Nghiên cứu chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội tại một số trường đại học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2009-20 (Đề tài cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Văn Chiến
    Các thành viên tham gia: CN. Dương Văn Hưng
    ThS. Đinh Thị Bích Loan
    TS. Trần Thị Thái Hà
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 06 năm 2009 / tháng 06 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Chính sách đào tạo nhân lực qua hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở nước ta trong thời gian qua đã và đang có được những thành tựu đáng kể góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Sau hơn 20 năm đổi mới, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta tăng từ 7.6% (1986) lên 30% (2007), tỷ lệ sinh viên, số trường đại học, tỷ lệ tốt nghiệp đại học, tỷ lệ học vị tiến sĩ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn so với tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương với Thái Lan . Mặc dù vậy, cũng cần phải thừa nhận rằng, chất lượng giáo dục đào tạo đại học đang còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Điều này thể hiện ở sản phẩm đào tạo của các nhà trường chưa được xã hội/thị trường lao động thừa nhận. Một trong những nguyên nhân của vấn đề nói trên chính là các chính sách đào tạo ở bậc đại học hiện nay chưa phù hợp và có sự gắn kết với sự phát triển kinh tế xã hội, hoạt động đào tạo không dựa trên phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường lao động. Đó là những cản trở quá trình phát triển. Theo lẽ đó, căn cứ vào khuôn khổ nguồn lực và phạm vi nghiên cứu, vấn đề mà đề tài hướng đến giải quyết là phân tích các chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội của một số trường đại học ở Việt Nam, từ đó khuyến nghị về mặt chính sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đánh giá thực trạng việc triển khai thực hiện một số chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội tại trường đại học, đề xuất một số khuyến nghị về chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Đề tài hướng các nội dung nghiên cứu vào những vấn đề chủ yếu sau:

    - Nghiên cứu một số vấn đề cơ sở lý luận về phân tích chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Làm rõ các khái niệm: chính sách, phân tích chính sách, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội.

    - Khái quát chủ chương và chính sách đào tạo của nhà nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội.

    - Thực trạng triển khai việc thực hiện các chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội tại một số trường đại học.

    - Vận dụng và bổ sung nội dung chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội của một số trường đại học.

    - Phân tích việc triển khai thực hiện một số chính sách đào tạo: tuyển sinh, phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực trong đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo; thu thập thông tin từ thị trường lao động qua sinh viên tốt nghiệp và người sử dụng nhân lực được đào tạo.

    - Đề xuất một số khuyến nghị về chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Đề tài giới hạn nghiên cứu vào một số chính sách: tuyển sinh, phối hợp cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng, thu thập thông tin về nhu cầu xã hội; vấn đề đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy.

    Ngoài tổ chức hội thảo với các trường đại học, cơ quan sử dụng lao động, các chuyên gia về lĩnh vực liên quan, khảo sát thực địa chỉ tập trung vào phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình.

    Đơn vị khảo sát: Trường Đại học Thương Mại Hà Nội.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 1/ Nghiên cứu điển hình; 2/ Nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm; 3/ Phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: Đề tài gồm 3 phần

    Phần 1. Một số vấn đề cơ sở lí luận về phân tích chính sách
    1.1. Các khái niệm
    1.2. Phương pháp phân tích chính sách và cách tiếp cận

    Phần 2. Vấn đề chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội ở nước ta hiện nay
    2.1. Vấn đề đào tạo đại học theo nhu cầu xã hội
    2.2. Thực hiện chính sách về đào tạo đại học theo nhu cầu xã hội ở Việt Nam

    Phần 3. Thực trạng vận dụng chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội qua khảo sát tại Trường Đại học Thương mại Hà Nội
    3.1. Một số thông tin về địa bàn khảo sát
    3.2. Thực trạng việc vận dụng chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội
    3.3. Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị từ các bên liên quan

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã làm rõ các khái niệm về chính sách, nghiên cứu chính sách, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội; khái quát chủ trương và chính sách đào tạo của nhà nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội.

    Đề tài đã đánh giá được thực trạng triển khai việc thực hiện các chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Đại học Thương Mại Hà Nội, từ đó đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị về về chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Phía trường đại học đã bước đầu có nhận thức đúng đắn hơn về đào tạo theo nhu cầu xã hội, chuyển từ tư duy “đào tạo những thứ nhà trường có” sang “đào tạo những thứ xã hội cần”, thực hiện công khai trước xã hội về chất lượng đào tạo.

    Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách này, tiến hành các hội thảo, hội nghị, xây dựng quy hoạch phát triển, thành lập các cơ quan, tổ chức đáp ứng việc đào tạo theo nhu cầu xã hội.

    Hệ thống giáo dục đại học cùng với quá trình phát triển của mình theo nhu cầu đổi mới kinh tế xã hội đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội về nguồn nhân lực có chất lượng, Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng mới được quan tâm gần đây thông qua việc xây dựng các văn bản, chuẩn đánh giá chất lượng, đánh giá giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý, kiểm định trong và ngoài

    Các doanh nghiệp đã nhận thức và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong đào tạo theo nhu cầu xã hội thông qua các quan hệ hợp tác ở nhiều khía cạnh.

    Các vấn đề liên quan đến quá trình đào tạo như: chương trình, phương pháp, nội dung giảng dạy, phương thức đánh giá đã bước đầu đổi mới theo hướng tiếp cận với thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của xã hội về sản phẩm đào tạo.

    Quá trình vận dụng chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội tại trường đại học gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến vấn đề thiếu khả năng tự chủ về nội dung chương trình, kinh phí, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách.v.v.

