a. Nguyên tắc phân chia tài sản chung Xác định phần quyền của mỗi người. Theo Luật hôn nhân và gia đình Ðiều 95 khoản 2 điểm a, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản này. lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Có thể nhận thấy ngay rằng khác với luật của nhiều nước, luật Việt Nam hiện hành chỉ coi việc xác định phần quyền ngang nhau của vợ và chồng trong khối tài sản chung như một giải pháp nguyên tắc chỉ được áp dụng trong trường hợp không có cách nào khác cho phép xác định phần quyền của mỗi người theo một tỷ lệ khác hơn. Tham số quan trọng nhất quyết định tỷ lệ phần quyền của mỗi người rõ ràng là công sức đóng góp của mỗi người vào việc duy trì, tạo lập và phát triển tài sản chung. Có thể tin rằng trong trường hợp có tranh cãi giữa vợ và chồng về phần của mỗi người, thì người có nhiều công sức hơn sẽ được phép nhận một phần lớn hơn. Tất nhiên, vợ và chồng có quyền thỏa thuận về việc xác định phần của mỗi người. Nếu không có thỏa thuận, thì mỗi người nhận một nửa. Nếu không có sự nhất trí giữa vợ và chồng, thì thẩm phán xác định phần của mỗi người bằng cách áp dụng điều luật nêu trên. Bảo vệ lợi ích của vợ, con và lợi ích nghề nghiệp. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Ðiều 95 khoản b và c, việc chia tài sản chung sau khi ly hôn phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp, để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Có thể ghi nhận các chủ trương của người làm luật, thể hiện trong các quy tắc ấy. - Việc chia tài sản chung không được ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của vợ và con[1]; - Việc xác định mức cấp dưỡng luôn tùy thuộc vào hai yếu tố: nhu cầu của người được cấp dưỡng và khả năng đáp ứng của người cấp dưỡng; tuy nhiên, nếu người được cấp dưỡng là vợ hoặc con, thì yếu tố thứ nhất được xem là yếu tố chính: người cấp dưỡng sẽ phải cố gắng đáp ứng yêu cầu đó, cho dù phải huy động khả năng của mình trên mức bình thường. - Trong trường hợp khối tài sản chung có các tài sản chuyên dùng cho nghề nghiệp của vợ hoặc chồng, thì người sử dụng tài sản có quyền yêu cầu chia ưu tiên các tài sản liên quan bằng hiện vật. Trong những trường hợp đặc thù, có thể coi đó là một trong những biện pháp hỗ trợ cho việc thực hiện tốt nghĩa vụ cấp dưỡng của ngườìi được giao tài sản.