Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Thị Ngọc Trâm
    Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 04.7344108
    Thư ký đề tài: ThS. Lương Thị Bình, ThS. Bùi Thị Thu Hương; Thành viên: ThS. Bùi Thị Kim Tuyến, ThS. Nguyễn Thị Sinh Thảo, ThS. Vũ Yến Khanh, CN. Phùng Thị Tường, ThS. Nguyễn Thị Thanh Giang.
    Thời gian thực hiện: Từ 06/2009 đến 05/2011

    Mục tiêu nghiên cứu

    - Xác định thực trạng và giải pháp phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em năm tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long;

    - Đề xuất lộ trình và giải pháp để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận của đề tài;

    - Nghiên cứu xác định thực trạng và giải pháp PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay;

    - Đề xuất lộ trình và giải pháp thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu lý luận, phương pháp nghiên cứu thực tiễn, phương pháp chuyên gia, phương pháp toán thống kê dùng để xử lý số liệu.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã hệ thống các khái niệm công cụ có liên quan đến đề tài. Phổ cập là làm cho trở thành rộng khắp, đến với quần chúng rộng rãi. Phổ cập giáo dục là làm cho giáo dục trở thành rộng khắp, đến với quần chúng rộng rãi. Phổ cập giáo dục ở cấp học nào đó có nghĩa là tất cả trẻ em ở độ tuổi nhất định đều tham gia vào hệ thống nhà trường và hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học đó. PCGDMN cho trẻ năm tuổi có nghĩa là tất cả trẻ em năm tuổi đều tham gia vào hệ thống cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) và hoàn thành chương trình GDMN cho trẻ năm tuổi. Giải pháp phổ cập giáo dục là phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề phổ cập giáo dục. Giải pháp PCGDMN cho trẻ năm tuổi là phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề PCGDMN cho trẻ năm tuổi.

    Đề tài tổng quan hệ thống luật, quy định, công ước về quyền của trẻ em và vấn đề phổ cập giáo dục, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Cụ thể là quyền trẻ em được quy định trong công ước của Liên Hợp Quốc, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam; nhà nước đã thực hiện chính sách phổ cập giáo dục từ những năm đầu thập kỷ 90; vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ thị liên quan đến việc phát triển giáo dục nói chung và PCGDMN cho trẻ năm tuổi trong giai đoạn hiện nay nói riêng. Việc ban hành một số văn bản pháp luật, kèm theo đó là các văn bản dưới luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về vấn đề PCGD cho trẻ em.

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tiến hành tổng quan kinh nghiệm PCGDMN cho trẻ năm tuổi trong khu vực và trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục một năm trước khi cho trẻ em vào học ở trường phổ thông đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Ở một số nước, giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trẻ sáu tuổi có thể đến các cơ sở giáo dục mầm non nhưng không bắt buộc và không miễn phí. Bên cạnh đó, cũng có một số nước, trẻ năm tuổi bắt buộc phải đến lớp mẫu giáo để chuẩn bị cho việc đi học lớp một tiểu học và được miễn phí. Có thể nói việc thực hiện PCGDMN và PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở các nước không giống nhau, tùy thuộc vào cách nhìn nhận vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước.

    Còn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáo dục đã có những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập về mặt bằng dân trí và chất lượng giáo dục, về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Một số nơi đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Có thể nói cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn quá nghèo nàn, thiếu thốn. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phải mượn đình chùa, nhà thờ, hay tận dụng văn phòng ấp, nhà dân, làm lớp mẫu giáo. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế do trình độ, năng lực của một bộ phận quản lý còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục.

    Kết quả điều tra thực trạng và giải pháp PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, qua báo cáo của các Sở, qua kết quả trưng cầu ý kiến cán bộ quản lý giáo dục mầm non cấp Sở/ Phòng, ban giám hiệu, giáo viên các trường mầm non, cán bộ lãnh đạo địa phương và phụ huynh đại diện cho 12 tỉnh/ thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua khảo sát trực tiếp tại các tỉnh/ thành phố Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long cho thấy:

    Trẻ năm tuổi được huy động ra lớp với tỷ lệ khá cao và rất cao ở nhiều nơi nhũng chủ yếu chỉ học được một buổi/ ngày. Một số nơi, giáo viên đạt trình độ từ chuẩn trở lên tương đối cao, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số nơi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non còn vừa thiếu vừa yếu. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi ra lớp đạt tỷ lệ cao là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên. Lãnh đạo cao cấp và giáo viên vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện chủ trương PCGDMN cho trẻ em năm tuổi. Tuy nhiên, việc thực hiện PCGDMN cho trẻ năm tuổi vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là do đời sống người dân còn rất khó khăn, điều kiện đóng góp, đầu tư cho con em rất hạn chế, thậm chí một số phụ huynh chưa cho con em đến lớp; cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, nhiều lớp học nhờ, học tạm, ghép với lớp tiểu học; sông rạch chằng chịt làm ảnh hưởng đến mạng lưới trường lớp và việc đi học của trẻ; đội ngũ giáo viên còn thiếu, vẫn còn nhiều bất cập; chế độ chính sách thu hút giáo viên còn bất cập; nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của giáo viên mầm non và PCGDMN cho trẻ năm tuổi. Một khó khăn lớn đối với các địa phương là cho đến thời điểm điều tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể về xây dựng đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.

    Để thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015, đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long với những đặc thù của mình, đề tài đã đề xuất lộ trình thực hiện và mười giải pháp. Theo kết quả trưng cầu ý kiến bằng phiếu và trưng cầu ý kiến trực tiếp tại hội thảo, đại biểu 13 tỉnh/ thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tham dự cho thấy lộ trình thực hiện và 9/10 giải pháp nhận được sự đồng tình và nhất trí cao.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể về việc triển khai xây dựng đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi ở các tỉnh và tổ chức thực hiện. Cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính để địa phương có thể xây dựng đề án và thực hiện.

    Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/ thành phố và phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện/ thị vùng đồng bằng sông Cửu Long cần:

    - Tuyên tryền, phổ biến quán triệt nội dung Quyết định 239/QĐ-TTg và thực hiện các chỉ thị, công văn có liên quan đến PCGDMN cho trẻ em năm tuổi;

    - Áp dụng các giải pháp và lộ trình thực hiện đề xuất trong nghiên cứu này để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện PCGDMN cho trẻ năm tuổi ở địa phương.

    Đối với Ban Giám hiệu và giáo viên các trường mầm mon:

    - Phối hợp với các đơn vị cơ sở xã, phường để điều tra và xây dựng kế hoạch PCGDMN cho trẻ năm tuổi ở địa phương. Trên cơ sở kết quả điều tra để xây dựng kế hoạch huy động trẻ năm tuổi ra lớp;

    - Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp với các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, thực hiện công tác PCGDMN cho trẻ năm tuổi;

    - Tham mưu với chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ em năm tuổi có hoàn cảnh khó khăn có thể ra lớp;

    - Tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các lớp năm tuổi được học 2 buổi/ ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới.

    TỪ KHÓA: 1/ Phổ cập giáo dục mầm non; 2/ Đồng bằng sông Cửu Long; 3/ Trẻ em năm tuổi

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...