Thạc Sĩ Nghiên cứu địa danh phú yên

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài
    1.1. Địa danh là một bộ phận đặc biệt của từ vựng, là đối tượng nghiên cứu của danh xưng học thuộc từ vựng, có nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Địa danh là những danh từ, danh ngữ tuân theo những phương thức cấu tạo từ, cấu tạo ngữ trong tiếng Việt.
    Địa danh không chỉ là đối tượng nghiên cứu riêng của ngôn ngữ học mà còn là đối tượng của nhiều khoa học khác như sử học, địa lý học, văn học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học.
    Việc nghiên cứu địa danh cần sự phối hợp của nhiều ngành khoa học, trong đó ngôn ngữ học có vai trò trung tâm.
    Nghiên cứu địa danh là một trong những lĩnh vực quan trọng, mới mẻ và cần thiết trong ngôn ngữ học.
    Nghiên cứu địa danh sẽ góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm, những quy luật nội tại của địa danh, góp phần nghiên cứu ngôn ngữ một vùng miền. Mặt khác, việc nghiên cứu địa danh còn góp phần làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và văn hoá, lịch sử một vùng đất. Đề tài nghiên cứu hướng đến đặc điểm cấu tạo, phương thức định danh, ý nghĩa của các yếu tố cũng như những quy luật biến đổi trong sự tương tác với văn hoá của địa danh Phú Yên.
    1.2. Nghiên cứu địa danh Phú Yên trong những mối quan hệ liên quan sẽ phác thảo những nét khái quát về cơ cấu và sự giao thoa giữa các yếu tố có ảnh hưởng lẫn nhau trên vùng đất Phú Yên qua bề dày lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại. Nghiên cứu địa danh là một trong những hướng đi của ngôn ngữ học góp phần nghiên cứu văn hoá một vùng lãnh thổ. Đó cũng là một trong những nội dung đang được quan tâm về bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
    1.3. Nghiên cứu địa danh Phú Yên để lý giải một cách khoa học về nguồn gốc và ý nghĩa địa danh sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn các đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt nói chung và của phương ngữ Phú Yên nói riêng, được phản ánh qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
    2. Mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ nghiên cứu
    2.1. Mục đích, ý nghĩa
    - Khảo sát và phân tích những yếu tố liên quan đến đặc điểm của địa danh Phú Yên (về mặt cấu tạo, phương thức định danh cũng như những đặc trưng văn hoá qua mối quan hệ giữa địa danh với lịch sử, địa lý, phương ngữ, hiện tượng tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Chăm cùng các ngôn ngữ của những dân tộc anh em cư trú lâu đời trên địa bàn )
    - Nghiên cứu địa danh Phú Yên sẽ góp phần tìm hiểu về địa lý, lịch sử, văn hoá của một vùng đất; soi sáng một số vấn đề về phương ngữ miền Trung nói riêng, tiếng Việt nói chung. Việc nghiên cứu địa danh còn góp phần làm sáng tỏ quá trình biến đổi lịch sử, chính trị của một vùng đất, hình thành tài liệu có tính chất công cụ để tra cứu về địa lý, văn hoá, lịch sử của tỉnh Phú Yên; cung cấp tài liệu tham khảo cho chính quyền và công chúng địa phương khi đặt tên những địa danh mới cũng như hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội, làm tài liệu quảng bá cho tỉnh Phú Yên. Đề tài cũng góp phần cung cấp thêm thông tin cho nhiều đối tượng hoạt động trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khi nghiên cứu về Phú Yên. Nghiên cứu địa danh Phú Yên góp phần cung cấp tư liệu phục vụ chương trình phát triển du lịch địa phương (quy hoạch du lịch, hướng dẫn và thuyết minh tham quan du lịch). Mặt khác, đề tài còn phục vụ đắc lực công tác quản lý, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích văn hoá - lịch sử, phát huy giá trị văn hoá lịch sử của các địa danh trong giáo dục truyền thống.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
    - Nghiên cứu các vấn đề lý luận về địa danh và liên quan đến quá trình nghiên cứu địa danh.
    - Điền dã, khảo sát thực tế các địa danh tồn tại trên địa bàn Phú Yên để thu thập tư liệu các thông số thông tin của từng địa danh.
