Thạc Sĩ Nghiên cứu đối chiếu tính thời gian trong tiếng Việt và tiếng Pháp: Áp dụng phương pháp tiếp cận ngữ

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 15/6/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Thông tin vỀ luẬn án tiẾn sĩ

    1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Đức Nam
    2. Giới tính: Nam
    3. Ngày sinh: 10/10/1976
    4. Nơi sinh: Hà Nội
    5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 943/QD-BGD ĐT ngày 16/02/2009
    6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Kéo dài năm 2014.
    7. Tên đề tài luận án
    Nghiên cứu đối chiếu tính thời gian trong tiếng Việt và tiếng Pháp: Áp dụng phương pháp tiếp cận ngữ dụng-ngữ nghĩa học.
    8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Pháp
    9. Mã số chuyên ngành: 62 22 02 03
    10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Văn Đại
    11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án (đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, luận điểm mới về khoa học và thực tiễn của luận án):
    Phương pháp nghiên cứu
    Phương pháp nghiên cứu áp dụng trong luận án này là phương pháp đối chiếu. Phạm vi nghiên cứu là các giá trị thời thể trong tiếng Việt và trong tiếng Pháp. Đối tượng nghiên cứu là các hình thái động từ ở thức tự thuật (indicatif) trong tiếng Pháp và các phó từ tương đương đã, đang, sẽ trong tiếng Việt. Đây là các phương tiện biểu đạt thời và thể điển hình trong hai ngôn ngữ.
    Nghiên cứu đối chiếu tập trung chủ yếu ở phạm vi phát ngôn (énoncé) và được thực hiện theo hai chiều Pháp- Việt và Việt Pháp. Các kết quả đối chiếu được so sánh kiểm chứng thông qua việc phân tích các cơ sở dữ liệu song ngữ, thu thập từ các truyện ngắn nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Việt và các bản dịch. Đó là tác phẩm Le petit Prince (Hoàng tử nhỏ) của Antoine De Saint-Exupéry (1943), La parure (Sợi dậy chuyền kim cương) của Maupassant (1884), Lời thề đêm trăng (le serment au clair lune) của Trầm Hương (1997)và Chí Phèo của Nam Cao (1941).
    Ngoài ra, các hình thái động từ trong tiếng Pháp và hình thức biểu hiện tương đương trong tiếng Việt được phân tích theo phương pháp tiếp cận dụng học-ngữ nghĩa học (pragmatico- sémantique). Các phương tiện biểu đạt giá trị ngữ nghĩa sẽ được phân tích trong mối quan hệ tương tác giữa ngữ nghĩa và các thông tin ngữ cảnh của phát ngôn.
    Kết quả đối chiếu
    Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng một hình thái động từ ở thức tự thuật tiếng Pháp có nhiều giá trị về thời thể và có thể dùng để biểu đạt nhiều ý nghĩa thời gian khác nhau. Việc xác định giá trị thời, thể cũng như ý nghĩa thời gian của một hình thái động từ của một phát ngôn phải được thực hiện trên cơ sở xác định mối quan hệ tương tác với các thông tin ngữ dụng mà chủ yếu là các thông tin liên quan đến ngữ cảnh của phát ngôn. Đối với tiếng Việt, phần lớn các phó từ biểu đạt các giá trị thể (ngoại trừ trường hợp sẽ) và có thể biểu đạt những ý nghĩa thời gian khác nhau. Do đó việc xác định ý nghĩa thời gian của một phát ngôn phải dựa trên cơ sở các thông tin ngữ dụng. Một điểm khác cần lưu ý là trong tiếng Việt, việc sử dụng các phó từ chỉ thời gian không mang tính bắt buộc (đây là các phương tiện biểu đạt thuộc nhóm từ vựng) do đó các thông tin mang tính ngữ dụng càng trở nên quan trọng đối với việc xác định ý nghĩa thời, thể nói riêng và ý nghĩa thời gian nói chung.
