Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn trường về giáo dục bảo vệ môi trường trong trường tiểu học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
     Mã số: B2008-37-37MT

    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS Trần Thị Hiền Lương
    Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
    Thư điện tử: ; Điện thoại: 04 39427747
    Thư ký đề tài: PGS.TS. Lê Vân Anh; TS. Lương Việt Thái; Bà Nguyễn Thu Huyền; Bà Nguyễn Lê Hằng; KTS. Trần Thị Anh Nguyên.
    Thời gian thực hiện: Từ 08/2008 đến 12/2009.

    Mục tiêu nghiên cứu

    Xây dựng mô hình vườn trường về giáo dục bảo vệ môi trường (GDBVMT) cho trường tiểu học nhằm:

    Tạo dựng một không gian với cảnh quan thiên nhiên phù hợp với những nội dung dạy học về môi trường và bảo vệ môi trường ở một số môn học, giúp giáo viên tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học, tạo điều kiện cho học sinh củng cố, nâng cao kiến thức được học về môi trường, có cơ hội thực hành, trải nghiệm các hoạt động tìm hiểu về môi trường và bảo vệ môi trường tại trường, lớp;
    Hình thành và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh trong trường.

    Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu một số tài liệu về giáo dục bảo vệ môi trường của Việt Nam và một số nước khác;
    - Nghiên cứu các mô hình vườn trường của một số trường tiểu học ở Việt Nam và nước ngoài;
    - Nghiên cứu các nội dung tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong các môn học ở tiểu học;
    - Nghiên cứu nguyên tắc xây dựng vườn trường trong trường tiểu học;
    - Nghiên cứu và thiết kế mô hình vườn trường về giáo dục bảo vệ môi trường cho trường tiểu học Thành Công A.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu lí luận; Phương pháp nghiên cứu thực tiễn; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp thực nghiệm.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Hoạt động GDBVMT ở một số nước trên thế giới:

    Trên thế giới, nhiều nước coi giáo dục là công cụ để thay đổi xã hội và giáo dục môi trường đã sử dụng các nguyên lí chung là: 1/ Tiếp cận với thực tế; 2/ Tăng cường tri thức và hiểu biết; 3/ Kiểm nghiệm cách ứng xử và các giá trị; 4/ Hình thành trách nhiệm; 5/ Cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm; 6/ Khuyến khích các hoạt động.

    Các nước châu Á đã đưa 15 vấn đề tập trung vào bốn lĩnh vực GDBVMT, đó là: 1/ Chương trình cho giáo dục môi trường; 2/ Ðào tạo nhân lực cho giáo dục môi trường; 3/ Giáo dục môi trường không chính quy; 4/ Các tài liệu cho giáo dục môi trường.

    Hoạt động GDBVMT ở Việt Nam: Việc nghiên cứu về giáo dục bảo vệ môi trường trong nhà trường phổ thông đã được tiến hành trong những năm gần đây. Thực hiện Quyết định số 1363 ngày 17/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án “Ðưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân” và Chỉ thị số 02/2005/CT-BGD&ÐT ngày 31/02/2005 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường, ngành giáo dục đã có một số hoạt động nghiên cứu về giáo dục bảo vệ môi trường ở các bậc học như xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng về GDBVMT, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên về GDBVMT, tổ chức chỉ đạo việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và quản lí về lĩnh vực môi trường để đảm bảo nguồn nhân lực cho việc nghiên cứu, quản lí, công nghệ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, tăng cường cơ sở vật chất cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường trong trường học .

    Ðối với giáo dục tiểu học, chúng ta đã tiến hành các công việc như: nghiên cứu tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình các môn học ở tiểu học, xây dựng tài liệu hướng dẫn tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong các môn học (chủ yếu mới đưa ra một số ví dụ về cách thức tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào một số môn học ở tiểu học thông qua việc thiết kế kế hoạch bài học của giáo viên), nghiên cứu và tổ chức các hoạt động ngoại khoá về giáo dục bảo vệ môi trường, tuyên truyền, cổ động về ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học .

    2/ Về thực tiễn

    Nguyên tắc xây dựng vườn trường theo hướng bảo vệ môi trường: 1/ Ðảm bảo sử dụng các cảnh quan phù hợp với khu vực; 2/ Sử dụng đất tự nhiên; 3/ Bảo tồn và thu hút các sinh vật tự nhiên, hoang dã; 4/ Hạn chế đào bới, san lấp; 5/ Tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng; 6/ Bảo vệ môi trường không khí, môi trường nước.

