Luận Văn Nhân vật – người kể chuyện trong tiểu thuyết người con gái viên đại uý của puskin

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đây là luận văn mới viết về kiểu nhân vật, người kể chuyện trong tiểu thuyết "Người con gái viên đại úy" của Puskin.


    ĐỀ TÀI: NHÂN VẬT – NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT “ NGƯỜI CON GÁI VIÊN ĐẠI UÝ” CỦA PUSKIN


    MỤC LỤC

    MỞ ĐẦU 3
    1. Lý do chọn đề tài. 3
    2. Lịch sử nghiên cứu 4
    2.1. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Nga 4
    2.2. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam 6
    3. Mục tiêu nghiên cứu. 8
    4. Phạm vi nghiên cứu 8
    5. Phương pháp nghiên cứu. 8
    6. Đóng góp của luận văn. 9
    7. Kết cấu của đề tài: 2 chương 9
    NỘI DUNG 10
    CHƯƠNG 1: ĐIỂM NHÌN CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN 10
    1.1. Khái niệm “người kể chuyện” 10
    1.2. Điểm nhìn người kể chuyện. 10
    1.2.1. Điểm nhìn người kể chuyện – tác giả từ quan điểm nhân dân 11
    1.2.2. Điểm nhìn người kể chuyện – nhân vật từ dòng hồi tưởng 12
    Chương II: VAI TRÒ CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN 14
    1. Người kể chuyện và việc miêu tả hiện thực lịch sử. 14
    2. Người kể chuyện và quan điểm của tác giả. 15
    3. Người kể chuyện với sự hình thành và phát triển tiểu thuyết Nga .17
    KẾT LUẬN 20
    TÀI LIỆU THAM KHẢO 21




    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài.
    Đến với những bình nguyên xinh đẹp, những rừng bạch dương vàng rực trong nắng chiều và những dòng sông thơ mộng đã làm cuộc sống của con người Nga mang đậm bầu không khí ấm áp nồng hậu, những con người lãng mạn ấy với tâm hồn ngập tràn thơ và nhạc, là cơ sở để tạo nên nền văn học nghệ thuật Nga khổng lồ mà nhân loại phải kính nể.
    Nhắc tới văn học Nga, chúng ta không thể không nhắc tới Puskin vì “Viết về Puskin có nghĩa là viết về toàn bộ nền văn học Nga”. Bởi trong nền văn học vĩ đại ấy Puskin là vầng dương mới và ánh nắng của vầng dương ấy đã tỏa cả cánh đồng văn học Nga, với các nhà văn thuộc thế hệ sau như L.Tônxtôi, Sêkhov . Đánh giá Puskin, Gorki viết: “Sự nghiệp sáng tác của A.Puskin có thể sánh ngang hàng với di sản thiêng liêng của những kiệt tác nói về con người mà những nghệ sĩ thiên tài như Sêcxpia, Gơtơ và những người khác đứng trong hàng ngũ vĩ nhân này để lại”. [3, 165].
    Ngay từ những tác phẩm đầu tay ông đã thể hiện được tài năng của mình trong đó phải kể tới Epghênhi Ônhêghin, Bôrix Gôđunôp, các kiệt tác thơ trữ tình về tình yêu và triết lý và trong dãy núi oai nghiêm, trùng điệp đó, có một đỉnh núi nhô lên thật ngạo nghễ. Đó là tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy của Puskin, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn xuôi hiện thực Nga, tạo nên sự thành công cho nền văn học hiện thực Nga sau này.
    Với tác phẩm Người con gái viên đại úy, một lần nữa miêu tả hiện thực của Puskin đạt tới quy mô “bộ bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga thế kỷ XVIII” (Biêlinxki). Trong cuốn lịch sử tiểu thuyết này, sự kiện, số liệu không lấn át, không phương hại đến sự phát triển tự nhiên của cốt truyện, người đọc không bị vướng bởi những cứ liệu khô khan mà bị cuốn hút liên tục. Nhân vật lịch sử, nhân vật hư cấu, số phận nhân dân, số phận con người, cuộc sống Nga “thời bình” cũng như “thời chiến” quyện vào nhau. Dòng đời, dòng lịch sử trôi, trong đó mỗi nhân vật hình thành, phát triển do những hoàn cảnh gia đình, xã hội, những biến cố của nhân dân, của đất nước tác động, quy định
    Sở dĩ tiểu thuyết này đạt tầm vóc ấy là do Puskin sáng tạo thành công nhân vật – người kể chuyện. Từ nhân vật này, Puskin đã làm hiện lên hình ảnh hào hùng của một nhân vật lịch sử là Êmêliên Pugatsôp – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân long trời chuyển đất ở Nga những năm 1773 – 1775.
