Thạc Sĩ Nhịp văn xuôi trong ký Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU


    1. Lí do chọn đề tài


    1.1. Maiacốpxki từng nói Nhịp điệu là sức mạnh chủ yếu, là năng lượng chủ yếu của câu thơ. Tuy nhiên, nhịp điệu không là đặc quyền chỉ của thơ. Trong văn xuôi cũng tồn tại nhịp điệu. Nhịp trong văn xuôi không gò bó quá như trong thơ mà tương đối tự do. Văn xuôi có nhịp điệu thường gặp, đặc biệt trong "văn xuôi có chất thơ " (prose poetique). Chưa ai xác định được ranh giới giữa văn xuôi có nhịp điệu và văn xuôi thông thường nên chỉ có thể hiểu nhịp điệu là sự phân bố chỗ ngắt giọng, âm thanh bằng trắc, điểm dừng có vai trò thẩm mỹ, tuy rằng nó độc lập với các vần, luật thơ. Việc nghiên cứu về nhịp điệu của văn xuôi tuy khó khăn hơn, song lại là công việc rất nên được quan tâm, bởi vì thực tiễn văn chương cho thấy nhiều áng văn xuôi khi đưa được nhịp điệu vào thì sức lan tỏa trở nên rộng lớn hơn, biểu cảm mạnh hơn. Những bài ký của Nguyễn Tuân, Thép Mới, Nguyễn Trung Thành, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v Chính là những mẫu mực ngày nay cho cách dùng văn chương có nhịp điệu.

    1.2. Nguyễn Tuân là một trong chín nhà văn được chọn học trong chương trình phổ thông với tư cách là tác gia tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong số không nhiều nhà văn đã tạo được cho mình một phong cách sáng tạo nghệ thuật độc đáo và có nhiều cống hiến cho văn chương Việt Nam thế kỉ XX. Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ với những trang viết độc đáo và tài hoa. Ông xứng đáng được coi là một nghệ sĩ lớn. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1).

    Văn nghiệp của Nguyễn Tuân trải qua hai giai đoạn trước và sau cách mạng. Với thể loại ký, Nguyễn Tuân đã tìm được cho mình một hướng đi riêng, mà cho đến nay chưa ai vượt được. Ông được tôn vinh là nhà tùy bút số một Việt Nam. Ông để lại được dấu ấn và tên tuổi của mình chính nhờ thể loại này.

    1.3. Nguyễn Tuân là nhà văn luôn có ý thức khám phá và cống hiến tài năng của mình cho văn chương. Ông đã từng thử sức ngòi bút của mình qua nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết . nhưng tuỳ bút là thể loại mà ông thành công nhất. Từ trước tới nay đã có nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu về sáng tác của Nguyễn Tuân ở nhiều góc độ khác nhau. Song, để tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu vào nhịp điệu văn xuôi trong ký Nguyễn Tuân, làm rõ hơn phong cách Nguyễn Tuân thì chưa có công trình nào thực hiện một cách hệ thống. Bên cạnh đó, với tinh thần đổi mới phương pháp và quan điểm dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông là chú ý tích hợp các phương diện nghệ thuật liên quan đến tác phẩm văn học, chúng tôi đã chọn nhịp điệu trong thể ký của Nguyễn Tuân để nghiên cứu.

    2. Lịch sử vấn đề

    Nhịp và nhạc điệu trong tác phẩm văn chương trong thơ ca truyền thống thường được bàn thông qua các nguyên tắc về niêm, luật trong thi ca. Nhịp và nhạc điệu trong văn xuôi ít được bàn luận hơn, do chỗ các sáng tác trong truyền thống đa phần là thi ca hoặc bị thi ca hóa (lối văn bát cổ). Đây là đặc trưng của thi pháp trung đại (Trần Đình Sử, Phan Ngọc).

    Trong thời cận và hiện đại, khi văn xuôi thực sự có chỗ đứng trên văn đàn, nhịp và nhạc điệu tồn tại như một thực tế tự nhiên, nhưng vẫn chưa được các nhà lí luận quan tâm bởi các lí do sau đây:

    - Ranh giới giữa thơ và văn, giữa văn vần và thơ trong thực tế chưa hẳn đã rõ ràng.

