Luận Văn Nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Nam Cao

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Phần mở đầu

    I. Lý do chọn đề tài
    Nam Cao là một nhà văn lớn có vị trí quan trọng lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong số những gương mặt nổi bật của nền văn xuôi hiện đại. Sự nghiệp văn chương của Nam Cao đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của văn học hiện thực giai đoạn cuối (1940 – 1945). Nếu như ở giai đoạn này, các trào lưu văn học khác dường như chững lại, thậm chí trào lưu lãng mạn với Tự lực Văn đoàn và thơ mới đi vào suy thoái thì trào lưu hiện thực với sự góp mặt mang ý nghĩa lớn lao của Nam Cao đã lại là một bước tiến mới so với chính nó giai đoạn trước. Nguyên nhân này có thể được lý giải bằng hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, song không thể không thấy sức sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn trong các sáng tác của Nam Cao. Bên cạnh truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao có một vị trí đặc biệt khó ai có thể thay thế trong sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Mặc dù được chú ý muộn, nhưng vị trí của Nam Cao ngày ổn định và được khẳng định ngày càng chắc chắn.
    Tác phẩm của Nam Cao là một mảnh đất hấp dẫn các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Có thể nói, so với các tác giả văn học trước năm 1945, Nam Cao là một trong số ít các nhà văn Việt Nam hiện đại được nghiên cứu nhiều nhất, khá toàn diện và sâu sắc. Đã có nhiều công trình khoa học lớn nhỏ, trong đó có nhiều công trình xuất sắc nghiên cứu về Nam Cao. Song điều đó không có nghĩa là việc tìm hiểu di sản văn học của Nam Cao đã hoàn tất, không còn gì để tiếp tục khai thác. Trái lại, trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về Nam Cao, nhiều vấn đề vẫn còn cần được khai thác, đi sâu, mở rộng hơn nữa. Trước đây, trong một thời gian dài, nhiều nhà nghiên cứu mới chỉ chú ý tới đề tài, nội dung hiện thực, những ý nghĩa, những giá trị nội dung tư tưởng sâu sắc, mới mẻ trong các sáng tác của Nam Cao mà chưa chú ý thích đáng đến hình thức thể loại. Sau này, các nhà nghiên cứu đã chú ý hơn tới hình thức thể loại trong các sáng tác của Nam Cao, song truyện ngắn vẫn được chú ý nhiều hơn tiểu thuyết. Tiểu thuyết Nam Cao được chú ý muộn, những thành công về tiểu thuyết của Nam Cao có được khẳng định nhưng lẻ tẻ trong một vài công trình nghiên cứu, chưa có một công trình nghiên cứu thật toàn diện. Sống mòn được coi là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho ngòi bút tâm lý của Nam Cao sáng tác về đề tài trí thức tiểu tư sản. Gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật tiểu thuyết này. Sống mòn được nhìn nhận lại sau một thời gian dài sự đánh giá còn lúng túng hoặc sai lệch khi căn cứ vào quan điểm xã hội học dung tục. Tuy nhiên những ý kiến nghiên cứu về những cách tân nghệ thuật của Sống mòn vẫn còn tản mạn. Tư cách nhà tiểu thuyết của Nam Cao vẫn chưa được khẳng định chắc chắn. Người ta hầu như quên rằng trong quãng đời cầm bút chưa dài của mình, Nam Cao đã viết nhiều tiểu thuyết (tuy phần lớn đã thất lạc bản thảo), bên cạnh Sống mòn còn có Truyện người hàng xóm- truyện dài được đăng báo vào năm 1944. Tác phẩm Truyện người hàng xóm còn ít được chú ý, nhất là những thành công về nghệ thuật. Tác phẩm này có được nhắc đến trong nghiên cứu về Nam Cao nhưng thường được gộp trong việc nghiên cứu với phương diện nội dung tư tưởng, hoặc được gộp trong quá trình đánh giá chung về thế giới nghệ thuật của Nam Cao. Nam Cao với tư cách là một nhà tiểu thuyết vẫn còn cần được nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện hơn nữa.