    Nghiên cứu Grinhôp, đặc biệt là nghiên cứu với tư cách người kể chuyện là một điều rất quan trọng. Bởi nó cho phép chúng ta áp dụng những lý thuyết rất mới về sự tự học nói chung, lý luận về người kể chuyện nói riêng vào phân tích một tác phẩm cổ điển, từ đó hướng tới những cách nhìn mới cho tác phẩm này.
    Hơn nữa tác phẩm này sẽ giúp ích cho chúng tôi rất nhiều khi học tập và giảng dạy Puskin, giảng dạy văn học trong nhà trường.
    Những điều đó đã tạo hứng thú cho chúng tôi khi bắt tay thực hiện đề tài này.
    2. Lịch sử nghiên cứu
    2.1. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Nga
    Được coi là “bộ bách khoa toàn thư” của cuộc sống Nga tiểu thuyết Người con gái viên đại uý dành được sự yêu mến, quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nga, cũng như nhiều nước trên thế giới.
    X.M. Pêtơrôp xem Puskin là người đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga. Ông nhắc tới tiểu thuyết này như một tác phẩm tiêu biểu của Puskin về hiện thực lịch sử Nga lúc đó. Pêtơrôp chú ý tới sự phân hoá xã hội và các giai cấp trong xã hội Nga. Ông cho rằng: “Trong Người con gái viên đại uý nhân dân đã phân hoá về mặt xã hội. Nông nô trong Người con gái viên đại uý được mô tả một cách cụ thể - lịch sử trong các nhóm người khác nhau, trong những quan hệ khác nhau với địa chủ: từ anh Xavêlich trung thành với chủ, đứng ở thứ bậc thấp nhất của ý thức giai cấp đến lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Pugatsôp”. Pêtơrôp cũng chỉ ra giá trị lịch sử của tiểu thuyết, đặc biệt là những nguyên nhân xã hội sâu xa dẫn tới phong trào nông dân khởi nghĩa: “Trong Người con gái viên đại uý, Puskin đầu tiên phơi bầy các nguyên nhân và hoàn cảnh phân chia dân tộc ra hai phe thù địch với nhau và làm nảy sinh phong trào của Pugatsôp và chỉ sau đó chính Pugatsôp mới xuất hiện trong tiểu thuyết”. [14, 47].
    Gorki khi bàn về Puskin đã nhắc tới Người con gái viên đại uý. Gorki cũng quan tâm tới giá trị hiện thực lịch sử, cũng như hình tượng nhân vật Pugatsôp. Trong lĩnh vực văn xuôi, Puskin đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại uý, trong truyện này với cái nhìn thấu suốt của một nhà sử học, Puskin đã xây dựng lên một hình tượng sinh động của người Côdăc là Êmêliên Pugatsôp, người đã tổ chức một trong những cuộc khởi nghĩa hùng vĩ nhất của nông dân Nga”. [3, 166].
    I.U. Lôtman lại đặc biệt quan tâm tới tiểu thuyết này trong sự phân chia ra hai thế giới quý tộc và nông dân như là một cơ sở để tạo nên giá trị nghệ thuật độc đáo cho tác phẩm. Ông viết: “Mọi tư liệu nghệ thuật trong Người con gái viên đại uý rõ ràng đều tan ra thành hai tầng tư tưởng và phong cách, phụ thuộc vào hai thế giới được miêu tả là quý tộc và nông dân”. Sự phân chia này đã tạo ra những lớp thời gian bị chi phối rất mạnh đến người kể chuyện, bởi “sự hài hoà của môi sinh ấy bị “dừng sững” ngay lại khi có tin quân Pugatsôp tấn công. Đó là thời gian phong cảnh được xây dựng song song với thời gian lịch sử. Nhưng còn có một dòng thời gian khác. Đó là thời gian tâm lí. Với Grinhôp, thời gian không là mùa đông, mà cũng chẳng là mùa thu. Anh ta không thuộc phe nào. Grinhôp thoát khỏi khuôn đạo đức quý tộc, nên rất người”. [4, 15].