    - Thống kê, miêu tả, phân tích cứ liệu để rút ra nhận xét về mặt cấu tạo, phương thức định danh, nguồn gốc ngôn ngữ và ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo địa danh Phú Yên. Trên cơ sở đó khái quát về sự tương tác giữa ngôn ngữ với văn hoá, lịch sử.
    3. Lịch sử nghiên cứu
    Bộ môn Địa danh học ra đời từ thế kỷ XIX ở các nước Phương Tây. Ở Việt Nam, địa danh nói chung cũng như địa danh Phú Yên nói riêng được đề cập đến trong các công trình về lịch sử, địa lý, địa chí khá xưa như Dư địa chí của Nguyễn Trãi; Ô Châu cận lục của Dương Văn An; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn Sau này, một số công trình nghiên cứu về địa danh cũng đã ra đời như Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX của Dương Thị The và Phạm Thị Thoa; Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh Các giai đoạn tiếp theo, địa danh được nghiên cứu với tư cách là đối tượng của địa danh học (một bộ phận phân ngành của ngôn ngữ học) được hình thành và phát triển với nhiều thành tựu trong những năm gần đây với một số công trình tiêu biểu như Địa danh thành phố Hồ Chí Minh của Lê Trung Hoa, Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh, Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới hành chính 1945 - 1997 của Nguyễn Quang Ân, Lược sử nguồn gốc địa danh Nam bộ của Bùi Đức Tịnh. Địa danh thành phố Đà Nẵng, Địa danh tỉnh Quảng Bình của Hoàng Tất Thắng, Nghiên cứu địa danh Quảng Trị của Từ Thu Mai
    Ở Phú Yên, các tài liệu về lịch sử, địa lý, địa chí xưa và nay có đề cập đến một số địa danh (tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, công trình kiến trúc ). Đặc biệt, Địa bạ Phú Yên được xác lập năm Gia Long thứ 15 (1816) đề cập khá đầy đủ đến các địa danh hành chính của Phú Yên xưa. Tuy nhiên, cho đến nay, tại Phú Yên chưa có một công trình nghiên cứu một cách có hệ thống và chi tiết về địa danh, đặc biệt là với tư cách địa danh học.

    4. Đối tượng và nội dung nghiên cứu:
    4.1. Đối tượng nghiên cứu:
    Địa danh là những từ hoặc ngữ cố định, được dùng làm tên riêng của địa hình tự nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ.
    Phạm vi luận văn xác định bốn nhóm địa danh để nghiên cứu như sau:
    - Địa danh hành chính như Phú Yên, Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu
    - Địa danh vùng (tên xóm, làng, vùng) như Đồng Cọ, Xóm Lẫm, Xóm Soi, Xuân Đài
    - Địa danh công trình xây dựng (tên tháp, thành, đình, chùa, đền, miếu, đập, cầu cống ) như tháp Nhạn, thành Hồ, thành An Thổ, đình Phú Câu, chùa Đá Trắng, đền thờ Lương Văn Chánh, miếu Công Thần, đập Đồng Cam, cầu Đà Rằng, cống Rù Rì v.v
    - Địa danh địa hình tự nhiên (tên sông, núi, gò, đồi, đèo dốc, đầm, vũng, vịnh ) như sông Ba, sông Bàn Thạch, núi Đá Bia, núi Chóp Chài, gò Thị Thùng, đồi Động Bằng, đèo Cả, đèo Quán Cau, dốc Gò Sân, đầm Ô Loan, vũng Lấm, vịnh Hoà
    4.2. Nội dung nghiên cứu:
    Nêu đặc điểm của địa danh Phú Yên về cấu tạo, phương thức định danh, ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên địa danh và những đặc trưng văn hoá của địa danh.
    5. Đóng góp mới của luận văn
    5.1. Miêu tả bức tranh toàn cảnh về những đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của địa danh Phú Yên. Bước đầu xác định sự tác động, ảnh hưởng của các phương thức định danh trong mối quan hệ với những đặc điểm về ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên địa danh ở Phú Yên. Luận văn góp phần bổ sung thêm cho lý luận nghiên cứu địa danh vùng Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam ở một vùng đất cụ thể.
