Nghiên cứu vận dụng phương pháp phân tích hồi quy trong khoa học giáo dục

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
     
    THÔNG TIN CHUNG


    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Mai Thị Thu
    Đơn vị công tác: Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 0989304056
    Thư ký đề tài: ThS. Trần Thị Phương Nam; Thành viên: TS. Trần Văn Hùng
    Thời gian thực hiện: Từ 07/2009 đến 05/2011

    Mục tiêu nghiên cứu

    Xác định nội dung cơ bản của phương pháp phân tích hồi quy và nghiên cứu một số ứng dụng của phương pháp phân tích hồi quy trong khoa học giáo dục.

    Nội dung nghiên cứu


    - Những khái niệm cơ bản của phương pháp phân tích hồi quy, các vấn đề liên quan đến phân tích hồi quy như phân tích tương quan, phương pháp bình phương nhỏ nhất.

    - Một số dạng hồi quy có thể ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục: hồi quy đơn, hồi quy hội, hồi quy với biến giả.

    - Đề xuất một số ý kiến về việc vận dụng phương pháp phân tích hồi quy trong khoa học giáo dục.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp hồi cứu tư liệu; Phương pháp hội thảo, xin góp ý các chuyên gia; Phương pháp tổng kết kinh nghiệm.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU


    1/ Về lí luận

    Đề tài làm rõ các khái niệm cơ bản có liên quan: phân tích hồi quy, hồi quy đơn, hồi quy bội, biến giả trong phân tích hồi quy, các bước ứng dụng phân tích hồi quy, sử dụng hồi quy để dự báo.

    Theo tác giả, phân tích hồi quy nghiên cứu mối liên hệ phụ thuộc của một biến (gọi là biến phụ thuộc hay biến được giải thích) với một hay nhiều biến khác (được gọi là (các) biến độc lập hay giải thích) nhằm ước lượng và/hoặc dự báo giá trị trung bình của biến phụ thuộc với các giá trị đã biết của (các) biến độc lập.

    Hồi quy đơn nghiên cứu mối liên hệ giữa hai biến: một biến phụ thuộc (dược giải thích) và một biến độc lập (giải thích). Trong thực tiễn và trong thực nghiệm khoa học, nhiều khi chúng ta cần phải nghiên cứu mối liên hệ tương quan giữa hai đối tượng.

    Hồi quy bội (hay còn gọi là hồi quy đa/nhiều biến) sử dụng để nghiên cứu mối liên hệ giữa một biến với nhiều biến khác.

    Biến phụ thuộc và biến độc lập là các biến định lượng liên tục. Tuy nhiên trong thực tế ta có thể gặp các biến định tính. Biến định tính thường biểu hiện có hay không một tích chất nào đó hoặc biểu hiện mức độ khác nhau của một tiêu thức nào đó. Để đưa những thuộc tính của biến định tính vào phương trình hồi quy, ta cần phải lượng hóa biến định tính bằng cách sử dụng kỹ thuật biến giả (dummy).

    5 bước trong ứng dụng phân tích hồi quy:

    - Bước 1: Xem xét tài liệu, phát triển mô hình lý thuyết và đưa ra giả thuyết.
    - Bước 2: Lựa chọn biến độc lập và đề xuất dạng hàm.
    - Bước 3: Thu thập dữ liệu.
    - Bước 4: Đưa ra giả thuyết về những dấu hiệu dự đoán các hệ số của phương trình hồi quy.
    - Bước 5: Ước lượng và đánh giá mô hình.

    Một trong những vai trò quan trọng của phân tích hồi quy là sử dụng phương trình hồi quy để dự báo. Sau khi xây dựng được mô hình và được kiểm định các giả thiết, nếu mô hình phù hợp, ta có thể tiến hành dự báo. Có hai loại dự báo: dự báo giá trị trung bình E(YX0 ) và dự báo riêng Y = Y0 với X = X0.

    2/ Về thực tiễn

    Các dạng hàm hồi quy thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục: hàm hồi quy tuyến tính đơn, hàm hypebol, dạng bán logarit (semi-log), dạng logarit kép (log-log), hàm hồi quy đa thức, hàm hồi quy tuyến tính bội và một số dạng hàm khác.

    Đề tài cũng đưa ra một vài đề xuất vận dụng phân tích hồi quy trong nghiên cứu khoa học giáo dục: về dạng hàm hồi quy sử dụng và về phạm vi ứng dụng.

