Luận Văn Nghiên cứu đặc điểm sinh học loài xén tóc Nadezhdiella cantori (Hope, 1845) hại cây bưởi Thanh trà ở

Thảo luận trong 'Sinh Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    ĐẶT VẤN ĐỀ


    Cây bưởi (Citrus grandis Osbeck) là loài cây ăn quả nhiệt đới đặc sản của nước ta, được trồng phổ biến từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi. Trên đất nước ta từ lâu đã hình thành những vùng trồng bưởi với những giống bưởi nổi tiếng như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi đường Hương Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh), bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), bưởi Thanh trà (Huế), bưởi Biên Hòa (Đồng Nai) và bưởi Năm Roi (Vĩnh Long).
    Bưởi Thanh trà là cây ăn quả đặc sản của Thừa Thiên Huế, tồn tại và phát triển từ lâu đời, không những là biểu trưng của nền văn hóa ẩm thực cố đô Huế mà còn đóng góp một phần kinh tế quan trọng cho nhiều hộ nông dân trồng bưởi trong tỉnh. ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều giống khác nhau như bưởi Thúng, bưởi Cốm, bưởi Tàu và bưởi Thanh trà, trong đó bưởi Thanh trà là cây nổi tiếng nhất. ở Thừa Thiên Huế bưởi Thanh trà được trồng với diện tích khoảng 200 ha, tập trung chủ yếu ở các vùng phù sa được bồi ven các con sông: sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Truồi. Bưởi Thanh trà có thể trồng và phát triển trong khoảng nhiệt độ 13 - 380C, thích hợp nhất là 23 - 290C; là cây ưa sáng và có thể chịu được lượng mưa hàng năm lớn [14].
    Quả Thanh trà chứa nhiều chất dinh dưỡng, thành phần chủ yếu là nước (83 - 88%), đường (5,5 - 8%), acid hữu cơ (0,35 - 3,37%) và giàu vitamin, nhất là vitamin C (khoảng 44mg/100g). Ngoài ra còn có các vitamin A, B1, B2, PP và một số ion khoáng như canxi, photpho, sắt [19]. Thông thường Thanh trà được sử dụng ở dạng quả tươi, nhưng cũng có thể dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp thực phẩm và được chế biến thành nhiều mặt hàng có giá trị như: nước bưởi, mứt bưởi, chè bưởi là những thực phẩm đang trở thành phổ biến ở nhiều địa phương. Trong công nghiệp chế biến người ta còn sử dụng vỏ, hoa và hạt bưởi để chiết tinh dầu sử dụng vào việc chế biến các loại nước hoa, nước gội đầu và các dạng mỹ phẩm khác. Có thể dùng nước ép từ múi bưởi Thanh trà để chữa bệnh tiêu khát (đái tháo); vỏ quả làm thuốc chữa ho và tiêu hoá. Lá bưởi có chứa tinh dầu, được dùng để nấu nước xông chữa nhức đầu, cảm cúm hoặc dùng làm nước gội đầu .
    Tuy nhiên cây bưởi Thanh trà hiện nay đang bị nhiều loài côn trùng phá hại, trong đó nghiêm trọng nhất là loài xén tóc Nadezhdiella cantori (Hope, 1845) thuộc họ Cerambycidae, bộ Coleoptera. Đây là loài có khả năng gây hại lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. ấu trùng loài này phá hại bằng cách đục sâu vào thân và cành cấp I, II, ăn rỗng, khiến cho thân và cành bị gãy và cây bị chết. Trong thời gian cây cho trái cũng là lúc ấu trùng đục mạnh nhất nên tỷ lệ cành và thân bị gãy rất cao, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất mùa màng và giá trị thương phẩm.
    Sự hiểu biết về loài sâu hại này của người trồng bưởi Thanh trà còn ít ỏi. Việc dùng thuốc hoá học trong phòng trừ vừa không có tác dụng diệt ấu trùng của loài này, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khoẻ của người dân. Trong khi đó, các thông tin và nghiên cứu đối tượng này trên cây Bưởi nói chung và bưởi Thanh trà nói riêng ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa có nhiều.
    Đó là lý do để chúng tôi chọn đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học loài xén tóc Nadezhdiella cantori (Hope, 1845) hại cây bưởi Thanh trà ở Thừa Thiên Huế”.
    Đề tài của chúng tôi được tiến hành với mục đích:
    - Cung cấp các dẫn liệu khoa học về đặc điểm hình thái học và sinh học của loài xén tóc hại cây bưởi Thanh trà nhằm xác lập cơ sở khoa học cho việc phòng trừ bằng các biện pháp sinh học để bảo vệ môi trường.
    - Góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân bằng cách bảo vệ tốt cây trồng và chống suy thoái môi trường do lạm dụng thuốc hoá học. Mặt khác làm tăng giá trị thẩm mỹ của vườn Huế, một hướng du lịch sinh thái đang được tỉnh chú ý đặc biệt trong những năm tới.
    Theo mục đích đó, nội dung nghiên cứu của đề tài chủ yếu tập trung vào:
    - Nghiên cứu đặc điểm hình thái học các giai đoạn phát triển cá thể của xén tóc.
    - Nghiên cứu đặc điểm sinh học của các pha phát triển, đặc điểm sinh sản và nuôi sinh học.
    - Điều tra tình hình phá hại của xén tóc ở các vườn trồng bưởi Thanh trà như thời gian xuất hiện, mức độ gây hại.
    - Đề xuất các giải pháp phòng trừ xén tóc gây hại bưởi Thanh trà ở Thừa Thiên Huế.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...