Tiểu Luận Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Cái gốc của chế độ Nhà nước pháp quyền là xác lập dân chủ, tức là thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân, mặc dù “nhân dân” ở đây, đến lượt nó, là một phạm trù lịch sử. Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền thể hiện quyền lực nhà nước một cách chính đáng nhất: trong khuôn khổ của một chế độ chính trị, quyền lực nhà nước phải được xác lập thực hiện trên cơ sở ý chí đích thực của người chủ quyền lực. Trong khuôn khổ của một chế độ chính trị thì đòi hỏi đầu tiên là tôn trọng những quyết định chính trị của nhân dân, sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Việc sử dụng và thực thi quyền lực nhà nước phải phán ánh cho được sự tôn trọng đó. Quyền lực nhà nước phải là sản phẩm của ý chí nhân dân. Và vì vậy, người ta còn nói, dấu hiệu đặc trưng đầu tiên của Nhà nước pháp quyền là tính hợp pháp, hợp hiến của Nhà nước.

    Trong bài “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
    “Nước ta là nước dân chủ
    Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
    Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
    Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
    Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
    Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra
    Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
    Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1].

    Bản chất dân chủ của chế độ chính trị nước ta đòi hỏi mọi quyết định và hành động của các thiết chế quyền lực đều phải bắt nguồn từ ý chí đích thực của nhân dân. Đây chính là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa lập hiến XHCN. Nói cách khác các quyết định, các tổ chức và hoạt động đều phải hợp hiến và hợp pháp.

    Ở nước ta, chính quyền và Nhà nước ngay từ đầu đã thể hiện tính chất nhân dân và cách mạng sâu sắc, bởi vì nó chính là thành quả trực tiếp của Cách mạng thánh Tám do nhân dân thực hiện thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà nước ta là con đẻ của khối đại đoàn kết toàn dân, “ không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[SUP]1[/SUP]. Có thể nói, Nhà nước ta được thai nghén từ trong khói lửa cách mạng trong căn cứ địa đạo Cao – Bắc- Lạng, từ Đại hội quốc dân Tân Trào và Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam được thành lập ngày 16 - 8 – 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngay từ đầu, chính quyền, Nhà nước của ta là chính quyền, Nhà nước của nhân dân ta, do nhân dân giành được. Còn về mặt pháp lý thì đó là những thiết chế quyền lực do nhân dân ta tự giác bầu ra trên cơ sở sử dụng quyền bầu cử của những công dân hoàn toàn tự do của một đất nước hoàn toàn độc lập. Trong Tuyên ngôn độc lập do độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình đã chỉ rõ: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hoà”.

    Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, giòng giống”. Sau đó, Người đã kêu gọi nhân dân đi bầu cử với một sự xúc động và tha thiết tự hào về chính quyền của nhân dân vừa mới giành được bằng bao xương máu:
    “Ngày mai mồng Sáu tháng Giêng năm 1946.
    Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ! Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình.
    Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”[2].

    Tính pháp quyền cao nhất của quyền lực nhà nước ở nước ta là ở chỗ đó. Chính vì tầm quan trọng của việc khẳng định chủ quyền chính trị của nhân dân mà ngày nay vấn đề bầu cử, các hình thức dân chủ trực tiếp vẫn tiếp tục là những vấn đề cần được đặt trong sự chú ý của quá trình cải cách bộ máy nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Bầu cử như thế nào, quyền bầu cử phải được sử dụng như thế nào để nhân dân tìm cho được “những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước” là nội dung cơ bản của việc đổi mới cơ chế bầu cử ở nước ta hiện nay.
    Khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không chỉ là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hiến pháp mà còn gắn liền với với việc thiết lập các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân.
    Vì vậy, Đảng ta luôn luôn trước sau như một khẳng định vị trí, vai trò của quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước, ra sức chăm lo củng cố Nhà nước, làm cho nó thực sự là “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu Hiến Pháp năm 1946). Những chủ trương lớn của Đảng về xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng ; tăng cường khả năng giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, tăng cường khả năng và hiệu quả của hoạt động lập pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp đều nhằm mục đích đó.

    Nhân dân ta, người chủ của quyền lực, không chỉ tạo lập nên Nhà nước của mình, trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện cho mình thực thi quyền lực, mà còn thông qua các hình thức khác để tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước, tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạch định chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước, cũng như vào các hoạt động thuộc phạm vi của Nhà nước – hoạt động lập pháp, hoạt động quản lý – điều hành, công tác xét xử và các hoạt động bảo vệ pháp luật. Đó chẳng những là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta mà còn là một trong những quyền cơ bản của công dân nước ta. Điều 53 của Hiến pháp ghi: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ”.
    Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là những tổ chức để qua đó nhân dân ta “tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân ( ), giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước (Điều 9 Hiến pháp).

    [HR][/HR][1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 698.

    [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1984, tr. 72.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...