    Chủ trương, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm, song về hệ thống văn bản chính sách còn chưa đồng bộ, cụ thể, việc thực hiện chủ trương mới dừng lại ở “bề nổi”.

    Cần có sự tham gia, nhận thức đầy đủ hơn nữa từ xã hội, cộng đồng, các đối tác xã hội khác nhau trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực cho hội nhập và phát triển.

    Khuyến nghị

    Với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo:

    - Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý giáo dục đại học theo hướng trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở giám sát, đánh giá và điều chỉnh từ phía nhà nước.

    - Nhà nước, cơ quan quản lý cần đưa chủ trương liên kết trường đại học và các doanh nghiệp vào chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và thực hiện triển khai rộng khắp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới cơ chế, tạo điều kiện các trường có thể thu hút được doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của nhà trường như tăng kinh phí cho các đề tài, dự án hợp tác với doanh nghiệp hoặc có sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn, tổ chức hội thảo với sự tham gia từ doanh nghiệp, trường đại học.

    - Tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học về cơ sở vật chất, tài chính.

    - Tạo cầu nối thông tin giữa cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và thị trường lao động về thông tin đào tạo, nhu cầu đào tạo, dự báo cung cầu nguồn nhân lực các ngành.

    Với các trường đại học:

    - Đổi mới tư duy, phương thức quản lý trường đại học nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về hoạt động đào tạo.

    - Xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ về chất lượng đào tạo, điều tra, khảo sát về việc làm của sinh viên và những nhu cầu của thị trường/xã hội về nhân lực và các hoạt động đào tạo.

    - Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận thực tiễn, tăng cường tính ứng dụng đáp ứng trực tiếp các nhu cầu xã hội. Có cơ chế phản hồi, đánh giá từ phía người học, cơ sở sử dụng nhân lực, các chuyên gia thực tế nhằm đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt là các kỹ năng, tri thức, năng lực cần thiết đối với sản phẩm đào tạo.

    - Coi doanh nghiệp như là những khách hàng đặc biệt, vừa tham gia tiêu dùng, vừa tham gia sản xuất. Các trường đại học cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong việc đào tạo nhằm tranh thủ những nguồn lực, trí lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo: đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, tiếp cận thực tiễn, tiếp nhận sản phẩm đào tạo.v.v.

    - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng các yêu cầu mới của giáo dục đại học hiện nay. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích việc nâng cao chất lượng thông qua đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bồi dưỡng. Xây dựng các cơ chế thu hút và sử dụng nhân tài hợp lý từ nhiều nguồn khác nhau; Tăng cường trao đổi hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học, qua đó nâng cao năng lực, khả năng thích ứng và học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài nhằm vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

    - Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các mô hình, sáng kiến đào tạo theo nhu cầu xã hội, giúp người học tiếp cận thực tiễn, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.v.v.

    Với các cơ quan nghiên cứu:

    - Đẩy mạnh hơn nữa các chủ đề nghiên cứu về vấn đề chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội từ phía nhà nước, nhà trường, người học, doanh nghiệp, xã hội.v.v. Vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các đối tác có liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.

    - Thực hiện các nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục đại học một cách toàn diện, trên cơ sở đó xác định hiệu quả chính sách để đổi mới và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển.

    - Tham mưu với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến các chính sách, chủ trương về đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội đối với các cơ sở đào tạo đại học.

    - Nghiên cứu, tổng kết các mô hình, sáng kiến kinh nghiệm của các trường đại học, từ đó nhân rộng và phát triển ở phạm vi quốc gia.

    - Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn trong nước về mối liên hệ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực giữa cơ sỏ đào tạo với các doanh nghiệp/thị trường lao động.

    Với người học:

    - Nâng cao nhận thức về vai trò trung tâm trong quá trình đào tạo, chủ động trong học tập, tiếp thu tri thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động

    - Tích cực, chủ động tham gia học tập, tự học tập, nghiên cứu, đổi mới cách học, phương pháp học tập phù hợp với yêu cầu mới.

    - Tham gia các hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm các thông tin liên quan đến ngành nghề đào tạo, các kỹ năng cần đạt và cách thức học tập phù hơp.

    - Tích cực tham gia đóng góp, phản hồi về phương pháp dạy học, nội dung chương trình đào tạo, đánh giá giảng viên tại trường đại học.

    Với doanh nghiệp:

    - Các doanh nghiệp cần nhìn nhận các trường đại học là một động lực của phát triển kinh tế, cần xác định đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với cơ sở đào tạo đại học để có sự phối hợp, liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp.

    - Chủ động hoạch định nhu cầu về nguồn nhân lực, thường xuyên trao đổi thông tin với nhà trường về nhu cầu đào tạo, các lĩnh vực quan tâm đến nguồn nhân lực, các kỹ năng, năng lực cần thiết.

    - Cung cấp giảng viên đào tạo thực tế, tham gia góp ý xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế, cung cấp học bổng, hỗ trợ thực hành và tài trợ các chương trình thực tế cho các trường, phối kết hợp với giảng viên trong nghiên cứu, tư vấn, chuyên giao và phổ biến công trình nghiên cứu. Cùng với trường đại học xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của từng vị trí công việc trên thị trường lao động.

    - Tham gia cùng với nhà trường tổ chức các diễn dàn nghề nghiệp, tuyển dụng, quảng bá thông tin tuyển dụng, đặt hàng trường đại học trong việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, trao đổi các lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ.

    Từ khóa: 1/ Chính sách đào tạo; 2/ Đào tạo theo nhu cầu xã hội; 3/ Giáo dục đại học.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...