Tiến Sĩ Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn họ

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 11/11/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỜI CẢM ƠN

    Sau một thời gian học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay tôi đã hoàn thành luận án với đề tài Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận.
    Tôi xin chân thành gửi tới GS.TS Lê Huy Bắc, người thầy đã trực tiếp hướng dẫn khoa học, giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành bản luận án này lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.
    Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn Lí luận Văn học, tổ bộ môn Văn học Nước ngoài, khoa Ngữ văn; Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thiện luận án.
    Tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn đã tạo mọi điều kiện cho tôi được học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án.
    Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết đã dành cho tôi những chia sẻ, động viên, ủng hộ cả tinh thần và vật chất giúp tôi học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án này.
    Hà Nội, tháng 10 năm 2015
    Tác giả luận án


    Lê Lâm

    MỤC LỤC

    MỞ ĐẦU 1
    1. Lí do chọn đề tài 1
    2. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu 3
    3. Phương pháp nghiên cứu 5
    4. Đóng góp của luận án 6
    5. Cấu trúc của luận án 7
    Chương 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 8
    1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước về Ernest Hemingway 8
    1.2. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài về Ernest Hemingway 19
    Tiểu kết 37
    Chương 2: KHÁI NIỆM NỮ QUYỀN LUẬN VÀ NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST RHEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ 38
    2.1. Khái niệm “nữ quyền luận” 39
    2.2. Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mỹ 46
    2.3. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền với phương thức thể hiện nhân vật nữ của Ernest Hemingway 64
    Tiểu kết 67
    Chương 3: TƯƠNG QUAN NHÂN VẬT NỮ - NAM 69
    3.1. Nhân vật nữ - nam nhìn từ số lượng 69
    3.2. Mối quan hệ nam nữ và những bất thường về tình dục, giới tính 72
    3.2.1. Khổ dâm, chứng bất lực và sự sụp đổ quyền thống trị tình dục của nam giới 73
    3.2.2. Sự phức tạp của giới tính 87
    3.2.2.1. Xu hướng nữ tính và sự hoán đổi giới tính 87
    3.2.2.2. Đồng tính nữ như là biểu hiện của nữ quyền 99
    3.3. Bản thể nữ 106
    3.3.1. Cái nhìn ngoại diện và quyền uy của cơ thể nữ 106
    3.3.2. Xu hướng nam hóa trong hành động của nhân vật nữ 115
    Tiểu kết 118
    Chương 4: NỮ QUYỀN QUA ĐỊNH DẠNG KIỂU NHÂN VẬT NỮ 119
    4.1. Người đàn bà “vết thương” và cô đơn 120
    4.2. Người đàn bà “lăng loàn” 128
    4.2.1. Những người đàn bà hành hạ, thống trị, gây ra cái chết và rắc rối cho đàn ông 129
    4.2.2. Những người đàn bà ngoại tình 131
    4.3. Người đàn bà suy thoái thiên chức 134
    4.4. Người đàn bà “nguồn sáng của thế giới” 136
    4.5. Brett - người đàn bà “lưỡng tính” 138
    Tiểu kết 145
    KẾT LUẬN 147
    CÁC BÀI BÁO ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151
    THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
    PHỤ LỤC 1 162
    PHỤ LỤC 2 165


    MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài
    E. Hemingway (1899 - 1961) là nhà văn lớn của nhân loại thế kỉ XX. Ông đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc không chỉ ở các sáng tác văn chương mà còn qua chính cuộc đời mình.
    E. Hemingway luôn có những tìm tòi, khám phá để phản ánh lên trang viết sự đa dạng của cuộc sống con người. Để lại cho nhân loại một di sản văn học tuy không nhiều về số lượng, không phong phú về thể loại nhưng tác phẩm của E. Hemingway đã chuyển tải được nhiều vấn đề bức thiết, có tính muôn thuở của nhân loại.
    Sáng tác của E. Hemingway trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả. Giá trị tư tưởng nghệ thuật trong tác phẩm của ông liên tục được phát hiện. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điểm chưa được nghiên cứu, luận giải một cách thỏa đáng. Bởi vậy mà có ý kiến nhận định rằng tác phẩm của Hemingway luôn gây nên sự tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Ở ông có sự giao thoa giữa mới và cũ, giữa cổ điển và hiện đại, giữa dễ hiểu và khó hiểu Việc nghiên cứu về E. Hemingway vì thế chưa bao giờ dừng lại.
    Tại Việt Nam, E. Hemingway là một trong số ít những nhà văn nước ngoài được đầu tư dịch thuật, nghiên cứu kỹ nhất. Con số đầu sách xuất bản và đặc biệt là số lần dịch lại tác phẩm của ông đã cho thấy mối quan tâm của độc giả, của những người làm công tác nghiên cứu, phê bình, dịch thuật đối với nhà văn này.
    Nhiều ý kiến nhận định về một “thế giới đàn ông không có đàn bà” trong tác phẩm của E. Hemingway. Quả thực, có thể thấy những điểm bất thường trong mối tương quan giới tính nam nữ và ở nhân vật nữ của E. Hemingway. Số lượng nhân vật trung tâm là nữ trong sáng tác của ông không nhiều, thậm chí có thể không bằng những người vợ và người tình của ông (ngoài tư cách là một nhà văn, chúng ta còn biết về E. Hemingway như một người đàn ông đào hoa bậc nhất).
    Có ý kiến cho rằng E. Hemingway có ác cảm với phụ nữ. Một số nhà phê bình nữ quyền lên án ông về điều đó. Quả thực số phận của những nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway đầy đa đoan trắc trở. Nhiều người cứ ngày một mất dần thiên chức.
    Nặng nề hơn, còn xuất hiện quan niệm nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway là những đối tượng tàn hại đàn ông . Những nhận định này cho thấy nhân vật nữ của E. Hemingway chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, chưa được coi như một khách thể văn học độc lập để nghiên cứu.
    Triển khai đề tài, chúng tôi mong muốn mang tới một cái nhìn đầy đủ hơn về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway. Chứng minh một khía cạnh khác: trong thế giới hình tượng mà E. Hemingway xây dựng, nữ nhân vật vẫn chiếm một vị trí quan trọng như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhân vật nữ đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật độc đáo của E. Hemingway.
    Việc tìm hiểu hình tượng nhân vật nữ trong các sáng tác của E. Hemingway là cơ hội cho chúng tôi khám phá tư tưởng và nghệ thuật cũng như tâm hồn của nhà văn.
    Trong nửa thế kỉ qua, các học viện trên thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Học thuyết về nữ quyền đã ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật, từ triết học, ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật . nhưng cơ bản học thuyết nữ quyền có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất tới phê bình văn học, đã làm thay đổi lớn lao cách đọc văn bản, việc bình giảng văn chương, cảm thụ văn học của công chúng .
    Ở Việt Nam, phê bình văn học nữ quyền thực sự chưa có bề dày về lịch sử phát triển, trưởng thành. Việc vận dụng lí thuyết phê bình này trong nghiên cứu tác phẩm văn học chưa được chú ý đúng mức. Các công trình có liên quan đến phê bình văn học nữ quyền không nhiều. Việc vận dụng nó trong nghiên cứu tác gia tác phẩm văn học nước ngoài lại càng là điều mới.
