Nghiên cứu lý thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) (multiple intelligences) và khả năng ứng dụng và

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2012-16 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Võ Thanh Hà
    Các thành viên tham gia: ThS. Bùi Thanh Thùy; ThS. Đoàn Thị Thúy Hạnh; ThS. Nguyễn Thị Kiều Anh
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 8 năm 2012/ tháng 8 năm 2013

    2. Tính cấp thiết

    Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật và của nền sản xuất xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tư duy độc lập và sáng tạo. Do vậy, nhà trường phổ thông không chỉ có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh tri thức khoa học mà còn phải giúp các em phát triển trí tuệ của mình. Muốn vậy, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc đặc điểm trí tuệ của các em và những yếu tố liên quan tới quá trình phát triển đó. Chỉ có như vậy, mới xác định được mục đích, nội dung, phương pháp dạy học và giáo dục trí tuệ phù hợp với từng lứa tuổi học sinh .

    Lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner (một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard) đã tác động mạnh tới tình hình nghiên cứu về khả năng trí tuệ của con người nói chung và của trẻ em nói riêng

    Mỗi người trong chúng ta đều có cá tính, sở thích, thị hiếu khác nhau và trẻ em cũng thế. Và do đó, chúng cũng sẽ có cách học khác nhau. Giáo viên và các bậc phụ huynh cần hiểu biết và đánh giá đúng những sự khác biệt này. Thông qua quan sát, các bậc cha mẹ, thầy cô có thể biết được con mình, học trò mình có dạng nổi trội về mặt nào theo Lý thuyết đa trí tuệ và chúng ta có thể phát triển các hoạt động phù hợp để phát triển khả năng của các em.

    Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã ứng dụng lý thuyết này vào giáo dục. Tại Việt Nam lý thuyết này bước đầu đã được nghiên cứu và ứng dụng nhưng chưa sâu.

    Việc nghiên cứu lý thuyết đa trí tuệ và ứng dụng vào giáo dục tiểu học là vô cùng cần thiết. Hướng nghiên cứu này giúp chúng ta có một phương pháp giáo dục phù hợp, phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân, đồng thời bổ sung những điểm còn yếu để hướng tới một sự phát triển toàn diện và đây cũng là một hướng để hoàn thiện Công nghệ giáo dục trong đó có Công nghệ giáo dục Tiểu học.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Mô tả một số nội dung và đặc điểm của thuyết đa trí tuệ để từ đó đề xuất khả năng ứng dụng trong giáo dục Tiểu học ở Việt Nam.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm ba phần:
    - Những vấn đề chung về lí thuyết đa trí tuệ
    - Tình hình ứng dụng thuyết đa trí tuệ
    - Đề xuất khả năng ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào giáo dục Tiểu học ở Việt Nam.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng của lí thuyết đa trí tuệ trong dạy học.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Phương pháp nghiên cứu lí luận, Phương pháp nghiên cứu thực tiễn, Phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Những vấn đề chung về lí thuyết đa trí tuệ
    1.1. Những tiền đề lí luận của thuyết đa trí tuệ
    1.2. Quan niệm về trí tuệ
    1.3. Lí thuyết đa trí tuệ
    1.4. Phê phán lí thuyết đa trí tuệ
    1.5. Tiểu kết

    Chương 2: Tình hình ứng dụng của thuyết đa trí tuệ
    2.1. Ứng dụng của thuyết đa trí tuệ trong giáo dục
    2.2. Những lợi ích và khó khăn của việc áp dụng thuyết đa trí tuệ trong giáo dục
    2.3. Tiểu kết

    Chương 3: Khả năng ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào giáo dục tiểu học ở Việt Nam
    3.1. Đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học
    3.2. Giáo dục tiểu học hiện nay ở Việt Nam
    3.3. Đề xuất khả năng ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào giáo dục tiểu học ở Việt Nam
    3.4. Tiểu kết

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Trong chương 1, đề tài trình bày những vấn đề chung về lí thuyết đa trí tuệ: Từ tiền đề lí luận của thuyết đa trí tuệ; quan niệm về trí tuệ theo quan điểm của Gardner; các loại trí tuệ (dù ông đưa ra nhiều nhưng hiện nay có 8 loại đang được sự nhất trí cao); sự phê phán thuyết đa trí tuệ

    Theo quan điểm của đề tài, thuyết đa trí tuệ (MI) đã được phát triển như là một đóng góp của tâm lý học. MI tiếp thu và kế thừa những thành tựu nghiên cứu tâm lí học, giáo dục học cũng như các khoa học khác đã có từ trước. Tuy nhiên lí thuyết MI đã có một cách nhìn khác, không chia rẽ con người thành các mảnh rời rạc, mà biết liên kết các khoa học khác nhau dưới góc độ các kiểu trí tuệ một con người, một cá nhân, trong đó một kiểu quá trình nhận thức hoặc một kiểu nhân cách có thể chiếm ưu thế. Cách nhìn nhận sự tồn tại các kiểu trí tuệ trong cùng một con người với các mức độ trội (ưu thế) khác nhau tạo ra một cách nhìn biện chứng, linh hoạt và hệ thống trong cùng một con người cũng như giữa những con người với nhau. Chính đặc điểm này của lí thuyết MI tạo cơ sở cho việc ứng dụng rộng rãi trong khoa học giáo dục, quản lí và tổ chức. Trong khi có thể có một số câu hỏi quan trọng và các vấn đề xung quanh khái niệm về đa trí tuệ của Howard Gardner, nó vẫn có ích trong giáo dục.