    Lựa chọn dạng hàm trong phân tích hồi quy là một vấn đề đến nay vẫn chưa có một cơ sở lý thuyết hoàn toàn tin cậy. Trong thực tế, có thể ta không bao giờ biết mô hình đúng là như thế nào mà chỉ hi vọng tìm được mô hình có thể biểu diễn thực tế một cách gần đúng với dữ liệu có thể chấp nhận được. Tiêu chuẩn để đánh giá một mô hình tốt theo quan điểm AC Harvey được vận dụng khá rộng rãi bao gồm: tính tiết kiệm, tính đồng nhất, tính thích hợp, tính vững về mặt lý thuyết, có khả năng dự báo tốt.

    Để lựa chọn được mô hình tốt, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố mang tính quyết định là trình độ chuyên môn của người vận dụng. Vì vậy, việc nâng cao trình độ hiểu biết của các cán bộ nghiên cứu khoa học giáo dục về lý thuyết phân tích hồi quy cũng như việc xây dựng phương trình hồi quy để vận dụng trong nghiên cứu là rất cần thiết.

    Ngoài việc sử dụng các hàm hồi quy tuyến tính, nên tăng cường tìm những dạng hàm phi tuyến nhưng có chất lượng hơn hàm hồi quy tuyến tính. Và cần chú ý thực hiện các kiểm định thống kê xem liệu mô hình xây dựng có đủ tốt để dự báo hay không.

    Hiện nay, trên thế giới, có một số nghiên cứu dự báo sử dụng hồi quy logistic để dự báo xác suất, kết quả cho ta bao nhiêu % có khả năng xảy ra hay không xảy ra một hiện tượng. Đây cũng là một hướng nghiên cứu rất đáng quan tâm để ứng dụng cho nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam.

    Những hướng nghiên cứu có thể sử dụng phân tích hồi quy bao gồm: 1/ Công tác dự báo trong giáo dục – đào tạo, nhân lực; 2/ Những nghiên cứu tác động của các nhân tố trong các hiện tượng giáo dục; 3/ Kiểm định những giả thuyết về các hiện tượng giáo dục.

    Công tác dự báo giáo dục – đào tạo, nhân lực: dự báo nhu cầu người học ở các cấp; dự báo cung, cầu nhân lực được đào tạo; dự báo học sinh/sinh viên bỏ học; dự báo cầu giáo dục đại học Trong những dự báo đó, không chỉ sử dụng hồi quy tuyến tính đơn giản, mà có thể sử dụng những dạng hàm phù hợp hơn hoặc nếu cần có thể sử dụng biến giả.

    Những nghiên cứu tác động của các nhân tố trong các hiện tượng giáo dục: để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố với kết quả giáo dục, đào tạo, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó các phương pháp định lượng thường được sử dụng là phân tích tương quan, phân tích nhân tố, phân tích phương sai và phân tích hồi quy. Phân tích hồi quy có ưu điểm là thể hiện mối liên hệ giữa các yếu tố bằng một phương trình hồi quy (phương trình toán học), các hệ số hồi quy là một trong những biểu hiện của mối liên hệ giữa các yếu tố nghiên cứu.

    Kiểm định những giả thuyết về các hiện tượng giáo dục: có thể sử dụng các phương pháp kiểm định khác nhau của thống kê, hoặc cũng có thể sử dụng các phương pháp phân tích khác nhau như phân tích phương sai, phân tích nhân tố, phân tích tương quan. Nếu sử dụng phân tích hồi quy, cụ thể là sử dụng phương trình hồi quy đã lượng hóa các mối quan hệ giữa các đối tượng nghiên cứu, ta phải thực hiện kiểm định ý nghĩa thống kê của các hệ số. Cụ thể là xem hệ số đó có thực sự khác 0 hay không.

    3/ Một số khuyến nghị

    - Đối với các nhà nghiên cứu: Tăng cường tìm hiểu và vận dụng phân tích hồi quy trong các nghiên cứu khoa học giáo dục. Tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia giáo dục, chuyên gia thống kê giáo dục và chuyên gia kinh tế trong các nghiên cứu định lượng.

    - Đối với người sử dụng kết quả nghiên cứu có sử dụng phân tích hồi quy: Cần phải có sự hiểu biết nhất định về phân tích hồi quy như một công cụ nghiên cứu định lượng, để có thể đọc những kết quả gồm các con số, các phương trình toán học, các kiểm định thống kê.

    TỪ KHÓA: 1/ Khoa học giáo dục; 2/ Dự báo giáo dục; 3/ Phương pháp phân tích hồi quy.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...