Thạc Sĩ Nghiên cứu đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đô

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 29/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: Nghiên cứu đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông – đoạn chảy qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An

    MỞ ĐẦU
    1.Tính cần thiết của Luận án
    Sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ) có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh Long An và huyện Bến Lức, cần được bảo vệ an toàn cho mục tiêu phát triển lâu bền. Song, việc bảo vệ dòng sông VCĐ chưa được quan tâm đúng mức, công tác quản lý LVS còn nhiều hạn chế, nhân lực, phương tiện thiếu thốn, dữ liệu quản lý nghèo nàn và thiếu các giải pháp quản lý phù hợp. Do đó, Đề tài luận án tiến sỹ: “Nghiên cứu đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông – đoạn chảy qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An“ rất cần thiết để giải quyết những vấn đề bức xúc nêu trên.
    2. Mục tiêu nghiên cứu của Luận án
    - Mục tiêu tổng quát: Đề xuất các giải pháp quản lý thống nhất và tổng hợp bảo vệ chất lượng nước sông VCĐ, trên cơ sở đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, dự báo tải lượng ô nhiễm, diễn biến chất lượng, khả năng chịu tải của đoạn sông VCĐ chảy qua huyện Bến Lức đến năm 2020.
    - Mục tiêu cụ thể: Đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông VCĐ; Xác định nguồn thải và tải lượng ô nhiễm của nguồn thải chính; Đánh giá, dự báo khả năng chịu tải của sông VCĐ đến năm 2020; Xác định tồn tại, yếu kém và rút ra bài học kinh nghiệm từ quản lý chất lượng nước sông; Đề xuất mô hình quản lý thống nhất và tổng hợp bảo vệ chất lượng nước sông VCĐ đến năm 2020 và xa hơn nữa.
    3. Nội dung và phạm vi nghiên cứu của Luận án
    Nội dung nghiên cứu: (1) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tại vùng nghiên cứu - đoạn sông VCĐ chảy qua huyện Bến Lức; (2) Tổng quan các nghiên cứu và mô hình quản lý lưu vực sông trong nước và trên thế giới; (3) Cơ sở lý thuyết về tải lượng ô nhiễm các nguồn thải và khả năng chịu tải của dòng sông; (4) Tính toán tải lượng ô nhiễm và khả năng chịu tải của sông VCĐ- đoạn chảy qua huyện Bến Lức; (5) Đề xuất các giải pháp quản lý thống nhất và tổng hợp bảo vệ chất lượng nước sông VCĐ.
    Phạm vi nghiên cứu: Sông Vàm Cỏ Đông- Đoạn chảy qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
    4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
    - Cách tiếp cận: Tiếp cận toàn diện, hệ thống, thực tiễn và tổng hợp; Tiếp cận hệ thống kinh tế – sinh thái – môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững; Tiếp cận tích hợp thông tin (kỹ thuật viễn thám, bản đồ số và công nghệ GIS); Tiếp cận kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm, tri thức, cơ sở dữ liệu đã có liên quan đến luận án và tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, phù hợp.
    - Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng tổ hợp các phương pháp nghiên cứu chính sau đây: (1) Thu thập, kế thừa và tổng hợp tài liệu; (2) Điều tra, khảo sát thực địa: (3) Giải tích và phân tích thống kê; (4) Mô hình hoá và công nghệ GIS; (5) Xây kịch bản dự báo và phân tích xu hướng; và (6) Kỹ thuật Delphi.
    5. Ý nghĩa khoa học, tính mới và tính thực tiễn
    - Ý nghĩa khoa học: (1) Việc tính toán tải lượng ô nhiễm một số nguồn thải chính, dự báo diễn biến chất lượng nước, khả năng tiếp nhận các nguồn thải của sông, tính toán tải lượng tối đa được phép xả thải, lần đầu tiên được thực hiện bài bản trên LVS VCĐ và là cơ sở khoa học – quản lý quan trọng để các cấp lãnh đạo hoạch định chủ trương, chính sách phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt để kiểm soát tải lượng ô nhiễm cho phép của các nguồn thải từ các nhà máy, K/CCN, thải ra nguồn nước sông VCĐ; (2) Luận án đã nghiên cứu thực nghiệm về hiện trạng, dự báo diễn biến chất lượng nước, tính toán tải lượng ô nhiễm, chỉ số WQI, khả năng chịu tải của nước sông VCĐ đến năm 2020, là bức tranh tổng thể để đánh giá hiệu quả quản lý nước sông VCĐ trong thời gian qua và trong tương lai.
    - Tính mới của luận án: (1) Luận án đã dự báo chất lượng nước sông VCĐ qua việc tính toán chỉ số WQI, khả năng chịu tải của nước sông, làm cơ sở phân vùng và dự báo chất lượng nước, từ đó xác định các nguồn thải chính vào nước sông cần kiểm soát chặt chẽ, và đề xuất các giải pháp quản lý nguồn nước cho từng đoạn sông VCĐ phù hợp với điều kiện thực tế của LVS VCĐ và điều kiện phát triển KT-XH các khu vực có liên quan; (2) Từ thực trạng quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Long An và huyện Bến Lức trong thời gian qua, kết hợp dựa vào tính đặc thù của sông VCĐ - đoạn chảy qua huyện Bến Lức là những yếu tố và nhân tố cần thiết để nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý phù hợp với tính đặc thù của sông VCĐ và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của huyện Bến Lức; (3) Luận án đề xuất mô hình quản lý thống nhất, tổng hợp LVS phù hợp thực tế của địa phương, với một tổ chức điều phối thích hợp, khả thi, với đề xuất quy hoạch bố trí ngành nghề tiếp nhận vào địa bàn huyện Bến Lức, quy hoạch di dời các CSSX gây ô nhiễm nghiêm trọng, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình cần thiết, giúp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm bảo vệ các dòng sông cho mục tiêu phát triển KT-XH bền vững.
    - Tính thực tiễn: (1) Kết quả nghiên cứu của Luận án trước hết góp phần giải quyết một vấn đề bức xúc trong thực tế - là tìm ra cách thức, giải pháp, tổ chức hợp lý để triển khai hiệu quả việc bảo vệ môi trường nước sông VCĐ, kế đến là đáp ứng chủ trương của Trung ương và địa phương trong quản lý và bảo vệ môi trường LVS; (2) Luận án cung cấp thông tin về hiện trạng, mức độ ô nhiễm của từng ngành, thông tin liên quan đến khả năng chịu tải của sông VCĐ, giúp cho cơ quan quản lý có cơ sở để thực thi nhiệm vụ kiểm tra giám sát của mình và các cơ sở công nghiệp thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết tại chỗ; (3) Luận án đưa ra mô hình quản lý LVS phù hợp và khả thi, có thể nhân rộng trong thực tiễn, giúp cho các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch hành động cụ thể bảo vệ chất lượng nước dòng sông VCĐ.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...