    Chương 2, đề tài đề cập đến Gardner và những nhà nghiên cứu giáo dục tiếp sau đã có nhiều gợi ý cho giáo dục xoay quanh các vấn đề như chương trình, đánh giá. Thuyết MI đã vượt ra khỏi lí luận để đi vào thực tiễn, vượt ra khỏi biên giới nước Mĩ để phổ biến khắp thế giới.

    Theo quan điểm của đề tài, những gợi ý về giáo dục của Gardner cũng như nhiều nhà giáo dục về sau, trong đó có Thomas Amstrong có giá trị rất lớn đối với thực tiễn khoa học giáo dục. Quá trình thực thi thuyết MI ở nhiều trường học tại Mĩ cũng như nhiều nước trên thế giới là minh chứng cho tính đúng đắn và khả năng ứng dụng cao của học thuyết MI.

    Chương 3, đề tài nghiên cứu tâm sinh lí của học sinh tiểu học. Từ mục tiêu giáo dục, nội dung yêu cầu, phương pháp dạy học, đặc điểm của giáo viên và học sinh ở bậc tiểu học, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng thuyết đa trí tuệ vào trong quá trình dạy học ở bậc học này sẽ tương đối phù hợp. Việc thực hiện sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Howard Gardner đưa ra lý thuyết đa trí tuệ giúp chúng ta có một cách nhìn khác - cách nhìn tâm lý học - vào trí tuệ con người.

    Cho tới nay, bản chất và phạm vi cụ thể của mỗi 'trí tuệ' vẫn chưa được xác lập thỏa đáng, cũng như số lượng cụ thể các trí tuệ chưa được ấn định. Nhưng có tồn tại ít nhất là một số trí tuệ, chúng tương đối độc lập với nhau, và chúng có thể được các cá nhân và các nền văn hóa tạo ra và kết hợp lại thành vô vàn con đường thích nghi.

    Trên cơ sở những nghiên cứu về lí thuyết MI, tình hình ứng dụng thuyết MI trên thế giới, Việt Nam, đặc điểm giáo dục Tiểu học Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số ứng dụng thuyết MI: 1) Giáo dục về thuyết đa trí tuệ: giáo dục cho giáo viên, học sinh, phụ huynh để có một cái nhìn nhân văn toàn diện từ đó có chiến lược dạy và học hiệu quả. 2) Thuyết đa trí tuệ với chương trình học: dạy học theo chủ đề, chương trình học nghề, chương trình phát triển trí tuệ cá nhân, các hoạt động ngoại khóa. 3)Thiết kế bài học theo thuyết đa trí tuệ: thiết kế bài học theo 8 loại trí tuệ. 4) Quản lí lớp học theo thuyết đa trí tuệ: thu hút sự chú ý học sinh, quy tắc trong trường, lớp. Theo chúng tôi, thuyết đa trí tuệ cung cấp cho các nhà giáo dục một công cụ, một gợi ý trong công cuộc đổi mới và cải thiện tình hình giáo dục Việt Nam như nhiều nước gần gũi với Việt Nam về văn hóa, địa lí đã và đang thực hiện như Trung Quốc, Philippine, Singapore

    Kiến nghị

    Trên cơ sở những phân tích về giáo dục tiểu học, đề tài đề xuất ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào giáo dục tiểu học ở Việt Nam:
    - Giáo dục về thuyết đa trí tuệ: giáo dục cho giáo viên, học sinh, phụ huynh để có một cái nhìn nhân văn toàn diện từ đó có chiến lược dạy và học hiệu quả.
    - Thuyết đa trí tuệ với chương trình học: dạy học theo chủ đề, chương trình học nghề, chương trình phát triển trí tuệ cá nhân, các hoạt động ngoại khóa.
    - Thiết kế bài học theo thuyết đa trí tuệ: thiết kế bài học theo 8 loại trí tuệ.
    - Quản lí lớp học theo thuyết đa trí tuệ: thu hút sự chú ý học sinh, quy tắc trong trường, lớp.

    Để phát triển các kết quả nêu trên, đề tài kiến nghị Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tiếp tục hướng nghiên cứu về việc ứng dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học ở tiểu học ở Việt Nam.



    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...