Nghiên cứu ứng dụng thang kiểm tra phát triển Kyoto tại Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: B2011-37-02
    Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Nguyễn Đức Minh
    Các thành viên tham gia: TS. Phạm Minh Mục
                                                  TS. Vương Hồng Tâm
                                                  ThS. Đào Thu Thủy
                                                  ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa
                                                  ThS. Trần Thu Giang
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: tháng 5/2011- tháng 5/2013

    2. Tính cấp thiết

    Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ chẩn đoán và đánh giá sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng là nhu cầu cấp thiết trong giáo dục. Thực tiễn cho thấy, nếu không có các công cụ chẩn đoán và đánh giá phù hợp để xác định mức độ phát triển thì sẽ không thể xây dựng được chương trình và kế hoạch giáo dục phù hợp và hiệu quả cho trẻ.
    Việc phát hiện, chẩn đoán và đánh giá sự phát triển của trẻ em ở nước ta vẫn dựa chủ yếu trên một số thang đánh giá được dịch từ các bộ công cụ đánh giá của Mĩ và các nước phát triển khác.

    Thang kiểm tra phát triển Kyoto là bộ các chỉ số phát triển (CSPT) tâm – sinh lí theo ngày, tháng tuổi ở trẻ em Nhật Bản, nước có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán tương đồng với Việt Nam, sẽ thích hợp cho việc Việt hóa hơn so với bộ công cụ cụ tương tự ở các nước Âu – Mĩ. Vì vậy, nghiên cứu Việt hóa thang Kyoto, để ứng dụng vào đánh giá sự phát triển nói chung và sự lệch chuẩn trong phát triển của trẻ em nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở nước ta.

    3. Mục tiêu nghiên cứu


    Chuẩn hóa công cụ đánh giá Kyoto trong đánh giá các CSPT và các lệch chuẩn của trẻ em tại Việt Nam nhằm ứng dụng vào đánh giá và tư vấn giáo dục trẻ khuyết tật, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục đặc biệt.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lí luận về các thang đo sự phát triển của trẻ em nói chung, trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt nói riêng
    - Nghiên cứu Việt hóa thang K để có thể sử dụng tại Việt Nam
    - Xây dựng quy trình thử nghiệm, thích ứng thang đo Kyoto tại Việt Nam
    - Biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng các Items Việt hóa của thang K
    - Đề xuất các khuyến nghị những vấn đề cần lưu ý và những việc cần thực hiện để có thể sử dụng thang K tại Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Việc nghiên cứu thích nghi và chuẩn hóa thang Kyoto được kiểm nghiệm trên trẻ em tại các trường mầm non và phổ thông hòa nhập và chuyên biệt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lí luận: hồi cứu, tổng hợp, phân tích dữ liệu từ các công trình có liên quan đến đề tài
    - Phương pháp xin ý kiến chuyên gia: xin ý kiến chuyên gia về quan điểm vả nhu cầu đánh giá, Việt hóa và thích nghi thang đo Kyoto ở Việt Nam và kết quả thực nghiệm kiểm định
    - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: kiểm định bộ công cụ thang đo Kyoto thích nghi ở Việt Nam
    - Phương pháp sử dụng phần mềm exel, SPSS để phân tích dữ liệu.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương:

    Chương 1. Khái niệm cơ bản sử dụng trong đề tài

    1.1. Chuẩn và chuẩn trong phát triển của trẻ em
    1.2. Đo
    1.3. Đánh giá và thử nghiệm
    1.4. Chuẩn hóa công cụ và thích ứng thang đo phát triển sinh- tâm lý học của trẻ

    Chương 2. Thang đo Kyoto mới 2001

    2.1. Lịch sử ra đời của thang đo Kyoto
    2.2. Mục đích của thang đo
    2.3. Nội dung kiểm tra của thang đo Kyoto
    2.4. Những lưu ý khi kiểm tra theo thang K 2001 mới
    2.5. Công cụ sử dụng để kiểm tra theo thang K 2001 mới

    Chương 3. Thích ứng thang đo Kyoto tại Việt Nam

    3.1. Nguyên tắc Việt hóa thang đo
    3.2. Việt hóa các thuật ngữ, các vấn đề, sự kiện
    3.3. Thử nghiệm đo lần 1 – Kiểm nghiệm tại Đà Nẵng
    3.4. Kiểm nghiệm thang K Việt hóa mở rộng – kiểm nghiệm lần 2
    3.5. Ứng dụng thang K 2001 Việt hóa vào nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Về mặt lý luận: đề tài đã phát triển và cụ thể hóa các khái niệm liên quan đến đề tài như: chuẩn, chuẩn phát triển, đánh giá, đo, thang đo, thử nghiệm. Tổng quan các nghiên cứu trên trên thế giới và tại Việt Nam về xây dựng và sử dụng, ứng dụng các loại thang đo đánh giá sự phát triển của trẻ em. Nghiên cứu các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới việc ứng dụng thang K mới 2001 trong kiểm tra sự phát triển của trẻ em Việt Nam.