    5.2. Cố gắng làm sáng tỏ thêm bản chất của địa danh thông qua đặc trưng văn hoá, lịch sử của nó, góp phần làm rõ sự tiếp xúc ngôn ngữ trên các bình diện ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp được thể hiện qua địa danh.
    6. Phạm vi nghiên cứu và thu thập tư liệu:
    6.1. Xuất phát từ đặc trưng của địa danh học là một bộ môn của ngành ngôn ngữ học nên đề tài này được nghiên cứu từ góc độ ngôn ngữ học, trên quan điểm ngôn ngữ học.
    Đề tài tập trung khảo sát đặc điểm của địa danh cả về hình thức cấu tạo và nội dung, ý nghĩa của địa danh. Trong chừng mực cho phép, đề tài còn khảo sát sự biến đổi của địa danh, nguồn gốc của địa danh.
    Đề tài tập trung khảo sát và thu thập tư liệu ở 9 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên. Quá trình thu thập tư liệu, khảo sát địa danh, đề tài tập trung chủ yếu vào bốn loại địa danh vùng, địa danh hành chính, địa danh công trình xây dựng, địa danh tự nhiên.
    Riêng phần địa danh công trình xây dựng, đề tài không thể hiện hệ thống tên đường, khách sạn bởi bộ phận địa danh này hoàn toàn mới, ít có liên hệ với lịch sử, văn hoá, địa lý của vùng đất Phú Yên.
    6.2. Qua ghi chép điền dã, số lượng địa danh thu thập được sẽ thống kê, phân loại, xử lý, tổng hợp thành sơ đồ, biểu bảng phục vụ cho mục đích và nội dung nghiên cứu của luận văn.
    6.3. Ngoài tư liệu điền dã, đề tài tham khảo các thư tịch cổ có liên quan đến địa danh Phú Yên, tư liệu lưu trữ ở Trung ương và địa phương bản đồ các loại của tỉnh Phú Yên từ thế kỷ XVII đến nay; các tài liệu về địa bạ, địa chí Phú Yên đã xuất bản, các bài viết có liên quan đến đề tài địa danh Phú Yên; tư liệu gia phả các dòng họ sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh.
    7. Phương pháp nghiên cứu:
    7.1. Địa danh được cấu tạo bởi những đơn vị ngôn ngữ. Do đó, vấn đề nghiên cứu địa danh là một trong những nhiệm vụ của ngành ngôn ngữ học. Vận dụng kiến thức và phương pháp nghiên cứu từ vựng học nói chung, nghiên cứu địa danh học nói riêng để thu thập và xử lý thông tin. Ngoài những phương pháp nghiên cứu chung, luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp qui nạp. Trên cơ sở các cứ liệu cụ thể, có sự miêu tả, nhận xét và rút ra kết luận mang tính khái quát.
    7.2. Để việc nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học và có hệ thống, đề tài cần vận dụng các phương pháp cụ thể sau đây:
    - Phương pháp điền dã
    - Phương pháp thống kê, phân loại, miêu tả, phân tích
    - Phương pháp hệ thống.
    7.3. Các bước tiến hành:
    - Thu thập tài liệu (qua điền dã, khảo sát, tra cứu )
    - Thống kê, phân loại.
    - Phân tích, mô tả đặc điểm hình thức và ngữ nghĩa của địa danh; đối chiếu với những đặc điểm về văn hóa, lịch sử, xã hội, địa lý .
    - Khái quát hóa bức tranh toàn cảnh về những đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của địa danh Phú Yên.
    Trên cơ sở đó, rút ra những nhận xét về sự tác động, ảnh hưởng của các phương thức định danh trong mối quan hệ với những đặc điểm về ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên địa danh.
    - Quan tâm đến những đặc điểm lịch sử, văn hóa vùng đất Phú Yên trong việc tác động đến đặc điểm cấu tạo địa danh.
    - Các đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của phương ngữ Phú Yên trong quá trình giải mã về nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh.
    - Trên cơ sở tiếp cận các hình thức cổ nhất của địa danh trong khả năng tư liệu hiện có, tiến hành khảo sát đặc điểm về nguồn gốc và sự biến đổi của địa danh.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO


    1. Dương Văn An (1971), Ô Châu cận lục, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    2. Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    3. Ph. Ăng ghen (1962), Phương ngữ Franconie, trong “Mac, Ăng-ghen, Lê Nin bàn về ngôn ngữ”, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội .
