Thạc Sĩ Nghiên cứu văn bản những tác phẩm mang tên nguyễn khắc trạch hiện tàng trữ tại viện nghiên cứu hán n

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: NGHIÊN CỨU VĂN BẢN NHỮNG TÁC PHẨM MANG TÊN NGUYỄN KHẮC TRẠCH HIỆN TÀNG TRỮ TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM


    MỞ ĐẦU1. Lí do lựa chọn đề tài:
    Theo sách DSHNVN-TMĐY cho biết, hiện nay ở Viện nghiên cứu Hán Nôm có tới 9 tác phẩm chữ Hán mang tên tác giả Nguyễn Khắc Trạch, với đủ các thể loại như thơ, văn, trướng, đối Ngoài số này ra, tác phẩm của Nguyễn Khắc Trạch còn được chép lẫn trong không ít sách của người khác.
    Trong các tác phẩm đó, thơ chiếm phần chủ yếu. Bản nhiều nhất có đến 422 bài (bản VHv.212), về văn, bản nhiều nhất có 54 bài. Nếu tổng cộng các văn bản lại, có đến hơn một nghìn bài thơ và mấy trăm bài văn. Số lượng thơ văn như thế quả là đồ sộ. Nhưng đó mới chỉ là nhìn từ góc độ hình thức. Còn khi đi sâu vào nội dung cụ thể từng văn bản ta mới thấy chúng đang hàm chứa nhiều ẩn số. Các nhà văn bản học Hán Nôm cho biết kho thư tịch Hán Nôm của chúng ta hiện nay, nhất là các văn bản viết tay, thường có nhiều vấn đề phức tạp, rối rắm về mặt văn bản. Nào là “thật giả lẫn lộn, sao đi chép lại quá nhiều”; nào là “khó đọc, khó hiểu” Các văn bản của nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Khi xem cụ thể nội dung trong từng tác phẩm, thấy sự tương đồng và dị biệt giữa các tác phẩm rất nhiều. Ngoài ra, có những bản còn có chép cả thơ văn của người khác. Bởi vậy, việc nghiên cứu văn bản nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch là một nhu cầu khách quan mang tính điển hình về mặt văn bản học đối với di sản Hán Nôm. Đó là lí do đầu tiên thôi thúc tôi lựa chọn đề tài này.
    Lí do thứ hai, nhóm tác phẩm mang tên tác giả Nguyễn Khắc Trạch chủ yếu ra đời vào thời Nguyễn. Đây là thời kì khoa cử rất phát triển, người đỗ đạt rất nhiều, vì vậy người trùng tên trùng họ cũng không ít. Trong các sách như Cổ kim trùng tính trùng danh khảo của Mai Phong - Đặng Xuân Khanh, sách Hán ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, hay Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, hoặc Trạng nguyên Tiến sĩ hương cống Việt Nam, và Những ông nghè ông cống triều Nguyễn đều cho biết thời Nguyễn có bốn người trùng tên họ, đều đỗ Cử nhân tên là Nguyễn Khắc Trạch. Vậy nhóm tác phẩm mang tên tác giả Nguyễn Khắc Trạch trên là thuộc về ai trong số bốn vị này? Học giả Trần Văn Giáp trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam Nxb.KHXH, 1971 đã cho rằng nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn là của Nguyễn Khắc Trạch ở làng Bình Hồ, huyện Đông Yên, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Gần đây, Nguyễn Khắc Chính, hậu duệ của họ Nguyễn Khắc ở xã Bình Hồ, huyện Đông Yên này đã viết sách Danh nhân Nguyễn Khắc Trạch thân thế và sự nghiệp, Nxb VHTT 2004. Sách giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Khắc Trạch ở xã Bình Hồ, huyện Đông Yên, và sách này đã mặc nhiên coi nhóm tác phẩm mang tên tác giả Nguyễn Khắc Trạch là của Nguyễn Khắc Trạch làng Bình Hồ. Phần Phụ lục trong sách có trích dịch khoảng 80 bài thơ trong nhóm các tác phẩm này. Nhưng điểm mấu chốt khiến cho tôi băn khoăn trăn trở và dẫn dắt tôi thao thức với mỗi