Thạc Sĩ Ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 26/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn thạc sĩ
    Đề tài: Ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn
    Định dạng file word

    MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
    1.1. Mỗi dân tộc đều có một nền thi ca đặc trưng gắn với những thể thơ nhất định. Mỗi thể thơ nào đấy bắt nguồn từ cảm thức ngôn ngữ và là sự hội tụ tinh hoa văn hoá – ngôn ngữ của dân tộc.
    1.2. Đồng Đức Bốn là một nhà thơ lục bát chính danh. Sự xuất hiện của Đồng Đức Bốn đã đem lại cho thơ lục bát, thơ truyền thống một niềm tự tin đáng kể. Bằng những tình cảm ngẩn ngơ, ngây ngất, dại khờ và bằng giọng điệu nửa quê, nửa tỉnh, Đồng Đức Bốn đã làm mới một thể thơ tưởng như đã cũ. Có lẽ không quá lời khi Nguyễn Huy Thiệp viết: Đồng Đức Bốn vị cứu tinh của thơ lục bát [32] Vậy nên, thơ lục bát Đồng Đức Bốn trở thành một đối tượng nghiên cứu lí tưởng xét từ nhiều góc độ khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau, trong đó có cách tiếp cận của ngôn ngữ học. Từ nhận thức trên, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu Ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn làm luận văn thạc sĩ.
    2. Lịch sử vấn đề
    Lâu nay đã có một số luận án, luận văn, khoá luận nghiên cứu ngôn ngữ thơ của các tác giả nhưng mới chỉ làm nổi bật cá tính ngôn ngữ,còn những nghiên cứu cụ thể về ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn thì chưa có.
    Nhìn chung, những nghiên cứu về Đồng Đức Bốn,thơ Đồng Đức Bốn đã có các nhà nghiên cứu,nhà văn, nhà thơ quan tâm nhưng mới chỉ dừng lại ở góc độ phê bình văn học, chưa có công trình nào tìm hiểu ở góc độ ngôn ngữ học.
    Do đó, nghiên cứu ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn là hoàn toàn mới mẻ. Đề tài của chúng tôi cố gắng nhận diện một số đặc điểm ngôn ngữ thơ của Đồng Đức Bốn nhằm làm nổi bật một cá tính thơ độc đáo, mới lạ.
    3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Thơ Đồng Đức Bốn chủ yếu là thơ tự do và thơ lục bát nhưng đóng góp (thành công) của ông là ở thơ lục bát. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là ngôn ngữ thơ của Đồng Đức Bốn.
    3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Chúng tôi đặt ra cho luận văn phải giải quyết những nội dung sau đây:
    - Xác định lí thuyết về thơ, ngôn ngữ thơ, đồng thời đánh giá những đóng góp của thơ Đồng Đức Bốn.
    - Miêu tả định lượng và định tính hai yếu tố vần và nhịp trong thơ Đồng Đức Bốn.
    - Bước đầu tìm hiểu các phương tiện tạo nghĩa trong thơ Đồng Đức Bốn.
    4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
    4.1. Nguồn tư liệu
    Theo Nguyễn Huy Thiệp [32], Đồng Đức Bốn viết khoảng 500 bài thơ, trong đó có 90 bài được khách sành văn chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch. Thực tế, thơ Đồng Đức Bốn được in thành 6 tập; tập đầu được xuất bản năm 1992, còn tập cuối xuất bản năm 2006. Triển khai đề tài, chúng tôi chọn 303 bài thơ để khảo sát, trong đó:
    - Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992 ): 12 bài
    - Chăn trâu đốt lửa (1993): 32 bài
    - Trở về với mẹ ta thôi (2000): 25 bài
    - Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000): 39 bài
    - Chuông chùa kêu trong mưa (2002): 36 bài
    - Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc(2006):150 bài
    - Trên các website (những bài thơ cuối cùng): 10 bài
    4.2. Phương pháp nghiên cứu
    Để giải quyết các nhiệm vụ của luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu sau đây:
    - Dùng phương pháp thống kê ngôn ngữ học để tiến hành thống kê, phân loại tư liệu thể hiện các đặc điểm ngôn ngữ thơ của Đồng Đức Bốn.
    - Dùng các thủ pháp phân tích, miêu tả và tổng hợp để xử lý tư liệu nhằm khái quát các đặc trưng ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn.
    - Dùng phương pháp so sánh đối chiếu ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn với ca dao, Truyện Kiều và một số tác giả cùng thời để nhận diện cá tính ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn.
    5. Đóng góp của luận văn
    - Lần đầu tiên thơ Đồng Đức Bốn được khảo sát và nghiên cứu một cách tương đối toàn diện và có hệ thống từ góc độ ngôn ngữ học. Các tư liệu cùng với những nhận xét đánh giá của luận văn giúp người đọc nhận biết khá đầy đủ những nét đặc sắc về ngôn ngữ thơ Đồng Đức Bốn. Luận văn khẳng định, về phương diện hình thức thể hiện, thơ Đồng Đức Bốn thực sự có cá tính, là thế giới mới lạ và độc đáo của sự sáng tạo không ngừng, là nơi dành cho cái đẹp ngự trị, cái đẹp cái hay trong sáng tạo.
