Luận Văn Nghiên cứu chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh của doanh nghiệp

Thảo luận trong 'Quản Trị Kinh Doanh' bắt đầu bởi Mit Barbie, 9/12/11.

  1. Mit Barbie

    Mit Barbie New Member

    Bài viết:
    2,273
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU

    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Sau hơn 20 năm đổi mới, ngành thuỷ sản nước ta đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động nông thôn. Theo tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), suốt giai đoạn 1990 - 2000, thuỷ sản Việt Nam luôn đứng thứ 11 trên thế giới về xuất khẩu thuỷ sản, đến năm 2007 Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới, đứng thứ 5 về sản lượng nuôi trồng thuỷ sản (sau Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin), và đứng thứ 12 về sản lượng khai thác hải sản trên thế giới, được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước [3]. Năm 2009 cả nước đã xuất khẩu được 1,15 triệu tấn sản phẩm thủy sản, đạt giá trị 4,04 tỷ USD chiếm 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, tôm và cá tra, cá basa vẫn là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị tôm là 1,59 tỷ USD chiếm 39,26% và cá tra, cá ba sa là 1,28 tỷ USD chiếm 31,65% [10].
    Đối với công ty CP Nha Trang Seafoods F17, một công ty đã có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản, đứng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh Việt Nam [9], với sản phẩm chủ yếu là tôm thẻ đông lạnh, chiếm 80-90% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty, tương ứng hơn 90% giá trị xuất khẩu giai đoạn 2005-2009. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc. Đặc biệt, trong năm 2008-2009, sản lượng tôm thẻ đông lạnh xuất khẩu của công ty chiếm trên 50% tổng sản lượng tôm thẻ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, và chiếm 20% tổng sản lượng tôm thẻ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường thế giới [10].
    Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay, cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, mục tiêu củng cố và phát triển thị trường của công ty trở nên khó thực hiện. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về VSATTP, trách nhiệm xã hội, nhãn mác sinh thái, quy định IUU về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP, BRC của EU ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sản xuất được những sản phẩm đảm bảo “sạch từ trang trại tới bàn ăn”. Trong khi đó, nghề nuôi tôm của nước ta hiện nay chỉ là mô hình sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, trình độ học vấn có hạn, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật. Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực hiện tốt vấn đề quy hoạch và giám sát chất lượng vùng nuôi. Điều đó, dẫn đến nguồn nguyên liệu đầu vào cung cấp cho doanh nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ cả số lượng và chất lượng, gây nên nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo thông báo số 402/CLTY-CL ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, trong tháng 01 và tháng 02 năm 2007 Việt Nam đã có 15 lô hàng của 13 doanh nghiệp bị cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản cảnh báo do phát hiện dư lượng kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản. Trong đó, công ty NTSF đã phải nhận lại 2 lô hàng bị trả về từ thị trường Nhật Bản do nhiễm kháng sinh và vi sinh, đồng thời Nhật Bản ra lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của công ty trong giai đoạn đó. Sự việc này đã gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín hàng thuỷ sản của công ty và của cả ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
    Trước thực trạng đó cho thấy vấn đề quản lý chất lượng, VSATTP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, chất lượng VSATTP được quyết định bởi toàn bộ các đối tượng trong chuỗi chứ không dừng lại ở phạm vi công ty. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích những hoạt động liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng con tôm thẻ phải bắt đầu từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến thành sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: nhà cung cấp nguyên liệu, đại lý trung gian và công ty NTSF. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài “Nghiên cứu chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh của công ty cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 ” là một vấn đề hết sức cần thiết, nhằm tìm ra những bất cập trong vấn đề quản lý chất lượng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh của toàn chuỗi, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.
    2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
    Liên quan đến đề tài nghiên cứu chuỗi cung ứng, hiên nay đã có rất nhiều đề tài đi sâu vào lĩnh vực này, như: chuỗi cung ứng hạt điều, chuỗi cung ứng rau sạch, chuỗi cung ứng hàng dệt may, chuỗi cung ứng hàng nội thất cao cấp. Tuy nhiên, về lĩnh vực hàng thủy sản nói chung và mặt hàng tôm thẻ nói riêng thì chưa có một đề tài nào nghiên cứu về chuỗi cung ứng. Do đó, đề tài nghiên cứu chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ là một đề tài hoàn toàn mới. Trong quá trình nghiên cứu về đề tài này, tác giả đã tham khảo một số đề tài có liên quan đến lĩnh vực thủy sản như sau:
