Nghiên cứu so sánh chương trình môn Toán trung học cơ sở của một số nước và Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: TS. Phan Thị Luyến
    Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu Giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
    Thư điện tử: [email protected] Điện thoại: 04 39423753
    Thư ký đề tài: Nguyễn Thị Lan Phương; Thành viên: PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt; TS. Trần Luận; TS. Phạm Đức Quang.
    Thời gian thực hiện: Từ 07/2009 đến 12/2010

    Mục tiêu nghiên cứu

    Nghiên cứu so sánh chương trình môn Toán trung học cơ sở (THCS) ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam trên một số lĩnh vực cơ bản: mục tiêu, cấu trúc, những mạch nội dung cơ bản trong chương trình môn Toán THCS để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt giữa chương trình Toán THCS của nước ta và một số nước.

    Trên cơ sở so sánh đó, đề xuất một số định hướng cơ bản để xây dựng chương trình môn Toán THCS ở Việt Nam giai đoạn sau 2015.

    Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu một số cơ sở lí luận về so sánh chương trình (SSCT), chương trình giáo dục (CTGD), chuẩn chương trình (CT), một số cách tổ chức CTGD.

    - Thu thập tài liệu ở trong nước và nước ngoài về CT môn Toán THCS, tổ chức biên dịch tài liệu của nước ngoài về CT môn Toán THCS. Trước khi nghiên cứu các vấn đề cơ bản trong CT môn Toán, đề tài đã nghiên cứu một số thông tin chung về CT THCS một số nước, trong đó tập trung một số vấn đề: tầm nhìn, giá trị, năng lực chủ chốt của học sinh (HS) và mục tiêu CTGD các nước, những nội dung này tuy không có trong Thuyết minh đề tài nhưng lại giúp ta có cái nhìn tổng thể hơn về CT các nước, từ đó hiểu sâu hơn về CT môn Toán.

    - Nghiên cứu SSCT môn Toán THCS trên các phương diện: mục tiêu môn Toán ở THCS, cấu trúc chương trình môn Toán THCS, những mạch nội dung cơ bản trong chương trình môn Toán THCS. Từ đó xác định xu thế phát triển CT môn Toán THCS Việt Nam sau năm 2015 theo những phương diện đã nghiên cứu để phù hợp với xu thế phát triển chung.

    Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu lí luận; phương pháp chuyên gia; phương pháp nghiên cứu so sánh.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Thứ nhất, quan điểm đối tượng nhiệm vụ và phương pháp (PP) của giáo dục so sánh (GDSS). So sánh (SS) quốc tế chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) là tổ chức thu thập và xử lý một hệ thống thông tin có liên quan trực tiếp đến phát triển CTGDPT của những nước đại diện cho nhiều nhóm nước khác nhau, nhằm phát hiện những tương đồng và khác biệt, những thành tựu và tồn tại, những kinh nghiệm giải quyết vấn đề để góp phần định hướng phát triển một CT có chất lượng hiệu quả, phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước.
    Người ta có thể SS GD trên nhiều phương diện khác nhau: về quy mô, hệ thống GD, chính sách GD, quá trình phát triển và thực hiện CT, PP phát triển CT

    Thứ hai, là những vấn đề về CT, chuẩn CTGD. Chương trình GD là một kế hoạch sư phạm bao gồm: những đích cuối cùng cần đạt được trong GD, phạm vi mức độ cấu trúc ND GD nhằm đáp ứng mục tiêu GD, PP và hình thức GD, các chuẩn mực về kiến thức-kĩ năng (KT-KN) và thái độ mà người học cần đạt được, các cách thức đánh giá kết quả GD.

    Chuẩn CT là trình độ học tập cơ bản KT-KN, thái độ mà mỗi học sinh cần phải và có thể đạt được sau mỗi giai đoạn học tập theo CT.

    Những yêu cầu của chuẩn cần có là: tính khách quan, hiệu lực tương đối ổn định, tính khả thi, tính cụ thể, tường minh và đảm bảo mối liên quan không mâu thuẫn với các chuẩn khác trong cùng lĩnh vực hoặc những lĩnh vực gần gũi khác.

    Thứ ba, Cấu trúc của CTGD, thành tố chính của CT mục tiêu cần đạt, nội dung (ND) dạy học (DH), chuẩn kiến thức và kỹ năng môn học, định hướng phương pháp dạy học, phương pháp và hình thức đánh giá (ĐG) . trong đó mục tiêu và nội dung là hai thành tố cơ bản nhất.

    CTGD thường bao gồm CT khung qui định phạm vi và các lĩnh vực của nội dung giáo dục, chuẩn học tập gồm: chuẩn nội dung, chuẩn trình diễn.