    Sống mòn là một tiểu thuyết xuất sắc của Nam Cao, là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam theo hướng hiện đại hoá. Đây là tác phẩm hiện nay đã được khẳng định thống nhất về phương diện thể loại. Truyện người hàng xóm là một trong hai tác phẩm truyện dài còn lại của Nam Cao. xoay quanh nhận định cho rằng tác phẩm này là một tiểu thuyết, trong giới nghiên cứu còn có ý kiến chưa thống nhất. Có những ý kiến cho rằng tác phẩm chỉ là một truyện vừa, song những ý kiến khẳng định đây là một tiểu thuyết vẫn có nhiều căn cứ thuyết phục. Bên cạnh những truyện ngắn đặc sắc, Nam Cao còn để lại cho chúng ta hai tác phẩm tương đối dài hơi hơn là Sống mòn và Truyện người hàng xóm. Để thuận lợi cho việc tìm hiểu nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong hai tác phẩm khá dày dặn có dấu hiệu đặc trưng của tiểu thuyết này, căn cứ vào đặc trưng thể loại thể hiện trong tác phẩm, chúng tôi tạm xếp Truyện người hàng xóm vào thể loại tiểu thuyết. Truyện người hàng xóm tuy không xuất sắc bằng Sống mòn, song vẫn nằm trong sự thống nhất phong cách tiểu thuyết Nam Cao và có giá trị nghệ thuật đặc sắc, khẳng định những sáng tạo vừa độc đáo, mới mẻ, vừa rất đa dạng trong ngòi bút của Nam Cao. Có thể nói, Nam Cao là một cây bút tiểu thuyết có nhiều cách tân mới mẻ về nghệ thuật, có một phong cách tiểu thuyết riêng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Nam Cao chính là góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của nhà văn trong hàng ngũ những tiểu thuyết gia Việt Nam giai đoạn 1940- 1945.

    II. Lịch sử vấn đề
    Đương thời, các sáng tác của Nam Cao chưa được đánh giá đúng mức. Mặc dù các tác phẩm của nhà văn được đăng rải rác trên các báo, nhưng bạn đọc hầu như ít biết đến Nam Cao. Cho đến khi Chí Phèo với các tên Đôi lứa xứng đôi lần đầu được ra mắt, Nam Cao mới được nhắc đến trên văn đàn song không nhiều như một số cây bút văn xuôi bậc đàn anh lúc bấy giờ. Lê Văn Trương giới thiệu về tác phẩm này có nhận xét về văn Nam Cao là “lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn”, nhưng đó là nhận xét về truyện ngắn chứ không phải là tiểu thuyết. Trước cách mạng tháng Tám, giới phê bình chưa hề biết đến bên cạnh một Nam Cao- Cây bút truyện ngắn còn một Nam Cao- Nhà tiểu thuyết và về phương diện thể loại tiểu thuyết, Nam Cao cũng có những thành công xuất sắc. Mãi đến 1956, sau khi Nam Cao đã mất được 5 năm, Sống mòn mới được in và bắt đầu được chú ý tới.
    Trong Mấy vấn đề văn học in 1956, Nguyễn Đình Thi đánh giá Sống mòn “tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy tri thức tiểu tư sản nghèo Rộng hơn là vận mệnh của mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó đời sống không có ý nghĩa nào nữa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc”(47,115). Nhận xét trên cho thấy những đánh giá xác đáng về ý nghĩa, giá trị lớn lao của tiểu thuyết Sống mòn, bước đầu chỉ ra cách tiếp cận hiện thực mới mẻ của tiểu thuyết Nam Cao nhưng tất cả mới chỉ dừng ở đó.
    Mãi tới khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu Nam Cao mới thực sự được tiến hành và có những công trình công phu.
