Nghiên cứu biên soạn tài liệu về bảo vệ môi trường biển, đảo cho giáo viên và học sinh cấp tiểu học

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: B2010 - 37 - 66MT (Nhiệm vụ nghiên cứu)
    Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Nguyễn Tuyết Nga
    Các thành viên tham gia: ThS. Phan Thanh Hà
    TS. Văn Lệ Hằng
    ThS. Nguyễn Thi Chi
    ThS. Trương Xuân Cảnh
    ThS. Bạch Ngọc Diệp
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: tháng 08 năm 2010 / tháng 12 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Việt Nam có vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển và ven biển nước ta có vị trí hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh-quốc phòng nên từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến phát triển bền vững biển, vùng ven biển và hải đảo.

    Hiện nay nước ta có khoảng 28 tỉnh/thành phố vùng biển, đảo trên tổng số 63 tỉnh/ thành phố. Trong số những tỉnh, thành phố đó, ở một số nơi môi trường biển đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái. Môi trường vùng nước biển ven bờ đang bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Vì vậy việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng ven biển trong đó có học sinh về bảo vệ môi trường biển, đảo là hết sức cần thiết và cần làm ngay.

    Trong những năm qua giáo dục bảo vệ môi trường nói chung đã được triển khai ở các bậc học từ mầm non đến đại học. Đã có những tài liệu hướng dẫn tích hợp/lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường biển, đảo Việt Nam cho giáo viên và học sinh cấp Tiểu học các tỉnh/thành phố ven biển.

    Ở cấp Tiểu học, các môn học chính khóa hiện nay có rất ít bài có thể tích hợp/lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường biển, đảo Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh các môn học chính khóa thì hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có thể lồng, ghép được nội dung này. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được qui định trong Kế hoạch giáo dục Tiểu học với thời lượng 4 tiết/tháng. Trên thực tế các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường tiểu học khá đa dạng về nội dung cũng như cách thức triển khai nhưng việc tổ chức các hoạt động này còn mang tính tự phát. Từ những lí giải trên cho thấy trong giai đoạn hiện nay, việc đưa giáo dục bảo vệ môi trường biển, đảo ở các trường tiểu học nói chung và đặc biệt với những trường thuộc tỉnh/thành phố ven biển thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là cách làm hợp lý, không gây quá tải cho chương trình học chính khóa, đồng thời đáp ứng được nhu cầu hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh ngày càng cao.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Biên soạn tài liệu cho giáo viên và học sinh nhằm tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường biển, đảo trong nhà trường tiểu học.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Nghiên cứu thực trạng môi trường biển, đảo Việt Nam; Rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cấp tiểu học; Khảo sát thực tế giáo dục môi trường biển, đảo cho học sinh những địa phương ven biển; Biên soạn tài liệu hướng dẫn và tham khảo cho giáo viên và học sinh; Lấy ý kiến và tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo viên sử dụng tài liệu.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Các trường tiểu học tại tỉnh, thành phố ven biển, đảo.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 1/ Hồi cứu tài liệu; 2/ Nghiên cứu lý luận và thực tiễn; 3/ Phương pháp chuyên gia; 4/ Xử lý tư liệu và biên soạn tài liệu; 5/ Phương pháp điều tra khảo sát.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 6 phần

    Phần 1. Cơ sở khoa học của việc biên soạn tài liệu
    1.1.Một số khái niệm và quan niệm cơ bản
    1.2. Một số nét về hiện trạng môi trường biển, đảo Việt Nam
    1.3. Thực tế triển khai hoạt động ngoài giờ lên lớp ở trường tiểu học

    Phần 2. Nguyên tắc xây dựng tài liệu
    2.1. Đảm bảo đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và mục tiêu giáo dục bảo vệ môi trường biển đảo
    2.2. Lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm tâm lí và trình độ nhận thức của học sinh tiểu học
    2.3. Đảm bảo phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và phương pháp trình bày sách tham khảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và sự phát triển của đối tượng học sinh tiểu học
    2.4. Chú trọng các vấn đề thực hành
    2.5. Chú trọng những tình huống giáo dục bảo vệ môi trường biển đảo tác động đến đạo đức môi trường của học sinh

    Phần 3. Tổ chức biên soạn tài liệu
    3.1. Tập hợp chuyên gia chuyên môn
    3.2. Quán triệt mục đích, nội dung và phương pháp biên soạn tài liệu
    3.3. Chuẩn bị chất liệu để biên soạn
    3.4. Biên soạn tài liệu

    Phần 4. Cấu trúc, nội dung và hướng dẫn sử dụng tài liệu
    4.1. Với tài liệu giáo viên
    4.2. Với tài liệu hoc sinh

    Phần 5. Tổ chức lấy ý kiến
    5.1. Với tài liệu học sinh
    5.2. Với tài liệu giáo viên

    Phần 6. Tổ chức tập huấn giáo viên thí điểm tại Quảng Bình

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã cung cấp cẩm nang hướng dẫn giáo viên, giúp giáo viên thực hiện hiệu quả giáo dục về bảo vệ môi trường biển, đảo trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp;

    Đề tài cung cấp tài liệu tham khảo cho học sinh về giáo dục bảo vệ môi trường biển, đảo gắn với nội dung giáo dục của nhà trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học; giúp học sinh làm giàu kiến thức, hiểu biết về môi trường và bảo vệ môi trường biển đảo, ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ môi trường biển đảo; tạo sự chuyển biến về thái độ và hành vi ứng xử thân thiện đối với môi trường biển đảo.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Đề tài đã phân tích được nhu cầu, sự cần thiết phải biên soạn tài liệu về bảo vệ môi trường biển đảo cho giáo viên và học sinh cấp tiểu học các tỉnh, thành phố ven biển; đã phân tích các căn cứ xây dựng tài liệu; xây dựng nguyên tắc biên soạn tài liệu và xác định mục đích biên soạn tài liệu cho GV và HS.

    Tài liệu giáo viên không những cung cấp cho giáo viên những thông tin về biển đảo, phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam một cách hiệu quả mà còn cung cấp cho giáo viên những mô đun tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thiết thực và cụ thể phù hợp với đặc điểm địa phương

    Tài liệu đã tiếp thu được các ý kiến từ chuyên gia, CBQL, giáo viên và HS một số trường tiểu học, đảm bảo mục tiêu, thiết thực phục vụ cho việc triển khai thực hiện GDBVMT biển đảo và là tài liệu tham khảo hữu ích cho HS, GV và những người quan tâm tới GDBVMT biển đảo trong trường tiểu học.

    Khuyến nghị

    Đối với Viện khoa học Giáo dục Việt Nam: Song song với việc tổ chức biên soạn tài liệu in về bảo vệ môi trường biển đảo cho GV và HS, nên đề xuất với Bộ để tiếp tục xây dựng tư liệu tham khảo dưới dạng ‘động’.

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cho phép triển khai thực nghiệm mở rộng hai cuốn tài liệu này ở những nơi có điều kiện và tạo điều kiện cho trường tiểu học thuộc các tỉnh, thành phố ven biển sử dụng tài liệu này như tài liệu tự chọn để tổ chức HĐGD NGLL.

    Đối với các trường tiểu học: Ban giám hiệu cần quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh tiểu học thuộc các tỉnh, thành phố ven biển luôn có ý thức và tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có nội dung GDBVMT biển đảo sao cho có hiệu quả.

    Từ khóa: 1/ Giáo dục bảo vệ môi trường; 2/ Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...