    Xây dựng một mô hình vườn trường về giáo dục bảo vệ môi trường cho trường tiểu học tại Trường Tiểu học Thành Công A - quận Ba Ðình - Hà Nội đảm bảo yêu cầu thiết kế: 1/ Không phá vỡ môi trường hiện tại của trường tiểu học; 2/ Không giảm diện tích các khu vực vui chơi của học sinh; 3/ Bố trí hợp lí các góc thiên nhiên, tạo được cảnh quan môi trường gần gũi với tự nhiên; 4/ Ðảm bảo sự an toàn, vệ sinh; 5/ Có tính thẩm mĩ.

    Đánh giá thực trạng vườn trường tiểu học Thành Công A Quận Ba Đình - Hà Nội: Ngoài các cây bóng mát và cây cảnh, chậu cảnh trang trí lối vào cổng trường, sân trường, lối đi, ., nhà trường còn dành một khu đất tương đối rộng để làm vườn trường. Ðó là một khu đất có chiều dài 20 mét, chiều rộng 6 mét, tạo khoảng cách giữa lớp học với tường bao giáp với khu chung cư của người dân. Nhà trường đã trồng một số cây hoa sữa trong vườn trường với mục đích tạo bóng mát cho các lớp học. Tuy nhiên, vườn trường mới chỉ được khai thác ở góc độ tạo màu xanh và bóng mát cho khuôn viên nhà trường nên chưa góp phần vào việc giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh. Cây cối trong vườn rất thưa thớt và ít được chăm sóc, chủ yếu là cây hoa sữa đã cao khoảng 4 - 5 mét. Tường rào ẩm mốc, tường hoa quanh vườn đã cũ, nhiều đoạn sứt vỡ và không được khai thác sử dụng. Với khung cảnh trên đây, vườn trường chủ yếu có chức năng tạo bóng mát cho dạy lớp học tiếp giáp với vườn trường chỗ chạy nhảy cho học sinh trong giờ ra chơi.

    Thiết kế cảnh quan vườn trường: Với mục đích tạo một môi trường vui chơi sạch sẽ và an toàn, đồng thời thiết lập cơ sở hạ tầng ban đầu cho các em học sinh được thực hành học tập trồng và chăm sóc cây Chúng tôi đã đặt vấn đề thiết kế và thi công tốt phần hạ tầng cơ sở bao gồm đường dạo, các dàn hoa bằng sắt để trồng cây leo, che bóng mát và tạo nên các không gian nên thơ ; xây dựng các góc thiên nhiên như góc thực vật (với một số loại cây ăn quả, cây cho bóng mát, cây cảnh, cây thuốc nam, .), cảnh núi non, ruộng bậc thang, hồ nước nhỏ để thả cá, . Bao gồm các góc vườn như sau :1) Các vườn hoa, cây cảnh; 2/ Vườn cây ăn quả ; 3/ Giàn cây: 2 giàn; 4/ Vườn treo (có ghế bên dưới); 5/ Vườn thuốc nam; 6/ Vườn trồng thực nghiệm; 7/ Vườn ươm ; 8/ Mô hình địa lí ; 9/ Bể cá.

    Quá trình thi công gồm 2 giai đoạn : 1/ Giai đoạn thi công ; 2/ Giai đoạn trồng và chăm sóc cây.
    Hướng dẫn tổ chức hoạt động GDBVMT tại vườn, gồm có 2 hoạt động: 1/ Tích hợp GDBVMT vào các môn học; 2/ Tổ chức các hoạt động ngoại khóa.

    Tích hợp GDBVMT vào các môn học:

    Môn Tự nhiên - Xã hội: 1/ Nhận biết một số cây rau, cây thuốc nam, cây ăn quả, cây ngắn ngày, cây lâu năm, một số loài hoa, cây dây leo . và lợi ích của nó; 2/ Quan sát và phân biệt các bộ phận chính của cây : thân, rễ, lá, hoa ; 3/ Mô hình ao nuôi cá (Phân biệt một số loại cá nước ngọt, cá cảnh ; Nhận biết các bộ phận chính của một số con vật : đầu, mình, cơ quan di chuyển); 4/ Quan sát và chỉ ra được một số cây và con vật sống trên cạn, dưới nước; 5/ Ý thức chăm sóc, giữ gìn cây xanh, cây ăn quả . bảo vệ môi trường.

    Môn Khoa học: 1/ Chủ đề nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể (Rau xanh, củ, quả, cà rốt, gấc . chứa nhiều chất khoáng và vitamin, chất xơ .; Vai trò của chất khoáng, vitamin, chất xơ đối với cơ thể; Tiêu chuẩn của thực phẩm sạch và an toàn; Ý thức giữ gìn, bảo quản thực phẩm vì sức khỏe và môi trường); 2/ Chủ đề Thực vật và động vật (Quá trình trao đổi chất giữa thực vật và động vật với môi trường; Nhận biết sinh sản của thực vật và động vật; Tác động của con người với môi trường, nhận biết môi trường có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người; Ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch).