    Có thể thấy, I.U.Lôtman đã đề cập tới người kể chuyện Grinhôp ở khía cạnh “tâm lí”, đặc biệt là nét tâm lí phức tạp như sự hoà trộn giữa “mùa đông” và “mùa thu” của thời gian.
    M.Bakhtin khi đề cập tới tiểu thuyết Người con gái viên đại uý đã quan tâm tới Grinhôp với tư cách là người kể chuyện. Và so sánh hình thức Icherzahlung (kể chuyện từ ngôi thứ nhất) của Người con gái viên đại uý của Puskin với Bút kí ẩn lậu của Đôstôievxki. Ông nhận thấy sự khác biệt giữa hai tác phẩm nằm ở nhãn quan độc thoại của Grinhôp. Ông viết: “Hình thức Icherzahlung trong Người con gái viên đại uý khác rất xa với hình thức Icherzahlung trong Bút kí ẩn lậu, ngay cả khi nếu ta cố tình lãng quên nội dung chứa đựng ở hai hình thức đó”. Lời kể chuyện của Grinhôp được Puskin cấu tạo trong nhãn quan độc thoại rắn chắc, mặc dù nhãn quan ấy không được thể hiện bằng bố cục bề mặt bởi vì trong truyện không có lời trực tiếp của tác giả”. Bakhtin cũng chú trọng tới Grinhôp với tư cách là một hình tượng nhân vật và ông chỉ ra rằng mọi quan điểm của Grinhôp cũng như sự kiện xung quanh Grinhôp là để phục vụ cho việc xây dựng hình tượng nhân vật này. “Hình tượng chứ không phải tiếng nói, còn tiếng nói của Grinhôp là yếu tố của hình tượng ấy, có nghĩa là nó hoàn toàn phục vụ chức năng xây dựng tính cách và chủ đề - sự kiện”. [8, 256].
    Rõ ràng Bakhtin đã xem Grinhôp với tư cách một hình tượng nhân vật. Ông cũng có đề cập tới “nhãn quan độc thoại rắn chắc” của nhân vật này. Những điều đó chi phối lời kể và kết cấu tác phẩm.
    Có thể nói, các nhà lí luận, phê bình Nga đã ít nhiều đề cập tới người kể chuyện trong tiểu thuyết Người con gái viên đại uý. Tuy rằng họ chỉ đưa tác phẩm này vào các công trình nghiên cứu như những ví dụ để minh chứng cho các luận điểm, nhưng với chúng tôi đó là những ý kiến hết sức quý giá, giúp chúng tôi có một nền tảng vững chắc khi thực hiện đề tài này. 2.2. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam
    Tìm hiểu tình hình nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình cũng quan tâm tới tiểu thuyết Người con gái viên đại uý, và cũng nhắc tới ít nhiều về tác phẩm này trong các công trình nghiên cứu.
    Trong Lịch sử văn học Nga (nhiều tác giả), Grinhôp được nhắc tới với tư cách người kể chuyện: “Grinhôp là nhân vật có mặt từ đầu đến cuối và là “người kể chuyện” đã được tác giả xây dựng công phu. Nhân vật được miêu tả trong quá trình phát triển, trưởng thành, biến đổi”. Các tác giả cũng chú ý tới vai trò của nhân vật Grinhôp trong việc miêu tả hiện thực, mà cụ thể là miêu tả Pugatsôp và bức tranh nông dân khởi nghĩa: “Qua nhân vật Grinhôp, Puskin miêu tả khá trung thực cuộc khởi nghĩa của Pugatsôp và bản thân Pugatsôp. Cuộc đấu tranh của nông dân nhìn từ phía bên kia – từ phía kẻ thù. Grinhôp tuy “cứng cỏi” không chịu công nhận Pugatsôp là vua, nhưng đã thẳng thắn công nhận tài năng, đức độ của Pugatsôp, đã quyến luyến, cảm phục, tin cậy người mà chàng – do những thiên kiến của giai cấp mình – còn chưa hiểu rõ”. [6, 108].
    Trong Từ điển văn học (nhiều tác giả), Đỗ Hồng Chung tuy không nhắc tới người kể chuyện nhưng có chỉ ra yếu tố liên quan đến người kể chuyện. Ấy là lời kể. Ông khẳng định: Tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại uý còn hấp dẫn người đọc vì lối kể chuyện tự nhiên, mạch lạc, đượm phong vị dân gian, giản dị, duyên dáng”. [10, 45].
