Nghiên cứu đánh giá quốc gia về kết quả học tập của học sinh phổ thông

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: B2009 - 37 – 78 (Đề tài cấp Bộ)
    Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống
    Các thành viên tham gia: TS. Phan Thị Luyến
    PGS. TS. Nguyễn Tuyết Nga
    TS. Nguyễn Thị Hồng Vân
    ThS. Lê Thị Mỹ Hà
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 08 năm 2009 / tháng 08 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, để bảo đảm công bằng xã hội và cạnh tranh quốc tế, việc các quốc gia công khai kết quả đánh giá chất lượng học tập của HS lại càng trở nên cấp bách hơn.

    Đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông lâu nay đã được tiến hành nhưng chất lượng của những đánh giá ấy như thế nào? Tính khách quan và độ tin cậy của các kết quả đánh giá đến đâu? Theo UNESCO, để đánh giá chất lượng giáo dục phải dựa trên 4 yếu tố: mục tiêu, giá trị, tầm nhìn, kĩ năng. Ở Việt Nam chưa có đánh giá đầy đủ, tin cậy cao về chất lượng giáo dục theo các yêu cầu trên. Hơn nữa ở Việt Nam, phần lớn các kỳ thi đều thuộc đánh giá công, không phải là đánh giá quốc gia.

    Để đáp ứng được các đòi hỏi của thực tiễn xã hội; để thực hiện được nhiệm vụ mà các giải pháp mà Dự thảo Chiến lược giáo dục 2011-2020 đã nêu trên, cần nhanh chóng triển khai nghiên cứu để thống nhất và hoàn thiện một số vấn đề cơ bản về đánh giá quốc gia kết quả học tập (KQHT); tập trung nghiên cứu và đề xuất một mô hình đánh giá quốc gia tương ứng. Nghiên cứu và giải quyết tốt những vấn đề vừa nêu, đề tài sẽ đáp ứng những đòi hỏi trước mắt, vừa đặt nền móng lâu dài cho việc nghiên cứu đánh giá quốc gia để trong những năm tới Việt Nam thực hiện các chương trình đánh giá quốc gia và tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA hoặc có thể tham gia chương trình đánh giá quốc tế khác.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    - Bước đầu tổng hợp và phân tích nhằm hệ thống hóa cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu Đánh giá quốc gia về kết quả học tập của học sinh phổ thông nhằm tiếp cận và hội nhập với yêu cầu của đánh giá quốc tế.

    - Nghiên cứu và đề xuất mô hình Đánh giá quốc gia về kết quả học tập của học sinh phổ thông Việt Nam.

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Hệ thống hóa một số khái niệm liên quan tới đánh giá và đánh giá quốc gia.

    - Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đánh giá quốc gia KQHT để rút kinh nghiệm, học hỏi, vận dụng vào Việt Nam.

    - Đề xuất mô hình đánh giá quốc gia cho Việt Nam.

    - Xem xét và đánh giá các đợt khảo sát quốc gia của Việt Nam trong những năm gần đây theo tiêu chí đánh giá quốc gia của quốc tế để hoàn thiện thành các kì đánh giá quốc gia chuẩn mực.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Học sinh các trường phổ thông.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu lí luận; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp so sánh giáo dục; Phương pháp hồi cứu tư liệu; Phương pháp khảo sát.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 phần

    Phần 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về đánh giá quốc gia
    1.1. Quan niệm về đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh
    1.2. Cơ sở của việc đề xuất đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh
    1.3. Thực trạng đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh phổ thông Việt Nam trong những năm gần đây

    Phần 2. Đề xuất định hướng đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh Việt Nam
    2.1. Những đề xuất về đổi mới đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh theo hướng hội nhập quốc tế
    2.2. Giới thiệu và đề xuất một số hình thức đề cho kỳ đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh phổ thông

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã xây dựng cơ sở lý luận về đánh giá quốc gia, hệ thống hóa các khái niệm về đánh giá và đánh giá quốc gia, đề xuất các định hướng lớn về mô hình ĐGQG KQHT của học sinh phổ thông trong nhà trường Việt Nam, minh họa ĐGQG qua một môn học cụ thể.

