. Những bài báo của Phan Khôi luôn gây được sự chú ý bởi tính thẳng thắn trong suy nghĩ và cách trình bày hấp dẫn, rành mạch, đậm chất duy lý. Tiếp cận, phân tích các tác phẩm báo chí của Phan Khôi, một điều dễ nhận thấy là sự nhất quán trong tinh thần học thuật của ông - Phan Khôi luôn trọng lý. Ông là người ưa nhập thế, thích tranh luận để làm sáng tỏ chân lý. Chính trong những cuộc bút chiến này, độ sắc sảo của ngòi bút Phan Khôi được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Tinh thần nhập thế và ý thức luôn tìm đến cái mới đã tạo nên nguồn cảm hứng tranh luận trong ngòi bút của ông. Với bút lực mạnh mẽ, ý tưởng dồi dào, ông đã vận dụng luận lý học để giải thích và bàn luận sâu nhiều vấn đề học thuật và tư tưởng.
    Từ số lượng khổng lồ các tác phẩm báo chí, có thể nói, ông là người có những đóng góp to lớn thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Những đóng góp đó đã được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận và đánh giá rất cao. Trong bài viết tham dự tọa đàm nhân dịp 120 năm ngày sinh của Phan Khôi (1887-2007), tác giả Lê Minh Quốc (làm công tác nghiên cứu, sưu tầm danh nhân lịch sử nước Việt) viết: “Nếu chỉ chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng trong thế kỷ XX, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là một hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại”. Tác giả Lại Nguyên Ân sau quá trình sưu tầm khối lượng khổng lồ các tác phẩm báo chí của Phan Khôi những năm 20-30, thế kỷ XX đã nhận định:
    Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn ( .) Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX [12, tr.443-444].
    Với sức lao động phi thường, thể hiện ở số lượng tác phẩm báo chí khổng lồ đăng tải trên báo chí khắp ba miền từ những năm 20 đến những năm 50 của thế kỷ XX (các tờ: Đông Tây, Đăng Cổ Tùng báo, Nam Phong, Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh, Hà Nội báo, Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội; Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ Tân văn, Trung lập ở Sài Gòn; Tràng An và thành lập tờ Sông Hương ở Huế ), Phan Khôi thực sự là tên tuổi lớn của báo chí Việt Nam.
    Tuy nhiên, do những quan điểm về văn nghệ, “lúc đó là sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị cách ly và không được quyền đăng bài vở, không được quyền công bố gì cả, thành ra sau cái chết có thể nói là rất lặng lẽ của ông vào năm 1959, thì dư luận, sách vở ở miền Bắc hầu như là lãng quên ông hoàn toàn” [12, tr.444]. Là người đã dày công sưu tầm các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi giai đoạn 1928-1938, tác giả Lại Nguyên Ân cũng khẳng định ông mới sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi, chứ chưa đặt bút để bàn luận về nhân vật này. Theo Lại Nguyên Ân, những tư tưởng của Phan Khôi về các vấn đề xã hội, về con đường phát triển đất nước, về những nhược điểm của dân tộc Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và tính giá trị, và các bài báo, sức sáng tạo, đóng góp cho báo chí thời Pháp thuộc của Phan khôi có ý nghĩa lớn đối với các nhà báo hiện nay ở Việt Nam.
    Như vậy, việc tìm hiểu, tổng kết “những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX” là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, góp phần phác họa chân dung một trong số những nhà báo hàng đầu Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Phan Khôi, đồng thời bổ sung tài liệu tham khảo trong nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng thêm một lần tìm đến sự đánh giá tương đối công bằng về những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí cũng như nền văn hóa Việt Nam.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    2.1. Mục đích nghiên cứu
    Trên cơ sở việc tìm hiểu, phân tích sự nghiệp báo chí và khắc họa chân dung nhà báo Phan Khôi, luận án sẽ tổng kết, đánh giá những đóng góp của ông đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX; tìm đến sự nhìn nhận công bằng, khách quan hơn đối với Phan Khôi trong lịch sử báo chí Việt Nam. Kết quả của luận án sẽ góp phần cung cấp tài liệu tham khảo có ý nghĩa giúp những người làm công tác nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn trong quá trình nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Để đạt được những mục đích trên, luận án sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:
    - Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Phan Khôi; bối cảnh xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và những điều kiện chính trị - xã hội ảnh hưởng đến hoạt động báo chí của ông.
    - Nghiên cứu hệ thống tác phẩm báo chí của Phan Khôi và những hoạt động của ông trong lĩnh vực báo chí.
    - Phân tích làm rõ những thành tựu trong hoạt động báo chí của Phan Khôi và ảnh hưởng của những hoạt động đó đối với xã hội, với diện mạo báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Từ đó, làm sáng tỏ những đóng góp của ông đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, trên các khía cạnh: Sự phát triển những quan điểm chính trị - xã hội, học thuật thông qua báo chí; ngôn ngữ; thể loại, nghiệp vụ báo chí; những bài học cho người làm báo hiện nay.
    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Luận án tập trung nghiên cứu bối cảnh xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, hệ thống các tác phẩm, các hoạt động của Phan Khôi trong lĩnh vực báo chí, những ý kiến đánh giá về Phan Khôi và hoạt động báo chí của ông qua các thời kỳ để làm rõ những đóng góp của Phan Khôi đối báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    - Để làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu, luận án tập trung khảo sát các tác phẩm báo chí của Phan Khôi từ năm 1928 đến năm 1939. Đây là thời gian nhà báo Phan Khôi hoạt động nghề nghiệp sung sức nhất, để lại dấu ấn đậm nét nhất đối với nền báo chí Việt Nam. Những kết quả lao động báo chí của ông thời kỳ này đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí Việt Nam đầu thế
    kỷ XX.