    Trong cuốn Nam Cao- Nhà văn hiện thực xuất sắc (NXB Văn hoá- 1961), một công trình nghiên cứu khá dày dặn về các sáng tác của Nam Cao, nhà nghiên cứu phê bình văn học Hà Minh Đức đánh giá cao Sống mòn với nhận định: trong văn học công khai giai đoạn 1930-1945, Sống mòn là một trong những tác phẩm có giá trị nhất. Ông đã phân tích về quá trình tâm lý của nhân vật Thứ và thấy được vai trò của nó trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ông đánh giá Nam Cao là người có hướng đi riêng trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực: “Tìm tòi trong những chuyện bình thường hàng ngày ý nghĩa sâu xa của đời sống và gợi lên bên trong phần lặng lẽ nghiêm ngặt của hiện thực một cái gì sôi nổi nồng cháy”(13,171). Song những thành công khác về phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết này như cốt truyện, kết cấu, cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết thì hầu như chưa được chú ý đến. Thậm chí trong quá trình đánh giá Sống mòn, bên cạnh khen, tác giả còn chê tác phẩm có nhiều hạn chế và cho rằng tiểu thuyết có vấn đề trong việc “khắc hoạ tính cách điển hình”. Ông cho rằng yêu cầu của người đọc đòi hỏi Nam Cao phải cá tính hoá nhân vật Sống mòn hơn nữa. Theo ông, nhân vật được gọi là “Tâm trạng điển hình mà chưa gọi là tính cách điển hình là vì tâm trạng đó chưa kết hợp thể hiện với những cá tính sinh động khác. Nhân vật chưa được gọi là nhân vật điển hình vì tâm trạng Thứ có ý nghĩa phổ biến và tiêu biểu nhưng ở Thứ còn thiếu những biểu hiện sinh động của một con người cá biệt”(13,187). Như vậy, Sống mòn được đánh giá cao về nội dung nhưng về nghệ thuật thì chưa được đánh giá chính xác và thấu đáo. Cũng trong chuyên luận này, khi đánh giá về Truyện người hàng xóm, Hà Minh Đức lại cho rằng đây là tác phẩm mà “Nam Cao định đưa vào tác phẩm một số suy nghĩ và quan điểm tích cực nhưng chưa biến thành hiện thực. các quan điểm và suy nghĩ ấy chưa chuyển hoá được vào các hình tượng nghệ thuật. Tác phẩm còn nhiều nhược điểm, chủ đề không tập trung, tính cách nhân vật chưa đậm nét. Cốt truyện lại bị dẫn dắt lan man, ngôn ngữ có phần thiếu chọn lọc”(13,30). Như vậy Hà Minh Đức hầu như phủ nhận hoàn toàn cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm này. Mãi đến 1975, ông mới có đánh giá khác: “Bên cạnh Sống mòn, Nam cao đã xây dựng được bức tranh chân thực và độc đáo về những người tiểu tư sản và lớp dân nghèo thành thị qua tiểu thuyết Truyện người hàng xóm”. Như vậy, tác phẩm này vẫn chưa được coi là một tiểu thuyết hiện thực có giá trị nghệ thuật.
    Hồng Chương trong cuốn “Phương pháp sáng tác của văn học nghệ thuật” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1962) đã nhận xét nặng nề về Sống mòn. Ông cho rằng: “Nam Cao- người có thể gọi là tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực chủ nghĩa ở thời kỳ này đã miêu tả những người nông dân cùng quẫn trong xã hội thực dân nửa phong kiến (Chí Phèo) hay người tiểu tư sản sống quẩn quanh bế tắc ( ). Tuy còn có tính hiện thực và tính phê phán nhưng chủ nghĩa hiện thực phê phán thời kỳ này bộc lộ rõ tính chất yếu đuối của thời kỳ suy tàn của nó. Nó đi sâu vào tâm lý tế nhị của nhân vật (Sống mòn). Nó bộc lộ tâm trạng của những con người quẩn quanh không có lối thoát và cũng không có ý chí phấn đấu”(7,40). Như vậy, do ảnh hưởng nặng nề của lối phê bình cứng nhắc, rập khuôn máy móc theo lối cũ, căn cứ trên chủ nghĩa đề tài, Hồng Chương cho rằng từ 1940 đến 1945 là giai đoạn suy tàn của chủ nghĩa hiện thực, không thấy được những mới mẻ trong cách tân nghệ thuật của Nam Cao đã góp phần đưa chủ nghĩa hiện thực lên một tầm cao mới.
