Tài liệu Nhìn lại cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Nhìn lại cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

    ,


    Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1839(1), mất năm 1868, là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc Long An) và Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang), cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ.

    I.Cuộc đời:

    Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn, từ năm Kỷ Mùi 1859 đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên thầy dạy học của ông đặt tên hiệu cho ông là Trung Trực.(theo Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 4, NXB trẻ, 2004, tr.46)

    Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng tức Thăng, mẹ là Lê Kim Hồng.

    Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên.(nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)
    Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.

    Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.

    Năm 1861, nhờ lập được công lao, nên ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo”(Hỏi đáp lịch sử tập 4 , sách đã dẫn, tr.46. Phan Thành Tài trong Nam Bộ - đất và người ghi là “quyền sung quản binh đạo”(Hội Khoa học lịch sử TP. HCM, NXB Trẻ tr. 159) nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch .

    Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Lâm Quang Ky, Hoàng Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Học, Hồ Quang v.v

    II.Chiến công:
    Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tóm gọn hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ nổi tiếng sau:
    Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
    Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần
    Thái Bạch dịch:
    Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
    Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.

    2.1Hỏa hồng Nhật Tảo:
    Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (25 tháng 2 năm 1861), Nguyễn Trung Trực về Tân An. Lúc này, Pháp đã chiếm Mỹ Tho (tức thành Định Tường thất thủ vào ngày 12 tháng 4 năm 1861) nên thường cho những tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động.
    Một trong số đó là chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

    Tiểu hạm Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng. Đây là một trong những tàu thuộc hàng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ.
    Vào trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng và Võ Văn Quang (theo Hỏi đáp lịch sử, còn Phan Thành Tài ghi tên là Nguyễn Văn Quang) tổ chức cuộc phục kích đốt cháy tàu này. Nguyễn Phan Quang cho biết: Theo tài liệu của Pháp thì trong trận đốt cháy tàu Espérance, Nguyễn Trung Trực đã được sự hướng dẫn, hổ trợ của Trương Định.(theo Việt Nam thế kỷ 19, NXB TP. HCM, 2002, tr. 289)

    Trận Nhật Tảo có 2 ý kiến khác nhau: thứ nhất ông Trực cho giả làm thuyền đám cưới qua sông, thừa lúc áp sát tàu Espérance rồi đánh úp; thứ hai là ông Trực cho giả làm thuyền buôn lúa, để đánh chìm tàu. Ý kiến sau được nhiều người chấp nhận, trong đó có sự đồng thuận của một số người tác giả người Pháp như Paulin Vial, Alfred Schreiner

    Trận này quân của Nguyễn Trung Trực đã diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt, chỉ có 5 người trốn thoát (2 lính Pháp và 3 lính Tagal, tức lính đánh thuê Philippines, cũng còn gọi là lính Ma Ní).
    Lúc đó, viên sĩ quan chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait không có mặt, nên sau khi hay tin dữ, Parfait đã ra lệnh đốt cháy nhiều nhà cửa trong thôn Nhật Tảo.

    Chiến thắng này được triều Nguyễn cho ban thưởng và ghi chép lại trong sử.
    Còn với Pháp, viên thanh tra bản xứ tại Nam Kỳ tên Paulin Vial gọi đây là: “một sự kiện đau đớn” làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong lòng người Pháp. ’(Paul Vial: “ Les premières années de la Cochinchine, Colonie Francaise”, 2 quyển, Challamet Ainé, Libraire Editeru, Paris, 1874, tr.124 )

    Và Alfred Schreiner gọi chiến thắng Nhật Tảo:
    Đấy là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp”( Alfred Schreiner: “ Abrégéde I’histoire D’ An nam”,2è Éd. Sài Gòn, 1906, tr.224)
    Ở một trang khác, tác giả nhận định:
    Cuộc đốt cháy tàu Espérance là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người Annam (sách đã dẫn, tr.223)
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...