    Môn Lịch sử và Địa lí: Đặc điểm địa hình, địa lí: đồng bằng, đồi núi, . GDBVMT được tiến hành thông qua việc cho học sinh làm các bài tập theo chủ đề môi trường, thông qua đó hình thành ý thức giữ gìn và BVMT.

    Môn Tiếng Việt: 1/ Giúp học sinh nhận thức môi trường tự nhiên xung quanh; 2/ Quan sát, nhận biết, cảm nhận về một số loài cây, con vật gắn bó với đời sống con người. Trên cơ sở đó các em có kiến thức thực tế để thực hiện yêu cầu viết đoạn văn, bài văn tả cảnh, tả ngôi trường, vườn trường, tả cây cối, con vật, theo yêu cầu của chương trình.

    Môn Đạo đức: Giáo dục học sinh ý thức và hình thành các hành vi: 1/ Bảo vệ chăm sóc cây hoa và các loài vật có ích; 2/ Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương

    Môn Mĩ thuật: 1/ Hướng dẫn học sinh quan sát và vẽ những bức tranh thiên nhiên tại vườn trường, hình thành cho các em những xúc động chân thành trước vẻ đẹp của tự nhiên và niềm xót xa khi những thiên tạo ấy bị con người tàn phá; 2/ Qua những bức tranh thiên nhiên do các em sáng tác, có thể giáo dục các em về mối quan hệ đặc biệt giữa môi trường thiên nhiên và con người, vấn đề ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường.

    Tóm lại, việc giáo dục bảo vệ môi trường nên được tích hợp trong các môn học, giúp học sinh: 1/ Có kiến thức về môi trường; 2/ Hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; 3/ Có ý thức về bảo vệ môi trường; 4/ Được thực hành bảo vệ môi trường.

    Các hoạt động ngoại khóa có thể tổ chức ở vườn trường, đó là:

    Tìm hiểu vườn trường: 1/ Tổ chức cho HS quan sát vườn trường để kể được tên các loại cây, hoa, quả trong vườn, các động vật có trong hồ nước, các mô hình địa lí (núi, ruộng bậc thang, .); 2/ Thi tìm hiểu về ích lợi của các loài cây đối với con người và môi trường; 3/ Cách làm: chia các em thành các nhóm; mỗi nhóm tìm hiểu về một loại cây, một loại động vật, sau đó tổ chức các cuộc thi về kiến thức đã tìm được như: vẽ tranh, kể chuyện, ghép hình, nặn mô hình

    Tìm hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường: 1/ Quan sát tranh về môi trường (các bức tranh có thể mô tả sự tàn phá của con người về môi trường ; chặt cây, phá rừng, săn bắn; rác thải . và hậu quả của những hoạt động trên) ; 2/ Tổ chức trò chơi đóng kịch tại vườn trường: Một nhóm trẻ đóng vai cây, cỏ, con vật, ao hồ . một nhóm đóng vai con người, các bé sẽ tự diễn tả cảm xúc của mình khi bị tác động

    Thực hành bảo vệ môi trường: Tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua trong toàn trường: 1/ Nhặt rác trong sân trường, lớp học; 2/ Tái sử dụng các đồ vật để sử dụng người vườn trường; 3/ Cuộc thi khéo tay hay làm từ các vật đã bỏ đi để trang trí cho vườn trường.

    Tập trồng cây: 1/ Tổ chức cho HS thực hành gieo hạt, trồng cây, quan sát quá trình sinh trưởng của cây theo từng giai đoạn và ghi chép lại những gì quan sát được; 2/ Tổ chức thuyết trình về cách gieo trồng và quá trình phát triển của cây.

    Chăm sóc cây cối, con vật: 1/ Phân công từng lớp / từng nhóm học sinh phụ trách cách luống cây / con vật trong vườn trường; 2/ Học sinh ghi chép lịch trực tuần chăm sóc cây cối, con vật ; nêu nhận xét về quá trình phát triển của cây / con vật.

    Sáng tác về chủ đề BVMT: 1/ Vẽ tranh về môi trường; 2/ Viết văn, truyện, làm thơ,
    Thành lập câu lạc bộ những học sinh yêu thiên nhiên.

    3/ Một số khuyến nghị

    Việc nhân rộng mô hình vườn trường theo hướng bảo vệ môi trường là điều cần thiết và rất nên được các cấp quản lí giáo dục và môi trường quan tâm, tạo điều kiện phát triển.

    TỪ KHÓA: 1/ Mô hình vườn trường; 2/ Giáo dục bảo vệ môi trường; 3/ Trường tiểu học

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...