    Tất nhiên phê bình văn học nữ quyền không phải là phương pháp phê bình duy nhất hay tiến bộ nhất. Nhưng nữ quyền luận với tư cách một bộ môn học thuật đang được nghiên cứu dạy và học trong hầu hết các trường đại học trên thế giới đã có những đóng góp quan trọng không cần bàn cãi trên con đường chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật.
    Với Hemingway, các nhà nghiên cứu nước ngoài đã vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền để nhìn nhận về nhân vật nữ trong tác phẩm của ông, đặc biệt là những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI phương thức này được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng. Nó tạo nên cách nhìn mới, tranh luận mới trong việc nghiên cứu tác phẩm Hemingway đối với cả những vấn đề tưởng như đã an bài.
    Ở luận án này, chúng tôi vận dụng lí thuyết văn học nữ quyền như là một cơ sở lí thuyết để nghiên cứu nhân vật nữ của E. Hemingway. Đồng thời cũng mong muốn chứng minh rằng lí thuyết này thực sự hữu dụng trong quá trình nghiên cứu E. Hemingway nói riêng và nghiên cứu văn chương nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xác định tầm ảnh hưởng của phê bình văn học nữ quyền tới phương thức xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong các tác phẩm của E. Hemingway.
    2. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu
    2.1. Đối tượng nghiên cứu
    Luận án nghiên cứu nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyện ngắn và tiểu thuyết, để làm nổi bật các hình tượng nhân vật nữ đặc thù của E. Hemingway. Những yếu tố chi phối đến phương thức thể hiện hình tượng nhân vật nữ. Vai trò của nhân vật nữ trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Luận án khái lược, tổng hợp lại những nét chính của lí thuyết nữ quyền (Feminism). Từ lí thuyết “phê bình nữ quyền”, chúng tôi lý giải một số đặc điểm về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway.
    Sau khi xác định hệ thống nhân vật nữ và vai trò của chúng trong tác phẩm của E. Hemingway, luận án góp phần định dạng nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyền thống văn học Mỹ.
    2.3. Phạm vi nghiên cứu
    Luận án tập trung nghiên cứu những tác phẩm của E. Hemingway đã được dịch ở Việt Nam, có đối chiếu nguyên bản khi cần thiết.
    Đến thời điểm hiện tại, hầu hết những tác phẩm quan trọng của nhà văn đã được dịch, kể cả những thể loại thuộc dạng nhật kí, hồi kí. Ngoài 07 tiểu thuyết quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả: Ông già và biển cả (bản dịch đầu tiên 1954), Có và không (bản dịch đầu tiên 1957), Chuông nguyện hồn ai (bản dịch đầu tiên 1963), Thiên đường đã mất (bản dịch đầu tiên 1963), Giã từ vũ khí (bản dịch đầu tiên 1967), Mặt trời vẫn mọc (bản dịch đầu tiên 1973), Những hòn đảo giữa dòng nước ấm (bản dịch đầu tiên 1988), thời gian gần đây còn có hai tác phẩm được dịch là Từ ánh sáng đầu tiên (năm 2002), Hội hè miên man (năm 2009) cùng với hơn 50 truyện ngắn được tuyển dịch.
    Đề tài Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận có thể dịch ra tiếng Anh là: Female characters in Ernest Hemingway’s works from feminism perspective.
    Khái niệm Nhân vật nữ: Qua các tư liệu tham khảo tiếng Anh và tiếng Việt chúng tôi thấy rằng nhân vật nữ không phải là một thuật ngữ văn chương riêng biệt. Từ nữ ở đây chỉ mang tính chất định dạng về giới của nhân vật.
    Tham khảo một số từ điển thuật ngữ văn chương, chúng tôi thấy có thuật ngữ Heroine dùng để chỉ nữ nhân vật trung tâm hoặc nhân vật nữ chính. Đối tượng mà chúng tôi nghiên cứu rộng hơn nội hàm của thuật ngữ này, nên chúng tôi sử dụng cụm từ Female character.
    3. Phương pháp nghiên cứu
    3.1. Phương pháp hệ thống: Khảo cứu, hệ thống lại nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway ở hai mảng tiểu thuyết và truyện ngắn. Xây dựng một cái nhìn toàn cảnh về nhân vật nữ của E. Hemingway.
    3.2. Phương pháp so sánh đối chiếu: Đối chiếu với một số tác phẩm có những hình tượng nhân vật nữ tiêu biểu để tìm ra những nét đặc sắc và khác lạ trong phương thức thể hiện của E. Hemingway.
