Nghiên cứu hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ 5-6 tuổi

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2011 - 11 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đào Thị Thu Thủy
    Các thành viên tham gia: Lê Thị Tâm; Nguyễn Trọng Dần.
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 10 năm 2011/ Tháng 10 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Trên thế giới, tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ gia tăng một cách đáng kể theo thời gian. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ khá cao trong dân số, bình quân khoản từ 58-60/10.000 trẻ được sinh ra, số lượng trẻ tự kỷ có khuynh hướng ngày càng gia tăng nhưng không biết rõ nguyên nhân. Ở Việt Nam, trước những năm 80 còn có nhiều chuyên gia cho rằng không có trẻ bị mắc chứng tự kỷ, nhưng từ năm 2000 đến nay, số lượng trẻ được phát hiện là 3-4/10.000 trẻ; năm 1990 tỉ lệ là 10-20/10.000 trẻ. Theo nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 – 2007 cho thấy: Số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều; số lượng trẻ tự kỷ đến thăm khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 – 2007 so với năm 2000. Trên thực tế, số lượng trẻ tự kỷ được đi học còn rất hạn chế do những ảnh hưởng về ngôn ngữ, hành vi và khả năng tương tác gây nên. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu về vấn đề ngôn ngữ của trẻ tự kỷ nói chung và hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ nói riêng. Qua việc nghiên cứu và những kinh nghiệm trong quá trình can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy, can thiệp hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng nhận thức, tương tác và hòa nhập cộng đồng. Từ những lý do trên chúng tôi lựa chọn đề tài: „Nghiên cứu hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ 5-6 tuổi“.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Mô tả thực trạng hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ tuổi mẫu giáo nhằm giúp giáo viên hỗ trợ, chuyên gia giáo dục trẻ tự kỷ xác định được mức độ thực hiện hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ tham gia học hòa nhập.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Nghiên cứu cơ sở lý luận về hành vi ngôn ngữ;
    - Nghiên cứu mô tả đặc điểm hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ 5 – 6 tuổi.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Trẻ tự kỷ trong độ tuổi từ 5 – 6 tuổi.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp luận tiếp cận duy vật biện chứng, tiếp cận lịch sử cụ thể và tiếp cận cá nhân hóa kết hợp với phương pháp nghiên cứu lý luận và phương pháp thực tiễn.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 chương

    Chương 1: Cơ sở lý luận về hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ
    1.1. Lịch sử nghiên cứu của vấn đề
    1.2. Trẻ tự kỷ
    1.3. Lý luận về hành vi ngôn ngữ theo quan điểm của Skinner
    1.4. Một số đặc điểm hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ

    Chương 2: Đánh giá hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ 5-6 tuổi
    2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ
    2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng.

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Kết quả nghiên cứu của đề tài đã có một số đóng góp về lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỷ độ tuổi 5-6 tuổi. Các kỹ năng trong hành vi ngôn ngữ có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau để trẻ tự kỷ có thể học các cách phản ứng, đáp lại các yêu cầu của người khác cho phù hợp. Nhóm đề tài đã lựa chọn thang CARS để đánh giá trẻ tự kỷ nhằm phân loại trẻ tự kỷ; Lựa chọn thang KYOTO để đánh giá các lĩnh vực phát triển của trẻ tự kỷ. Từ các kết quả nghiên cứu thực trạng nhóm đề tài đã đưa ra các kết luận: Mức độ tự kỷ có ảnh hưởng đến hành vi ngôn ngữ; Mỗi trẻ tự kỷ khác nhau thì hành vi ngôn ngữ cũng khác nhau; Hành vi ngôn ngữ có thể hình thành cho trẻ tự kỷ được thông qua rèn luyện và củng cố; Trẻ tự kỷ có kỹ năng yêu cầu và bắt chước tốt là những tiền đề nòng cốt để dạy kỹ năng hành vi ngôn ngữ.

    9. Kết luận và khuyến nghị


    Trẻ tự kỷ có khả năng hòa nhập tốt nếu trẻ có hành vi ngôn ngữ tốt, do vậy nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị trong việc can thiệp hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ về giáo dục, những điều cần thiết khi can thiệp hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, những chú ý về môi trường học tập và phát triển kĩ năng vui chơi. Bên cạnh đó nhóm cũng đề xuất cần thông qua các buổi tập huấn để giúp giáo viên, cha mẹ hiểu về tầm quan trọng của việc dạy hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ để giúp trẻ tự kỷ có khả năng hòa nhập cộng đồng ngay từ lứa tuổi mầm non.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...