Thạc Sĩ Nghiên cứu mô hình năng lực cạnh tranh động của Công ty TNHH Siemens Việt Nam

Thảo luận trong 'Kinh Tế' bắt đầu bởi Quy Ẩn Giang Hồ, 25/4/12.

  1. Quy Ẩn Giang Hồ

    Quy Ẩn Giang Hồ Administrator
    Thành viên BQT

    Bài viết:
    3,084
    Được thích:
    23
    Điểm thành tích:
    38
    Xu:
    0Xu
    1.1. Đặt vấn đề

    Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển cùng với tốc độ toàn cầu hóa ngày càng cao, các doanh nghiệp đã và đang đối mặt với mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Để tồn tại và phát triển doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình vì đó là chìa khóa dẫn đến thành công cho tất cả các doanh nghiệp, điều này lại đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực thích hợp để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp là phải phát hiện ra các nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh rồi từ đó duy trì và phát triển nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai, giúp cho doanh nghiệp đứng vững trên thị trường nội địa trước sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh.

    Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Đức, Công ty TNHH Siemens cũng đang đặt ra cho mình yêu cầu cấp bách là làm thế nào để tồn tại và phát triển ở thị trường tiềm năng như Việt Nam. Giống như các đối thủ cạnh tranh đang có mặt tại thị trường này, có thể kể ra là ABB (Thụy Sĩ), Schneider Electric (Pháp), General Electric (Mỹ), Mitsubishi Electric (Nhật), LG Industrial Systems (Hàn Quốc),v.v , Siemens tham gia vào thị trường Việt Nam với lợi thế cạnh tranh riêng. Tuy nhiên, trong môi trường toàn cầu hóa như hiện nay, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn đều có chung một hay nhiều nguồn lực tạo nên lợi thế cạnh tranh. Vấn đề đặt ra làm thế nào Siemens Việt Nam nhận dạng và nuôi dưỡng các nguồn lực mà mình đang có trên thị trường này và biến nó thành những nguồn lực riêng biệt phục vụ cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.

    Với mong muốn đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu, đánh giá hiện trạng năng lực cạnh tranh của công ty, đồng thời tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy có hai dạng nguồn lực hữu hình và vô hình cấu thành nên nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó các nguồn lực vô hình thường mang tính đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp, tạo ra giá trị và khó bị bắt chước nhưng khó được nhận dạng. Do đặc điểm này mà đề tài chọn nghiên cứu các nguồn lực vô hình có khả năng tạo ra năng lực cạnh tranh động cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đầy thách thức như hiện nay. Từ đó giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn mới về các nguồn lực này, đồng thời xây dựng các chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh số và mở rộng thị phần.

    1.2. Mục tiêu nghiên cứu

    Đề tài được thực hiện với mục đích sau:

    - Trước hết là tìm hiểu, đánh giá năng lực cạnh tranh hiện tại của doanh nghiệp thông qua việc thu thập ý kiến khách hàng bằng bảng câu hỏi tự trả lời.

    - Tìm hiểu và xác định các nguồn lực vô hình ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp để từ đó xây dựng mô hình năng lực cạnh tranh động và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nguồn lực đến năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp.

    - Qua đó, đề ra một số kiến nghị nhằm mục đích nuôi dưỡng những nguồn lực này và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong trong tương lai.

    1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu của đề tài là mô hình năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp. Bằng việc thu thập thông tin từ khách hàng của doanh nghiệp (qua việc trả lời bảng câu hỏi) về các nhân tố được cho là có tác động đến năng lực cạnh tranh. Từ đó tiến đến phân tích hồi quy tuyến tính để xác định các nhân tố nào ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh với mức độ ảnh hưởng như thế nào.

    Phạm vi nghiên cứu được thực hiện tại Công ty TNHH Siemens Việt Nam và khảo sát được thực hiện chỉ dành cho khách hàng của Công ty, cụ thể là những khách hàng đang hợp tác với hai ban kinh doanh Năng lượng và Công nghiệp. Các khách hàng tham gia khảo sát không có giới hạn về mặt địa lý. Thời gian thực hiện cuộc khảo sát là cuối năm tài chính 2009.