    Về thực tiễn, đề tài đánh giá thực trạng các đợt khảo sát đánh giá chất lượng giáo dục nhà trường Việt Nam từ năm 2000 đến nay, làm chỗ dựa cho các đợt khảo sát đánh giá chất lượng giáo dục trong thời gian tới nhằm đáp ứng đúng yêu cầu và tính chất của ĐGQG theo hướng hội nhập quốc tế.

    Lần đầu tiên, một số vấn đề cơ bản và thiết yếu về vấn đề ĐGQG được tập trung nghiên cứu có hệ thống thể hiện tính mới và sáng tạo của đề tài, cụ thể như sau: 1/ Phân tích và làm nổi bật tính cấp thiết của vấn đề cần nghiên cứu ĐGQG; 2/ Nghiên cứu tổng quan tình hình nghiên cứu về ĐGQG kết quả học tập của học sinh phổ thông quốc tế và Việt Nam; 3/ Giới thiệu quan niệm về đánh giá và đánh giá quốc gia, phân biệt ĐGQG với các hình thức đánh giá khác trong giáo dục nhà trường; 4/ Tổng kết và hệ thống hóa một số khái niệm liên quan đến đánh giá và ĐGQG; 5/ Đề xuất những định hướng về mô hình ĐGQG về kết quả học tập của HSPT; 6/ Minh họa ĐGQG (ma trận nội dung và đề thi) qua một môn học cụ thể.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh cho thấy trình độ phát triển của giáo dục của một đất nước. Nó có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt, bởi hệ thống giáo dục cũng như một cơ thể con người, rất cần có những đợt khám bệnh định kì và nghiêm túc để phát hiện và chữa chạy kịp thời nhất là đối với những căn bệnh hiểm nghèo. Với quan niệm mang tính quốc tế, để đáp ứng được các đòi hỏi của thực tiễn xã hội; để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp mà dự thảo Chiến lược giáo dục 2011-2020 đã đề ra, đề tài đã tiến hành nghiên cứu và giải quyết được một số vấn đề cơ bản về đánh giá quốc gia, vừa đáp ứng những đòi hỏi trước mắt, vừa đặt nền móng lâu dài cho việc nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

    Qua tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đánh giá của Việt Nam, đề tài đã xác định và giới thuyết mục đích cũng như các đặc trưng của đánh giá quốc gia để có một cách hiểu đũng về loại hình đánh giá này; phân biệt nó với các loại hình đánh giá khác trong giáo dục, nhất là kì thi công mang tính chất quốc gia.

    Có rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ khi tiến hành tổ chức đánh giá quốc gia về kết quả học tập của học sinh Việt Nam. Dựa vào kinh nghiệm quốc tế, đề tài đã nêu lên và giải quyết một số vấn đề nhằm giúp cho việc thực hiện đánh giá quốc gia thành công và có hiệu quả cao.

    Bước đầu, đề tài đã nghiên cứu đề xuất được mô hình đánh giá quốc gia cho Việt Nam. Mô hình phải nêu rõ các thành tố cơ bản: mục tiêu, đối tượng, nội dung, chu kì, phạm vi, quy trình tiến hành, công cụ và phương tiện ĐGQG.

    Khuyến nghị

    Cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu các vấn đề then chốt nhất của khoa học đánh giá nói chung và đánh giá quốc gia, quốc tế nói riêng. Đặc biệt là đối chiếu các kết quả nghiên cứu về đánh giá quốc gia với thực tiễn các đợt khảo sát. Có hai vấn đề cơ bản cần chú ý xem xét và điều chỉnh: chất lượng của các công cụ và quy trình thực hiện và sử dụng kết quả ĐGQG.

    Từ khóa: 1/ Đánh giá quốc gia; 2/ Kết quả học tập.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...