Nghiên cứu tổng quan về phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2012-08
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Thị Tố Uyên
    Các thành viên tham gia: TS. Bùi Thế Hợp
                                                  ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 8 năm 20012/ tháng 8 năm 2013

    2. Tính cấp thiết

    Trên thế giới, cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ đã hình thành và gặt hái được nhiều thành tựu, đáp ứng nhu cầu của cá nhân và xã hội. Ở nhiều quốc gia, chuyên ngành sửa tật ngôn ngữ nói chung và giáo dục sửa tật ngôn ngữ nói riêng đã có quá trình phát triển hàng trăm năm nay và vẫn không ngừng cải tiến trong nghiên cứu và ứng dụng, không ngừng tăng lên về số lượng chuyên gia, không ngừng nâng cao về chất lượng dịch vụ . Một số nước phát triển như Nga, Anh, Mỹ, giáo dục sửa tật ngôn ngữ là một chuyên ngành có bề dày truyền thống và hiện đang được mở rộng về quy mô và tiếp tục khai thác nghiên cứu theo hướng chuyên sâu. Ở một nước đang phát triển như nước ta, chuyên ngành này chỉ mới manh nha hình thành cùng với quá trình xây dựng và phát triển của giáo dục đặc biệt trong khoảng hơn ba thập kỉ trở lại đây. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định về nghiên cứu lí thuyết, nghiên cứu ứng dụng và bước đầu cung cấp dịch vụ cho trẻ có tật ngôn ngữ song so với nhu cầu của thực tiễn giáo dục đặc biệt ở trong nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế, vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể, đòi hỏi phải nỗ lực cập nhật và không ngừng đầu tư. Thực tế cho thấy, chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ trong giáo dục đặc biệt ở Việt Nam vẫn đang trên con đường đi tìm chỗ đứng riêng, độc lập hơn và vững chắc hơn. Thêm vào đó, sự phát triển gần đây của chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu trong lĩnh vực y tế - phục hồi chức năng ở nước ta với những góc nhìn khác đòi hỏi các nhà chuyên môn trong giáo dục đặc biệt cần tìm hiểu, đối chiếu và phân tích nhằm đúc rút những thông tin cần thiết cho sửa tật ngôn ngữ trong giáo dục. Đề tài nghiên cứu tổng quan về sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ được thực hiện sẽ góp phần đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết vừa nêu.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Phản ánh một cách tổng quan về sự phát triển chuyên ngành giáo dục STNN ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam, so sánh chuyên ngành này ở Việt Nam với một số nước, làm cơ sở cho việc đề xuất một số định hướng phát triển chuyên ngành trong giáo dục đặc biệt ở Việt Nam.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu một số vấn đề cơ sở lý luận về sửa tật ngôn ngữ. Làm rõ các khái niệm liên quan đến đề tài: ngôn ngữ (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp), giao tiếp, lời nói, tật ngôn ngữ (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp), tật lời nói, sửa tật ngôn ngữ.
    - Nghiên cứu sự phát triển về chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới (sự phát triển của chuyên ngành được xem xét ở các khía cạnh như hoạt động nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ).
    - Nghiên cứu sự phát triển về chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ ở Việt Nam trong sự đối sánh với một số quốc gia trên thế giới.
    - Đưa ra một số khuyến nghị về định hướng phát triển chuyên ngành giáo dục STNN tại Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Đề tài nghiên cứu sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ ở một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới như Mỹ, Nga (Liên xô cũ), Canada, Úc, và ở Việt Nam ở các hoạt động nghiên cứu, hoạt động đào tạo và hoạt động cung cấp dịch vụ, nguồn tài liệu chuyên môn được hồi cứu và phân tích gồm các tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: 1/ Hồi cứu tư liệu; 2/ Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia; 3/ Phân tích, so sánh và suy luận.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 chương:

    Chương 1. Cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu

    1.1. Lịch sử và nghiên cứu vấn đề
    1.2. Các khái niệm liên quan đến đề tài

    Chương 2. Tổng quan về sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ trên thế giới và ở Việt Nam

    2.1. Sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ trên thế giới
    2.2. Giáo dục sửa tật ngôn ngữ Việt Nam trong mối tương quan với thế giới