    Lưu Liên trong bài viết: Thiên tài Puskin và tiểu thuyết lịch sử “Người con gái viên đại uý” đề cập tới Grinhôp với tư cách là nhân vật tự xưng ngôi thứ nhất. Trong thiên bút kí lịch sử này, Grinhôp – Nhà thơ lớn thế kỉ XVIII là nhân vật hư cấu của Puskin. Rõ ràng từ “ngôi thứ nhất” đó, Lưu Liên đã đề cập tới nhân vật – người kể chuyện, dù chưa thực sự đi sâu vào phân tích nhân vật này”. [7, 15].
    Hà Thị Hoà trong bài viết: “Người con gái viên đại uý” – đỉnh cao của văn xuôi Puskin, cũng nhắc tới nhân vật Grinhôp và khẳng định vị trí nhân vật – người kể chuyện của nhân vật này.
    Ngoài ra, trong một số các luận văn, khoá luận tốt nghiệp, các báo cáo khoa học của sinh viên cũng có đề cập tới tiểu thuyết Người con gái viên đại uý và đôi lúc nhắc tới Grinhôp với tư cách người kể chuyện.
    Tổng kết các ý kiến trong và ngoài nước, chúng tôi rút ra mấy kết luận sau đây:
    - Khi nghiên cứu Người con gái viên đại uý, các nhà phê bình hay quan tâm, chú trọng tới giá trị hiện thực lịch sử và bức tranh nông dân khởi nghĩa.
    - Những bài có nhắc tới Grinhôp với tư cách nhân vật – người kể chuyện mới chỉ bước đầu tìm hiểu về nhân vật này.
    - Cũng đã có công trình nghiên cứu phân tích nhân vật – người kể chuyện Grinhôp và vai trò của nhân vật này trong tác phẩm. Song số lượng công trình nghiên cứu đề tài này một cách toàn diện và triệt để thì vẫn còn rất hạn chế.
    Chính từ khoảng bỏ ngỏ đó, chúng tôi đã bắt tay thực hiện đề tài này.
    3. Mục tiêu nghiên cứu.
    Thực hiện đề tài: Nhân vật – người kể chuyện trong tiểu thuyết “Người con gái viên đại úy” của Puskin. Chúng tôi muốn hướng tới vấn đề mới mẻ này khi ta đi sâu vào tìm hiểu “người kể chuyện” trong tiểu thuyết. Bởi nó cho phép chúng ta không chỉ nghiên cứu và phân tích nhân vật như một hình tượng, mà như một “mã khóa” quan trọng để tìm hiểu những giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết.
    Đồng thời, có thể khẳng định vai trò to lớn của người kể truyện trong việc tái hiện hiện thực lịch sử. Qua đó thể hiện quan điểm của tác giả, đặc biệt là trong sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nga. Đó chính là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị của tiểu thuyết hiện thực lịch sử Người con gái viên đại úy.
    4. Phạm vi nghiên cứu.
    Thực hiện đề tài này, chúng tôi giới hạn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy của A.Puskin. Cụ thể hơn đó là chúng tôi đi sâu vào việc tìm hiểu về người kể chuyện và vai trò của người kể chuyện trong tiểu thuyết này.
    5. Phương pháp nghiên cứu.
    Trong luận văn chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
    - Phương pháp phân tích, tổng hợp.
    - Phương pháp thống kê, phân loại.
    - Phương pháp so sánh.
    - Phương pháp sơ đồ hóa.
    6. Đóng góp của luận văn.
    Thông qua việc nghiên cứu đề tài này, chúng tôi cố gắng chỉ ra những nét riêng độc đáo của người kể chuyện trong tiểu thuyết “ Người con gái viên đại úy”, đồng thời để người đọc thấy được thấy được những đóng góp to lớn của Puskin cho nền văn xuôi hiện thực Nga vĩ đại.
    7. Kết cấu của đề tài: 2 chương
    Chương I: Điểm nhìn của người kể chuyện.
    1.1. Khái niệm “người kể chuyện”.
    1.2. Điểm nhìn người kể chuyện.
    1.2.1. Điểm nhìn người kể chuyện – tác giả từ quan điểm nhân dân.
    1.2.2 điểm nhìn người kể chuyện – nhân vật từ dòng hồi tưởng.
    Chương II: Vai trò của người kể chuyện.
    1. Người kể chuyện và việc miêu tả hiện thực lịch sử.
    2. Người kể chuyện và quan điểm của tác giả.
    3. người kể chuyện với sự hình thành và phát triển tiểu thuyết Nga.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...