    2/ Về thực tiễn

    Về tầm nhìn, giá trị, năng lực chủ chốt và mục tiêu CTGD THCS ở một số nước như:

    Canađa, CTGD Québec có chín năng lực xuyên suốt được nhóm lại trong bốn loại: trí tuệ, sử dụng thông tin, GQVĐ, lập luận có phê phán, sử dụng tư duy sáng tạo, PP: sử dụng PP là việc hiệu quả, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cá nhân và xã hội, phát huy tiềm năng của cá nhân, hợp tác với người khác, liên quan đến giao tiếp, giao tiếp một cách thích hợp.

    Mục tiêu CTGD THCS Canađa bang Québec là giúp học sinh xây dựng thế giới quan, xây dựng bản sắc và trở thành người tự chủ. Bốn định hướng hướng dẫn các ứng dụng thực tế mục đích của chương trình là: thành công cho tất cả, giáo dục tập trung vào sự phát triển của năng lực, ĐG là để khuyến khích học tập, tích hợp học tập.

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Canađa. CTGD toán học THCS của Québec tập trung vào sự phát triển các năng lực, hành động có hiệu quả trong các tình huống phức tạp trên nhiều bối cảnh. Các năng lực toán học được phát triển trong HS trung học gồm: GQVĐ tình huống, sử dụng lập luận toán học, giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn ngữ toán học
    Niudilân, chương trình của nước này chỉ ra năm năng lực chủ chốt là: tư duy, sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng và văn bản, tự quản lý, liên quan đến người khác, tham gia và đóng góp.

    Mục tiêu của hệ thống GD Niudilân các tiêu chuẩn cao nhất về thành tích, thông qua CT cho phép tất cả HS nhận ra tiềm năng đầy đủ của cá nhân và phát triển các giá trị cần thiết để trở thành thành viên đầy đủ của xã hội Niudilân

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Niudilân có thể tóm tắt: phát triển niềm tin vào giá trị và tính hữu dụng của toán học, phát triển các kỹ năng, khái niệm, sự hiểu biết và thái độ tự tin, GQVĐ, sử dụng công cụ toán học, cung cấp một nền tảng cho những HS có thể tiếp tục nghiên cứu trong toán học, nuôi dưỡng và phát triển tài năng toán học. Các mục tiêu đó còn được cụ thể hóa qua từng mạch kiến thức.

    Mĩ, các năng lực chủ chốt của HS bang Illinois gồm: giao tiếp hiệu quả bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, đọc và viết hiệu quả, tư duy phê phán và logic, biết phân tích định lượng và định tính và kỹ năng bậc cao về máy tính, tư duy linh hoạt và cởi mở, hiểu biết đầy đủ về văn hóa, biết tôn trọng các giá trị đạo đức, hiểu biết các phương pháp khoa học, hiểu biết sâu sắc về kiến thức môn học.

    Mục tiêu của CTGD bang Michigan là cải thiện thành tích học tập, HS có khả năng áp dụng kiến thức vào hoàn cảnh mới, để GQVĐ bằng cách tạo ra những ý tưởng mới kết nối những gì họ học trong lớp với thế giới xung quanh, cho phép HS đạt được các tiêu chuẩn cao nhất để họ bước vào cuộc sống thành công.

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Mĩ, cụ thể là bang Newjersey tập trung vào mục tiêu: nhằm kích hoạt tất cả các trẻ em Newjersey về những kỹ năng toán học, hiểu biết và thái độ mà họ cần để thành công trong sự nghiệp và đời sống hàng ngày khi bước vào thế kỷ XXI. Sau đó chương trình nêu ra các mục tiêu cụ thể và cách thức để đạt các mục tiêu đó.
    Singapore, có năng lực chủ chốt của HS Singapore là tự tin, tự định hướng, tích cực đóng góp, công dân có trách nhiệm.

    Mục tiêu của nền giáo dục ở Singapore là trang bị cho thanh thiếu niên những kĩ năng sống có giá trị đạo đức lành mạnh, trở thành những người con có trách nhiệm và những công dân trung thành. Quá trình học tập nhằm nuôi dưỡng những tố chất tốt nhất của mỗi trẻ, giúp cho từng em phát huy tối đa tiềm năng của mình.

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Singapore nhằm giúp HS: có các khái niệm, kĩ năng toán học cần thiết, phát triển tư duy toán học và kĩ năng GQVĐ, sử dụng, kết nối giữa toán học và các ngành khác, xây dựng thái độ tích cực với toán học, sử dụng các công cụ toán học.

    Phần Lan, mục tiêu giáo dục gồm các vấn đề: giúp HS phát triển và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của XH, trang bị cho HS những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho cuộc sống, thúc đẩy học tập suốt đời và công bằng GD.

