Chuyên Đề Nghiên cứu Thực thể trời tâm linh trong thế giới nhân quả Truyện Kiều qua bút pháp Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Bống Hà, 29/9/13.

  1. Bống Hà

    Bống Hà New Member

    Bài viết:
    5,424
    Được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THỰC THỂ TRỜI TÂM LINH
    TRONG THẾ GIỚI NHÂN QUẢ TRUYỆN KIỀU
    QUA BÚT PHÁP NGUYỄN DU


    GS.TSKH Nguyễn Lai

    Từ trước đến nay, khi nói đến thế giới nhân quả trong truyện Kiều, chúng ta thường nghĩ đến trời. Coi trời như một thực thể tâm linh, và coi cho hay muôn sự tại trời như một nguyên nhân tâm linh bao trùm, chi phối mọi sự biến xảy ra trong cuộc đời đầy bất hạnh của Kiều. Nhưng thực ra, về một phương diện khác, dù sao, cũng phải thấy rằng sức sống cảm xúc thẩm mĩ đích thực của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, theo quy luật sâu xa vốn có của nó, không đơn giản chỉ là cái toát ra từ sự thuyết giải trừu tương mang tính định mệnh thông qua cho hay muôn sự tại trời của Nguyễn Du.

    Chính vì thế, cũng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà trong giảng dạy truyện Kiều, đã từ rất lâu, vượt qua nguyên nhân tâm linh cho hay muôn sự tại trời ấy, người ta đã vạch chỉ ra cái nguyên nhân xã hội đích thực sâu xa hơn và cũng trần thế hơn khi nói về chủ đề tư tưởng của tác phẩm : Truyên Kiều là tác phẩm tố cáo chế độ phong kiến thối nát chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ

    Vì sao có cách quy nạp khác nhau này ?

    Như đã đề cập,Truyên Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Khi đến với loại tác phẩm này, theo quy luật riêng của nó, dĩ nhiên bao giờ người ta cũng đến bằng đường dây biểu cảm thông qua sự rung động bằng sức sống hình tượng . Người ta không thể đến đơn thuần hoàn toàn bằng lí trí thông qua hệ thống những thuyết giải trừu tượng mang tính luận đề. Với người đọc, không có nguyên tắc trên thì không thể có cơ hội phát huy xúc cảm thẩm mĩ của chính riêng mình để đến đích thực với tác phẩm nghệ thuật chân chính. Chính vì vậy, ta có thể dễ dàng hiểu tại sao, đối với người đọc, khi thâm nhập vào cuộc đời đau khổ “ khi Vô Tích, khi Lâm Tri nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương” của Kiều, thì cái nguyên nhân trần thế đích thực kia đập mạnh vào cảm giác cảm xúc, lấn át cái nguyên nhân tâm linh cho hay muôn sự tại trời !

    Như vậy, mặc dù Nguyễn Du cho hay muôn sự tại trời nhưng tác giả không thể nào lấy nguyên nhân tâm linh để hoàn toàn khống chế sức mạnh của nguyên nhân trần thế hiện lên theo đường dây biểu cảm trong trái tim người đọc . Nghĩ cho cùng, đó chính cũng là lí do vừa trực tiếp vừa sâu xa giúp ta giải thích vì sao khi đi vào Truyện Kiều, người đọc trách trời thì ít mà căm ghét bọn đầu trâu mặt ngựa vô lương đang hiện hữu ở trần thế này lại nhiều hơn !

    Về một phương diện khác, khi đi cụ thể vào hướng lí giải trên, ta không thể không nhận biết cái mạch lô gic này ở ngòi bút Nguyễn Du. Trong cách lí giải của mình, thường hình như bao giờ Nguyễn Du cũng đăt nguyên nhân tâm linh ra trước. Nhưng về mặt miêu tả, qua bút pháp của mình, sau nguyên nhân tâm linh bao trùm ấy, Nguyễn Du không thể không diễn dịch kèm theo đó cái hệ quả rất trần thế làm xúc động lòng người . Chẳng hạn :

    Trời làm chi cực bấy trời
    Đẻ ai vu thác cho người hợp tan

    Phủ phàng chi bấy hóa công
    Đầu xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
    Sống làm vợ khắp người ta
    Hại thay thác xuống làm ma không chồng

    Có lẽ cũng chính vì vậy mà có người cho rằng Nguyễn Du vừa tâm linh vừa trần thế. Nguyến Du trách trời, trách hóa công. Nhưng dù vậy, ở đây, đập mạnh vào cảm xúc cảm giác chúng ta không phải trời. Mà đập mạnh vào cảm xúc cảm giác cuả chúng ta chính là hành vi khốn nạn của bọn quan lại sai nha và lũ đầu trâu mặt ngựa được Nguyễn Du miêu tả.

    Người xách thước, kẻ tay đao
    Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi
    Gìà giang một lão một trai
    Một dây vô lại buộc hai thâm tình

    Rường cao rút ngược dây oan
    Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người

    Và bao nhiêu những cảnh đau lòng như thế diễn ra trên mặt bằng của thế giới Truyện Kiều qua từng trang sách.Sau bọn quan lai sai nha là đến mụ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh. Sau gã Sở Khanh là Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, là bọn Bạc Hà, Bạc Hạnh, v.v . Tất cả những thế lực của xã hội đen tối ấy thay nhau vùi dập cuộc đời Kiều, mang lại bao nỗi khổ đau, sầu thảm và nát tan trong tâm trạng Kiều:
    .
    Khi tỉnh rựou lúc tàn canh
    Giật mình mình lại thương mình xót xa.
    Xưa sao phong gấm rủ là
    Giờ sao tan nát như hoa giữa đường.

    Không có bọn đao phủ bằng xương bằng thịt thì làm sao có sự đau đớn trần thế ê chề ấy. Không có cái nguyên nhân trần thế gây bởi bọn vô lại trên thì làm sao người đọc có đủ căm phẩn oán hờn để nguyền rủa và tố cáo cái xã hộị phong kiến thối nát đang chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ .

    Tóm lại, khi nói tư tưởng nhân quả trong Truyện Kiều, từ góc độ người tiếp nhận tác phẩm theo đặc trưng riêng của nghệ thuật, thì vấn đề nhân quả ở đây không thể được xác định tách rời quy luật thẩm mĩ gắn liền với cảm xúc cá thể thông qua những cung bậc buồn, vui, giận, ghét vốn là những phản ứng từ tác động của hệ thống hình tượng nhân vật đuợc miêu tả một cách sinh động như cái đang diễn ra trong cuộc sống. Đây cũng là xuất phát điểm đầu tiên để chúng ta lí giải vì sao từ lâu, trong giảng dạy văn chương, khi kết luận về chủ đề tư tưởng của Truyện Kiêu, chúng ta không bị áp lực nhiều bởi sự thuyết giải ngoại đề theo hướng tâm linh về nhân quả cho hay muôn sự tại trời !
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...