    Phong Lê là người đầu tiên viết riêng Sống mòn trong bài Sống mòn và tâm sự của Nam Cao in trong Tạp chí văn học số 9/1968, đã đánh giá chính xác về kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của Nam Cao: “Nam Cao xác nhận một cách đau đớn bi kịch con người trí thức tiểu tư sản. ở đây không có cái nhìn ảo tưởng, tô vẽ về họ như một số nhà văn khác cùng thời. Nam Cao đã vẽ đúng hình ảnh họ và đặt họ đúng vào vị trí của họ trong đời ( ) trong Sống mòn không còn bóng dáng nhân vật nào có thể được xem là nhân vật chính diện thật sự”(33,36). Ông cũng đã nhận ra “sự han gỉ trong tâm hồn một lớp người trí thức tiểu tư sản”, biểu hiện “một cách nhìn sâu”, cũng là “một cách nhìn dũng cảm”. Tác giả cũng đã chú ý tới cách thức thể hiện riêng của Nam Cao nhưng vẫn mới chỉ đi sâu vào nội dung mà ít chú ý về giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Nam Cao.
    Phan Cự Đệ trong công trình nghiên cứu công phu:Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (NXB ĐH & THCN, HN, 1974) cũng đã bàn đến nghệ thuật của tiểu thuyết Nam Cao trong sự so sánh với tiểu thuyết của các nhà văn khác cùng thời. Ông cho rằng Tắt đèn có lối kết cấu “trong một không gian ngắn, những mâu thuẫn dồn dập, cọ xát nhau nảy lửa. Những sự kiện tới tiếp diễn ra, dồn nhân vật vào chỗ cùng đường và làm nổ ra những phản ứng kịch liệt. Nam Cao muốn diễn tả những bi kịch không lối thoát của Thứ nên đã sử dụng lối kết cấu vòng tròn”(10,245). Khi đánh giá về ngôn ngữ của tiểu thuyết Nam Cao, ông đã nhận thấy: “Nam Cao chú ý hơn đến những động tác tâm lý bên trong. Ông đã xây dựng thành công những đoạn độc thoại nội tâm nhân vật”(10,220) và thấy tính chất “đa thanh” của trong ngôn ngữ tiểu thuyết Sống mòn. song những đánh giá về nghệ thuật tiểu thuyết của Nam Cao như trên còn là những ý kiến lẻ tẻ chưa thành hệ thống, chưa làm nổi rõ sự cách tân của Nam Cao trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
    Có thể nói trong suốt 60 năm trở về trước, Sống mòn cũng đã được chú ý nhiều hơn song chưa có một công trình nghiên cứu công phu về giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết này. Các công trình nghiên cứu mới chỉ chú ý ở tác phẩm này về phương diện nội dung chứ chưa có khám phá bao nhiêu về mặt nghệ thuật. Truyện người hàng xóm hầu như chưa được nhắc đến, nếu có được nhắc đến thì cũng bị đánh giá thấp.
    Đến những năm 70, việc nghiên cứu tiểu thuyết Nam Cao đã có nhiều công trình nghiên cứu khá toàn diện và sâu sắc. Bên cạnh những khám phá giá trị nội dung tư tưởng ở chiều sâu mới, phát hiện tư tưởng nhân đạo mới mẻ trong tiểu thuyết của Nam Cao, các nhà nghiên cứu đã chú ý nhiều đến những thành công về nghệ thuật tiểu thuyết của Nam Cao, khẳng định cá tính sáng tạo rất mới mẻ, độc đáo của nhà văn.
    Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung trong chương Nam Cao (Lịch sử văn học Việt Nam 1930- 1945, tập V, NXB GD, 1974) đã phân tích kỹ lưỡng những khám phá mới mẻ, sâu sắc của Nam Cao, chỉ ra những điểm nổi bật của phong cách Nam Cao. Ông chỉ ra sức mạnh tài năng của Nam Cao bắt đầu từ “Sự chân thực đến kinh ngạc”, đặc biệt “từ những cái hàng ngày nhỏ bé” để đạt đến những vấn đề “có ý nghĩa triết lý sâu sắc”. Đó là ngòi bút “vừa tỉnh táo nghiêm ngặt vừa thắm thiết trữ tình”, có sở trường miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật, thường “soi rọi đời sống bên trong”. Ông khẳng định “Bằng một tài năng lớn, Nam Cao đã có những đóng góp mới mẻ đối với sự phát triển văn xuôi Việt Nam. Nghệ thuật tiểu thuyết Nam Cao có sắc thái hiện đại rõ rệt”(28,9). Đó là những mới mẻ của tiểu thuyết Nam Cao, nhưng người nghiên cứu mới chú ý đến Sống mòn mà không nhắc đến Truyện người hàng xóm.
    Đến khi viết Từ điển văn học, Nguyễn Hoàng Khung mới nhắc đến Truyện người hàng xóm nhưng trong khuôn khổ có hạn của một mục trong từ điển, ông chỉ giới thiệu vài nét về nội dung tác phẩm: “Những trang cảm động nhất là viết về đám trẻ nhỏ nhà nghèo sống thiếu tình thương, khi lớn lên thì rơi vào vực thẳm bế tắc sa ngã. Câu chuyện thật buồn thảm nhưng ánh lên cái nhìn lạc quan nhân đạo về người nghèo khổ, dù đó là một thằng câm, một gái điếm hay một nhà văn trẻ lặn lội trong cay cực, luôn tâm niệm “viết sự thực”(28,287).
    Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh trong những bài viết về Nam Cao luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò cách tân nghệ thuật của Nam Cao. Ông khẳng định vị trí của Nam Cao, “bản sắc độc đáo” của Nam Cao là một “cây bút luôn tìm tòi, khám phá và sáng tạo”, đồng thời khẳng định bản lĩnh và tài năng của Nam Cao khi viết về những “cái hàng ngày” là xuất phát từ “những tư tưởng sâu, những tình cảm lớn, từ cõi thơ cao khiết mà quan sát, miêu tả cái “văn xuôi” phàm tục của cuộc đời”(40,62). ông đánh giá tiểu thuyết Sống mòn là “thật sự đạt tới hình thức hiện đại”. Ông cho rằng đứng về mặt thể tài, tiểu thuyết Sống mòn là một hiện tượng độc đáo và đột xuất: “Một lối tiểu thuyết cứ phóng bút một cách tuỳ tiện theo dòng tâm sự của nhân vật với nhiều đoạn tạt ngang dài dòng tưởng như lạc đề. Vậy mà tác phẩm vẫn giữ được tính thống nhất chặt chẽ xoay quanh quan niệm nhất quán của nhà văn về sự sống và cái chết trong tâm hồn con người. Chủ đề triết lý thấm sâu, liên kết các số phận nhân vật và đem đến cho những câu chuyện vụn vặt, tủn mủn của mấy người tiểu tư sản ý nghĩa khái quát, xã hội rộng lớn ”(40,63). Về Truyện người hàng xóm, ông cho rằng: “Theo dõi sát ngòi bút của Nam Cao, người đọc có thể cảm nhận được Truyện người hàng xóm một vài yếu tố mới mẻ về tư tưởng và bút pháp, một cái nhìn xã hội theo quan điểm đối lập dứt khoát giữa nhân dân lao động nghèo khổ nhưng tốt bụng với bọn bóc lột tàn ác. Một chủ nghĩa lạc quan tươi sáng, làm cơ sở cho một giọng văn ít chua chát hơn và một bút pháp thiên về lý tưởng hoá khi viết về bản chất tốt đẹp, nghị lực sống và mối tình cao cả như sen nở giữa bùn lầy của ba nhân vật trẻ tuổi”(40,42).
