Sách Nghi thức truyền giới Bồ-tát

Thảo luận trong 'Sách Tôn Giáo' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    170
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TỰA

    Kể từ khi đạo Phật truyền vào nước ta, hàng Phật tử tại gia trong bất cứ thời đại nào và hoàn cảnh nào cũng đã có những đóng góp thiết thực trong sứ mạng hộ trì và hoằng dương chánh pháp, song song với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sở dĩ được như thế, là do tinh thần cùng học cùng tu hòa hợp như nước với sữa. Tinh thần ấy càng được củng cố và phát triển thì giáo pháp của Phật càng được phát huy đem lại an lạc cho tất cả mọi người. Giới luật là nền tảng của tinh thần hòa hợp ấy.

    Cũng như trong mọi sinh hoạt của thế gian, mỗi một đoàn thể nào có thể còn tồn tại lâu dài và có thể cống hiến thiết thực cho nhân quần xã hội, ấy là nhờ có một nội quy thích hợp khiến cho các thành viên của nó cùng sống chung hòa hợp và cùng sinh hoạt phục vụ một cách nhịp nhàng. Cũng vậy, giới luật là những nguyên tắc chỉ đạo đời sống và sinh hoạt của Phật tử trong trách nhiệm bản thân và trách nhiệm liên đới giữa xã hội.

    Chính vì lý do đó mà từ ngày đạo Phật được phục hưng thì một trong những công việc quan trọng hàng đầu là tổ chức đời sống hòa hợp của Phật tử tại gia trong nếp sống Lục hòa và Tứ nhiếp pháp, để cùng học cùng tu, cùng hỗ tương sách tấn, để cùng hộ trì và hoằng dương chánh pháp.

    Tuy nhiên, cũng giống như trăm con sông đổ vào biển cả đều trở thành một vị duy nhất; cũng vậy, mọi giai tầng xã hội khi xuất gia trong chánh pháp đều trở thành một tập thể thuần nhất. Trong khi đó, chúng Phật tử tại gia vì trần vụ đa đoan, các sinh hoạt nghề nghiệp khác nhau rất nhiều, vai trò xã hội của mỗi người mỗi khác, do đó điều kiện để hành trì Phật pháp không thể thuần nhất được. Vì vậy đức Phật đã chế nhiều trình độ và nhiều loại giới luật khác nhau cho các chúng đệ tử tại gia. Tựu trung có chúng ngũ giới, chúng thập thiện, chúng bồ tát giới. Nói rộng ra nữa, về chúng bồ tát giới, còn có giới pháp của luật Phạm võng, luật Anh lạc, luật Du già sư địa, luật Thắng man, luật Ưu bà tắc giới kinh v.v . Tùy theo đó, mỗi địa phương và mỗi thời đại, tùy theo phong tục tập quán, tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước mà sự hành trì có khác nhau. Thí dụ ở Nhật Bản, từ thời Thánh Đức Thái tử đã có nghi thọ giới Thắng man mà nước ta và nước Trung Hoa không có tổ chức, mặc dù kinh Thắng man cũng được truyền bá, được giảng giải rộng rãi ở các nơi như nhau.

    Do hoàn cảnh đặc biệt của nước Việt Nam ta và do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trong khoảng hơn một nửa thế kỷ trở lại đây, các giới pháp Thập thiện và Bồ tát tại gia được tổ chức truyền thọ cho người tại gia càng lúc càng nhiều. Căn bản của các học giới này chính do đức Thích Tôn chế định. Nhưng theo đà phát triển của lịch sử xã hội loài người và phạm vi địa lý mà đạo Phật được truyền bá trong đó, các Thánh tăng và các Bồ tát trong từng thời từng xứ có một đôi chỗ châm chước cho thích hợp.

    Ở Việt Nam, để thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh đất nước, hai hệ thống học giới được áp dụng cho Phật tử tại gia, ngoài học giới căn bản là Tam quy ngũ giới. Đó là giới Thập thiện được rút ra từ trong kinh Thọ thập thiện giới và giới tại gia bồ tát được rút ra từ kinh Ưu bà tắc giới.

    Nguyên lai, Thọ thập thiện giới và Ưu bà tắc giới lấy luật tạng Thanh văn làm căn bản. Tức nội dung chủ yếu là thuộc về Nhiếp luật nghi. Nhưng do xu hướng đại thừa ở truyền thống đạo Phật của dân tộc ta, hai hệ thống học giới này ngày nay đang được áp dụng ở nước ta theo xu hướng phát thú đại thừa. Trong đó giới Thập thiện áp dụng như là căn bản của Bồ đề tâm giới, là điểm phát thú đầu tiên có khả năng dẫn đến chỗ thành tựu viên mãn ba tụ tịnh giới của Đại thừa bồ tát.

    Giới tại gia bồ tát căn cứ theo kinh Ưu bà tắc giới được áp dụng như là toàn bộ của ba tụ tịnh giới ấy, lấy phát bồ đề tâm làm nền tảng, lấy bồ tát đạo làm môi trường tiến thủ, lấy Phật thừa làm cứu cánh.

    Do sự áp dụng đặc biệt này mà các nghi thức truyền thọ và bố tát có một vài chỗ châm chước so với nguyên xuất xứ. Đây không phải là việc làm tùy kiến giải cá nhân, mà được y cứ một cách nghiêm túc trên tinh thần truyền thọ và hành trì của các loại học giới với các nguyên tắc chỉ đạo của Luật tạng Thanh văn và luật tạng Bồ tát.

    Tập biên soạn về các nghi thức truyền thọ và bố tát của giới Thập thiện và tại gia bồ tát này, như vậy về nội dung thật sự không phải là một tập sáng tác. Tuy nhiên, nếu có chỗ nào không phù hợp với các nguyên tắc chỉ đạo của Luật tạng, kính mong các bậc Cao tăng thạc đức, uyên thâm luật tạng chỉ giáo cho để nghi thức được áp dụng sẽ trở thành ổn định và phù hợp với căn cơ của Phật tử Việt Nam hơn.

    Quảng Hương già lam, ngày Phật thành đạo

    Phật lịch 2534

    HT. THÍCH TRÍ THỦ
     
Đang tải...