    - “Phân tích cấu trúc thị trường và kênh marketing: trường hợp cá tra, cá ba sa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long” của tác giả Thái Văn Đại, Lưu Tiến Thuận, Lưu Thanh Đức Hải trong tác phẩm “Cơ sở cho phát triển doanh nghiệp vừa & nhỏ và nông hộ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”, năm 2008, tr126 – 141[8]. Đề tài nghiên cứu, phân tích về cách thức phân phối cá tra, cá basa từ người sản xuất đến người tiêu dùng và đánh giá giá giá trị tăng thêm của các tác nhân tham gia trong kênh marketing.
    - “Tăng cường mối quan hệ nông dân – doanh nhân ở Việt Nam hiện nay” của TH.S Vũ Tiến Dũng, năm 2009 [37]. Đề tài nghiên cứu về mối quan hệ qua lại giữa người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây về nhu cầu và mục tiêu của mỗi bên. Từ đó, tìm ra sự bất đồng và đề xuất những giải pháp nhằm gắn kết mối quan hệ giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.
    - “Công nghiệp hóa ngành nuôi và chế biến cá tra, ba sa ở ĐBSCL – Xu hướng tất yếu” của tác giả Huỳnh Văn [38]. Đề tài này đã phân tích thực trạng sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa hiện nay tại Đồng Bằng Sông Cửu Long và yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đề tài này cho thấy vấn đề công nghiệp hóa ngành nuôi và chế biến cá tra, cá ba sa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là thực sự cần thiết và cấp bách hiện nay đối với ngành cá tra, cá ba sa của Việt Nam.
    - “Người nuôi trồng nông thủy sản mong được hỗ trợ vốn” của tác giả Ngọc Hùng [39]. Tác giả đã phân tích tình hình thực tế của người nông dân nuôi trồng thủy sản về điều kiện sản xuất khó khăn do luôn phải đối mặt với những thay đổi bất thường của thời tiết, nguồn vốn hạn hẹp và những chính sách của cơ quan nhà nước về hỗ trợ vốn cho người nông dân nuôi trồng thủy sản chưa giúp họ được nhiều trong quá trình sản xuất như đối với các hộ nông dân nuôi gia cầm, gia súc.
    Như vậy, đề tài nghiên cứu về chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh của tác giả đi sâu vào nghiên cứu và phân tích vấn đề quản lý chất lượng VSATTP, mối quan hệ giữa các đối tượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng là không bị trùng lắp với các đề tài khác.
    3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
    - Hệ thống hóa luận cơ bản về vấn đề cạnh tranh và chuỗi cung ứng.
    - Phân tích các tác nhân trong chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh tại công ty NTSF.
    - Đánh giá tình hình quản lý của các cơ quan hữu quan trong việc thúc đẩy thực hiện chuỗi cung ứng.
    - Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh tại công ty NTSF.
    - Đề xuất các giải pháp cải tiến chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh tại công ty NTSF.
    4. Ý NGHĨA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
    - Đề tài nghiên cứu giúp công ty NTSF nắm rõ hơn về các tác nhân trong chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh. Từ đó xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức và đề xuất các giải pháp cải tiến chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh tại công ty NTSF.
    - Đề tài nghiên cứu giúp ngành nuôi trồng và chế biến tôm đông lạnh của Việt Nam có cái nhìn tổng thể về chuỗi cung ứng và sự cần thiết tạo lập mối liên kết giữa người nuôi, thương lái, doanh nghiệp và khách hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành.
    5. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    - Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: người nuôi tôm, đại lý trung gian, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trong chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh của công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F17.
    - Phạm vi nghiên cứu: phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến VSATTP của mỗi đối tượng trong chuỗi cung ứng tôm thẻ đông lạnh giai đoạn 2005-2009
    6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    - Phương pháp mô tả: mô tả hoạt động hiện tại của công ty NTSF, hộ nuôi tôm, đại lý trung gian và nhà nhập khẩu.
    - Phương pháp thống kê, phân tích: phân tích chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ đông lạnh của công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F17, từ đó rút ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong chuỗi cung ứng .
    - Phương pháp điều tra: điều tra hộ nuôi, đại lý thu mua, nhà sản xuất về các vấn đề quản lý chất lượng, chi phí – lợi ích kinh tế, phương thức mua bán trong quá trình sản xuất, chế biến thông qua các bảng câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp, gián tiếp qua điện thoại.

    7. BỐ CỤC LUẬN VĂN
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo, mục lục và phụ lục, nội dung chính của đề tài gồm 3 chương như sau:
     Chương 1: Cơ sở lý luận về cạnh tranh và chuỗi cung ứng
     Chương 2: Thực trạng chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh của công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F17.
     Chương 3: Giải pháp cải thiện chuỗi cung ứng mặt hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh của công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F17
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...