    Nhìn chung, tiểu thuyết Sống mòn và Truyện người hàng xóm đã bước đầu được các nhà nghiên cứu, được khẳng định nhưng mới chỉ chủ yếu trên phương diện nội dung tư tưởng hoặc có đánh giá về mặt nghệ thuật thì cũng mới chỉ là những nhận xét tản mạn, chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh. Sau này, trong các công trình nghiên cứu của mình, các nhà phê bình văn học đã chú ý nhiều hơn tới những thành công về nghệ thuật trong các sáng tác của Nam Cao. Xung quanh cuốn tiểu thuyết Sống mòn in trong nghĩ tiếp về Nam Cao còn có bài Bút pháp tự sự đặc sắc trong Sống mòn của Nguyễn Ngọc Thiện. Bài viết đã chỉ ra những mới mẻ của tác phẩm “cốt truyện tâm lý, khắc hoạ chiều sâu một mảng vi mô của đời sống con người”, bố cục “hoà trộn, đồng hiện giữa không gian, thời gian quá khứ và hiện tại”(53,331), lối kể chuyện với nhiều điểm nhìn, sinh động. Tuy nhiên trong phạm vi một bài viết, những phương diện nói trên cũng chưa được người viết phân tích thật kỹ lưỡng. Đỗ Đức Hiểu trong Hai không gian trong Sống mòn đã có phát hiện về không gian sống o bế của nhân vật Thứ loanh quanh chật hẹp, sự mâu thuẫn “xung đột giữa không gian xã hội (xó nhà quê và ngoại ô Hà Nội nhem nhuốc) và không gian tinh thần, mơ ước, không gian hồi tưởng, không gian khát vọng”(53,338). Nhà nghiên cứu Phong Lê trong Đọc lại và lại đọc Sống mòn khẳng định thêm về ba không gian bị thu hẹp trong Sống mòn là “gian ở nơi trường học, gian nhà ông Học và gian nhà của Thứ ở quê là những không gian tù đọng”(53,349). Đồng thời Phong Lê khẳng định lại về tính chất hướng ngoại của tác phẩm đã mở ra những số phận kiếp người, về sự thu nhỏ, dồn nén của không gian, thời gian “tạo hình ảnh và ám ảnh về một sự ngưng đọng, sự mòn rỉ- nó chính là tố chất để lấn át và làm tiêu mòn sự sống, để tạo nên nhịp điệu và giọng điệu thích hợp với Sống mòn”.