    - Khi bàn về thơ, người ta chú ý nhiều đến số lượng chữ trong dòng, cách gieo vần, nhưng chưa chú ý thoả đáng đến cắt nhịp và vai trò của nhịp.

    - Đặc trưng loại hình ngôn ngữ, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, ảnh hưởng nhiều đến tri nhận thi ca: hầu như mỗi tiếng, do đặc điểm ngữ nghĩa có tính độc lập tương đối, đều có thể được tách ra để tạo thành chân, thành nhịp tương đương với hai đơn vị cơ bản của nhạc điệu phổ quát.

    - Tài liệu lí luận về nhịp trong văn xuôi chưa nhiều.

    3. Mục đích nghiên cứu

    3.1. Mục đích nghiên cứu

    Mục đích của công trình là tìm hiểu đặc trưng và hiệu quả của nhịp điệu trong ký Nguyễn Tuân. Qua đó, mong muốn bước đầu khắc họa được thần thái của ký Nguyễn Tuân và phong cách nghệ thuật của ông.

    Đề tài giúp cho việc hiểu tác phẩm ký của Nguyễn Tuân chân xác hơn và giúp cho việc giảng dạy, học tập về Nguyễn Tuân ở các bậc học có kết quả tốt hơn.

    3.2. Đối tượng nghiên cứu

    Đối tượng của công trình này là nhịp điệu trong các tác phẩm ký sau

    1945 của Nguyễn Tuân.

    4. Nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

    4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu

    Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn đề ra những nhiệm vụ sau: Giới thiệu được những nét cơ bản về Nguyễn Tuân và thể ký.

    Nêu được cơ sở lí thuyết có liên quan đến đề tài, cụ thể là liên quan đến nhịp điệu và các phương thức tạo nhịp văn xuôi.

    Khảo sát tư liệu để tìm ra các phương thức tạo nhịp văn xuôi của ký Nguyễn Tuân.

    So sánh với vài tác giả ký nổi tiếng khác để thấy được nét riêng của nhịp văn xuôi trong ký Nguyễn Tuân.

    Chỉ ra được các tác dụng văn chương của nhịp trong ký Nguyễn Tuân.

    4.2. Phạm vi nghiên cứu

    Luận văn giới hạn trong khảo sát nhịp và tính nhạc trong 13 bài ký sau 1945 của Nguyễn Tuân, khoảng 200 trang tác phẩm. Đương nhiên để khắc họa sâu đặc tính nhịp và nhạc điệu của ông, luận văn có tiến hành so sánh ông với các tác giả ký quen thuộc khác (sau 1945) như Thép Mới, Nguyễn Trung Thành, Hoàng Phủ Ngọc Tường

    5. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp hệ thống, phân loại

    - Phương pháp so sánh, đối chiếu

    - Phương pháp phân tích diễn ngôn

    - Phương pháp ứng dụng của thi pháp học

    6. Đóng góp của luận văn

    - Đề tài luận văn là sự tiếp nối những công trình khoa học nghiên cứu về tác giả Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cố gắng tìm ra điểm mới khi đi sâu vào mảng nhịp văn xuôi của ký Nguyễn Tuân- một lĩnh vực còn chưa được quan tâm một cách đầy đủ và hệ thống.

    - Đề tài Nhịp văn xuôi trong ký Nguyễn Tuân góp phần làm rõ hơn phong cách và đặc điểm thể loại ký của Nguyễn Tuân nói chung và các bài ký của ông mà luận văn đã chọn nghiên cứu nói riêng.

    7. Cấu trúc luận văn

    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Thư mục tham khảo, luận văn gồm ba chương:

    Chương 1: Cơ sở lí luận

    Chương 2: Nguyễn Tuân tạo nhịp cho ký

    Chương 3: Tìm hiểu vai trò của nhịp điệu trong ký Nguyễn Tuân
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...