    3.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ kiến thức về nhân vật văn học, nhân vật trung tâm, những nhận định về nhân vật nữ nói riêng và nhân vật trong tác phẩm của E. Hemingway nói chung có những kiến giải về hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của ông, từ đó chỉ ra những đặc điểm trong việc thể hiện hình tượng nhân vật nữ.
    3.4. Phương pháp lịch sử-xã hội: Nghiên cứu sơ bộ về hình tượng nhân vật nữ trong các giai đoạn phát triển của văn học Mỹ. Nhân vật nữ qua các giai đoạn sáng tác của E. Hemingway. Những điểm chung và riêng trong cách thể hiện hình tượng nhân vật nữ của Hemingway.
    3.5. Phương pháp liên ngành: Để có cái nhìn toàn vẹn về hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway, căn cứ một số công trình của các nhà nghiên cứu phương Tây và Mỹ, chúng tôi mạnh dạn đề xuất và vận dụng lý thuyết một số ngành khoa học có liên quan như nhân học, phân tâm học, xã hội học. Cụ thể như sau:
    - Nhân học (Anthropology), đặt sự quan tâm đến những đặc điểm về tâm lí sinh lí, tính cách, khí chất, số phận con người trong một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Đây là một trong những cơ sở để lí giải các đặc điểm tâm lí, hành động của nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
    - Tâm phân học (Psychanalysis) giúp nhận thấy đặc điểm tâm lí sáng tạo biểu hiện không chỉ ở cảm hứng, cảm xúc, mà còn ở hồi ức và mộng tưởng, ý thức và vô thức, tiềm thức và trực giác . Đây là cơ sở để nhìn nhận hoặc phản biện về các nhận định về sự chi phối trong quan điểm của Hemingway trong quá trình xây dựng hình tượng nhân vật nữ.
    Thực tế nhiều nhà nghiên cứu Hemingway ở nước ngoài trong quá trình nghiên cứu Hemingway đã hơi cực đoan khi cho rằng Hemingway là nạn nhân của những ẩn ức tâm lí thời thơ ấu dẫn đến sự chán ghét phụ nữ. Chúng tôi muốn vận dụng lí thuyết này để nhìn nhận lại vấn đề một cách công bằng hơn.
    - Xã hội học (Sociology: khoa học về quy luật và tính quy luật xã hội chung) nêu đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc . Đây là cơ sở để kiến giải những tác động đến tâm lí sáng tác của Hemingway, chi phối cái nhìn nhân vật nữ của nhà văn.
    - Ngoài ra chúng tôi dựa trên những kiến giải khoa học về *** và giới tính (*** and gender), về đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay) để làm cơ sở nghiên cứu nhân vật nữ, các mối quan hệ giữa nam nhân vật và nữ nhân vật.
    4. Đóng góp của luận án
    4.1. Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway một cách hệ thống. Phương pháp nghiên cứu và kết luận được rút ra sẽ là cơ sở để nghiên cứu toàn diện về nhân vật trong tác phẩm của E. Hemingway.
    4.2. Hệ thống hóa một số nét về hình tượng nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ. Tạo căn cứ để nhìn nhận nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway nói riêng và của các tác giả văn học Mỹ đã được dịch ở Việt Nam nói chung.
    4.3. Làm rõ vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway: Về số lượng, về ngôn ngữ, tâm lí, phương thức thể hiện và vai trò của nhân vật nữ của Hemingway.
    4.4. Cung cấp thêm một cách tiếp cận tác phẩm của E. Hemingway. Việc vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền không bó hẹp trong việc nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway mà còn là cơ sở để nghiên cứu các tác giả tác phẩm khác.
    5. Cấu trúc của luận án
    Thực hiện đề tài, ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, chúng tôi triển khai luận án theo bốn chương như sau:
    Chương một: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
    Chương hai: Khái nhiệm Nữ quyền luận và nhân vật nữ của Ernest Hemingway trong truyền thống nữ quyền văn học Mỹ
    Chương ba: Tương quan nhân vật nữ - nam
    Chương bốn: Nữ quyền qua định dạng kiểu nhân vật nữ
    Ghi chú: Chúng tôi đã thống kê tên tác phẩm (tiếng Anh và tiếng Việt) ở phần phụ lục 1. Trong luận án, chúng tôi chỉ dẫn tên tác phẩm của Hemingway bằng tiếng Việt đối với những tác phẩm được thống kê trong bảng danh sách này. Những tác phẩm chưa được dịch, chúng tôi trích cả tên tiếng Anh.
     
Đang tải...