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Từ những năm 70, giáo dục đặc biệt tại Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ giáo dục đặc biệt của Nga và Đông Âu. Lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ khuyết tật đã hình thành và phát triển qua vài thập kỷ gần đây với vai trò tiên phong của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Giáo dục sửa tật ngôn ngữ ở nước ta tuy chưa có bề dày lịch sử như nhiều nước khác và chưa trở thành một chuyên ngành đào tạo có vị trí độc lập, chưa có nhiều sản phẩm nghiên cứu mang tính vĩ mô, chưa thực sự chuyên nghiệp hóa trong khâu cung cấp dịch vụ nhưng cũng bước đầu được quan tâm và đầu tư phát triển. Với xu thế hội nhập quốc tế là cơ hội để chúng ta có nhiều cơ hội thu hẹp khoảng cách và học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu ở các quốc gia phát triển. Các kết quả nghiên cứu trong nước đã có tác dụng ban đầu trong việc ứng dụng vào phát triển ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ khuyết tật ngôn ngữ và tiếp tục mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Từ hướng nghiên cứu mới này nhóm đề tài đã làm rõ hệ thống các khái niệm liên quan đến đề tài: ngôn ngữ (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp), giao tiếp, lời nói, tật ngôn ngữ (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp), tật lời nói, sửa tật ngôn ngữ. Tập hợp và phân tích sự đa dạng và phức tạp của vấn đề về sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ ở các khía cạnh: hoạt động nghiên cứu, hoạt động đào tạo, hoạt động cung cấp dịch vụ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tập hợp, phân tích và so sánh sự phát triển về chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ ở Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới ở 3 khía cạnh nêu trên. Đưa ra kết luận và khuyến nghị về sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ Việt Nam.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Cùng với sự phát triển của các chuyên ngành có bề dày truyền thống như khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, chuyên ngành sửa tật tật ngôn ngữ ở nhiều nước trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc về các khía cạnh nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ và nhiều khía cạnh khác, đáp ứng yêu cầu của một chuyên ngành khoa học quan trọng và nhu cầu bức thiết của xã hội. Với những nghiên cứu lý luận và thực tiễn về sự phát triển chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ, đề tài đã khuyến nghị:

    Đối với hoạt động nghiên cứu chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ: Tham gia và trở thành thành viên của tổ chức, hiệp hội sửa tật quốc tế hoặc khu vực. Củng cố và bổ sung lực lượng chuyên gia nghiên cứu về chuyên ngành. Tạo sự kết nối giữa các chuyên gia trong nước với quốc tế và các chuyên gia ở nhiều chuyên ngành gần với nhau vừa mang tính liên môn như liên kết giữa giáo dục học, tâm lí học, ngôn ngữ học, công tác xã hội học, thanh thính học

    Đối với hoạt động đào tạo chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ: Hình thành một chuyên ngành giáo dục sửa tật ngôn ngữ trong các trường cao đẳng, đại học sư phạm, viện nghiên cứu sư phạm, giáo dục. Đầu tư về đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn sâu về cả lí thuyết và kĩ năng thực hành. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc hình thành một khoa về giáo dục sửa tật ngôn ngữ là một chặng đường dài, song cũng cần có những định hướng cho một tương lai xa và cần có một lộ trình rõ ràng cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Có thể bắt đầu từ việc xây dựng giáo trình, tài liệu cho các chuyên đề bắt buộc, tự chọn, sau đó là xây dựng tổ bộ môn, xây dựng thành một khoa trong giáo dục đào tạo.

    Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục sửa tật ngôn ngữ: Thúc đầy sự phát triển có các mô hình dịch vụ khác như mô hình dịch vụ lâm sàng, mô hình dịch vụ tư vấn, mô hình dịch vụ liên kết. Tăng cường đầu tư bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về giáo dục sửa tật ngôn ngữ, tăng số lượng giáo viên được bồi dưỡng và cũng cần tiến tới hình thành một đội ngũ hỗ trợ riêng có chuyên môn và có tính chuyên nghiệp trong trường. Mở rộng và nâng cao vai trò của các nhà sửa tật ngôn ngữ.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...