    - Các kết quả của luận văn còn giúp người đọc thấy được những đóng góp của Đồng Đức Bốn.
    6. Bố cục của luận văn
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Nội dung luận văn được triển khai thành ba chương:
    Chương 1: Một số giới thuyết liên quan đến đề tài.
    Chương 2: Vần và nhịp trong thơ Đồng Đức Bốn.
    Chương 3: Các phương tiện tạo nghĩa trong thơ Đồng Đức Bốn.

    Chương 1: Một số giới thuyết liên quan đến đề tài
    1.1. Các bình diện của ngôn ngữ thơ
    1.1.1. Góp phần tìm hiểu thơ
    1.1.1.1. Vấn đề thơ là gì?
    Nhà thơ Octavio Paz cho rằng: Nếu thiếu thơ thì cả đến nói năng cũng trở nên ú ớ. Nhưng câu hỏi thơ là gì thì chẳng ai dám quả quyết là mình đã nhận ra và nắm giữ được. Nhưng tham vọng của con người từ cổ chí kim lại muốn đi tìm cái không thể nắm bắt được nó. Vậy nên, thơ là hình văn ( sự vật),thanh văn (nhạc điệu) và tình văn (cảm xúc), (Lưu Hiệp). Thơ là cái dư âm của lời nói, trong khi lòng người cảm xúc với sự vật mà hiện ra ngoài (Chu Hi). Thơ là sự phân vân giữa âm và nghĩa (P.Valéry). Văn xuôi thuộc về phía con người, thơ thuộc phe thượng đế (J.P.Sartre). Còn nữa, Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó. Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh (R.Jakobson), .
    Có thể dẫn ra hàng trăm định nghĩa khác về thơ nhưng chắc chắn chưa có tiếng nói cuối cùng. Câu hỏi thơ là gì còn thách thức các nhà nghiên cứu, các nhà thơ, vẫn là nỗi ám ảnh con người. Bởi vì, thơ là một tổ chức có trình độ cao của ngôn ngữ, là sự tinh tế của ngôn từ. Thơ trước tiên là cuộc đời, là hiện thực, là tình cảm của nhà thơ nhưng thơ còn là thơ nữa. Thơ là nghệ thuật của ngôn từ và những gì không phải là ngôn từ. Văn xuôi mới là nghệ thuật của ngôn từ. Cái điều sau chỉ có trong thơ, không có trong văn xuôi. Rất nhiều câu thơ hay chỉ là hay nhờ vào cái tình của người đọc với tác giả, với toàn bài thơ mà ý nghĩa của câu thơ từ đó được sinh thành. Về điều này, Crag Powell, nhà thơ, nhà phê bình, bác sĩ tâm lí người Úc cũng xác nhận:Thơ ca như là ngôn ngữ của vô thức và giấc mơ, bắt người ta từ các kinh nghiệm thuộc về quá trình thứ cấp. Những bài thơ làm chúng ta rung động một cách sâu xa là những bài thơ dấy lên được nỗi cảm xúc về sự hoà hợp đã mất này, khi trong giả tưởng những biên giới giữa cái tôi và người khác trở nên mờ nhạt ” [Dẫn theo Nguyễn Đức Tùng, 30, 491].
    Hơn nữa, thơ là sự thể hiện tập trung nhất chức năng thẩm mĩ của ngôn ngữ nhưng thơ lại được sáng tạo trên sự võ đoán của ngôn ngữ. Do đó, một định nghĩa thơ là gì cũng không thể không rơi vào võ đoán. Kết quả là, đã có quá nhiều quan niệm, cách định nghĩa về thơ. Những quan niệm về thơ thay đổi tuỳ nền văn hoá, văn minh, thời đại, xã hội, giai cấp, tâm lí cá nhân, Người nghiên cứu hay người làm thơ, tuỳ lúc cũng có những định nghĩa khác nhau về thơ. Thậm chí, có người cho rằng mỗi bài thơ hay đều đề nghị một định nghĩa vì vẻ đẹp của bài thơ là tự trị, không chia sẻ. Cũng có người cho rằng, đi tìm một định nghĩa khái quát là bó chặt thơ vào một hệ thống quy luật. Câu trả lời thơ là gì không đến từ định nghĩa thơ mà là từ ý thức về cứu cánh của thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung. Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến [29], giới nghiên cứu thế giới hiện nay dường như đồng thuận với quan niệm về thơ của R.Jakobson (1919): Cách đặt đối tượng vào ngôn từ, vào khối từ ngữ, tôi gọi đó là thời điểm duy nhất và thiết yếu nhất của thơ, đụng không những vào lối kết hợp chữ nghĩa mà còn đụng vào cái vỏ của ngôn từ. Sự liên hợp tự động giữa ngữ âm và ngữ nghĩa (le sent et le sens) nhanh chóng hơn thường lệ [Dẫn theo Đặng Tiến, 29]. R.Jakobson còn giải thích thêm rằng, trong thơ, từ pháp và cú pháp của chúng không phải là những chỉ dẫn dửng dưng của thực tại, mà chúng có trọng lượng riêng và giá trị nội tại. Nghĩa là, trong ngôn ngữ thi ca, kí hiệu tự bản thân nó đã hoàn tất một giá trị độc lập. Về điều này, J.P.Sartre khẳng định thêm: Nhà thơ khước từ sử dụng ngôn ngữ, sự khước từ sử dụng ngôn ngữ là muốn nói tuyệt đối không coi ngôn ngữ như một kí hiệu, một công cụ giao tiếp đơn thuần. Nhà thơ ít bận tâm đến phần biểu thị tự vị nhưng nặng lòng đến phần hình dung, đến diện mạo, giới tính, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm quá khứ và tương lai của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ và lịch sử thơ nói chung. Ở Việt Nam, nhà thơ Lê Đạt cũng có quan niệm về thơ tương tự khi ông ủng hộ tuyên ngôn của nhà thơ Pháp gốc Do Thái: Chữ bầu lên nhà thơ. Theo Lê Đạt: Người làm thơ suốt đời hoạt động trong trạng thái dằng xé căng thẳng giữa nghĩa và hàm nghĩa, giữa chữ và bóng chữ. Ngôn ngữ thơ được xác lập ở vùng giáp ranh này. Và mỗi công dân có một dạng vân tay, mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ [7,134]. Như vậy, nhà thơ phải chấp nhận một thứ lao động nhọc nhằn, khổ sai do không chịu ăn sẵn ngôn ngữ đã được tiếp thu từ khế ước xã hội mà phải đi tìm một cách biểu đạt khác, võ đoán về cùng một vấn đề. Nhà thơ là người đè một ngôn ngữ khác lên

    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Đậu Thị Lương Anh (2007), Nhịp trong thơ lục bát của Huy Cận, Khoá luận tốt nghiệp đại học, Trường đại học Vinh, Vinh.
    2. Arixtôt (1964), Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội.
    3. Đồng Đức Bốn (2006), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, tuyển tập thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
    4. Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    5. Nguyễn Tài Cẩn, Võ Bình (2001), Thử bàn thêm về thể lục bát, trong cuốn "Một số chứng tích về ngôn ngữ và văn hoá", Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
    6. Mai Ngọc Chừ (2005), Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    7. Lê Đạt (2007), Đối thoại và thơ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    8. Phan Huy Dũng (2001), Nhận diện diện nhịp điệu trong thơ trữ tình, Ngôn ngữ, số 3.
    9 Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học- Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội.
    10. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Đồng Đức Bốn phiêu lưu vào lục bát, trong cuốn "Vọng từ con chữ", Nxb Văn học, Hà Nội.
    11. Hà Minh Đức(1998), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    12. Hồ Hải (2008), Thơ lục bát Việt Nam hiện đại từ góc nhìn ngôn ngữ học, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    13. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    14. Lê Anh Hiền (1981), Đặc điểm ngôn ngữ thơ và vấn đề ngâm thơ, Ngôn ngữ, số 2.
    15. Lê Anh Hiền (1987), Vần thơ Việt Nam và cái nền của nó trong thơ Việt Nam, Ngôn ngữ, số 3.
    16. Bùi Công Hùng (1983), Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    17. Nguyễn Thị Hữu (2009), Nhịp trong thơ lục bát hiện đại, Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, Trường đại học Vinh, Vinh.
    18. Nguyễn Quang Hồng (1998), Đọc Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học của Mai Ngọc Chừ, Ngôn ngữ, số 2.
    19. Lê Đình Kị (1996), Đường vào thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
    20. Nguyễn Lai (1995), Ngôn ngữ và sự sáng tạo văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    21. Lạc Nam (1993), Góp phần tìm hiểu các thể thơ, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
    22. Phan Ngọc (1991), Thơ là gì? Tạp chí Văn học, số 1.
    23. Phan Ngọc (1995), Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh.
    24. Bùi văn Nguyên, Hà Minh Đức, Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
    25. Lê Lưu Oanh (1995), Thơ trữ tình Việt Nam từ 1975 - 1995, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, hà Nội.
    26. Phan Diễm Phương (1994), Lục bát và song thất lục bát, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    27. Trần Đình Sử (1998), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
    28. Phạm Minh Thuý (1982), Nhịp trong thơ lục bát Tố Hữu, Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, Trường đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
    29. Đặng Tiến (2009), Thơ thi pháp và chân dung, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
    30. Nguyễn Đức Tùng (2009), Thơ đến từ đâu, Nxb Lao động, Hà Nội.
    31. Đinh Quang Tốn (2006), Những bài thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn, www.trannhương.com, 24/7/2006.
    32. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giới thiệu Đồng Đức Bốn, trong cuốn "Giăng lưới bắt chim", Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...