    Trong cuốn Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, một công trình nghiên cứu khá toàn diện, công phu về Nam Cao, GS. TS Trần Đăng Suyền đã nghiên cứu một cách có hệ thống về nghệ thuật tự sự trong các sáng tác của Nam Cao về nhiều phương diện loại hình, thi pháp, nghệ thuật khắc hoạ tâm lý, nghệ thuật trần thuật Phân tích về nghệ thuật xây dựng cốt truyện của Sống mòn và Truyện người hàng xóm, ông khẳng định về tính chất nới lỏng cốt truyện “Đưa truyện về dạng “đời thật” nhất, đồng thời soi rọi vào đó một luồng ánh sáng rất mạnh của tư tưởng, bắt những chuyện vặt vãnh, những cảnh đời thường hàng ngày quen thuộc nói lên những ý nghĩa sâu sắc về con người, về cuộc sống và nghệ thuật”, và “Sáng tác của Nam Cao đánh dấu sự đổi mới về thi pháp của tiểu thuyết hiện đại so với tiểu thuyết trung đại, tiểu thuyết truyền thống”(52.45). Cũng trong cuốn chuyên luận này, nhà nghiên cứu đã phân tích sâu sắc về những mới mẻ của tiểu thuyết Nam Cao về các phương diện kết cấu, xây dựng xung đột, mâu thuẫn, không gian và thời gian nghệ thuật, nghệ thuật khắc hoạ tâm lý nhân vật sắc sảo có một không hai và các thủ pháp nghệ thuật hướng vào làm sáng tỏ nội tâm nhân vật như nghệ thuật miêu tả diện mạo nhân vật, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên Tuy nhiên, những thành công về phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết Nam Cao của công trình nghiên cứu này vẫn tập trung trong sự phân tích đánh giá về nghệ thuật tự sự trong các sáng tác của Nam Cao nói chung, bao gồm cả truyện ngắn.
    Gần đây nhiều công trình nghiên cứu văn học đã có chú ý nhiều hơn tới Truyện người hàng xóm. Trong luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn Những vấn đề trong sáng tác của Nam Cao qua thực tiễn nghiên cứu về nhà văn, bên cạnh việc xem xét lại một số vấn đề về bi kịch vỡ mộng trong Sống mòn, nhân vật Thứ là “tính cách điển hình” hay “tâm trạng điển hình”, “tiểu thuyết sống mòn phải chăng là dấu hiệu lụi tàn của văn học hiện thực trước cách mạng”, Hà Bình Trị đã có một bài phân tích về những thành công của Truyện người hàng xóm là một bức tranh hết sức chân thực đầy ám ảnh về những cảnh đời lầm than trong cuộc sống đời thường của lớp dân nghèo ngoại ô trước cách mạng. Đồng thời trong luận văn khoa học này, Hà Bình Trị đã chỉ ra một số thành công về nghệ thuật của tác phẩm vẫn “quen thuộc trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao, đồng thời tác phẩm cũng có những đặc sắc riêng ít thấy trong các sáng tác khác của ông”(49,149) về các phương diện cốt truyện, xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lý, ngôn ngữ. Nhưng trong khuôn khổ một phần của chương viết, những thành công này chưa được phân tích thật cụ thể.
    Như vậy, trong một thời gian dài, tiểu thuyết của Nam Cao đã không được chú ý và đánh giá đúng mức, thậm chí còn có lúc bị xem nhẹ, bị phê phán. Giới nghiên cứu phê bình chú ý nhiều hơn tới truyện ngắn của ông, đặc biệt là Lão Hạc và Chí Phèo. Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, tiểu thuyết của Nam Cao cũng đã được nhìn nhận, đánh giá lại, khẳng định lại tài năng xuất sắc của nhà văn trên phương diện thể loại tiểu thuyết, song hầu hết các công trình nghiên cứu mới chỉ chú ý tới giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm và quan tâm chủ yếu tới tiểu thuyết Sống mòn. Truyện người hàng xóm ít được các nhà nghiên cứu nhắc tới. Tác phẩm này hầu như chưa được các nhà nghiên cứu phê bình chú ý đúng mức và có công trình nghiên cứu cụ thể. Rải rác vài năm gần đây, tác phẩm này mới được để ý tới. Khi nghiên cứu về Nam Cao, người ta quên mất rằng trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nam Cao đã viết rất nhiều tiểu thuyết, chỉ tiếc là bị mất bản thảo. Vì thế, tư cách là một nhà tiểu thuyết những năm 1940- 1945 của Nam Cao chưa được khẳng định. Có thể nói dù các tiểu thuyết của Nam Cao còn lại không nhiều, nhưng tiểu thuyết của Nam Cao thể hiện một phong cách tiểu thuyết độc đáo, đặc sắc vừa thống nhất với phong cách của Nam Cao nói chung, vừa có những nét đa dạng, độc đáo riêng về phương diện thể loại. Tiểu thuyết của Nam Cao đã đóng một vai trò quan trọng, có thể coi như một dấu mốc đánh dấu sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại nói riêng. Bên cạnh những thành công xuất sắc về phương diện nội dung tư tưởng, tiểu thuyết Nam Cao còn đạt tới một nghệ thuật tự sự độc đáo, đặc sắc, đóng góp lớn vào tiến trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Cao thực sự là một việc cần thiết để khẳng định tư cách nhà tiểu thuyết và tài năng tiểu thuyết của Nam Cao.