dòng chữ trong các văn bản của các phẩm, chính là lời của GS Trần Nghĩa người được tác giả Nguyễn Khắc Chính mời viết “Lời giới thiệu” cho cuốn sách, GS viết rằng: “Nguyễn Khắc Trạch là quan chức thanh liêm, chính trực, được người đời ngưỡng mộ, quý mến, triều đình trọng dụng. Ông đồng thời còn là một nhà văn hóa đa diện, có những đóng góp nhất định trong các lĩnh vực giáo dục, lịch sử, kiến trúc, xây dựng và văn hóa. Về sáng tác, sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, do Trần Văn Giáp chủ biên, NXB KHXH, 1971, cho biết Nguyễn Khắc Trạch có các tập thơ văn sau đây: Nhuế Xuyên bạch bút thi tập, Nhuế Xuyên tập, Nhuế Xuyên thi tập, Nhuế Xuyên văn tập Nhìn chung, đối với một số tác phẩm Hán Nôm hiện nay, còn có điều chưa được rõ ràng, cần tiếp tục được nghiên cứu”. Ngay soạn giả Nguyễn Khắc Chính trong sách Danh nhân Nguyễn Khắc Trạch (1797-1884), thân thế và sự nghiệp, trang 50, chú thích (32), sau khi liệt kê các tác phẩm của Nguyễn Khắc Trạch, cũng cảm thấy băn khoăn: “Danh mục các tác phẩm trên tập hợp từ nhiều sách, báo, tạp chí. Tuy nhiên vẫn còn những điều chưa được xác định rõ ràng, cần nghiên cứu thêm”. Quả thực khi xem hết lượt các tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn, thấy nhận định của học giả Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam về tác giả của nhóm tác phẩm trên đã có chỗ không đúng. Ông đã “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Bởi vậy tôi quyết định nghiên cứu văn bản những tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn, nhằm làm sáng tỏ ai trong bốn vị Nguyễn Khắc Trạch cùng đỗ Cử nhân dưới triều Nguyễn là tác giả đích thực của nhóm tác phẩm này.
    2. Lịch sử vấn đề:
    Từ trước đến nay chưa có một chuyên khảo nào về văn bản những tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch. Chỉ có sách Danh nhân Nguyễn Khắc Trạch – thân thế và sự nghiệp xuất bản năm 2004 của Nguyễn Khắc Chính nói trên có đề cập đến một số khía cạnh nhỏ về nội dung nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch. Như trong phần viết về tình hình văn học của tác giả Nguyễn Khắc Trạch làng Bình Hồ, Nguyễn Khắc Chính đã giới thiệu tác phẩm của ông bao gồm những tác phẩm như LTCTGVN và sách DSHNVN-TMĐY đã thống kê. Trong phần phụ lục sách này, tác giả Nguyễn Khắc Chính có giới thiệu bản dịch và chú thích khoảng 80 bài thơ trích trong tác phẩm Nhuế Xuyên tùy bút thi tập (VHv.212) và Nhuế Xuyên thi tập (A.444). Theo nguyên chú ở trong sách, phần trích dịch này do GS.Trần Nghĩa và Thọ Nhân dịch. Ngoài ra, trong sách này tác giả Nguyễn Khắc Chính còn trích rất nhiều những nhận định, nhận xét của các sách, các bài báo khác ở tỉnh Hưng Yên viết về sự nghiệp văn học của Nguyễn Khắc Trạch ở xã Bình Hồ. Chẳng hạn như Nguyễn Phúc trong sách Danh nhân Hưng Yên (Sở VHTT và Hội VHNT Hưng Yên, 1997) viết: “Nói về văn chương Nguyễn Khắc Trạch thì thật là một điều khiến nhiều người sửng sốt, ông để lại trên một chục tác phẩm với hàng nghìn bài thơ, vài trăm bài văn ”. Còn Hai trăm năm nhớ về một con người (Báo Hưng Yên ngày 06- 12- 1997) Thế Hải viết: “Ân Thi xưa sau Nguyễn Trung Ngạn (1298 - 1370) có tài học rộng, văn thơ hay phải kể đến Nguyễn Khắc Trạch (1797- 1884), ông đã để lại hàng nghìn bài thơ và hàng trăm bài văn”.
