Nghiên cứu một số mô hình dự báo cung - cầu nhân lực qua đào tạo trên thế giới

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2011 -01 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Mai Thị Thu
    Các thành viên tham gia: Ths. Nguyễn Văn Chiến; Ths. Ngô Thị Thanh Tùng
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 9 năm 2011/tháng 12 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Dự báo nhân lực là cần thiết cho mọi thời kỳ, mọi quốc gia để chuẩn bị cho sự phát triển của nền kinh tế. Nhân lực vừa đủ là một điều kiện lý tưởng tốt, tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Khi thiếu nhân lực, nền kinh tế sẽ không phát triển tốt nhất như kì vọng; ngược lại khi dư thừa nhân lực sẽ khiến một bộ phận không nhỏ người lao động bị thất nghiệp gây lãng phí nguồn lực và tạo những áp lực xấu lên xã hội.

    Dự báo nhân lực giúp đưa ra cái nhìn tương đối về nhân lực trong tương lai, từ đó các nhà quản lý sẽ có thêm công cụ hỗ trợ để ra quyết định đúng đắn hơn.

    Dự báo nhân lực ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế so với những bước tiến khá dài của các nước trên thế giới. Các nguyên nhân có thể tạm liệt kê sau đây: Nguồn dữ liệu thiếu, không tin cậy; Yếu về phương pháp/sử dụng mô hình; Thiếu về nguồn lực để thực hiện các dự báo Trong các nguyên nhân trên thì việc yếu về phương pháp/sử mô hình dự báo là một trong những nguyên nhân chính quan trọng cần được tập trung giải quyết. Nghiên cứu tổng quan các phương pháp dự báo nhân lực đang được sử dụng trên thế giới, tìm hiểu sâu một vài mô hình dự báo nhân lực cụ thể là việc làm cấp thiết nhằm giải quyết vấn đề trên.Do đó, nhóm nghiên cứu chọn đề tài “Nghiên cứu một số mô hình dự báo cung – cầu nhân lực qua đào tạo trên thế giới”.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Phân tích mô hình dự báo cung-cầu nhân lực đang được sử dụng của một số nước về nội dung/các thành tố của mô hình, điều kiện sử dụng mô hình, ưu điểm và hạn chế của mô hình, từ đó đưa ra khuyến nghị áp dụng mô hình dự báo nhân lực cho Việt Nam.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Cơ sở phương pháp luận các mô hình dự báo cung-cầu nhân lực: 1/các khái niệm cơ bản: lao động, lực lượng lao động, cung - cầu lao động, thị trường lao động, nhân lực, nhân lực qua đào tạo, mô hình dự báo; 2/mô hình lý thuyết: mô hình kinh tế lượng, mô hình I/O, mô hình cân bằng tổng thể.

    Tổng quan một số cách tiếp cận dự báo đang được sử dụng trên thế giới. Tìm hiểu mô hình dự báo cung-cầu nhân lực của Mỹ, Anh, Thụy Điển theo các khía cạnh: 1/Các thành tố cấu thành của mô hình; 2/Điều kiện/bối cảnh để thực hiện mô hình dự báo; 3/Ưu điểm và hạn chế của mô hình dự báo. Từ những phân tích trên, đề tài đưa ra những khuyến nghị về việc sử dụng mô hình dự báo nhân lực cho Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Mô hình dự báo cung cầu nhân lực đang được sử dụng ở Mỹ, Anh và Thụy Điển

    6. Phương pháp nghiên cứu


    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Nghiên cứu tổng quan tài liệu;
    Xin ý kiến chuyên gia thông qua hội thảo, seminar khoa học.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Một số vấn đề lý luận liên quan đến đề tài nghiên cứu
    1.1. Một số khái niệm liên quan
    1.2. Một số nhân tố tác động đến cung cầu nhân lực
    1.3. Một số mô hình lý thuyết dự báo nhân lực

    Chương 2: Một số mô hình đang được sử dụng trong dự báo nhân lực trên thế giới
    2.1. Một số cách tiếp cận dự báo thường được sử dụng để xây dựng mô hình dự báo
    2.2. Mô hình dự báo nhân lực của Mỹ
    2.3. Mô hình dự báo nhân lực của Anh
    2.4. Mô hình dự báo nghề ngắn hạn của Thụy Điển

    Chương 3: Hiện trạng dự báo nhân lực ở Việt Nam và đề xuất

    3.1. Hiện trạng dự báo cung cầu nhân lực
    3.2. Thách thức đối với dự báo nhân lực cho Việt Nam
    3.3. Đề xuất

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Nhóm nghiên cứu đã nêu được một số cách tiếp cận dự báo nhân lực thường được sử dụng và tìm hiểu một số mô hình dự báo nhân lực đang được áp dụng ở các nước trên thế giới, đánh giá về các cách tiếp cận này (số liệu, nguồn lực, thời gian, người sử dụng).

    Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu mô hình dự báo nhân lực của Mỹ, Thụy Điển, Anh về các nội dung: Các thành tố cấu thành của mô hình; Điều kiện (về số liệu và trình độ người làm dự báo) để thực hiện mô hình dự báo; Ưu điểm và hạn chế của mô hình và khả năng áp dụng mô hình vào dự báo nhân lực cho Việt Nam (về số liệu, phương pháp, nguồn lực).

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Mỗi nước thường xây dựng và sử dụng mô hình, phương pháp thích hợp để dự báo nhân lực. Và ngay ở mỗi nước, cũng có thể có nhiều nhóm nghiên cứu độc lập đưa ra những mô hình dự báo và kết quả dự báo khác nhau cho cùng một đối tượng. Phương pháp dự báo, mô hình dự báo hay kết quả dự báo phụ thuộc vào chính sách, thông tin, hiểu biết của những người thực hiện dự báo và cách sử dụng kết quả dự báo.

    Có 4 cách tiếp cận dự báo là : chuỗi thời gian, từ dưới lên, từ trên xuống và dấu hiệu thị trường. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm, nhược điểm nhưng hiện nay, phương pháp được ưa thích nhất là từ dưới lên và từ trên xuống, đặc biệt là phương pháp từ trên xuống thích hợp cho việc dự báo nhân lực cấp quốc gia. Ngoài việc phân tích theo truyền thống sử dụng mô hình toán học, hiện nay phương pháp phân tích cầu nhân lực còn được dựa trên thông tin thị trường lao động. Mô hình BLS của Mỹ theo tiếp cận từ trên xuống. Đây là một mô hình dự báo việc làm nghề nghiệp dựa trên những cơ sở chặt chẽ và hầu hết mô tả đúng những xu hướng phát triển nghề nghiệp nói chung. Cũng như hầu hết các mô hình, vẫn còn tồn tại những sai số dự báo. Các lí do chủ yếu dẫn đến sai số trong dự báo là sự thay đổi trong sử dụng lao động theo ngành hoặc các yếu tố về biên chế hơn là chính các thực hiện dự báo về việc làm ngành.

    Trong một số mô hình dự báo phổ biến để dự báo nhân lực cấp quốc gia, cần tính toán hệ số việc làm và xây dựng ma trận việc làm theo ngành kinh tế và nghề nghiệp. Có nhiều cách tính toán hệ số việc làm, song cách phổ biến hiện nay các nước đang sử dụng để tính hệ số việc làm là thông qua hàm sản xuất, và mỗi nước sẽ lựa chọn dạng hàm riêng.
    Qua phân tích một số mô hình dự báo nhân lực đang được sử dụng ở một vài nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu đề xuất một vài khuyến nghị cho việc xây dựng và sử dụng mô hình dự báo nhân lực ở Việt Nam như sau:

    Về cách tiếp cận dự báo và mô hình dự báo: Dự báo nhân lực quốc gia, vì sự phát triển kinh tế là theo một chiến lược lâu dài, cho nên Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống mà hiện nay nhiều nước đang thực hiện, và sử dụng có điều chỉnh các mô hình của Mỹ, Anh cho phù hợp. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khó khăn nhất cho Việt Nam là số liệu cung cấp cho mô hình không đầy đủ và hạn chế của trình độ đội ngũ làm dự báo. Dự báo nhân lực cho ngành, khu vực có thể theo một trong 4 cách tiếp cận dự báo trên, tùy theo mục đích của dự báo.

    Về số liệu cho dự báo: Cần hoàn thiện danh mục đào tạo, danh mục nghề nghiệp; Có cơ chế phối hợp, chia sẻ số liệu giữa cơ quan thống kê và cơ quan dự báo nhân lực.

    Về nhân lực làm dự báo: Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn dự báo và bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành (thống kê lao động, việc làm, nhân lực) trong và ngoài nước.

    Về việc phối hợp thực hiện: Các cơ quan dự báo nên tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cuộc hội thảo trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường liên kết hợp tác thông qua công việc.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...