Thạc Sĩ Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của một số nhóm nhập cư đến thành phố Vinh

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 15/9/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ

    1. Phan Xuân Phồn: Vai trò của phương ngữ đối với việc giảng dạy từ ngữ ở trường phổ thông. (Phương ngữ miền Trung- Tiếng Việt IV) (Bài báo đăng tải trên Ngữ học trẻ năm 1998 của Hội ngôn ngữ học Việt Nam, trang từ 71-75).
    2. Phan Xuân Phồn: Vận dụng trò chơi vào trong tiết dạy tiếng Việt cho học sinh cấp tiểu học. trang từ 87-89.(Bài báo đăng tải trên Ngữ học trẻ năm 2000 ).
    3. Phan Xuân Phồn (12/2008), “Phương thức cấu tạo từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh” Tạp chí giáo dục , số 12, tr54-56.
    4. Phan Xuân Phồn (11/2011), “Đặc điểm thanh điệu trong cách phát âm của người Nghi Lộc” Tạp chí giáo dục, số 12 , tr68-70.
    5. Phan Xuân Phồn (12/2012), “Sự du nhập tiếng nói của các cư dân nơi khác vào thành phố Vinh - Bến Thuỷ trước Cách mạng”, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống , số 12, tr31-35.
    6. Phan Xuân Phồn (03/2013), “Về các âm chính ɔ và o trong tiếng tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (Qua khảo sát cư dân thành phố Vinh và các vùng lân cận khác)”,Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống , số 03, tr17-19.