    - Các ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà báo và các tác giả khác phân tích, nhận xét, đánh giá về cuộc đời, hoạt động báo chí của Phan Khôi.
    - Trong điều kiện khó khăn về tìm kiếm và tập hợp tư liệu, trong luận án, một số tác phẩm báo chí của Phan Khôi được thống kê toàn bộ, một số khác được nghiên cứu khảo sát mang tính chọn lọc, đại diện.
    - Nguồn tư liệu về các tác phẩm báo chí của Phan Khôi làm cơ sở cho những phân tích trong luận án được khai thác chủ yếu từ các cuốn sách do tác giả Lại Nguyên Ân sưu tầm. Các nguồn khác từ chương trình phát thanh của Đài RFI hay trên các trang mạng ngoài nước dùng để tham khảo, đối chứng.
    4. Giả thuyết nghiên cứu
    Do những quan điểm về văn nghệ và mối quan hệ với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm của Phan Khôi những năm 1956-1958, nên hiện nay những đánh giá về ông không nhất quán, với các luồng ý kiến trái ngược nhau: Có ý kiến đánh giá rất cao những đóng góp của Phan Khôi trong các lĩnh vực lịch sử, văn học, báo chí, văn hóa, xã hội, nhưng cũng không ít ý kiến phê bình, chỉ trích gay gắt các quan điểm của ông. Có một xu hướng thứ hai là: Do những tế nhị liên quan đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, người ta không nhắc đến Phan Khôi, và do đó, ông trở thành người xa lạ! Đây chính là tình huống có vấn đề.
    Vì vậy câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là: Cần phải đánh giá về Phan Khôi thế nào cho công bằng, nhất là những đóng góp của ông đối với nền báo chí nước nhà?
    Luận án đưa ra hai giả thuyết như sau:
    Thứ nhất: Mặc dù còn có những ý kiến phê bình thậm chí là chỉ trích các quan điểm của Phan Khôi nhưng không thể phủ nhận ông đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Thông qua hoạt động báo chí, ông có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực lịch sử, văn học, văn hóa, xã hội.
    Thứ hai: Còn có sự đánh giá không công bằng đối với những đóng góp “tích cực” và những điểm “tiêu cực” đối với Phan Khôi.
    Luận án “Những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX” sẽ tìm những luận cứ góp phần làm sáng tỏ giả thuyết nghiên cứu nêu trên.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    5.1. Cơ sở lý luận: phương pháp luận biện chứng Mác-Lênin và những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí; Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí.
    5.2. Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn như: thống kê, phân tích tài liệu sẵn có, lịch sử so sánh (đồng đại, lịch đại), chuyên gia, tổng hợp. Cụ thể:
    - Phương pháp thống kê, phân tích tài liệu sẵn có: Rà soát, thống kê những ấn phẩm báo chí của nhà báo Phan Khôi. Luận án cũng thu thập và phân tích những tài liệu nghiên cứu lịch sử báo chí về Phan Khôi cũng như một số nhà báo cùng thời với ông.
    - Phương pháp so sánh đồng đại: Luận án sẽ khảo cứu tư liệu để so sánh những đóng góp và hạn chế của Phan Khôi (thông qua các hoạt động và ấn phẩm báo chí của ông) với các nhà hoạt động báo chí Việt Nam khác trong cùng thời điểm thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước.
    - Phương pháp so sánh lịch đại: Luận án sẽ khảo cứu tư liệu để so sánh những đóng góp và hạn chế của Phan Khôi (thông qua các hoạt động và ấn phẩm báo chí của ông) theo tuần tự thời gian trong suốt sự nghiệp báo chí của ông, đặc biệt là giai đoạn 1928 - 1939.
    - Phương pháp chuyên gia: Tác giả trực tiếp gặp gỡ (hoặc xin ý kiến bằng văn bản) các nhà báo lão thành, các nhà hoạt động văn hóa, các nhà ngôn ngữ, các nhà khoa học, giảng viên, người thân trong gia đình nhà báo Phan Khôi - là những người đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và có am hiểu sâu sắc cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi về những nội dung mà luận án quan tâm.
    - Phương pháp tổng hợp: Trên cơ sở phân tích tư liệu thu được cùng ý kiến phân tích của các chuyên gia, luận án sẽ tổng hợp và làm rõ những đóng góp cũng như những hạn chế về những mặt khác nhau (như mục tiêu, quan điểm chính trị - xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, thể loại, phương pháp - kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp ) của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam.
    6. Đóng góp mới của luận án
    - Làm sáng tỏ được những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là nội dung mà do nhiều nguyên nhân, chúng ta chưa đề cập và nghiên cứu; đồng thời góp phần bổ sung một cách nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX.
    - Kết quả luận án góp một cách nhìn mới, đánh giá công bằng hơn đối với sự nghiệp báo chí của Phan Khôi, bên cạnh những hạn chế của ông ở những thời điểm lịch sử cụ thể.
    7. Kết cấu luận án
    Ngoài phần mở đầu, tổng quan tình hình nghiên cứu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án chia thành bốn chương, gồm:
    Chương 1: Thân thế, sự nghiệp báo chí của Phan Khôi những năm đầu thế kỷ XX.
    Chương 2: Quan điểm chính trị - xã hội trong các tác phẩm báo chí của Phan Khôi.
    Chương 3: Những đóng góp của Phan Khôi về phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trong báo chí.
    Chương 4: Những đóng góp của Phan Khôi về phát triển thể loại tác phẩm báo chí và kỹ năng làm báo.
     
Đang tải...