Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo phát triển giáo dục đại học Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Quang Sáng
    Đơn vị công tác: Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 04942980
    Thư ký đề tài: Ths. Đinh Thị Bích Loan; Thành viên: TS. Lê Đông Phương; TS. Đỗ Mạnh Hùng; TS. Đỗ Văn Thành; Ths. Đặng Huyền Linh;
    Thời gian thực hiện: Từ 07/2007 đến 05/2011

    Mục tiêu nghiên cứu

    Xác định những nhân tố tác động đến phát triển giáo dục đại học, từ đó xây dựng một số mô hình dự báo phát triển giáo dục đại học Việt Nam đến 2020.

    Nội dung nghiên cứu

    - Tổng quan xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới và kinh nghiệm quốc tế về dự báo phát triển giáo dục đại học

    - Quan niệm về phát triển và các nhân tố tác động đến phát triển GDĐH

    - Xây dựng một số mô hình dự báo phát triển GDĐH Việt Nam 2020

    - Thử nghiệm một số mô hình dự báo về quy mô hoặc cơ cấu của GDĐH Việt Nam đến 2010

    Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu tư liệu; Phương pháp mô hình hoá; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp thực nghiệm dự báo; Phương pháp so sánh

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    - Quan niệm về phát triển giáo dục đại học và các nhân tố tác động đến phát triển giáo dục đại học. Qua đó cho thấy:

    + Phát triển giáo dục đại học bao gồm các nội dung cơ bản sau: Là sự tăng lên về số lượng trường và số lượng sinh viên. Phát triển mạng lưới trường, phương thức giáo dục phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu nâng cao trình độ đào tạo cho đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của mỗi vùng; Sự thay đổi về cơ cấu giữa các chức năng của hệ thống giáo dục đại học và cơ cấu theo trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học và nhu cầu nhân lực; Tạo ra sự thay đổi thích cực về chất lượng giáo dục đại học. Cùng với quá trình chuyển từ giáo dục đại học tinh hoa sang giáo dục đại học đại chúng và trong môi trường kinh tế thị trường, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo là khác nhau; Thực hiện công bằng trong giáo dục đại học. Thu hẹp khoảng cách giáo dục cần có biện pháp đặc biệt tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên vùng sâu, vùng xa, các dân tộc ít người và trẻ em gái đến trường ; Sự phát triển giáo dục đại học là quy luật tiến hoá, nó chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố nội lực luôn giữ vai trò quyết định.

    + Các nhân tố chính ảnh hưởng đến phát triển giáo dục đại học: Có nhiều nhân tố tác động đến phát triển hệ thống GDĐH của mỗi nước, song tựu trung lại có 4 nhóm nhân tố cơ bản. 
    Mỗi nhóm nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục lại gồm một hệ thống các nhân tố thành phần, việc lựa chọn các nhân tố thành phần nào được xem là phù hợp để đưa vào mô hình dự báo là một câu hỏi không dễ có được câu trả lời thoả đáng vì mỗi nhóm nhân tố là hệ rất phức tạp và khó bóc tách, và nhiều khi phân tách được lại không có dãy số liệu.

    - Đưa ra các khái niệm liên quan đến đề tài như:

    + Khái niệm về mô hình và các đặc điểm của mô hình. Kiến thức và hiểu biết của các nhà khoa học về thế giới thường được biểu trưng dưới dạng các mô hình. Về cơ bản mô hình khoa học là một trong những mô hình sáng tạo, kiểm chứng và điều chỉnh của thế giới thực. Đó là một xấp xỉ hoặc mô phỏng một hệ thống thực mà bỏ qua tất cả, nhưng giữ lại biến quan trọng của hệ thống. Mô hình có đặc điểm là: Mô hình nhất định là không hoàn chỉnh; Mô hình có thể được thay đổi hoặc điều chỉnh với mức độ tương đối.

    + Đề tài cũng đưa ra khái niệm về dự báo giáo dục và các tính chất của dự báo giáo dục; Cách tiếp cận – cơ sở để hình thành phương pháp dự báo giáo dục; Phương pháp và các mô hình dự báo phát triển giáo dục đại học. Các mô hình dự báo được vận dụng để dự báo giáo dục đại học trong đề tài đó là: Mô hình/Phương pháp ngoại suy xu thế; Phương pháp san mũ; Mô hình kinh tế lượng.