    MỞ ĐẦU
    1. Lý do mục đích chọn đề tài
    1.1. Căn cứ vào lịch sử phát triển của thành phố cũng như vai trò, vị trí của nó trong khu vực, có thể nói Vinh là địa phương đại diện cho sự hội tụ đầy đủ những nét đặc thù nhất của vùng Nghệ An nói riêng và của vùng Bắc Trung Bộ nói chung, trong đó ngôn ngữ cũng không phải là một ngoại lệ.
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong thời kỳ hội nhập, Vinh trở thành trung tâm hội tụ của các cư dân tập trung đến từ nhiều vùng miền khác nhau đến học tập, làm ăn, sinh sống. Điểm này đã làm cho phương ngữ Nghệ Tĩnh nói chung và tiếng Vinh nói riêng không còn giữ được những nét cổ xưa mà ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp.
    1.2. Chuyển cư về các trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, các cộng đồng chuyển cư phải tìm cách thích nghi với môi trường sống mới. Sự thích nghi có lẽ sẽ diễn ra trên nhiều mặt và ngôn ngữ không phải là một ngoại lệ. Sự biến đổi này phản ánh một khuynh hướng tất yếu trong những hành vi xã hội của con người để thích ứng với một môi trường mới.
    1.3. Để hòa nhập vào cộng đồng ngôn từ của cư dân Vinh, dù có ý thức hay không có ý thức về sự biến đổi thì những người nhập cư vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng, thậm chí học theo những hình thái ngôn từ của cư dân Vinh.
    Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của một số nhóm nhập cư từ Nghi Lộc đến thành phố Vinh, nghiên cứu những mặt biểu hiện hoạt động của lời nói. Đề tài đặt ra vấn đề quan sát quá trình biến đổi ngôn từ của cư dân Nghi Lộc về định cư và sinh sống ở Vinh, nhằm chỉ ra xu hướng bảo lưu và biến đổi về mặt lời nói của nhóm chuyển cư do tác động của các nhân tố xã hội.
    2. Lịch sử nghiên cứu
    Nằm trong vùng phương ngữ Trung, một vùng phương ngữ có vị trí quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Bộ mặt phương ngữ Nghệ Tĩnh hiện lên qua những nét khái quát phác thảo trong công trình nghiên cứu: "Tiếng Việt trên mọi miền đất nước" của Hoàng Thị Châu, qua "Một vài nhận xét bước đầu về ngữ âm và ngữ nghĩa từ địa phương Nghệ Tĩnh" của M.B. Emeneau, hay "Thử tìm hiểu giọng nói chung cả nước" của Bùi Văn Nguyên. Gần đây đã có một số công trình đi sâu nghiên cứu sự biến đổi của ngôn ngữ trong thời kỳ hội nhập; Nghiên cứu sự biến đổi và bảo lưu ngôn từ của các cộng đồng cư dân từ các phương ngữ khác đến Hà Nội của tác giả Trịnh Cẩm Lan; Nghiên cứu "Đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Nghệ Tĩnh" của tác giả Nguyễn Hoài Nguyên (luận án TS 2003); Nghiên cứu "Từ và ngữ nghĩa của từ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh" - 2008 của tác giả Hoàng Trọng Canh song nghiên cứu, tìm hiểu sự biến đổi ngôn ngữ của các cư dân nhập cư đến thành phố Vinh cho đến nay chưa có một công trình nào đề cập tới.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là: Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của một số nhóm nhập cư từ Nghi Lộc đến thành phố Vinh.
    Chúng tôi chọn những cư dân huyện này vì: thứ nhất từ góc độ xã hội, cộng đồng cư dân huyện Nghi Lộc là một cộng đồng lớn và có thể nói là lớn nhất so với các cư dân cộng đồng khác ở Vinh. Lý do thứ hai từ góc độ ngôn ngữ, tiếng Nghi Lộc cho tới nay còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ trong các thổ ngữ tiếng Việt, sự khác biệt giữa tiếng Nghi Lộc với tiếng Vinh nói riêng và ngôn ngữ phổ thông nói chung là rất dễ nhận thấy và khá điển hình.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    3.2.1. Nghiên cứu những đặc điểm ngữ âm trong hoạt động nói năng (bảo lưu hay biến đổi) của các nhóm người Nghi Lộc đến cư trú tại Vinh bị những nhân tố xã hội khác nhau chi phối.
    3.2.2. Sự biến đổi ngữ âm đó thể hiện ở các tiểu hệ thống:
    - Hệ thống phụ âm đầu
    - Hệ thống vần cái
    - Hệ thống thanh điệu.
    4. Mục đích nghiên cứu
    4.1. Luận án là sự vận dụng những cơ sở lý thuyết và phương pháp của ngôn ngữ học xã hội để khảo sát sự biến đổi ngôn ngữ, đặc biệt là sự biến đổi về mặt ngữ âm của cộng đồng cư dân Nghi Lộc nhập cư tới thành phố Vinh theo những độ tuổi khác nhau.
    4.2. Kết quả nghiên cứu của luận án là một minh chứng cho quá trình biến đổi, hội tụ và phân ly trong tiếng Việt qua một vùng phương ngữ.
    5. Nhiệm vụ nghiên cứu
    - Hệ thống hóa khung lý thuyết phục vụ cho luận án.
    - Khảo sát các nhân tố xã hội ảnh hưởng đến sự biến đổi ngôn ngữ của một số nhóm nhập cư đến thành phố Vinh.
    - Khảo sát sự biến đổi các yếu tố chiết đoạn (bảo lưu và biến đổi).
    - Khảo sát sự biến đổi các yếu tố siêu đoạn ( bảo lưu và biến đổi).
    - Cộng đồng cư dân Nghi Lộc đến định cư tại Vinh sử dụng các biến thể đó như thế nào trong lời nói? Loại biến thể nào được sử dụng nhiều, loại nào được sử dụng ít
    - Việc sử dụng đó có biến đổi gì so với khi họ chưa du nhập vào địa giới của Vinh? cái gì biến đổi, cái gì còn giữ lại.
    - Việc sử dụng các biến đổi ngôn ngữ có liên quan gì đến biến thể xã hội, đến trình độ văn hoá, tuổi tác, thời gian định cư hay không .?
    - Tiến hành phân tích, đánh giá để xác định mức độ biến đổi, mức độ ảnh hưởng.
    6. Phương pháp nghiên cứu và tư liệu nghiên cứu
    6.1. Phương pháp nghiên cứu
    a, Phương pháp điều tra điền dã
    b, Phương pháp miêu tả
    c, Phương pháp so sánh đối chiếu
    d, Phương pháp phân tích ngữ âm thực nghiệm
    6.2.Tư liệu nghiên cứu
    (1) Thu thập tư liệu các nhân tố xã hội (xem bảng hỏi)
    (2) Thu thập tư liệu nói năng của các nhóm chuyển cư (xem bảng từ)
    (3) Tư liệu ghi âm kín lời nói tự nhiên
    (4)Tư liệu phỏng vấn trực tiếp bao gồm:
    + Tư liệu ghi âm giọng đọc của các CTV đối với các đoạn văn, các bảng từ được thiết kế sẵn theo định hướng điều tra (4 bảng từ ở phần đầu luận án).
    + Tư liệu ghi âm những câu trả lời phỏng vấn trực tiếp theo định hướng điều tra.
    (5) Tư liệu phỏng vấn gián tiếp gồm:
    Để thu được các nguồn tư liệu này, chúng tôi đã chọn được 72 CTV thuộc cộng đồng NGL tại Vinh và 72 người gốc Nghi Lộc, hiện vẫn đang sống ở NGL để làm đối chứng.
    7. Xử lý tư liệu
    a, Tư liệu các nhân tố xã hội bằng phương pháp thống kê, phân loại
    b, Tư liệu ngôn ngữ nói bằng phương pháp phân tích ngữ âm thực nghiệm.
    c, Chương trình phân tích ngữ âm Praat2000:
    d, Màn hình dưới hiển thị đường nét của tần số cở bản (F[SUB]0[/SUB]) được vẽ bằng các đường nét khác nhau.
    e, Nguồn tư liệu từ các máy ghi âm chuyên dụng được nghe đi nghe lại để thẩm nhận âm thanh (đối với những âm vị siêu đoạn tính) và để xác định các biến thể được sử dụng đối với các âm vị đoạn tính.
    f, Tất cả các tư liệu thu được (bao gồm cả tư liệu từ phiếu điều tra) được nhập vào chương trình phần mềm phân tích dữ liệu để xử lý.

    8. Những đóng góp mới của luận án
    8.1. Luận án đã chứng minh được rằng các cư dân khi chuyển vùng phương ngữ thì ngôn từ của họ, qua thời gian, sẽ biến đổi để thích nghi với môi trường mới
    8.2. Luận án sẽ góp phần chứng minh tính đúng đắn trong lý thuyết về biến thể của ngôn ngữ học xã hội, đó là các phương ngữ mạnh hay các yếu tố của phương ngữ mạnh thường có xu hướng lấn át các phương ngữ yếu hay các yếu tố của phương ngữ yếu.
    8.3. Luận án còn góp một phần nhỏ để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay, đó là: cách dùng ngôn từ trong giao tiếp, trong các văn bản, cách phát âm trong nhà trường; cách phát âm, cách đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thổ ngữ Vinh.
    9. Cấu trúc của luận án
    Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án gồm có 3 chương với các nội dung chính sau:
    Chương 1: Những vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài luận án
    Chương 2: Sự biến đổi các yếu tố chiết đoạn của một số nhóm nhập cư từ Nghi Lộc tới thành phố Vinh
    Chương 3: Sự biến đổi các yếu tố siêu đoạn của một số nhóm nhập cư từ Nghi Lộc tới thành phố Vinh
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...