Tiến Sĩ Nghiên cứu thực trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh và hiệu q

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 2/6/15.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 50% phụ nữ mang thai trên thế giới bị thiếu máu, các nước công nghiệp phát triển chiếm khoảng 18%, các nước đang phát triển chiếm tỷ lệ từ 35-75%. Trong đó thiếu máu thiếu sắt chiếm khoảng 25-35% ở các nước đang phát triển và 5-8% ở các nước phát triển [68], [81]. Thiếu máu ở phụ nữ mang thai là vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia. Điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu [62].
    Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thiếu máu đã làm tăng tỷ suất tử vong mẹ ở các nước đang phát triển. Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Con bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng tỉ suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác . [72], [112].
    Ở nước ta, chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các địa phương với mục tiêu trên 80% phụ nữ mang thai được bổ sung viên sắt hoặc thuốc bổ máu ít nhất 3 tháng trong thai kỳ. Các hoạt động chính được triển khai gồm truyền thông kiến thức phòng chống thiếu máu kết hợp cấp phát viên sắt cho phụ nữ mang thai thông qua các Trung tâm Y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường [13]. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn hạn chế trong vấn đề dinh dưỡng phòng chống thiếu máu ở phụ nữ mang thai tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi mà đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, đi kèm theo là các bệnh ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm giun vẫn còn điều kiện để phát triển và gây bệnh.
    Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai như tiếp thị xã hội đến chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung sắt, tăng cường sử dụng viên đa vi chất trong thời kỳ mang thai . Các giải pháp can thiệp đã đạt những hiệu quả nhất định như cải thiện được kiến thức và thực hành của phụ nữ mang thai về bệnh thiếu máu và viên sắt; tăng tỷ lệ bao phủ viên đa vi chất dinh dưỡng; đạt hiệu quả về giảm thiếu máu, giảm tỷ lệ thiếu vi chất và tăng nồng độ vi chất trong máu . Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động can thiệp chưa chú trọng nhiều đến các biện pháp về tổ chức, về huy động sự tham gia của cộng đồng [15], [22], [45], [51].
    Củ Chi là huyện vùng ven của thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, huyện có 1 thị trấn và 20 xã, gần 324.000 dân. Trước đây đã triển khai một số chương trình can thiệp nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang, song các hoạt động của chương trình chủ yếu ở mức tuyên truyền vận động phụ nữ mang thai uống viên sắt, hiệu quả đạt được chưa cao và chưa bền vững.
    Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu thực trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh và hiệu quả một số biện pháp can thiệp”.
    Mục tiêu nghiên cứu:
    1) Mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố liên quan đến thiếu máu của phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh (2011).
    2) Đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh (2011-2012).


    CHƯƠNG 1
    TỔNG QUAN

    1.1. THIẾU MÁU DINH DƯỠNG Ở PHỤ NỮ TRONG THỜI KỲ MANG THAI
    1.1.1. Thiếu máu trong thai nghén
    Khi mang thai, cơ thể người mẹ có những thay đổi về giải phẫu và sinh lý bởi sự đáp ứng với nội tiết nhau thai và nhu cầu lớn lên của thai nhi [7]. Vào tháng thứ 7 của thai kỳ, khối lượng tuần hoàn tăng thêm gần 50% so với trước khi mang thai, do thể tích huyết tương và khối huyết cầu đều tăng làm thể tích máu toàn phần tăng lên. Nhưng do thể tích huyết tương tăng cao hơn thể tích khối huyết cầu, hàm lượng Hemoglobin (Hb) và tỷ lệ Hematocrit (HCT) sẽ giảm, gây nên tình trạng thiếu máu [7]. Đồng thời sự gia tăng nhu cầu và chuyển hoá đường, đạm, mỡ, vitamin, khoáng chất cũng rất cao [11].
    Nếu mất sự cân bằng và không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thì sẽ dẫn đến tới thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng. Quan trọng nhất là sự thiếu hụt của 4 yếu tố: Sắt, Acid folic, Vitaminh B12 và Protein, vì sẽ dẫn đến hậu quả thiếu năng lượng và thiếu máu. Bởi vậy, tình trạng thiếu máu dinh dưỡng (TMDD) là một trong những vấn đề về sức khoẻ cộng đồng hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai (PNMT) [26].
    1.1.1.1. Khái niệm về thiếu máu
    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, giảm hàm lượng Hb trong một đơn vị thể tích máu, gây tình trạng thiếu oxy tổ chức, trong đó sự thiếu hụt Hb là quan trọng nhất. Thiếu máu là hiện tượng bệnh lý hay gặp trong thai nghén, xảy ra khi mất sự cân bằng giữa hai quá trình sản xuất hồng cầu với nhu cầu tăng về số lượng hồng cầu và khối lượng máu [132].
    Bệnh thiếu máu ảnh hưởng đến gần một nửa số phụ nữ mang thai trên thế giới: tỷ lệ trung bình là 52% ở các nước đang phát triển so với 23% ở các nước phát triển. Các nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu là do nghèo đói, không đủ sắt và vi chất dinh dưỡng khác, sốt rét, bệnh giun móc, sán máng, nhiễm HIV và bệnh lý Hemoglobin là những yếu tố thêm vào [14].
    1.1.1.2. Quan niệm về thiếu máu ở phụ nữ mang thai
    Trước đây các tác giả Âu - Mỹ, lấy tiêu chuẩn như sau [123]:
    - Hb từ 13,7 - 14 g/dl Bình thường
    - Hb > 11 g/dl Không thiếu máu
    - Hb từ 10 - 11 g/dl Thiếu máu sinh lý
    - Hb < 10 g/dl Thiếu máu thực sự
    Ở Việt Nam từ năm 1972 nhiều tác giả đã vận dụng tiêu chuẩn trên để áp dụng cho PNMT như sau [11]:
    - Hb >= 10,5 g/dl Bình thường
    - Hb từ 9,5 - 10,4 g/dl Thiếu máu sinh lý
    - Hb < 9,5 Thiếu máu thật sự
    Hiện nay, WHO đưa tiêu chuẩn thiếu máu như sau:
    - Mức Hb <120g/l với phụ nữ không mang thai
    - Mức Hb <110g/l với PNMT
    Tiêu chuẩn này vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến hiện nay [14],[123].
    1.1.1.3. Phân loại thiếu máu
    - Theo mức độ, thiếu máu có 3 mức độ: nhẹ , vừa, nặng
    - Theo hình thái và tính chất của HC: thiếu máu HC nhỏ, HC lớn, HC kích thước bình thường và thiếu máu nhược sắc, đẳng sắc và ưu sắc .[5], [17], [57].
    - Theo nguyên nhân:
    + Do thiếu nguyên liệu tạo máu: thiếu sắt, acid folic, vitamin B12, protein . Đây là những nguyên nhân gây thiếu máu chủ yếu trong thai nghén, thực chất đó là loại TMDD [5], [17], [57], [130].
     
Đang tải...