    III. Nhiệm vụ của đề tài
    Văn học việt nam giai đoạn 1930-1945 tuy không dài nhưng là một giai đoạn văn học phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc. Đây là thời kì nở rộ của biết bao tài năng văn học, bởi trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, sự khẳng định cái tôi trong văn học trước hết là nhà văn phải để lại một dấu ấn riêng. Trong dòng chảy ấy, Nam Cao nổi lên như một hiện tượng văn học độc đáo dù đương thời, nhà văn không được đánh giá cao. Với sự cần mẫn và nghiêm túc trong nghề cầm bút trở thành một ý thức tự giác thường trực, Nam Cao đã tạo được cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc và giới phê bình văn học nhiều thế hệ. Đã qua hơn nửa thế kỉ, người đọc vẫn chưa thôi ngỡ ngàng cảm phục nhà văn và không ngừng tìm thấy những phát hiện mới mẻ về những chiêm nghiệm, khái quát của nhà văn về cuộc đời và con người. Thời gian càng lùi xa, người ta càng thấy rõ hơn tầm vóc của một nhà văn lớn.
    Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Nam Cao trên các phương diện về cách tiếp cận hiện thực, sự độc đáo về cốt truyện và kết thúc, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật. Đây là những phương diện chủ yếu trong nghệ thuật tự sự của một tác phẩm, cũng là những phương diện thể hiện rõ nhất tài năng tiểu thuyết của Nam Cao. Đây cũng là dịp nhìn lại, khẳng định lại những thành công của nam Cao về phương diện thể loại tiểu thuyết. Đồng thời việc nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Nam Cao sẽ góp phần khẳng định một lần nữa sự da dạng, phong phú, đặc sắc trong phong cách của Nam Cao, góp phần khẳng định vị trí không thể thay thế của Nam Cao trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
    Việc làm này cũng là một lần bày tỏ niềm trân trọng, ngưỡng mộ của người viết đối với một nhà văn có nhân cách đáng trọng, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà.
    IV. Phương pháp nghiên cứu
    1. Phương pháp hệ thống
    Tìm hiểu nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Nam Cao phải dựa trên sự hệ thống các phương diện thuộc về nghệ thuật tác phẩm, đặt các phương diện của nghệ thuật tự sự trong một hệ thống, chúng không tách rời, không độc lập mà nằm trong một chỉnh thể. Phương pháp hệ thống giúp người viết nhận diện rõ về các đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Sống mòn và Truyện người hàng xóm.
    2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
    Phương pháp nghiên cứu này giúp chúng tôi có thể phân tích về những đặc điểm, đánh giá những thành công xuất sắc của Nam Cao về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết. Đây là một phương pháp không thể thiếu trong công tác nghiên cứu.
    3. Phương pháp so sánh
    Để làm nổi bật những đặc điểm về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Nam Cao, đồng thời góp phần khẳng định những thành công xuất sắc của nhà văn về phương diện này, chúng tôi vận dụng tới phương pháp so sánh. Đối tượng được dùng trong so sánh là các sáng tác tiểu thuyết của các nhà văn khác cùng trào lưu như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố , so sánh tiểu thuyết của Nam Cao với các truyện ngắn của chính ông, so sánh tiểu thuyết Sống mòn với Truyện người hàng xóm.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...