    Tóm lại, cũng như Nguyễn Khắc Chính, các sách báo khác ở Hưng Yên khi viết về Nguyễn Khắc Trạch ở xã Bình Hồ đều cho biết ông có những tác phẩm như Trần Văn Giáp đã cho biết trong LTCTGVN và DSHNVN-TMĐY đã lên thư mục. Những nhận định, đánh giá về những tác phẩm của Nguyễn Khắc Trạch còn dừng lại ở mức chung chung, chưa thật cụ thể. Bởi vậy, luận văn của tôi sẽ là cố gắng đầu tiên đi vào nghiên cứu văn bản những tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn được lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
    - Đối tượng nghiên cứu: Văn bản nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch được viết bằng chữ Hán, hiện lưu giữ ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, những tài liệu liên quan đến các nhân vật mang tên Nguyễn Khắc Trạch sống dưới triều Nguyễn cũng là đối tượng nghiên cứu của luận văn.
    - Phạm vi nghiên cứu: Trong điều kiện tư liệu hiện có, và với điều kiện khả năng cho phép tiến hành việc khảo sát, so sánh, đối chiếu và làm thư mục của 7 tác phẩm bao gồm cả thơ lẫn văn.
    4. Phương pháp tiến hành:
    4.1. Phương pháp văn bản học:
    Do yêu cầu nghiên cứu văn bản, luận văn sẽ vận dụng các phương pháp của văn bản học, bắt đầu là việc thu thập đầy đủ văn bản nhóm tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch mà cuốn DSHNVN-TMĐY đã nêu trong thư mục. Thứ đến, tiến hành mô tả vật lý, đọc văn bản, xử lí các nội dung chứa trong văn bản, làm thư mục các bài thơ bài văn để so sánh đối chiếu nhằm tìm ra bản tiêu biểu nhất, đáng tin cậy nhất. Ngoài ra còn tìm hiểu về quá trình truyền bản, chữ kiêng húy để xác định niên đại của văn bản.
    4.2. Phương pháp thống kê, so sánh đối chiếu, phân tích chứng minh.
    Luận văn thống kê những cứ liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp của các vị Cử nhân Nguyễn Khắc Trạch trong và ngoài tác phẩm (nội chứng, bàng chứng) để từ đó tiến hành so sánh đối chiếu, từ đó chứng minh ai là tác giả đích thực của nhóm văn bản này.
    5. Đóng góp mới của luận văn.
    Thứ nhất, trên cơ sở thu thập văn bản những tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn, tiến hành nghiên cứu văn bản tìm ra bản đáng tin cậy nhất, đây là điều trước đây chưa ai làm. Đồng thời, lập thư mục số lượng các bài trong các dị bản, tiến hành so sánh đối chiếu sự tương đồng và dị biệt để đi đến xác định số lượng các bài thơ, bài văn đích thực của tác giả là bao nhiêu.
    Thứ hai, từ các nội chứng trong tác phẩm, kết hợp với những bàng chứng về thân thế và sự nghiệp của tác giả, luận văn đã chứng minh được ai là tác giả đích thực của nhóm tác phẩm này, nhằm đem lại quyền tác giả cho tác phẩm. Tránh tình trạng từ một ngộ nhận của một học giả đi trước mà kéo theo bao nhận định sai lầm khác của các thế hệ kế sau.
    6. Bố cục của luận văn.
    Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận văn có 3 chương như sau:
    Chương 1: Về văn bản những tác phẩm mang tên Nguyễn Khắc Trạch hiện còn.
    Chương 2: Ai là tác giả đích thực của nhóm tác phẩm trên.
    Chương 3: Sơ bộ tìm hiều giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm.
    Cuối luận văn là phần Phụ lục (phần trích dịch những bài mà trong luận văn đã đề cập đến trong Chương 2 và Chương 3)
     
Đang tải...