    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các hình thái động từ trong tiếng Pháp và các phó từ tương đương trong tiếng Việt, chúng tôi thấy sự tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ này như sau. Trước hết, về phương tiện biểu đạt, trong tiếng Pháp, ý nghĩa thời thể được biểu đạt bằng các phương tiện ngữ pháp là các hình thái động từ. Việc sử dụng hình thái động từ là bắt buộc đối với mỗi phát ngôn. Ngược lại trong tiếng Việt, các phương tiên ngôn ngữ biểu đạt ý nghĩa thời gian được sử dụng một cách tùy thuộc. Điểm khác biệt thứ hai là tiếng Việt không có phương tiện ngữ pháp chuyên biệt biểu hiện thời. Các thông tin về thời được suy đoán từ ngữ cảnh. Hơn nữa, tiếng Việt không phân biệt các thời mang tính tuyệt đối hoặc tương đối như trong tiếng Pháp hoặc các ngôn ngữ biến hình khác.
    Liên quan đến yếu tố thể, tiếng Pháp sử dụng các hình thái động từ để biểu đạt nhiều ý nghĩa thể khác nhau. Trong tiếng Việt, các phó từ, ví dụ đã đang, biểu hiện ý nghĩa thể hoàn thànhtiếp diễn là chủ yếu. Các nét đa dạng khác về thể trong tiếng Việt được thể hiện thông qua các phương tiện từ vựng hoặc được xác định trên cơ sở các thông tin ngữ dụng.
    Các kết quả phân tích định lượng nguồn ngữ liệu song ngữ của chúng tôi khẳng định những kết luận nêu trên.
    12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
    Các kết quả của luận án là tiền đề cho những công trình nghiên cứu tiếp theo về tính thời gian trong tiếng Việt và tiếng Pháp và có thể áp dụng vào giảng dạy ngoại ngữ
    Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cũng là một thử nghiệm trong việc kết hợp yếu tố ngữ nghĩa và ngữ dụng học để phân tích dữ liệu ngôn ngữ.
    13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo
    Xét về mặt đối tượng nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của chúng tôi có thể mở rộng sang một số thức động từ khác trong tiếng Pháp và đối chiếu với tiếng Việt như thức điều kiện (conditionnel), thức chủ quan (subjonctif). Ở góc độ khác, sự vắng mặt của các phó từ biểu đạt tính thời thể trong phát ngôn tiếng Việt cũng là một hướng nghiên cứu khác rất lý thú.
    Xét về mặt bình diện nghiên cứu, phần lớn các phân tích về hình thái động từ tiếng Pháp và các phó từ tiếng Việt được thực hiện trên bình diện phát ngôn và từ góc độ tương tác giữa các giá trị ngữ nghĩa và giá trị ngữ dụng học. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy để phân tích sâu hơn, đặc biệt để làm sáng tỏ vai trò của yếu tố ngữ dụng học trong việc biểu hiện thời thể, cần phải mở rộng bình diện nghiên cứu trên phạm vi phần đoạn hoặc toàn văn bản. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiếng Việt, ngôn ngữ sử dụng nhiều phát ngôn không có phó từ chỉ thời thể hoặc các trạng ngữ chỉ thời gian.
    14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án
    1. NGUYỄN Đức Nam, (Phan Thị Tình chủ nhiệm đề tài, Nguyễn Thị Ổn, Pham Quang Trường, Nguyễn Đức Nam phối hợp thực hiện) So sánh đối chiếu mệnh đề phụ trong tiếng Việt và tiếng Pháp- Mệnh đề phụ chỉ thời gian (Etudes contrastive des propositions subordonnées en français et en vietnamien- propositions subordonnées temporelles), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 2001, Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số : QN. 01.10
    2. NGUYỄN Đức Nam, “Phân tích quan hệ thời thể trong tiếng Việt theo quan điểm ngữ nghĩa- ngữ dụng học”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ , số 36, 2013, Trường Đại học Hà Nội. tr.46-57
    3. Nguyễn Đức Nam, “Về chức năng phó từ “đã” trong tiếng Việt”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ , số 38, 2013 Trường Đại học Hà Nội. tr 49-60
    Ngày 23 tháng 03 năm 2014
    Nghiên cứu sinh

    Đã ký
    Nguyễn Đức Nam
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...