    Về thực tiễn: xác định thực trạng thích ứng thang K mới 2001 tại Việt Nam trong việc đo các lĩnh vực phát triển chung của trẻ em Việt Nam. Việt hóa và hoàn thiện thang K mới 2001 phù hợp với phong tục, tập quá và văn hóa các vùng miền của Việt Nam. Đề xuất thang K đã Việt hóa có thể ứng dụng vào kiểm tra sự phát triển của trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng.

    - Xây dựng được các nguyên tắc và quy trình Việt hóa thanh kiểm tra sự phát triển của trẻ Kyoto.
    - Việt hóa được thang kiểm tra sự phát triển của trẻ Kyoto và đưa ra các ứng dụng trong kiểm tra sự phát triển theo ngày, tháng tuổi của mọi trẻ em cũng như ứng dụng trong chẩn đoán sự phát triển lệch chuẩn về các chỉ số Phát triển chung, phát triển về Tư thế - Vận động; Nhận thức - Thích ứng và Ngôn ngữ - Xã hội để có hướng quyết định hợp lí trong giáo dục trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận


    Thang K mới 2001 là bộ thang dùng để đánh giá về phản ứng và các lĩnh vực phát triển của trẻ theo ngày tuổi. Dựa vào kết quả đo kiểm của thang K có thể biết được sự phát triển chung cũng như sự phát triển của trẻ về ba nhóm lĩnh vực chính gồm: Tư thế - Vận động; Nhận thức – Thích ứng và Ngôn ngữ - Xã hội;

    Thang K mới 2001 được thiết kế không nhằm mục đích đánh giá, xác định khuyết tật của trẻ em mà sử dụng để đánh giá, so sánh sự phát triển của mọi trẻ em theo độ tuổi phát triển và tuổi thực tế nhằm đưa ra các chỉ số phát triển. Tuy nhiên, dựa vào kết quả kiểm tra và khả năng thể hiện của trẻ khi thực hiện đo kiểm thì vẫn có thể đưa ra được những nhận xét sơ bộ ban đầu về sự phát triển lệch chuẩn của trẻ ở lĩnh vực cụ thể nào đó làm cơ sở cho việc chẩn đoán khuyết tật của trẻ.

    Thang K mới phù hợp cho việc sử dụng để kiểm tra sự phát triển của trẻ em Việt Nam. Không cần phải điều chỉnh thang K mới 2001 để sử dụng khi đo kiểm sự phát triển của trẻ em Việt Nam.

    Để đánh giá sự phát triển của trẻ em Việt Nam thì thang K mới 2001 Việt hóa chỉ cần điều chỉnh một số Items công cụ cho phù hợp với lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và đơn vị đo lường của Việt Nam mà không cần điều chỉnh các chỉ số của thang K.

    Khi sử dụng thang K mới 2001 đã được Việt hóa thì phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng công cụ của thang K và bắt buộc sử dụng đúng các dụng cụ dùng để kiểm tra theo.
    Thang K mới 2001 Việt hóa đòi hỏi người sử dụng để đánh giá phải được tập huấn chuyên môn để hiểu kĩ về thang, công cụ khi đo kiểm phải có kinh nghiệm làm việc với trẻ em.

    Khuyến nghị

    Cho phép các cơ sở đã có công cụ kiểm tra theo thang K mới sử dụng bộ công cụ và thang K mới 2001 đã Việt hóa vào việc đánh giá sự phát triển của trẻ em tuổi mầm non để kịp thời phát hiện những lệch chuẩn trong sự phát triển của trẻ nhằm đưa ra các chỉ dẫn tiếp theo, can thiệp đúng lúc, nâng cao hiệu quả giáo dục cho trẻ.

    Mở các lớp tập huấn cho giáo viên tại các Trung tâm nguồn hỗ trợ giáo dục hòa nhập về sử dụng thang K trong đánh giá các chỉ số phát triển của trẻ em Việt Nam.

    Có chủ trương để mở rộng việc sử dụng thang K mới 2001 Việt hóa trong đánh giá đại trà, trong các nghiên cứu cơ bản về đặc điểm, tâm sinh lí của trẻ em Việt Nam.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...