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Phần Lan là tạo cho HS khả năng tiếp thu, xử lý và hiểu thông tin, sử dụng toán học như là một hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày, có kinh nghiệm tích cực học tập, có được KT-KN toán học, khả năng tạo ra mô hình, thực hành và phân tích thông tin.

    Việt Nam, đề tài đã đề cập đến một số năng lực đã trình bày rải rác trong các văn bản chỉ đạo về GD: năng lực thực hành, năng lực tự học, tự tu dưỡng, tự tạo việc làm, năng lực tự học, năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống, năng lực các nhân, năng lực của công dân, năng lực tư duy. Tuy nhiên điều này chưa thể hiện rõ nét trong CT.

    Mục tiêu GD phổ thông là giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt nam.

    Mục tiêu dạy học Toán THCS của Việt nam nêu các mục tiêu về: những kiến thức cơ bản cơ bản của chương trình Toán cấp THCS và những yêu cầu về tư duy như: khả năng quan sát, dự đoán, suy luận hợp lý và logic, các thao tác tư duy cơ bản, các phẩm chất tư duy, đặc biệt tư duy linh hoạt, độc lập và sáng tạo, khả năng diễn đạt chính xác, rõ rang, rõ ràng ý tưởng của mình và hiểu được ý tưởng của người khác, phát triển trí tưởng tưởng không gian. Chương trình cũng nêu các mục tiêu về tình cảm và thái độ, có ý thức tự học, hứng thú và tự tin trong học tập, có đức tính trung thực cần cù, vượt khó cẩn thận, chính xác, kỷ luật sang tạo, có ý thức hợp tác, nhận biết được vẻ đẹp toán học và yêu thích môn toán.

    Để đáp ứng những yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ mới, chương trình môn toán sau năm 2015 cần đề cập đến việc chú trọng đến việc phát triển năng lực cho HS, nhất là năng lực GQVĐ và năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, năng lực tư duy. Về vị trí môn học, cần xác định môn toán là môn học nền tảng, từ đó đề ra mục tiêu cho phù hợp; về nội dung, chương trình cần trình bày bằng cách phối hợp vừa tuyến tính vừa xoắn ốc để tạo ra sự gắn kết và phát triển liên tục giữa các mạch kiến thức. Bên cạnh việc xây dựng chương trình chung, cần thường xuyên có những tài liệu bổ sung, hướng dẫn để vừa đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc về mục tiêu, nội dung và mức độ yêu cầu tối thiểu, đảm bảo dành quyền tự chủ cho các địa phương trong việc xây dựng nội dung học tập, cập nhật những thông tin mới nhất.

    3/ Một số khuyến nghị

    Để có cơ sở khi xây dựng chương trình mới, cần tiếp tục có những điều tra, phân tích đánh giá chương trình hiện hành, những điều kiện để thực hiện chương trình: điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về GV, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chương trình hiện hành. Điều chỉnh bổ sung và thay đổi cần thiết trong CTGD mới, làm cho chương trình vừa đáp ứng được yêu cầu đất nước trong bối cảnh mới, vừa hội nhập được xu hướng quốc tế

    CTGD cần được xây dựng theo cách xuất phát từ các năng lực thiết yếu mà mỗi HS cần có và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Khi xây dựng các thành tố mục tiêu GD, chuẩn GD, phạm vi và nội dung GD, phương pháp và hình thức tổ chức GD, cách thức đánh giá kết quả giáo dục cần xuất phát và hướng tới năng lực, đặc biệt cần xây dựng các mức độ khác nhau của mỗi năng lực. Khi xây dựng chương trình môn học cần lựa chon những kiến thức, kĩ năng thực sự cơ bản, gắn kết với thực tiễn, tạo điều kiện tốt nhất để rèn luyện tư duy và giải quyết vấn đề.

    Để đáp ứng sự phát triển liên tục, CTGDPT cần kế thừa và phát huy những thành tựu của chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm phát triển chương trình quốc tế.

    Cần có sự chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa các cấp trong việc xây dựng chương trình, thực hiện chương trình, tạo ra sự nhất quán trong xây dựng đến khi thực hiện và đánh giá. Cần tránh những thay đổi liên tục về chính sách, những thay đổi đó sẽ gây khó khăn cho việc dạy và học, tạo những dư luận không tốt cho xã hội

    Việc dạy học toán cần gắn bó, hỗ trợ đối với việc dạy học các môn học khác, góp phần thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục, góp phần hình thành và rèn luyện các phẩm chất và năng lực cần thiết cho người lao động trong thời kỳ mới.

    CTGD không phải bất biến mà luôn được phát triển, do đó cần có những nghiên cứu để phát triển chương trình thường xuyên mà không tạo ra sự xáo trộn quá lớn.

    TỪ KHÓA: 1/Dạy học toán trung học cơ sở; 2/Chương trình giáo dục; 3/So sánh chương trình
     
    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...