    4. Trần Huyền Ân (2004), Phú Yên miền đất ước vọng, Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh.
    5. Nguyễn Văn Âu (2002), Một số vấn đề về Địa danh học Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
    6. Nguyễn Đình Cầm – Trần Sĩ (1938), Địa dư chí Phú Yên, Nha Học Chính Trung Phần.
    7. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội
    8. Hoàng Thị Châu (1989), Tiếng Việt trên các miền đất nước (phương ngữ học), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    9. Nguyễn Đình Chúc (2001), Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hà Nội.
    10. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Phú Yên (1959), Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
    11. Đại Việt sử ký toàn thư, tập III (1998), (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích,Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    12. Đảng bộ tỉnh Phú Yên (1995), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Tỉnh ủy Phú Yên.
    13. Đảng bộ huyện Đồng Xuân (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Xuân, Huyện ủy Đồng Xuân.
    14. Đảng bộ huyện Sông Cầu (2001), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Cầu 1930 – 1975, Huyện ủy Sông Cầu.
    15. Đảng bộ huyện Sông Hinh (2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Sông Hinh, Huyện ủy Sông Hinh.
    16. Đảng bộ huyện Sơn Hòa (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Hòa 1930 – 1975, Huyện ủy Sơn Hòa.
    17. Đảng bộ huyện Tuy An (1997), Tuy An những chặng đường lịch sử, Huyện ủy Tuy An.
    18. Đảng bộ huyện Tuy Hòa (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1930 – 1975, Huyện ủy Tuy Hòa.
    19. Đảng bộ thị xã Tuy Hòa (1996), Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuy Hòa 1930 – 1945, Thị ủy Tuy Hòa.
    20. Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Phú Yên,
    Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
    21. Lê Quý Đôn (1991), Phủ biên tạp lục, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội,
    22. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp.
    23. Nguyễn Hữu Hiếu (2003),Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thiết, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    24. Lê Trung Hoa (1991) , Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (Địa danh thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, (tái bản 2003)
    24. Thái Văn Kiểm (1960), Đất Việt trời Nam, Nhà xuất bản Nguồn Sống,
    Sài Gòn.
    25. Laborde ( 1929)La province de Phú Yên, BAVH.
    26. Hồ Lê (1976),Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại, Nhà xuất bảnKhoa học xã hội, Hà Nội.
    27. Nguyễn Quốc Lộc – Vũ Thị Việt (1990), Các dân tộc thiểu số ở Phú Yên, Sở Văn hóa và thông tin.
    28. Nhiều tác giả (2003), Nam Trung bộ – đất và người, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
    29. Nhiều tác giả (1997) So.å tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung bộ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
    30. Hoàng Phê (chủ biên) (1988), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    31. Nguyễn Hữu Quỳnh (1999), Tiếng Việt hiện đại, Trung tâm biên soạn từ điển. Bách khoa Việt Nam, Hà Nội.
    32. Trần Thanh Tâm (1976), “Thử bàn về địa danh Việt Nam”, Nghiên cứu lịch sử (số 3) tr 60-73. (số 4) tr 63-68.
    33. Bùi Tân ( 2004), Địa danh huyện Đồng Xuân (Lịch sử – truyền thuyết), Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Xuân.
    34. Tạp chí Xưa và nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chuyên đề về Phú Yên tháng 01-2002 và tháng 4-2003.
    35. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa (dịch và biên soạn) (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    36. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
    37. Đoàn Thiện Thuật (1977), Ngữ âm tiếng Việt, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
    38. Bùi Đức Tịnh (1999), Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Nhà xuất bản văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
    39. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
    40. Trần Quốc Vượng (2005), Nam Trung bộ dưới cái nhìn địa văn hóa – dân gian (trong tập tìm hiểu đặc trưng văn hóa văn nghệ dân gian Nam trung bộ), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
    41. Hoàng Tất Thắng (2001), Địa danh thành phố Đà Nẵng, đề tài khoa học cấp bộ mã số B99-07-46, Đại học Huế.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...