    1.4. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với thang đo Likert bảy mức độ để tìm hiểu, xác định các tác nhân ảnh hưởng đến năng lực động của doanh nghiệp. Thang đo Likert bảy mức độ giúp đo lường giá trị của các biến.

    Bảng câu hỏi được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết và các học thuyết kinh tế phù hợp với nội dung nghiên cứu để thu thập thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ cho mục đích nghiên cứu định lượng. Các khách hàng nhận được bảng câu hỏi và phản hồi thông qua thư điện tử (email). Kết quả trả lời được lọc và làm sạch trước khi tiến hành các bước phân tích tiếp theo.

    Kiểm định độ tin cậy với hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố EFA được sử dụng để đảm bảo các thành phần thang đo có độ kết dính phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Đến bước phân tích hồi quy tuyến tính được thực hiện để xác định các nhân tố thực sự ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh động, cường độ ảnh hưởng của nhân tố cũng được chỉ rõ thông qua hệ số của các nhân tố. Sử dụng phương pháp phân tích trung bình của tổng thể để tìm sự khác biệt giữa các nhóm khách hàng đối với từng nhân tố .

    1.5. Ý nghĩa đề tài

    Đề tài có một số ý nghĩa sau:

    Thứ nhất, đề tài nghiên cứu đã đem đến cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan hơn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp qua đánh giá của khách hàng. Đồng thời qua đó giúp doanh nghiệp nhận dạng những yếu tố vô hình đã và đang có những tác động nhất định vào năng lực động của doanh nghiệp. Từ đó có những giải pháp thích hợp để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty.

    Thứ hai, nghiên cứu giúp cho doanh nghiệp nhận diện những thang đo dùng để đo lường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể tiến hành nghiên cứu khác bao quát hơn nữa về tình hình năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

    Thứ ba, doanh nghiệp có thể căn cứ trên kết quả của nghiên cứu này để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu theo từng ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh để khám phá những nhân tố tác động lên ngành hàng đó và từ đó có chính sách phù hợp nhất. Nghiên cứu cũng đã đề cập đến việc khảo sát định hướng học hỏi trong doanh nghiệp, qua đó xây dựng nên giá trị văn hóa mới của doanh nghiệp.

    1.6. Cấu trúc của luận văn

    Luận văn được chia làm năm chương.
    Chương 1- Mở đầu sẽ giới thiệu cơ sở hình thành đề tài, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và ý nghĩa của đề tài.
    Chương 2 - Cơ sở lý thuyết sẽ trình bày lý thuyết và học thuyết làm nền tảng cho việc nghiên cứu mô hình năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp, tham khảo các nghiên cứu đi trước về các thành phần tác động lên năng lực động của doanh nghiệp. Dựa trên cơ sở các lý thuyết và các nghiên cứu tham khảo sẽ đưa ra mô hình nghiên cứu kỳ vọng.
    Chương 3 - Giới thiệu về Công ty TNHH Siemens và phương pháp nghiên cứu sẽ tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp đồng thời điểm qua tình hình kinh doanh trong ba năm gần đây. Trong phần phương pháp nghiên cứu sẽ giới thiệu việc xây dựng thang đo, cách chọn mẫu, quá trình thu thập thông tin và các kỹ thuật phân tích dữ liệu thống kê được sử dụng trong đề tài này.
    Chương 4 - Kết quả nghiên cứu sẽ phân tích, diễn giải các dữ liệu đã thu được từ cuộc khảo sát bao gồm các kết quả kiểm định độ tin cậy, phân tích nhân tố, chạy phương trình hồi quy và các kết quả thống kê suy diễn.
    Chương 5 - Kết luận và kiến nghị sẽ thảo luận về kết quả phân tích được ở chương bốn và đưa ra một số kiến nghị cho doanh nghiệp cùng với việc nhìn nhận những hạn chế của nghiên cứu và đưa ra kiến nghị cho các nghiên cứu trong tương lai.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...