    - Các thành tố cơ bản của mô hình phát triển giáo dục đại học: Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu và đưa ra một số yếu tố chính sau: 1/Mục tiêu của giáo dục đại học; 2/Đa dạng hoá và phân tầng trong giáo dục đại học; 3/Phương thức quản lý; 4/Phát triển khu vực giáo dục đại học tư; 5/Vấn đề đảm bảo các nguồn lực cho GDĐH; 6/Gia nhập đại học thế thới; 7/Công bằng trong giáo dục đại học.

    - Đề tài cũng đã tổng quan các xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới, và cho thấy các xu thế chính của GD ĐH thế giới đó là: Mở rộng quy mô/Đại chúng hoá GD ĐH hay nhu cầu học tập ở đại học không ngừng gia tăng; Đa dạng hoá loại hình trường và phương thức đào tạo; Đối tượng người học ngày càng đa dạng; Áp lực ngày càng tăng về tài chính; Mức độ tư nhân hoá giáo dục đại học ngày càng tăng; Chất lượng và hiệu quả hơn; Phát triển mạng lưới các trường đại học có các chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu; Định hướng thị trường hơn; Xếp hạng đại học ngày càng được quan tâm.

    - Đề tài tóm tắt giới thiệu một số mô hình đại học tiêu biểu trên thế giới như: Mô hình giáo dục đại học: Hoa Kỳ, Liên Xô, Đức, Anh, Pháp, một số nước Châu Á.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tiến hành thực nghiệm dự báo quy mô và cơ cấu trình độ đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam đến 2020 thông qua việc thiết lập, ước lượng, kiểm định giả thiết của 3 mô hình/phương pháp dự báo cụ thể (Dự báo bằng phương pháp ngoại suy; Phương pháp san mũ; Phương pháp mô hình kinh tế).

    Kết hợp các kết quả thực nghiệm trên 3 mô hình dự báo, đề tài đã bình luận và lựa chọn kết quả dự báo: Trong vòng 10 năm tới, Giáo dục đại học nước ta cần đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng đào tạo, nói cách khác tốc độ tăng quy mô đào tạo cần thấp hơn tốc độ tăng các điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc tăng quy mô sinh viên nước ta đến năm 2020 có thể xác định là 3,363 triệu người, trong đó sinh viên đại học là 2,211 triệu người (0,278 triệu sinh viên đại học ngoài công lập) và sinh viên cao đẳng là 1,152 triệu người (0,386 triệu sinh viên cao đẳng ngoài công lập).

    3/ Một số khuyến nghị

    - Về lựa chọn mục tiêu phát triển quy mô và cơ cấu trình độ đào tạo đại học: Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chấp nhận việc điều chỉnh mục tiêu 450 sinh viên/1vạn dân xuống mức 330-350 sinh viên/1vạn dân vào năm 2020. Ưu tiên tốc độ tăng quy mô cao đẳng (theo dự báo, tỷ lệ sinh viên cao đẳng trên tổng số sinh viên, thay đổi từ 25,6% năm 2010, đến 29,8% năm 2015 và 34% năm 2020 nhanh hơn tốc độ sinh viên đại học;

    - Về đổi mới công tác dự báo giáo dục: Đề án “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (10/5/2011), trong quá trình triển khai cần tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

    Đổi mới hệ thống thông tin: Cần đầu tư và đổi mới hệ thống thông tin giáo dục và kinh tế - xã hội. Nếu thiếu dữ liệu về kinh tế - xã hội và giáo dục thì không thể nào thực hiện các dự báo giáo dục theo đúng nghĩa; Khi có dữ liệu nhưng độ tin cậy thấp sẽ dẫn đến chất lượng dự báo cực thấp.

    Tổ chức và phối hợp thực hiện các dự báo: Hoàn thiện cơ chế phối hợp trong thực hiện công tác dự báo kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục đại học nói riêng, bao gồm cả việc thu thập, chia sẻ thông tin đầu vào cũng như sử dụng kết quả đầu ra của hoạt động dự báo.

    Các nguồn lực cho công tác dự báo: Nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác dự báo; Tăng cường đầu tư và xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động thông tin, phân tích và dự báo; Mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dự báo.

    TỪ KHÓA: 1/ Dự báo giáo dục; 2/ Mô hình dự báo; 3/Giáo dục đại học; 4/ Phát triển giáo dục

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...